Chúa Nhật 2 Mùa Phục Sinh Năm A
Niềm tin vào việc Chúa sống lại phát xuất từ những sự kiện không
chối cãi được
(Cv 2,42-47; 1P 1,3-9; Yn 20,19-31)
Phúc Âm: Yn 20, 19-31
"Tám ngày sau Chúa
Giêsu hiện đến".
Vào buổi chiều ngày thứ nhất
trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái,
Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các
con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy
giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng:
"Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con".
Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy
Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai,
thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma
gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác
đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói
với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu
tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn
Người, thì tôi không tin".
Tám ngày sau, các môn đệ lại
họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín,
Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn
Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy
đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy
tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!"
Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin.
Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".
Chúa Giêsu còn làm nhiều
phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng
các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con
Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Suy Niệm:
Chúa Nhật II Phục Sinh
Cv 2,42-47; 1P 1,3-9; Yn
20,19-31
Chúng ta đã có thể nhận thấy
vì sao Phụng vụ hôm nay lại đọc cho chúng ta đoạn Tin Mừng vừa nghe. Bởi vì hôm
nay là ngày thứ 8 sau lễ Phục sinh; thế mà 8 ngày sau khi sống lại Chúa đã hiện
ra đặc biệt cho Thôma.
A. Bài Tin Mừng Yoan
Câu chuyện về người Tông đồ
này, chúng ta đã từng nghe biết. Và khi muốn chế nhạo ai, nhiều khi chúng ta
bảo họ cứng lòng tin như Thôma. Nhưng thật sự, Thôma vẫn là một vị thánh Tông
đồ và người đáng kính phục hơn chúng ta tưởng. Ít nhất người cũng hơn chúng ta
nhiều. Theo Tin Mừng Yoan, Thôma là vị Tông đồ có suy nghĩ sáng sủa và nhiệt
tình quả cảm. Khi Ðức Yêsu nói với các môn đệ rằng: con đường Người đi, sau này
họ cũng sẽ đi. Thôma liền thưa: nhưng chúng con không biết Thầy đi đâu thì làm
sao biết được đường lối của Thầy? (14,5). Nhưng dù vậy, khi thấy Chúa dứt khoát
muốn lên Yêrusalem, không kể chi đến những nguy hiểm đang chờ, Thôma đã bảo anh
em: Nào cả chúng ta nữa hãy lên Yêrusalem chịu chết với Người. Một tính tình
như vậy chỉ đáng khen, chứ có gì là đáng chê.
Riêng trong câu chuyện hôm
nay, thoạt tiên Thôma có vẻ như là người Tông đồ duy nhất không muốn tin việc
Chúa sống lại. Ðó chỉ là lối thuật truyện của tác giả Tin Mừng thứ tư. Những
sách Tin Mừng khác cho biết lúc đầu nhiều môn đệ không muốn tin như vậy. Nhưng
Yoan khi kể chuyện thích nói đến "một" người để làm nổi bật ý nghĩa
lên. Ông có lý để chọn Thôma vì người Tông đồ này, như ta đã nói, có óc suy
nghĩ sáng sủa. Những môn đệ khác đã được thấy Chúa; còn ông, ông cũng muốn được
hân hạnh đó, nếu có thể được. Và hơn nữa, ông muốn có bằng chứng xác thực hơn
kiểu cách anh em mô tả. Ông muốn được mắt thấy tay sờ. Yoan mô tả thái độ của
ông như vậy để khẳng định rằng: niềm tin của các Tông đồ vào việc Chúa sống lại
căn cứ vào những cơ sở thật chắc chắn.
Ðó là chủ đích của cả đoạn
Tin Mừng Yn 20. Từ đầu chí cuối, tác giả muốn nhấn mạnh: niềm tin vào việc Chúa
sống lại phát xuất từ những sự kiện không chối cãi được. Yoan và Phêrô chỉ tin
sau khi đã thấy mồ trống và các khăn liệm xác. Maria Magđala chỉ nhận ra Thầy
đã sống lại sau khi nghe rõ tiếng Thầy gọi tên mình. Mọi Tông đồ khác, kể cả
Thôma, con người có suy nghĩ sáng sủa, cũng chỉ công nhận Chúa đã phục sinh khi
đã nhìn thấy Người. Ðức tin của các Tông đồ có cơ sở chắc chắn. Họ thật là các
chứng nhân của việc Chúa sống lại.
