CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an
4:5-42)
Chúa Giê-su đến bên bờ giếng Gia-cóp với một chủ ý. Ngồi nghỉ mệt và xin nước uống chỉ là cái cớ
để Người gặp gỡ một linh hồn cần được lãnh ơn cứu độ. Người phụ nữ Sa-ma-ri được gặp Chúa hôm nay
phải vượt qua những rào cản thành kiến để nhận biết Đấng cứu độ. Nhưng đối với Chúa Giê-su, sự kiện người Do- thái
không giao thiệp với người Sa-ma-ri không phải là bức tường ngăn cản ơn cứu độ
dành cho hết thảy nhân loại. Vì thế Chúa
Giê-su đưa ra một thách thức và mời gọi người phụ nữ Sa-ma-ri hãy can đảm và
thành thực đáp lại. Người nói với chị: “Nếu chị
nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người đang nói với chị…”
Cuộc gặp gỡ hôm nay làm sao có thể gọi là một “ân huệ Thiên
Chúa ban” và người đàn ông Do-thái ngồi trước mặt chị là ai mà lại có thể ban
nước hằng sống? Trong cuộc khám phá này,
Chúa Giê-su không đơn phương tỏ ra cho chị biết Người là ai, nhưng chính Người
giúp chị tìm hiểu từ từ từng bước để chị tự mình nhận biết chân tính của Người. Qua cuộc đối thoại, Chúa Giê-su tạo cơ hội để
chị bỏ đi dần dần thái độ thù nghịch giữa người Do-thái với người
Sa-ma-ri. Nhưng mấu chốt của việc chị trở
về với Thiên Chúa và khao khát thờ phượng Người “trong thần khí và sự thật” là
nhờ thái độ nhân từ của Chúa Giê-su đối với cuộc sống không tốt đẹp của chị. Người khơi lại cuộc sống dĩ vãng và hiện tại
của chị không phải để lên án chị. Trái lại,
Chúa Giê-su còn ca ngợi lòng thành thực của chị: “Chị đã nói đúng”. Thành thực là bước đầu và nền tảng để đón nhận
ơn cứu độ. Nếu chúng ta không thành thực
nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, chúng ta đâu có thấy mình cần được Chúa cứu độ!
Nhận biết mình tội lỗi là điều cần thiết, nhưng song song với
nhận biết này, chúng ta cũng phải nhận biết Chúa Giê-su là Đấng nào. Từng bước, Chúa Giê-su giúp người phụ nữ
Sa-ma-ri vượt qua thành kiến về người Do-thái để nhìn nhận Người là vị ngôn sứ,
rồi là Đấng Mê-si-a và sau cùng là Đấng cứu độ trần gian. Nếu Chúa Giê-su đã giúp chị phá bỏ được kỳ thị
chủng tộc giữa Do-thái và Sa-ma-ri, thì Người cũng giúp chị phá bỏ những ngăn
cách trong việc thờ phượng Thiên Chúa.
Thờ phượng Thiên Chúa là sống mối tương quan giữa con người với Thiên
Chúa và là con đường đưa chúng ta tới lãnh nhận ơn cứu độ. Ơn cứu độ không phải là kho hàng độc quyền chứa
tại Giê-ru-sa-lem hay trên núi Ga-ri-dim, nhưng từ chính tình yêu của Thiên
Chúa tuôn đổ vào tâm hồn chúng ta qua sinh hoạt thờ phượng Người. Do đó, đặc tính cốt lõi của việc thờ phượng
là biểu lộ tâm tình (trong tinh thần) và nhận biết Chúa yêu thương chúng ta
(trong sự thật). Quả thực, đây chính là
điều người phụ nữ Sa-ma-ri đang khát khao tìm kiếm! Đây chính là thứ nước ban sự sống đời đời mà
Đấng cứu độ đang hiện diện trước mặt chị đã nói cho chị biết! Nhưng trên hết mọi sự, đây chính là một “ân
huệ Thiên Chúa ban” qua Chúa Giê-su cho tất cả những ai khao khát được lãnh nhận
ơn cứu độ.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Bài Tin Mừng hôm nay dành cho cuộc Sát hạch dự tòng lần thứ
nhất, để những người sắp lãnh nhận Bí tích khai tâm có dịp tuyên xưng đức tin vào
Chúa Ki-tô, nhưng cũng là bài Tin Mừng dành cho tất cả chúng ta, những người đã
được diễm phúc làm con cái Chúa. Những
khám phá của người phụ nữ Sa-ma-ri về Đấng cứu độ đòi hỏi chúng ta phải xét lại
mấy điều.
Trước hết, câu truyện người phụ nữ Sa-ma-ri gặp Chúa Giê-su
đòi chúng ta phải nhìn lại thân phận tội lỗi của mình, để ý thức mình cần được tình
yêu Thiên Chúa cứu thoát khỏi tội lỗi và sự chết đời đời. Tiếp đến, câu truyện cho chúng ta thấy: qua Chúa Giê-su, Thiên Chúa không kết án chúng
ta, nhưng Người muốn đặt vào tâm hồn chúng ta ơn cứu độ là “mạch nước vọt lên
đem lại sự sống đời đời”. Sau hết, mặc
khải của Chúa Giê-su về việc thờ phượng Thiên Chúa giúp chúng ta nhìn lại cách
sống đạo của mình xem chúng ta có thực sự thờ phượng Chúa “trong tinh thần và sự
thật” hay không, nghĩa là chúng ta có thờ phượng Chúa bằng trái tim và đáp lại
tình yêu cứu độ Người dành cho chúng ta không.
Lm. Đa-minh
Trần đình Nhi