THỨ TƯ
LỄ TRO, năm A
Mt 6,
1-6.16-18
HÃY XÉ LÒNG, ĐỪNG XÉ ÁO
Mùa chay được khai mào bằng việc xức tro trên đầu
ngày thứ tư lễ tro. Nghi thức xức tro gợi cho con người, loài người và mỗi người
chúng ta về sự thực hiển nhiên là cái chết. Trong nghi thức xức tro, vị Chủ tế
xức tro trên đầu mỗi người và nói :” Hãy sám hối và Tin vào Tin mừng “. Lời mời
gọi của vị Chủ tế gợi cho mỗi người về thân phận yếu hèn, tội lỗi của mình. Sám
hối là kêu gọi mỗi người hãy nhìn lên Chúa để thấy Chúa cao cả, thánh thiện
biết bao và nhờ đó, con người sẽ phải cố gắng, vượt thắng để noi gương bắt
chước Chúa và nhận lấy tấm lòng từ ái, nhân hậu của Chúa. Giáo Hội trong nghi
thức đầu Mùa chay này, cũng cho chúng ta thấy một sự thực đáng sợ mà mỗi Kitô
hữu phải đối diện là cái chết. Một sự thực hiển nhiên và cũng thật bất ngờ bởi
vì ai cũng phải chết nhưng giờ chết hay lúc nào con người phải chết thì không
ai biết được. Đúng là sự chết thật chắc chắn những cũng thật là bấp bênh :”
Người ơi hãy nhớ mình là tro bụi, một mai người sẽ trở về bụi tro “. Con người
vẫn biết mình là bụi tro như Thiên Chúa đã phán với Ông bà nguyên tổ là Ađam và
Evà rằng :” Con người từ bụi đất sẽ trở về với bụi đất “. Đó là một sự thực
thật rõ ràng, nhưng cũng rất bấp bênh. Nhiều người đã cùng chúng ta sống Mùa
chay năm trước cũng như các năm trước nữa, vô số người đã gặp gỡ chúng ta, đã
trao đổi, trò chuyện cùng chúng ta, nhưng hôm nay trong thánh lễ này, họ đã khuất,
họ đã ra đi. Đó là sự kinh ngạc, bỡ ngỡ, bấp bênh của kiếp người. Nhưng hiển
nhiên, chúng ta không hề biết tại sao họ lại ra đi như thế. Đó cũng là mầu nhiệm
của sự chết và là huyền nhiệm của kiếp người xem ra rất vững chắc nhưng cũng
lại thật là mong manh, mỏng dòn và dễ vỡ. tuy nhiên, có một điều tối quan trọng
là chúng ta có đủ chuẩn bị chắc chắn cho cái chết của chúng ta hay không ? Cái
chết của chúng ta có dẫn chúng ta tới sự sống đời đời và đưa chúng ta tới sự
phục sinh của Chúa ?
Chúa ban chúng ta cơ hội, thời gian để sám hối và
tỉnh thức chờ đợi Ngài tới trong vinh quang. Chết là hết. Chúa không cho chúng
ta cơ hội, dịp thuận tiện thứ hai để dọn mình chờ đón cái chết. Điều quan trọng
nhất, chúng ta có trung thành với Chúa suốt cả cuộc đời hay không, hay chúng ta
ơ hờ, buông xuôi mặc thời gian Chúa ban để chơi bời, phung phí những giây phút
quí báu của cuộc sống con người. Cái chết đáng sợ thật, nhưng nếu chúng ta đã
sẵn sàng, gắn bó với Chúa, trung thành với sứ mạng Thiên Chúa trao phó : quá
khứ, hiện tại, tương lai đều là của Chúa. Chúng ta không thể thay đổi, đẩy lùi
quá khứ, chúng ta cũng chẳng hiểu được, đoán được tương lai. Hiện tại là quan
trọng bởi vì tất cả đều là hồng ân và đều là thời gian của Chúa. Chúng ta hãy
sống khoảnh khắc hiện tại với mức cao độ của yêu thương thì chúng ta sẽ sống
tốt khoảnh khắc cuối cùng của đời mình. Chúng ta hãy đọc lại những lời của Đức
Cố Giáo Hoàng Phaolô VI viết trong “ Tư Tưởng Về Cái Chết “ như sau : “ Không
nhìn lại đàng sau nữa, nhưng con vui vẻ làm bổn phận trong lúc này đây như là ý
Chúa, một cách đơn sơ, khiêm tốn, và mạnh mẽ. Làm nhanh, làm tất cả, làm tốt.
Làm một cách tươi vui : điều mà Chúa muốn nơi con trong lúc này đây, cả khi nó
vượt quá sức lực của con và cả khi nó đòi hỏi mạng sống của con đi nữa. Sau
cùng, trong giờ phút này “.
Mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi cú điện thoại, mỗi
quyết định, phải là điều xinh đẹp nhất của cuộc đời chúng ta. Chúng ta hãy dành
cho tất cả mọi người tình yêu thương, nụ cười của chúng ta mà không mất đi một
giây nào.
Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta hãy là
khoảnh khắc đầu tiên
khoảnh khắc cuối cùng
khoảnh khắc duy nhất.
( Trích
trong Chứng Nhân Hy Vọng,
TGM F.X Nguyễn Văn Thuận
Công Đoan
Đức Mẹ La Vang ấn hành 2.000 trg 98-99 ).
Vâng, Chúa mời gọi chúng ta sám hối nghĩa là chúng
ta phải tránh xa tội lỗi mà trở về với Chúa đồng thời chúng ta phải để Chúa
thay đổi thực sự tâm hồn mỗi người chúng ta. Suốt Mùa chay, mỗi Kitô hữu hãy
siêng năng tham dự thánh lễ hằng ngày, năng chịu các Bí tích, nhất là Bí tích
Hòa giải và siêng năng lãnh nhận Mình Máu Chúa Kitô. Đây là việc sám hối đích
thực và là cơ hội thuận tiện, giờ cứu độ để chúng ta sám hối ăn năn và nhìn lên
Chúa để lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa. Chúng ta hãy nhớ lại giáo huấn của Giáo
Hội qua Phụng vụ hôm nay :” Người là tro bụi và sẽ trở về với bụi tro “. Chúa
nói :” Hãy xé lòng chứ đừng xé áo “.Phải cải hóa nội tâm, phải thay đổi chứ
không chỉ sống bề ngoài.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết vượt thắng
các cám dỗ như Chúa đã đối diện với những cám dỗ và đã vượt thắng một cách vẻ
vang. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ MÙA CHAY :
1.Tại sao Chúa nói :” Hãy xé lòng. Đừng xé áo ?
“.
2.Nghi thức xức tro gợi cho chúng ta điều gì ?
3.Tại sao mọi người đều phải chết ?
4.Phải chăng Chúa quá oan nghiệt khi đem lại sự
chết cho con người ?
5.Chúng ta phải sống quá khứ, hiện tại và tương
lai ra sao ?
6.Tại sao lại có nhiều người đi xem bói bài, bói
toán, rút xăm vv…Phải chăng họ quá yếu tin vào Thiên Chúa ?