Thành ra kết câu chuyện về
Thôma cũng giống như chuyện về Maria Magđala. Cả hai đều vắng mặt khi những
người khác được "ơn". Ðiều ấy thúc đẩy họ khao khát được ơn lớn hơn.
Và quả thật, Chúa đã thưởng công những tâm hồn cậy tin. Maria đã được hơn Yoan
và Phêrô vì Chúa đã hiện ra với bà và thân mật dịu dàng gọi tên bà. Thôma cũng
vậy, ông được Chúa hiện ra cho một mình ông, nếu ta nói được như thế.
Còn câu Chúa nói: "Bởi
thấy Ta, con đã tin; phúc cho những ai không thấy mà tin", không thể làm
Thôma buồn, vì ông thuộc thế hệ các Tông đồ, những người đã thấy và đã tin. Ai
dám bảo thế hệ ấy không có phúc? Chính Chúa đã có lần nói với họ: Phúc cho
chúng con vì được xem thấy, nghe thấy bao điều mà các tiên tri vua chúa không
được thấy và nghe. Họ có phúc vì đã thấy và đã tin, đang khi có bao kẻ cũng
thấy mà không tin. Ðức tin không chỉ căn cứ vào những điều đã thấy. Bọn Biệt
phái có mắt mà như mù. Nên Thôma đã thấy và đã tin, thì đã có phúc rồi. Và chắc
chắn niềm vui của ông thật đã to lớn khi thấy Chúa hiện ra và nói với mình. Câu
nói kia không nhắm ông nữa, nhưng hướng về độc giả sách Tin Mừng và chúng ta
hết thảy. Chúng ta không thuộc thế hệ những người mắt thấy, mà chúng ta tin,
thì chúng ta là những người có phúc. Có phúc vì đã được ơn Chúa ban, vì đức
tin, cuối cùng, là ơn ban của Chúa. Người ban cho những ai Người đã tiền định.
Chính cái phúc đó mà chúng ta phải suy nghĩ bây giờ theo lời thư 1 Phêrô.
B. Bài Thư Phêrô
Tác giả bắt đầu bằng lời
chúc tụng Thiên Chúa vì nghĩ đến hạnh phúc mình đã được với tư cách là tín hữu.
Quả vậy, chỉ vì lòng thương lớn lao mà Người đã ban cho tất cả chúng ta được ơn
tái sinh nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô Phục sinh từ cõi chết. Chúng ta đâu đã thấy
Người, thế mà chúng ta vẫn mến tin Người. Do đâu vậy, nếu không phải do lòng
thương xót lớn lao của Người? Chính lòng thương xót ấy đã ban Ðức Kitô cho
chúng ta, đã để Người chết cho chúng ta và đã phục sinh Người từ kẻ chết cho
chúng ta. Tất cả những việc lớn lao đó nằm trong kế hoạch tình yêu muốn cho
chúng ta được ơn tha thứ tội lỗi và trở nên nghĩa tử trong Ðức Kitô, khiến
chúng ta được trông đợi hồng phúc lớn lao bất diệt sau này. Sánh với phúc lộc
ấy, những đau khổ ở đời này có là chi? Ðó chỉ là tạm bợ và rơm rác làm cho vàng
sáng tỏ. Thế nên chúng ta hãy giữ vững niềm tin, nhìn vào Ðức Kitô sống lại
trong vinh quang mà chắc chắn vào tương lai rực rỡ đang chờ mình. Hạnh phúc ở
ngay trong niềm tin ấy.
