CHÚA NHẬT LỄ THĂNG THIÊN
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu 28:16-20)
Một linh mục chính xứ được bề trên đổi sang một trách vụ
mới. Một ông xếp chuyển đi làm trưởng
phòng khác. Biết bao nhiêu sự thay đổi
giống như thế. Có lẽ người nào ở trong
hoàn cảnh thay đổi ấy cũng có thể mang cùng một ý nghĩ: Không hiểu người thay thế tôi có tiếp tục và
hoàn tất những công việc và hoài bão của tôi không.
Nhưng có một người không hề nao núng hoặc lo lắng về sự
chuyển đổi, đó là Chúa Giê-su. Người sắp
trở về bên Chúa Cha và Người quy tụ môn đệ lại để “chuyển giao công tác”. Chúa Giê-su không cần một bài diễn văn dài kể
lại những công trình Người đã thực hiện.
Người cũng không sắp đặt một kế hoạch chi tiết để các môn đệ cứ theo đó
mà thi hành. Những điều Người cần nói và
muốn nói chỉ vỏn vẹn có ba câu:
- Thầy đã được trao
toàn quyền trên trời dưới đất. Sau
khi sống lại vinh hiển, Thánh Thần đã siêu tôn Người, đặt Người làm “Chúa” và
muôn vật phải bái quỳ trước danh thánh Giê-su của Người (Phi-líp-phê
2:9-11). Lần cuối cùng Chúa Giê-su kêu
gọi môn đệ hãy nhận biết Người là Đấng nào.
Đây cũng là điều kiện cốt yếu để họ thi hành sứ mệnh Người trao ban. Không nhận biết con người và sứ mệnh của
Chúa, làm sao các môn đệ tiếp tục sứ mệnh của Người được! Lời khẳng định này của Chúa Giê-su chắc chắn
bảo đảm môn đệ sẽ chu toàn được sứ mệnh, vì Người sẵn sàng chia sẻ “toàn quyền
trên trời dưới đất” của Người cho họ.
Quyền bính ấy phát xuất từ Thiên Chúa Cha, được ban cho Chúa Giê-su, rồi
bây giờ được chuyển sang cho các môn đệ.
Đó là thứ quyền bính người đời không thể nào chuyển sang cho nhau được.
- Vậy anh em hãy đi và làm… Chúa không bảo
môn đệ đứng tại chỗ, những hãy đi. Họ
được sai đi để thi hành những công tác chính yếu sau đây: làm cho mọi người trở thành môn đệ Chúa; làm
phép rửa cho người ta nhân danh Chúa Ba Ngôi; và dạy bảo người ta tuân giữ mọi
điều Chúa Giê-su dạy. Chúng ta có thể
nhận ra ba công việc này quả thực là một tiến trình của việc rao giảng Tin
Mừng. Để giúp người ta trở thành môn đệ
Chúa, chúng ta phải rao giảng về Chúa Ki-tô, rao giảng không phải chỉ bằng lời
nói, nhưng bằng cuộc sống đã được Ki-tô hóa của chúng ta. Tiếp theo là giúp người ta được chính thức
trở thành con Chúa, làm một chi thể trong Thân Thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô,
tức là Giáo Hội. Cha mẹ cho con cái được
rửa tội và giáo dục con cái lớn lên trong đức tin Ki-tô. Giáo lý viên dạy các tân tòng hoặc các
em. Chúng ta tuy không trực tiếp lãnh
trách nhiệm giúp người khác được rửa tội, nhưng cũng đóng góp bằng sự khích lệ,
cầu nguyện… Cuối cùng là dạy bảo người ta tuân giữ mọi điều Chúa đã
truyền. Chúng ta làm công việc dạy bảo
như cha mẹ dạy con cái, các vị mục tử dạy dỗ con chiên, thầy cô giáo dạy học
sinh… Nhưng cách dạy bảo hữu hiệu nhất, đó là làm gương sáng, là “lời nói lung
lay, gương bày lôi kéo”.
- Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Trên đời này không ai có đủ tư cách nói lên
lời hứa này. Sự hiện diện thể xác “cho
đến ngày tận thế” là điều không tưởng.
Còn sự hiện diện tinh thần rồi cũng mai một với tháng năm. Vậy mà Chúa Giê-su hứa Người sẽ ở cùng chúng
ta cho đến tận thế! Đúng vậy, thân xác
Người trước kia hiện diện trên trần gian nay đã về trời, nhưng sự hiện diện
đích thực của Người đang thể hiện trong Bí tích Thánh Thể. Đó là một cách hiện diện không ai có thể làm
được ngoại trừ Thiên Chúa. Sự hiện diện
ấy không chỉ nằm dí trong nhà tạm ở thánh đường, nhưng ở trong thể xác và tâm
hồn mỗi Ki-tô hữu khi chúng ta rước lễ!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta nhận thấy những điều Chúa Giê-su nói với các môn
đệ thật rõ ràng. Các môn đệ trở về
Giê-ru-sa-lem, cầu nguyện cùng với Đức Mẹ và chuẩn bị lên đường (Công Vụ Tông
Đồ 1:12-14). Họ vâng lời ra đi và làm
cho Giáo Hội hiện diện khắp nơi trên thế giới.
Nếu xác tín rằng những lời Chúa nói với môn đệ cũng là
những lời Người nói với chúng ta, chúng ta sẽ làm gì đây? Bạn hãy trả lời Chúa đi!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi
1-6-2011