Chúa Nhật 4 Mùa Phục Sinh Năm A
Chúa Nhật Ơn Thiên Triệu
(Cv 2,14a.36-41; 1P 2,20b-25; Yn 10,1-10)
Phúc Âm: Yn 10, 1-10
"Ta là cửa chuồng
chiên".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán
rằng: "Thật, Ta bảo thật cùng các ngươi, ai không qua cửa mà vào chuồng
chiên, nhưng trèo vào lối khác, thì người ấy là kẻ trộm cướp. Còn ai qua cửa mà
vào, thì là kẻ chăn chiên. Kẻ ấy sẽ được người giữ cửa mở cho, và chiên nghe
theo tiếng kẻ ấy. Kẻ ấy sẽ gọi đích danh từng con chiên mình và dẫn ra. Khi đã
lùa chiên mình ra ngoài, kẻ ấy đi trước, và chiên theo sau, vì chúng quen tiếng
kẻ ấy. Chúng sẽ không theo người lạ, trái lại, còn trốn tránh, vì chúng không
quen tiếng người lạ". Chúa Giêsu phán dụ ngôn này, nhưng họ không hiểu
Người muốn nói gì. Bấy giờ Chúa Giêsu nói thêm: "Thật, Ta bảo thật các
ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp,
và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi,
người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn
trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống
dồi dào".
Suy Niệm:
Chúa Nhật IV Phục Sinh
Cv 2,14a.36-41; 1P 2,20b-25;
Yn 10,1-10
Chúa Nhật hôm nay (thường)
là Chúa Nhật Ơn Thiên Triệu để cầu nguyện cho các ơn gọi và đặc biệt ơn gọi
Linh mục chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Nhưng đó chỉ là ý nghĩa mới thêm vào gần
đây. Chứ trước kia Phụng vụ chỉ quen gọi Chúa nhật này là Chúa nhật Chúa Chiên
Lành, vì lẽ các bài đọc nhấn mạnh việc Chúa là Mục tử. Chúng ta muốn hiểu biết
ơn gọi Linh mục để khao khát, cầu nguyện, cổ võ và nâng đỡ, phải nhìn vào Ðấng
là Mục tử các linh hồn. Có yêu mến Người và các tư cách của Người, chúng ta mới
thấy muốn được Người chăn dắt và mới tha thiết với ơn gọi Linh mục. Tiếc là
Phụng vụ không thể đọc hết cho chúng ta nghe cả bài Tin Mừng Yoan về Chúa Chiên
Lành, vì dài quá. Chúng ta chỉ được nghe khúc đầu thôi và khúc này lại nói đến
cửa ràn chiên hơn là nói đến chính Chúa chiên. Nhưng hiểu kỹ, khúc Tin Mừng vừa
nghe vẫn phong phú và có thể soi sáng cho hai bài đọc kia.
A. Chúa Kitô Là Cửa Ràn Chiên
Muốn nhận ra sức mạnh của
đoạn văn Yoan, chúng ta nên biết: bấy giờ ở Yêrusalem người ta mừng lễ cung
hiến (10,22). Ðền thờ Yêrusalem được Salomon xây đã bị tàn phá. Sau lưu đày
người ta xây lại. Nhưng dưới thời đô hộ Hylạp nó biến thành một ngôi đền ngoại
đạo. Nghĩa quân Macabê nổi dậy, đánh đuổi bọn Hylạp xâm lăng, cung hiến lại Ðền
thờ vào năm -165. Hàng năm, người Dothái kỷ niệm ngày trọng đại này. Nó vừa có
ý nghĩa tôn giáo, tức là thanh tẩy Ðền thờ; vừa có ý nghĩa dân tộc, là xua đuổi
những kẻ làm cho Ðền thờ ra ô uế. Vào thời Chúa Yêsu, bầu khí lễ cung hiến rất
căng thẳng. Dân chúng chờ đón một Macabê mới đến giải phóng Ðất nước khỏi ách
Rôma; những chính trị gia xôi thịt muốn lợi dụng cơ hội để xưng vương xưng
tướng; nhà cầm quyền canh chừng mọi xáo trộn. Chính trong bầu khí ấy, người
Dothái hỏi Chúa Yêsu: "Nếu quả Ông là Ðức Kitô, xin nói trắng ra với chúng
tôi" (c. 24). Ðầu óc họ thật đã quá căng thẳng. Vì thế một lời Chúa nói ra
sẽ vô cùng quan trọng. Không những Người ý thức như vậy; Người còn tăng thêm
phần quan trọng cho lời Người sắp nói khi long trọng mở đầu bằng những tiếng
như sau: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi...".
