Chúa Nhật 4 Mùa Chay Năm A

Con cái sự sáng

(1S 16,1b.6-7.10-13a; Ep 5,8-14; Yn 9,1-41)

 

Phúc Âm: Ga 9, 1-41

"Hắn đi rửa, rồi trở lại trông thấy rõ".

Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?" Chúa Giêsu đáp: "Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh. Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Ðấng đã sai Ta. Ðêm đến không ai có thể làm việc được nữa. Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian". Nói xong, Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa" (chữ Silôê có nghĩa là được sai). Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.

Những người láng giềng và những kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: "Ðó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?" Có kẻ nói: "Ðúng hắn!" Lại có người bảo: "Không phải, nhưng là một người giống hắn". Còn anh ta thì nói: "Chính tôi đây". Họ hỏi anh: "Làm thế nào mắt anh được sáng?" Anh ta nói: "Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã làm bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến hồ Silôê mà rửa. Bấy giờ tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy". Họ lại hỏi: "Ngài ở đâu?" Anh thưa: "Tôi không biết".

Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt? Anh đáp: "Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt". Mấy người biệt phái nói: "Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat". Mấy kẻ khác lại rằng: "Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?" Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: "Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Ðó là một tiên tri".

Nhưng người Do-thái không muốn tin anh đã mù và đã được khỏi trước khi đòi cha mẹ anh đến. Họ hỏi hai ông bà: "Người này có phải là con hai ông bà mà ông bà bảo bị mù từ khi mới sinh không? Do đâu mà bây giờ nó lại trông thấy?" Cha mẹ y thưa rằng: "Chúng tôi xác nhận đây chính là con chúng tôi, và nó đã bị mù từ khi mới sinh. Nhưng làm sao mà bây giờ nó trông thấy, và ai đã mở mắt cho nó thì chúng tôi không biết. Nó khôn lớn rồi, các ông hãy hỏi nó, nó sẽ tự thưa lấy". Cha mẹ anh ta nói thế bởi sợ người Do-thái, vì người Do-thái đã bàn định trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Ðấng Kitô. Chính vì lý do này mà cha mẹ anh ta nói: "Nó khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó".

Lúc ấy người Do-thái lại gọi người trước kia đã mù đến và bảo: "Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa! Phần chúng ta, chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi". Anh ta trả lời: "Nếu đó là một người tội lỗi, tôi không biết; tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù và bây giờ tôi trông thấy". Họ hỏi anh: "Người đó đã làm gì cho anh? Người đó đã mở mắt anh thế nào?" Anh thưa: "Tôi đã nói và các ông đã nghe, các ông còn muốn nghe gì nữa? Hay là các ông cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng?" Họ liền nguyền rủa anh ta và bảo: "Mày hãy làm môn đệ của người đó đi, còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của Môsê. Chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môsê, còn người đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến". Anh đáp: "Ðó mới thật là điều lạ: người đó đã mở mắt cho tôi, thế mà các ông không biết người đó bởi đâu. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời. Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì". Họ bảo anh ta: "Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?" Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.

Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ta ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: "Anh có tin Con Thiên Chúa không?" Anh thưa: "Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?" Chúa Giêsu đáp: "Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh". Anh ta liền nói: "Lạy Ngài, tôi tin", và anh ta sấp mình thờ lạy Người. Chúa Giêsu liền nói: "Chính vì để luận xét mà Ta đã đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy, sẽ trở nên mù". Những người biệt phái có mặt ở đó liền nói với Người: "Thế ra chúng tôi mù cả ư?" Chúa Giêsu đáp: "Nếu các ngươi mù, thì các ngươi đã không mắc tội; nhưng các ngươi nói "Chúng tôi xem thấy", nên tội các ngươi vẫn còn".

 

Suy Niệm:

Chúa Nhật IV Mùa Chay A

1S 16,1b.6-7.10-13a; Ep 5,8-14; Yn 9,1-41

Bài Thánh thư và bài Tin Mừng cho phép ta nếu muốn, có thể gọi Chúa nhật hôm nay là Chúa Nhật Ánh Sáng; nhưng như vậy phải tách riêng bài sách Samuel. Và cũng là dịp để ta thấy: không tất nhiên các bài đọc bao giờ cũng phải chung một đề tài. Tuy nhiên Phụng vụ luôn có chủ ý khi chọn những bài đọc khác nhau. Như hôm nay, đang Mùa Chay, cần giáo huấn tân tòng và tín hữu, Phụng vụ có thể đề xuất nhiều đề tài khác nhau để tiến hành việc giáo huấn mau lẹ và đầy đủ hơn. Chúng ta thử nắm hết các lời giáo huấn trong Chúa nhật này.