Như vậy bài thư Phêrô đã
tiếp nối bài Tin Mừng Yoan, cho chúng ta thấy hạnh phúc của mình khi tin Ðức
Kitô sống lại và dùng niềm tin ấy khuyến khích chúng ta trong cuộc đời phấn đấu
ở trần gian. Nhưng thật lầm tưởng khi suy nghĩ việc Chúa Phục sinh nguyên trong
tương quan với mình mà thôi. Khi nói với Thôma: phúc cho những ai không thấy mà
tin, Chúa sống lại gián tiếp ngỏ ý muốn có những người như vậy; nghĩa là Thôma
và các Tông đồ phải đi tìm những người như thế. Người cũng đã dạy Maria, khi đã
nhận ra Người sống lại, hãy đi báo tin cho các môn đệ. Niềm tin phục sinh bao
hàm sứ điệp truyền giáo. Ðức tin của những người đã thấy làm cho những kẻ không
thấy mà tin. Những kẻ này có phúc qua trung gian những người trên. Chúng ta nay
được phúc lộc nhờ lời giảng của các Tông đồ. Và tác động của các Ngài tới chúng
ta qua Giáo Hội mà buổi đầu đã được tác giả sách Công vụ mô tả như chúng ta vừa
nghe đọc. Chúng ta cần tìm hiểu đoạn Thánh Kinh này để biết rõ môi trường phải
nung nấu niềm tin hạnh phúc của chúng ta vào việc Chúa phục sinh.
C. Bài Sách Công Vụ
Rõ ràng câu cuối bài sách
Công vụ cho thấy "số những kẻ được cứu rỗi cứ mỗi ngày được Chúa ban
thêm" cho cộng đoàn các Tông đồ lập ra. Và ta phải hiểu niềm tin cứu rỗi
nơi mỗi người cũng chỉ tăng trong các cộng đoàn như thế. Thế nên tìm hiểu các
cộng đoàn này là một nghĩa vụ.
Tác giả sách Công vụ - thánh
Luca - đã nhiệt tình làm công việc ấy. Ở đây rõ ràng người không phác họa tự ý.
Bản văn của người thiếu thứ tự và có nhiều nét lặp lại, khiến ta có thể nói
người đã nghe tin về nhiều cộng đoàn khác nhau và thấy Ơn Chúa Thánh Thần làm
việc ở các cộng đoàn khác nhau thế nào, người ghi tất cả lại như là một bản
thống kê các sinh hoạt phong phú của Chúa Thánh Thần.
Trước hết chúng ta thấy các
tín hữu bấy giờ kiên trì (hay chuyên cần) với giáo huấn của các Tông đồ và sự
hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện. Không có sự chuyên cần với giáo huấn
của các Tông đồ, không thể đào sâu và giữ vững đức tin. Người ta sẽ tin hời hợt
và có thể lạc mất niềm tin. Việc kiên trì kết hợp với các Tông đồ, với quyền
giáo huấn ở trong Hội Thánh là điều kiện để giữ được liên lạc và kết hợp được
với Ðức Kitô hầu khỏi bỏ rơi mất niềm tin.
Ðồng thời khi liên kết với
đầu, người ta cũng mật thiết với anh em là cùng chi thể trong một thân thể. Các
tín hữu đầu tiên đã chuyên cần với hiệp thông, không những trong cùng một đức
tin nhưng còn trong một lòng mến. Họ chỉ có một lòng một ý (4,32). Không một
người nào nói là mình có của gì riêng, nhưng đối với họ mọi sự đều là của
chung. Chắc chắn chúng ta không nên hiểu chế độ "của chung" đã phổ
cập ở mọi nơi, trong những cộng đoàn đông đảo. Nhưng sự kiện có một số người
sau khi đã đón nhận đức tin, đã biết tình nguyện bỏ chung của để chia sẻ và
tương trợ nhau, cũng nói lên ơn Chúa Thánh Thần làm việc mạnh mẽ nơi tâm hồn
các tín hữu. Luca ghi nhận sự kiện ấy như là dấu chỉ về đời sống mới và hạnh
phúc phục sinh. Ðó có thể là lý tưởng, nhưng vẫn là đặc sủng, là tiếng gọi, là
biểu thị của đức tin sống động và toàn vẹn, là dấu chỉ đời sống phục sinh phát
triển đến mức cụ thể chi phối đến cả đời sống vật chất.