Ðó là lời giáo đầu của một
sấm ngôn, của một sứ điệp đến từ Thiên Chúa. Lời ấy nhắm thẳng vào đối thủ,
những người Dothái đầu mục trong dân. Họ là trộm là cướp, chứ không phải là
người chăn chiên. Lời ấy có lẽ cũng nhắm những kẻ lăm le muốn xách động quần
chúng để lên chức lãnh đạo. Vì tất cả họ chỉ là những kẻ "không ngang qua
cửa mà vào ràn chiên, nhưng lên từ chỗ nào khác". Có gì làm chứng điều ấy?
Chúa Yêsu không cần dài dòng, không cần triết lý. Người thực tế và đi sát với
quần chúng. Người chỉ vào họ mà bảo: "thì cứ xem, chiên không đi theo
người lạ, nhưng trốn tránh người ấy, vì chúng không nhận biết tiếng những người
xa lạ". Chính phản ứng của chiên lột mặt nạ bọn trộm cướp.
Lời Chúa thật minh bạch và
xác đáng. Người Dothái có thể giận lắm, nhưng không làm gì được. Rõ ràng Chúa
Yêsu phủ nhận tư cách lãnh đạo của họ. Nhưng Người không thể để chiên không có
người chăn, dân không có người phục vụ. Người chưa nói thẳng: "Người chăn
chiên tốt, chính là Ta!" (c.11). Người bắt đầu phác họa chân dung người
mục tử đích thực để dân nhận ra người chăn chiên tốt, người lãnh đạo thật.
Người nói: Người chăn chiên ngang qua cửa mà vào; được người giữ cửa mở cho;
chiên nghe tiếng người ấy; kẻ ấy gọi tên từng con, xua chiên của mình ra và đi
trước chúng.
Toàn là những nét tả thực tế
và chân thật; nhưng hiểu theo bình diện Nước Trời, đó là những nét phác ra hình
ảnh Ðức Kitô. Người không đến tự ý, nhưng được Chúa Cha sai phái. Những kẻ giữ
giao ước của Chúa đón nhận Người. Họ nghe lời Người; Người gọi tên họ; Người
dẫn đưa họ ra khỏi chốn tội lỗi cầm giữ để đi đến chỗ nghỉ ngơi, có cỏ xanh rì
bổ sức. Và khi đi như vậy, chính Người sẽ đi trước mở đường cứu rỗi cho các
linh hồn.
Chúng ta phải giật mình
trước những lời lẽ minh bạch trên. Hình ảnh người mục tử xưa nay của chúng ta
thụ động và ủy mị quá! Có thể đó là một hình ảnh thi vị: người chăn chiên dịu
dàng đang ôm một con chiên trên cổ, giữa một cánh đồng thật xanh, xa xa nhiều
con chiên đang gặm cỏ ngoan ngoãn. Hình ảnh Chúa Yêsu vẽ ra về người mục tử thì
lại khác: đó là người đến với đàn chiên, hiểu biết chiên và dẫn chiên ra khỏi
chỗ tù hãm, đi đến những chân trời đầy sự sống. Ðó là hình ảnh một Môsê dẫn
chiên ra khỏi đất nô lệ, băng qua sa mạc cằn cỗi và tiến vào Hứa địa tràn sữa
và mật. Ðó là hình ảnh một Ðấng Cứu thế đến cứu dân và đưa dân vào hạnh phúc trường
sinh. Hình ảnh ấy vẽ trước về Ðức Yêsu Tử nạn-Phục sinh; và vì vậy, đoạn Tin
Mừng này được đọc sau ngày Chúa sống lại.
Phải thú thật, Lời Chúa mới
nghe ai đã hiểu? Chính vì vậy mà Yoan viết: người Dothái không hiểu Ngài nói
những gì với họ (c.6). Bó buộc Ngài phải nói lại và nói trắng ra. Ngài lại phải
trịnh trọng mở đầu bằng những tiếng: quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi. Bao
nhiêu kẻ đã đến trước Ta, hết thảy đều là trộm là cướp.
Chắc chắn Chúa không có ý
nói đến những tiên tri được sai đến trước Người đâu. Những vị ấy đã "vui
mừng nghĩ đến ngày của Người". Họ đã rao giảng về Người, vì Luật pháp và
Tiên tri đều làm chứng cho Người. Họ đã "đi qua cửa ràn chiên là chính
Người mà đến" bởi lẽ chính vì Người mà họ đến. Ở đây, Người nhắm thẳng vào
địch thủ, những người Dothái đầu mục trong dân, những kẻ "có đến thì chỉ
để đánh cắp, sát hại và hủy diệt" (c.10). Nói theo Êzêkiel, họ là mục tử
xấu, ích kỷ và chỉ lo bóc lột chiên. Họ chất lên vai kẻ bề dưới những gánh nặng
mà chính họ không đưa cả đến ngón tay ra mà động vào.
