SỨC
MẠNH GIẢI THOÁT
Lễ Chúa Kitô Vua
Con người vẫn còn là một mầu nhiệm. Câu trả lời không thể tìm thấy trong những nỗ
lực khoa học hay triết học. Trái lại, mầu
nhiệm con người chỉ có thể được mạc khải trong chính mầu nhiệm Con Thiên Chúa
ĐỨC GIÊSU LÀ AI ?
Không thể tìm được câu trả lời dứt khoát
cho vấn nạn lớn lao này. Nếu nói Đức Giêsu là vua cũng không sai. Vì còn hình ảnh
nào ngoạn mục bằng “khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các
thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người” (Mt
25:31). Nhưng nếu nói Người là kẻ khố rách áo ôm cũng chẳng xa thực tế. Vì Người
đã đồng hóa với những người bần cùng (x. Mt 25:40).
Làm sao có thể thấy nét hoàng gia quý phái
của Đức Giêsu trong những cảnh tồi tàn, đói rách của anh em nghèo khổ ?
Nhưng nếu không thấy được như thế, chúng ta dễ bị mù quáng vì những cám dỗ hời
hợt bên ngoài. Chắc chắn từ cái nhìn thiên lệch ấy, chúng ta sẽ có những hành động
bất công đối với chính Chúa. Do đó thật không phải dễ khi muốn phóng một cái
nhìn vượt trên hoàn cảnh.
Chính đức tin sẽ cho phép chúng ta vượt
trên hoàn cảnh để nhìn vào tận giá trị đích thực của tha nhân. Một cái nhìn như
thế mang đầy tính cánh chung. Không thể dừng lại ở những nét bên ngoài để đánh
giá anh em. Chính cái nhìn ấy sẽ cho thấy không phải Đức Giêsu trong anh em, nhưng
anh em chính là Đức Giêsu ta phải phục vụ. Tùy phương cách và mức độ phục vụ,
ta sẽ thấy rõ dung nhan Đức Giêsu nơi anh em.
Đức tin biến đổi không những nội tâm, nhưng
cả hành động nữa. Chính vì vậy, khi thúc đẩy chúng ta hành động, Đức Giêsu không
nói theo lối dụ ngôn nữa, nhưng nói rất thực tế và cụ thể. Người nhấn mạnh tầm
quan trọng phải hành động cho anh em nghèo khổ đến nỗi đã không ngần ngại lặp lại
tư tưởng nhiều lần. Có ý thức được tầm
quan trọng ấy, mới cố gắng thực hiện tất cả những gì đức tin gợi lên. Không
có đức tin ấy, rất khó coi người nghèo như anh em. Càng khó hơn nữa khi thi hành mệnh lệnh Chúa
để đáp ứng nhu cầu anh em. Bởi đấy, vấn đề không phải là phục vụ bao nhiêu, nhưng
là phục vụ như thế nào. Nếu coi họ như Chúa, chúng ta có dám đối xử với họ như
vẫn thường đối xử không ? Nếu không nhìn thấy Chúa trong những anh
em nghèo khổ như thế, chúng ta có đủ động lực thi hành những việc bác ái cần
thiết cho “những anh em bé nhỏ nhất” (Mt 25:40) hay “những người bé nhỏ nhất”
(Mt 25:45) không ? Trong việc bác ái,
không còn phân biệt được biên giới đâu là Chúa đâu là tha nhân. Cả hai đối tượng như quyện tròn lấy nhau, đến
nỗi bên này không thể thiếu vắng bên kia. Cả hai làm thành hai mặt của một đồng
tiền, đồng tiền cần thiết để vào Nước Trời.
DẤN THÂN
Sắm được đồng tiền ấy, không đòi những hành
động anh hùng. Chung quanh ta và hằng ngày ta vẫn tiếp xúc với Chúa
hiện thân nơi những người đói khát, trần truồng, tù đầy, đau yếu, mất nhà cửa,
người thân v.v. Đối tượng phục vụ quá rõ
ràng. Xã hội hôm nay còn có những người cần được phục vụ như những người
nghiện xì ke, ma túy, những trẻ em mồ côi, bụi đời, những người bị bỏ rơi, những
người mắc bệnh liệt kháng v.v. Đó là nạn nhân của những cơ chế bất công và
những lối sống ích kỷ. Chúng ta không còn
phải thắc mắc “ai là anh em tôi ?” (Lc 10:29), nhưng cần biết phải làm gì và ở đâu
cần chúng ta phục vụ. Không ai bị gạt ra
ngoài đối tượng tình yêu và chúng ta phải phục vụ bất cứ ai trong khả năng của
mình (x. New International Version:1991) một cách vô điều kiện.
