VỎ QUÍT DẦY MÓNG TAY NHỌN.

Chúa nhật 29A Thường niên

 

    Nhiều người sống như chỉ có đời này mà thôi. Họ không cần luân lý. Ngoài vòng lễ giáo trở thành nếp sống thời đại. Hạnh phúc cá nhân là ưu tiên số một. Tất cả trở thành phương tiện. Mọi giá trị tinh thần phản lại hạnh phúc đó đều  bị loại trừ.  Nằm sâu trong thâm tâm họ là niềmï xác tín:

 Thượng Đế chết rồi còn lại ta,
  Còn cụm tre xanh trái đất già.
  (Huy Cận)

    Đã đến lúc phải nhìn vào những hiện tượng xã hội đáng ái ngại hôm nay để thấy Lời Chúa quan trọng tới mức nào trong nếp sống và suy tư của chúng ta.

CAO TAY ẤN

    Đức Giêsu phải trực diện với một  vấn đề khó xử: "Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không ?" (Mt 22:17)  Khó xử vì hoàn cảnh dân Chúa lúc đó đang bị đặt dưới ách đô hộ của đế quốc Rôma. Lòng dân căm thù đế quốc. Những người Pharisêu vẫn tự hào đứng về phía dân quyết không đội trời chung với bọn tay sai đế quốc như phe Hêrôđê. Vậy mà họ vẫn không ngần ngại cấu kết  với nhau trong âm mưu hạ bệ uy tín Đức Giêsu. Nhưng vỏ quit dầy có móng tay nhọn. Đức Giêsu đã khéo léo tránh cạm bẫy. Người không trả lời trực tiếp vấn nạn họ nêu lên.

    Chính nhờ cách tránh né thông minh như thế, Đức Giêsu nêu bật một khuôn vàng thước ngọc cho hậu thế. Thay vì trả lời, Đức Giêsu lại chất vấn bọn người nham hiểm và giả hình đó. Họ đã bị sập bẫy khi Chúa như truyền lệnh : "Đưa đồng tiền nộp thuế cho tôi coi" (Mt 22:19). Họ đã ngoan ngoãn đưa ra đồng tiền đó. Nhìn thẳng vào mặt họ, Chúa hỏi : "Hình và danh hiệu này  là của ai đây ?" (Mt 22:20)  Họ ngây thơ trả lời : "Của Xêda" (Mt 22:21). Đến đây mọi sự vẫn bình thường, chưa có gì đặc biệt. Nhưng khi Chúa hạ giọng: "Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" (Mt 22:21), mới thấy phân thắng bại và khiến "họ ngạc nhiên" (Mt 22:22)

    Họ ngạc nhiên vì Đức Giêsu không dừng lại ỡ lãnh vực chính trị, nhưng mở rộng tới chiều kích tôn giáo. Thiên Chúa và thế quyền không nằm trên một bình diện. Trái lại Thiên Chúa siêu vượt  và bao trùm toàn thể vũ trụ. Thế quyền chỉ là một điểm nhỏ trong vũ trụ bao la đó. Nhưng con người luôn phải đặt trước một lựa chọn giữa nhiều giá trị khác nhau. Chính vì thế con người dễ lệ thuộc hoàn cảnh và chìm vào bến mê. Trần thế với bao quyền lực hào nhoáng có thể làm con người lãng quên nguyên ủy cuộc sống là chính Thiên Chúa.

    Thiên Chúa có những quyền lợi bất khả xâm phạm. Quyền lợi ấy in sâu vào tâm khảm con người. Bởi đó khinh thường quyền lợi đó, thế quyền xâm phạm tới chính con người.  Thực tế Thiên Chúa không có những quyền lợi đối nghịch với con người. Con người là chi trước một Thiên Chúa vô cùng giàu có như vậy?  Con người có chi mà không bởi Thiên Chúa ?  Chỉ tại con người tự thần thánh hóa mới lầm tưởng mình ngang bằng Thiên Chúa. Thực tế nhiều khi con người cố tạo ra những mâu thuẫn giả tạo để phục vụ cho quyền lợi ích kỷ và mau qua mà thôi.

    Bởi thế ngang qua những mâu thuẫn hôm nay, chúng ta thử phân tích để thấy con người đã biết trả về Thiên Chúa những gì của Thiên Chúa hay chưa.   Hình như tâm trí con người ngày càng xa ý thức về quyền lợi Thiên Chúa trong cuộc sống và cảnh vực của mình. Bởi đó những xáo trộn mới vượt ngoài tầm kiểm soát của con người.