Thế nên người mục tử tốt,
phải là kẻ biết bỏ mình để phục vụ chiên. Ðó là dấu chỉ chắc chắn về người chăn
chiên thật. Do đó, Chúa kết luận: "Ta đã đến là để chiên được có sự sống
và có một cách dồi dào". Lời này dĩ nhiên chỉ ứng nghiệm khi Chúa đã chịu
chết và sống lại. Người đã hy sinh mạng sống mình để chúng ta nhận được dư đầy
ơn Thánh Thần, biểu hiện sự sống mới phong phú dồi dào.
Thành ra một lần nữa ta lại
thấy vì sao Phụng vụ đọc bản Tin Mừng này trong mùa Phục sinh. Và đoạn trích hôm
nay có hai phần nhưng cùng một ý. Chúa Yêsu muốn khẳng định với những kẻ muốn
biết Người là ai rằng: Người là Chúa Chiên chân thật và duy nhất. Người hiểu
biết chiên với tình trạng khổ sở hiện tại của nó. Người sẽ đưa nó ra, giải
phóng nó, đi trước nó, chịu đựng mọi cuộc tấn công thay cho nó, hy sinh mạng
sống vì nó, để nó được sự sống dồi dào.
Nhưng thật ra, đó chỉ là
những tư tưởng sâu kín của bản văn; chứ theo mặt chữ, Chúa Yêsu chỉ trực tiếp
nói Người là Cửa chiên; gián tiếp Người mới nói mình là Chúa Chiên. Cửa chiên
và Chúa chiên là hai quan niệm khác nhau, nhưng trong ý Chúa Yêsu cũng chỉ là
một. Khi nói mình là Cửa chiên, Người chỉ nhằm nêu lên ý nghĩa và công dụng của
cửa ràn là cản trở người lạ và để cho chiên ra vào tự do và sinh sống thoải mái.
Ðó là công việc và phận sự của Chúa chiên: xua đuổi sài lang cướp phá đàn chiên
và dẫn chiên đến đồng cỏ thảnh thơi. Chúng ta không nên câu nệ vào danh từ, vì
chữ viết thì giết chết, nhưng phải tìm ra tinh thần trong chữ viết để nuôi sống
mình. Mà giáo lý ban sự sống cho chúng ta nơi bản văn Tin Mừng này là: Ðức Yêsu
Kitô, qua việc Tử nạn và Phục sinh đã chứng tỏ Người là Chúa chiên thật, Chúa
chiên tốt, đã dùng sự chết của mình để dẫn chúng ta ra khỏi tội và đi đến sự
sống dồi dào. Chúng ta hãy đi theo Người.
B. Theo Ðức Kitô
Thánh Phêrô khuyên nhủ chúng
ta như vậy trong hai bài Công vụ và Thánh thư. Nói với dân chúng trong ngày lễ
Ngũ Tuần, thấy họ đầy thiện chí muốn được ơn cứu độ, Vị Tông đồ trưởng vạch ra
cho họ con đường phải đi: hãy ăn năn và chịu rửa nhân Danh Ðức Kitô để lĩnh ơn
tha tội và ơn Thánh Thần (c.38).
Ăn năn thống hối, không phải
là việc xưa nay người ta không biết. Lãnh phép rửa, người ta cũng đã làm khi
nghe Yoan giảng. Ðiều mới lạ trong đề nghị của Phêrô là tin vào Ðức Yêsu Kitô,
người mà họ đã giết. Như vậy niềm tin này bao hàm sự công nhận việc làm trước
đây của họ là tội lỗi và nhận thức Ðức Yêsu Kitô bây giờ đã được tôn vinh và
được đặt làm Thẩm phán của kẻ chết và kẻ sống. Người ta phải "từ bỏ, thoát
ra khỏi thế hệ tà vạy" là hàng ngũ tội nhân của những kẻ đã giết Chúa
Yêsu, để bước sang hàng ngũ của Người, tức là đi theo, nhập vào đàn chiên của
Người.
Nói thực ra, trước đây họ
chẳng theo ai, họ giống như chiên lạc bơ vơ, trôi dạt như bọt biển theo sóng
gió. Lúc họ dùng tay kẻ vô đạo giết Chúa, họ cũng chỉ tạm thời cùng hô như bọn
đầu mục xúi bẩy; sau đó họ lại tan rã như chiên lạc. Giờ đây Phêrô bảo họ hãy
"quay mặt về với Ðấng chăn dắt linh hồn anh em" là Ðức Yêsu Kitô.