 

A. Bài Sách Samuel

Samuel được sai đi xức dầu phong vương cho Ðavít. Câu truyện đơn sơ, dễ hiểu và có vẻ thuộc loại văn lịch sử. Nhưng trong Kinh Thánh, nhất là trong Kinh Thánh Cựu Ước, nhiều khi "vẻ" văn lịch sử chưa chắc đã là văn sử. Người xưa thích kể chuyện khi dạy dỗ. Ở đây có lẽ cũng thế. Tác giả kể việc xức dầu phong vương cho Ðavít thật rõ ràng. Cả nhà Ðavít đều chứng kiến. Thế mà ở đoạn sau đó, tức chương 17,28 sách 1Samuel lại cho ta thấy Eliab, người anh cả của Ðavít, lại cư xử với em như với một đứa nhỏ chẳng có giá trị gì. Rồi trong 2Samuel đoạn 2,4 và 5,3 lại nói đến việc xức dầu cho Ðavít làm vua Yuđa và Israel như đã không biết gì về việc Samuel đã xức dầu cho Ðavít. Như vậy nếu coi bài đọc chúng ta vừa nghe như một bài giáo huấn hơn là một câu chuyện lịch sử, mượn câu chuyện lịch sử Ðavít đã được xức dầu làm vua một lần nào đó (và việc này có thật) để đưa ra một lời dạy dỗ, thì ý của tác giả thánh thế nào?

Ông muốn nói rằng: Ðavít đã được một tiên tri xức dầu làm vua. Vương quyền Ðavít nhận được có ơn tiên tri. Uy quyền của ông bởi Thiên Chúa. Vua Israel là người được Thiên Chúa chọn, là đấng xức dầu của Người, là người được Thần trí Chúa hướng dẫn. Như vậy, trong lịch sử Dân Chúa sẽ có một sự tiếp nối liên tục giữa thời các Thẩm phán và thời các Hoàng đế. Các hoàng đế tuy làm vua nhưng cũng được như các thẩm phán, là những bậc được Chúa chọn để ban Thần trí hầu cứu dân trong một hoàn cảnh rất đặc biệt của lịch sử. Nói tóm lại, Ðavít được nhà tiên tri xức dầu làm vua, thì vua Ðavít sẽ có Thần trí của Thiên Chúa hướng dẫn và ngài sẽ cứu thế, cứu dân.

Do đó Phụng vụ Mùa Chay thật có lý để dùng bài Cựu Ước này. Ðức Kitô Con Vua Ðavít, là Ðấng đã được xức dầu, thì cũng là Ðấng Cứu Thế. Và nếu được phép suy nghĩ tỉ mỉ hơn nữa, dường như Phụng vụ còn muốn nói thêm: như Ðavít là em út trong nhà, có bộ mặt khôi ngô sáng sủa đã được chọn một cách chẳng ai ngờ, thì Ðức Kitô cũng sẽ cứu thế theo phương thức chẳng ai đoán được. Người sẽ sống khiêm nhu, bé nhỏ và sẽ chết trên Thập giá. Nhưng nhìn vào sự thánh thiện trong sáng của Người, muôn dân đã thấy bừng lên ơn cứu độ.

Một bài học như thế đáng cho chúng ta, tín hữu cũng như tân tòng, suy nghĩ trong Mùa Chay và suốt cả cuộc đời. Chúng ta tin Ðức Yêsu Kitô là Vua, là Tiên Tri và là Cứu Thế. Và chúng ta hãy xem trong bài Tin Mừng hôm nay Người đã cứu thế cách nào?

 

B. Bài Tin Mừng

Người là Ðấng, như Chúa nhật trước đã cho ta biết, lấy công việc làm theo Ý Ðấng đã sai Người, làm lương thực hàng ngày. Hôm nay Người cũng khẳng định như thế, và nói bao lâu còn là ngày, chúng ta phải lao công vào các việc của Ðấng đã sai chúng ta (c.4). Hiện giờ thì còn là ngày, vì "khi Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian" (c.5).

Và sự sáng thì phải soi sáng. Vậy có một người mù từ thuở mới sinh đang đứng đó. Môn đồ không hiểu vì sao có sự kiện ấy. Còn Ðức Kitô ý thức mình là sự sáng, nên thấy ngay đây là công việc Chúa Cha gửi đến cho mình. Người chữa anh ta khỏi.

Câu truyện có thể đến đó là xong. Nó đã đủ để chứng minh: Ðức Kitô là sự sáng. Nhưng khốn nỗi, không những Người là sự sáng nhưng còn là sự sáng thế gian, sự sáng đến trong thế gian; khiến Yoan phải viết thêm: thế gian đón nhận sự sáng ấy như thế nào? Và đó là ý nghĩa của phần còn khá dài trong bài Tin Mừng hôm nay.