Phục vụ như thế tức là chuẩn bị đón Chúa
trở lại trong vinh quang. Phục vụ đã trở thành một hành vi cứu độ. Không thể
trì hoãn tới ngày mai, nhưng phải làm ngay hôm nay (x.Fahey:1994). Ngày mai luôn
luôn quá trễ. Trong việc phòng chống bệnh dịch cho đồng bào nạn nhân bão lụt chẳng
hạn, nếu cứ trì hoãn, bao nhiêu sinh mạng sẽ phải hi sinh ? Lấy gì bù lại
sự mất mát đó ?
Công cuộc từ bi bác ái không thể tùy thuộc
tài sản, khả năng hay trí thông minh, cũng không thể ỷ lại vào giáo hội hay
chính phủ, nhưng đòi cá nhân phải dấn thân lo cho nhu cầu tha nhân (x. New
International Version:1991). Không gì có thể thay thế cho việc dấn thân đó. Đó
là nền tảng mọi giá trị. Vì chính nơi cá nhân mỗi người, Đức Giêsu gặp gỡ những
người nghèo khổ, bệnh tật. Đó là nguồn hứng khởi phục vụ.
Phục vụ là công việc của người yếu thế,
không xứng đáng với những người chức cao quyền trọng. Nhưng đối với môn đệ Chúa
Kitô, “sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12:9). Phục vụ chính là chia sẻ vương quyền với Đức
Giêsu, Đấng “đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng làï để phục vụ, và
hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:45). Phục vu chính là sức
mạnh cứu độ. Nói khác, phục vụ giúp ta vượt qua giới hạn trần gian để vươn tới
chiều kích Thiên Chúa.
Nhưng muốn đạt tới chiều kích Thiên Chúa
trong việc phục vụ, chúng ta không thể quanh quẩn với những nỗ lực và quan tâm
cá nhân. Trái lại, ngay cả khi phục vụ, Đức Giêsu cũng luôn liên kết với Chúa
Cha và Thánh Linh. Bởi thế nỗ lực cá nhân cần phải được nhân lên thành sức mạnh
cộng đoàn. Chẳng hạn nếu không liên kết thành một khối, làm sao chúng ta có sức
mạnh trấn át được bạo vũ cuồng phong. Chỉ trong thế liên kết để phục vụ anh em
nghèo khổ, chúng ta mới đạt tới chiều kích sung mãn trong Thiên Chúa. Đức Giêsu luôn hiện diện và đang kêu gào trong
từng anh em đau khổ đó. Chúng ta hãy cố
gắng phục vụ để chia sẻ vương quyền với Người, vì vương quyền Người chỉ tỏ hiện
và hoàn thành trong việc phục vụ. Vương quyền Người bao trùm toàn thể vũ trụ, nên
chúng ta càng vững tin và tràn hi vọng khi đến với anh em nghèo khổ. Khi vinh
quang Chúa xuất hiện trước mặt muôn dân, chúng ta sẽ thấy tất cả ý nghĩa của việc
phục vụ hôm nay.
Sở dĩ hôm nay con người ngày càng mất dần
tinh thần phục vụ, vì trong xã hội đang có “những khuynh hướng phủ nhận hay lãng
quên tính cách duy nhất của bản chất và ơn gọi con người như những tạo vật được
dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Khi áp
dụng vào cuộc sống, các tài nguyên kỹ thuật đã bỏ qua những thông số căn bản và
các tiêu chuẩn nhân chủng và luân lý in sâu vào chính bản tính con người.” (ĐGH
Gioan Phaolô II : Zenit 19/11/2002) Đó
là lý do tại sao con người không còn được phục vụ đúng mức. Nếu nhìn thấy Đức Giêsu nơi người anh em nghèo
khổ, chắc chắn sẽ có đủ nghị lực phục vụ và dư sức mạnh thắng lướt những cám dỗ
thời đại.
Muốn nâng cao tinh thần phục vụ nơi các
bạn trẻ hôm nay, phải trả lời được câu hỏi căn bản : “Con người là ai ?” Muốn giải đáp vấn nạn căn bản đó, cần có một
“kế hoạch văn hoá theo chiều hướng Kitô giáo để đem lại cho công cuộc Phúc âm
hoá một chiều kích văn hoá sâu sắc và mãnh liệt.” (ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit
19/11/2002) Có thế, mọi người mới thấy
rõ nhân phẩm là nguyên lý xây dựng xã hội và văn minh nhân bản đích thực. Nhờ thế, Giáo hội có thể góp phần xây dựng
những giá trị văn hoá thời đại và làm cho những giá trị trong kho tàng văn hoá
và tinh thần, nguồn tài nguyên trước tiên của các quốc gia, khỏi lâm vòng nguy
hiểm (x. ĐGH Gioan Phaolô II : Zenit 19/11/2002). Đó là phương cách Giáo hội phục vụ con người.
Có phục vụ như thế, Giáo hội mớiø làm cho mọi người nhận biết vương quyền Đức
Kitô như một sức mạnh giải thoát nhân loại.
Lm. Đỗ Vân Lực, OP