Việc thống hối ăn năn và
lãnh nhận phép Rửa bây giờ có ý nghĩa mới. Ðó là những việc làm nhân Danh Ðức
Yêsu, những việc phục tùng Người và để kết hợp với Người, những việc đi qua
Người như cửa chiên để tìm thấy sự sống mới mà hiệu quả tức thời là được tha
thứ tội lỗi và đổ đầy Thánh Thần.
Những việc đó, chúng ta đã
làm khi tin và chịu phép Rửa tội nhân Danh Ðức Yêsu. Nhưng chúng ta còn phải
làm khi ăn năn và chịu phép Giải tội để trở về với Ðấng chăn dắt linh hồn chúng
ta mỗi khi chúng ta đã dại dột trẽ ngang lạc đàn đi làm việc tội lỗi. Giờ đây,
đang ở trong đàn chiên Chúa, chúng ta phải làm gì?
Bài thư Phêrô dẫn chúng ta
đi xa hơn, mặc dầu trong bài Tin Mừng Yoan đã bảo chúng ta biết thái độ của
chiên tốt là biết tiếng mục tử và đi theo Người. Chúng ta phải nghe tiếng Chúa
nói trong Kinh Thánh mà đi theo lời mục tử. Thế mà trong mùa Phục sinh này luôn
luôn chúng ta được nghe đi nhắc lại lời sau đây: Luật pháp và Tiên tri đã tiên
báo Ðức Kitô phải chịu đau khổ để vào nơi vinh quang. Người đã chết để chúng ta
được sống. Người mục tử tốt đã thí mạng sống mình cho chiên. Bài thư Phêrô lấy
lại hình ảnh Người Tôi tớ đau khổ trong sách Isaia để kể lại cuộc Tử nạn-Phục
sinh của Ðức Kitô và khuyên bảo chúng ta hãy đi theo vết chân của Người. Vậy
như Người đã chịu thương khó vì chúng ta, thì chúng ta phải coi như là ơn gọi
và ân sủng khi được kiên trì chịu thử thách và đau khổ.
Chắc chắn thư Phêrô được
viết vào lúc Giáo hội đang gặp bắt bớ ở nhiều nơi. Nhưng nếu cứ quay mặt nhìn
vào Ðấng Mục tử chăn dắt linh hồn chúng ta, thì chắc chắn lời khuyên kiên trì
chịu thử thách kia vẫn thường xuyên có giá trị. Vì nếu chúng ta phải dõi theo
vết chân Người, thì vì Người là người mục tử đích thực, đến giải phóng chiên,
dẫn đầu đi trước và bỏ mạng mình vì chiên, thì chiên nào cũng phải sẵn sàng trở
thành Chiên Vượt qua. Và có như vậy mới được lãnh nhận sản nghiệp Lời Hứa dành
cho chúng ta từ đời đời.
Nói gì xa xôi, giờ đây tham
dự Thánh Lễ là hướng nhìn về Ðấng chăn dắt linh hồn chúng ta. Người sẽ tỏ ra là
Mục tử đích thực và tốt lành, đi trước chúng ta trong mầu nhiệm Tử nạn để trở
thành Cửa chiên đưa chúng ta vào kho tàng ơn thiêng và sự sống dồi dào trong
Thiên Chúa. Cử hành mầu nhiệm này nơi bàn thờ lẽ nào chúng ta lại không sẵn
sàng tiếp nối trong đời sống để nỗ lực phấn đấu xây dựng cuộc đời thánh thiện
hơn?
Hôm nay, ngày Ơn Thiên Triệu,
hiểu hơn về Người Mục tử chân thật, ý thức hơn về vai trò của Người trong đời
sống chúng ta, ai lại không khát khao nhìn thấy trong Giáo hội có nhiều kẻ bắt
chước Người, tiếp nối vai trò của Người để dẫn đưa chiên ra khỏi nơi khổ sở, đi
đến chốn đầy sự sống thảnh thơi? Chúng ta xin Chúa ban cho Giáo hội được thêm
nhiều đấng chăn chiên như vậy. Chúng ta cầu xin và giúp đỡ để các vị mục tử đảm
đang thi hành sứ vụ đi đầu và hy sinh. Chính chúng ta cũng phải theo dõi vết
chân Ðấng chăn chiên tốt để cả chiên mẹ chiên con trong Giáo hội làm thành một
đàn chiên theo một Chúa Chiên.
Xin Ðấng là Mục tử các linh
hồn ban tinh thần để chúng ta hết thảy là những chiên biết nghe tiếng Người.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)