Tuy nhiên sự hiệp thông sâu
xa và căn bản nằm ở bình diện khác. Chính Thiên Chúa và sự sống của Người là
nguồn mạch phát sinh ra sự sống trong Hội Thánh. Thế nên hàng ngày các tín hữu
chuyên cần với việc bẻ bánh và kinh nguyện. Sách Công vụ nói: họ bẻ bánh ở nhà
vì đó là nghi lễ riêng của Kitô giáo, không làm tại Ðền thờ được. Họ làm việc
ấy "lòng hân hoan, dạ đơn thành, trong lòng ngợi khen Thiên Chúa", vì
đây là lễ Tạ ơn Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ mọi người nơi Ðức Yêsu Kitô Tử nạn
và Phục sinh. Chính trong nghi lễ bẻ bánh họ nhận ra sự hiện diện của Chúa đã
chết và sống lại; họ thấy Thiên Chúa ra tay cứu độ loài người, nên lòng họ hân
hoan, miệng dâng lời ngợi khen. Lúc ấy tâm hồn được bồi dưỡng, dạ họ trở nên
đơn thành; họ trở nên tạo vật mới, nên bánh không men của lễ Vượt Qua, tức của
mầu nhiệm Phục sinh.
Ngoài ra, họ tỏ ra chuyên
cần với việc cầu nguyện vì đó là thái độ chung của mọi người có tin tưởng.
Người Dothái trung thành với kinh nguyện ở Ðền thờ. Các môn đệ Chúa cũng vậy.
Sách Công vụ kể Phêrô và Yoan lên Ðền thờ cầu nguyện vào giờ chung với mọi
người. Nhưng ngay từ đầu các tín hữu đã có lối cầu nguyện riêng chung với nhau,
như khi chờ nhận ơn Chúa Thánh Thần. Và việc cầu nguyện này cần cho đời sống
mới đến nỗi Phêrô khẳng định các việc từ thiện bác ái không được làm suy giảm.
Chính nhờ nếp sống chuyên
cần với việc giáo huấn, hiệp thông, bẻ bánh và cầu nguyện như thế mà Hội Thánh
lớn lên trong sự mến phục của toàn dân và được Chúa chúc lành cho tăng trưởng.
Thế thì đời sống đức tin mới
của mỗi người cũng chỉ có thể phát huy được nhờ bốn sự chuyên cần trên, tức là
nhờ việc tham gia vào nếp sống chuyên cần của Giáo hội. Thiên Chúa muốn cứu độ
chúng ta qua Ðức Yêsu-Kitô, Ðấng đã chết và sống lại. Thôma đã xem thấy Người
và đã tin. Chúng ta không thấy nhưng vẫn tin vì Người đang hoạt động nơi các Tông
đồ và Giáo hội. Chính việc liên kết với các Tông đồ và hiệp thông với anh em
trong việc bẻ bánh và cầu nguyện làm cho chúng ta được hợp nhất với Chúa và
nhận lấy sự sống của Người. Sự sống này là sự sống Thần Linh hay Thánh Thần mà
Ðức Kitô đã đem lại khi Người Tử nạn-Phục sinh. Khi phát triển sự sống ấy có
thể phát sinh ra một nếp sống mới thật sự khiến toàn dân mến phục và nhiều
người theo Chúa.
Chúng ta cần suy nghĩ về
những điều ấy và đem ra thực hành. Chắc chắn đời sống riêng của chúng ta và đời
sống chung của giáo xứ sẽ khả quan hơn nhiều. Và để bắt đầu, chúng ta hãy sốt
sắng hiệp thông với nhau trong việc tuyên xưng một đức tin, trong việc cầu
nguyện và bẻ bánh, để có thể hiệp thông trong việc chia sẻ tương trợ nhau trong
đời sống.
(Trích dẫn từ tập sách Giải
Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)