 

NHU CẦU TÔN GIÁO

    Quyền lợi Thiên Chúa chính là đối tượng khát vọng tôn giáo của con người.   Nhưng hình như nhiều người làm lơ trước nhu cầu lớn lao đó. Bởi đó vô thần đã thành hiện tượng. Thái độ lãnh đạm với tôn giáo đã phổ biến khắp Aâu Mỹ.   Chính công đồng Vatican 2 đã phải thốt lên : "Ngày nay, càng ngày càng có nhiều người bỏ không thực hành đạo nữa" (MV, s.7). Bên Pháp tác giả Serge Lafitte ghi nhận trong vòng 8 năm từ 1986 đến 1994, số người tự nhận có tín ngưỡng nhưng không theo tôn giáo tăng từ 15% tới 23%, số người không tín ngưỡng tăng từ 14% tới 19%, mặc dầu ‘số người tự xưng vô thần thực sự không gia tăng. Tình trạng bên Đông Đức càng thê thảm : 70% không hề được rửa tội, và đại đa số 30% dân chúng theo Tin Lành nhưng không sống đạo bao nhiêu, chỉ có 5% Công giáo (trích Trần Đức Anh:1999).

    Quyền lợi Thiên Chúa ở đâu trong xã hội với những con người như thế ?  Năm 1985, Rôma còn cho thấy hiện tượng lãnh đạm với tôn giáo nổi bật tại Ý (59%), Pháp (25%).   Ngay tại nước Ý chỉ có 15%, Pháp 16%, Quebec 38% người Công giáo đi lễ Chúa nhật (Dictionary of Fundamental  Theology:897-898)   Tại sao có những hiện tượng ấy ?
    Người lạc quan nhất cũng không thể không thấy vấn đề trầm trọng. Những gì thuộc về Thiên Chúa đang bị cướp mất khỏi vòng tay Thiên Chúa chăng ?   Phong trào tục hóa đã thành công trong việc trục xuất Thiên Chúa khỏi lòng người rồi hay sao ?  Lạnh đạm với tôn giáo phải chăng chỉ là một thái độ cá nhân hay đã trở thành một hiện tượng văn hóa ?

    Nếu chỉ là một thái độ cá nhân, nó qua đi rất mau. Vì năm 1950, chính nhà tâm lý học Carl Gustav Jung đã nói : "Trong số tất cả các bệnh nhân của tôi, từ tuổi trung niên, nghĩa là sau 35, dứt khoát người nào cũng có một thái độ tôn giáo" (Paul Cardinal Poupard:1989).  Nghĩa là rất hiếm người giữ mãi một thái độ lãnh đạm tôn giáo. "Người ta đang có khuynh hướng trở lại với một đời sống đầy ắp những giá trị tôn giáo, một ước muốn tái khám phá cội nguồn tôn giáo." (Paul Cardinal Poupard:1989)  Chính vì thế chúng ta không vội bi quan trước những cảnh quyền lợi Thiên Chúa đang bị xâm phạm. Bao lâu con người còn là con người, Thiên Chúa vẫn là một nhu cầu không thể thiếu vắng trong cuộc đời. Nói khác, "nhu cầu cần có Thiên Chúa đang  tái sinh trong tâm hồn con người" (Paul Cardinal Poupard:1989).

    Nhưng nếu thái độ lãnh đạm tôn giáo đã ăn sâu vào văn hóa, vấn đề trở thành trầm trọng hơn nhiều. Lúc đó con người như chìm ngập vào trong một môi trường không còn nghe thấy khát vọng chân lý trong lòng, không còn những bận tâm tôn giáo, hoàn toàn chìm ngập trong tiếng động của máy móc, hay tiếng nhạc buồn nôn. Con người không còn giờ suy nghĩ về những hoạt động của mình. Bởi đó, như Didier Piveteau đã nói : "Tất cả mọi nỗ lực nhằm thức tỉnh giới trẻ và truyền lại cho họ các giá trị đều vô hiệu. Chúng ta tìm cách trả lời cho họ những vấn đề họ không bao giờ hỏi." (Dictionary of Fundamental Theology:900)  Nghĩa là lãnh đạm với tôn giáo trở thành mốt thời đại. Người ta hãnh diện vì mình sống ngoài vòng chi phối của tôn giáo, không cần đi lễ hay sống theo những đòi hỏi luân lý v.v.

    Trước những khó khăn như thế, chắc chắn phải huy động trên một quy mô rộng lớn hơn mới mong trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa.  Hơn lúc nào hết giáo dân cần được học hỏi nhiều hơn về nhu cầu tinh thần của thời đại và cần  đào sâu hơn kiến thức về Thiên Chúa và Hội Thánh. Cần xét lại đường lối mục vụ để đáp ứng kịp thời nhu cầu tinh thần thời đại. Làm như thế mới giựt lại quyền lợi cho Thiên Chúa, vì quyền lợi Thiên Chúa chính là hạnh phúc con người vậy.

 

Lm. Đỗ vân Lực, OP


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A