Phần này quảng diễn một khẳng định mà Yoan đã viết ngay ở đầu cuốn Tin Mừng của người: sự sáng rạng trong tối tăm và tối tăm đã không triệt được sáng (1,5). Quả thật, việc Ðức Yêsu mở mắt người mù đã như ánh sáng bùng lên trước mặt mọi người. Ai ai cũng bàn tán hỏi nhau (c.8), chẳng làm sao hiểu được. Người ta phải đưa vấn đề trình lên các Biệt phái. Tòa làm việc nhộn nhịp, hỏi cung người mù, đòi chứng của cha mẹ anh ta, hỏi lại anh ta một lần nữa, nỗ lực vùi dập vụ này đi... nhưng đã không triệt được sự sáng. Rõ ràng Yoan muốn ám chỉ: Biệt phái đang mưu mô hại Chúa, nhưng họ sẽ thua. Cuộc tử nạn mà họ muốn Người phải chịu sẽ làm cho họ phải bẽ bàng vì biến cố Phục sinh. Bài Tin Mừng hôm nay, như thế, còn nói lên mầu nhiệm Chúa sống lại của Phụng vụ ngày Chúa nhật và của đích điểm Mùa Chay Thánh.

Chưa hết! Tác giả Yoan còn tiếp tục. Người mù bị các Biệt phái tống cổ ra ngoài. Ðức Yêsu được tin. Người đi tìm anh ta, ban cho anh ta được ơn nhận ra Người và thờ lạy Người. Còn các Biệt phái vì tự phụ là người sáng mắt, nên tội lỗi còn nguyên. Ðúng như lời Chúa nói: "Ta đến trong thế gian, ngõ hầu kẻ không thấy thì được thấy, và kẻ thấy được lại hóa đui mù".

Tác giả Yoan muốn cảnh tỉnh chúng ta đó. Công việc của Thiên Chúa đã hiện tỏ (c.3); mầu nhiệm Phục sinh đã sáng rực. Ai khiêm cung sẽ được soi sáng; còn ai tự phụ sẽ lại đui mù.

Như thế bài Tin Mừng cũng là một bài giáo huấn hơn là một câu chuyện. Ðoạn văn trong sách 1 Samuel đã cho chúng ta thấy Ðức Yêsu Kitô là Vua, là Tiên tri, là Cứu thế. Bản Tin Mừng Yoan nói thêm: Người đã đến trong thế gian như sự sáng, mà tối tăm không triệt được, để ai mù được thấy, ai sáng sẽ mù; để ai tin Con Người thì được rỗi (c.35) và ai không tin sẽ còn nguyên tội lỗi.

Riêng chúng ta đã tin Chúa rồi thì thế nào?

 

C. Bài Thánh Thư

Thánh Phaolô đáp: "Xưa kia anh em là tối tăm nhưng nay, trong Chúa, anh em là sự sáng; anh em hãy đi đứng như con cái sự sáng. Mà hoa quả của sự sáng là mọi việc nhân lành, công chính và chân thật".

Những lời ấy đủ để đưa hết thảy chúng ta đi vào con đường của sự sáng. Nhưng không biết chúng ta có nên khiêm tốn hơn không và thú nhận có lẽ mình cũng còn cần phải được soi sáng? Câu cuối cùng trong bài thư Phaolô có vẻ gợi lên điều đó. Và tác giả khuyên chúng ta hãy đứng lên để được Ðức Kitô chiếu soi.

Kìa xem người mù, sau khi được Chúa mở mắt cho, đã dần dần trở thành con người có giá trị đến nỗi xứng đáng được Chúa đi tìm để ban thêm ơn đức tin. Anh ta đã biết nói sự thật với tất cả mọi người, và dần dần biết biện phân phải trái, khiến các Biệt phái phải bực tức thốt ra lời thú nhận tự ti mặc cảm.

Chúng ta cũng sẽ tăng thêm giá trị cho chúng ta khi chúng ta để Người chiếu soi. Mà Người thường làm công việc này qua Sách Thánh, qua giáo huấn của Hội Thánh, qua cả việc học tập và suy nghĩ trong yên lặng vì con người có học mới sáng, và có sáng mới làm được những công việc nhân lành, công chính và chân thật.

Như vậy, chúng ta hãy đến xin Ðức Kitô soi sáng cho chúng ta không những trong Thánh lễ này, mà còn trong mọi lúc chúng ta suy nghĩ, học hành, đọc sách vở và nhất là Sách Thánh.

 

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa

của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A