THỨ TƯ LỄ TRO
Khi làm việc lành phúc
đức
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
6:1-6.16-18)
Bài Tin Mừng ngày Thứ Tư Lễ Tro phác họa cho chúng ta một
kế hoạch để canh tân đời sống trong mùa Chay.
Kế hoạch ấy gồm ba điểm: làm phúc
bố thí, cầu nguyện và ăn chay. Nhưng có
lẽ chúng ta ngạc nhiên không hiểu ba công việc ấy liên hệ với canh tân đời sống
như thế nào. Nhìn vào đối tượng của ba
việc đạo đức ấy, chúng ta có thể nhận ra được những chiều kích chính trong cuộc
sống chúng ta. Nói khác đi, ba việc đạo
đức ấy diễn tả ba mối tương quan trong đời sống chúng ta: với
Chúa trong việc cầu nguyện, với tha
nhân qua việc bố thí và với chính
mình qua việc ăn chay. Chúa dạy
chúng ta hãy xét lại việc thực hành ba việc đạo đức ấy xem là thật hay giả. Chúng ta có thể làm giống như “bọn đạo đức
giả” để lừa người khác và lấy tiếng khen, nhưng chúng ta không thể qua mặt được
Chúa là “Đấng thấu suốt những gì kín đáo”.
Trước hết, cầu nguyện
là sống tương quan với Chúa. Đã là một
mối tương quan thì chúng ta không thể lừa dối.
Việc cầu nguyện của “bọn đạo đức giả” đi sai mục đích, không phải để gặp
gỡ và kết hiệp với Chúa, nhưng là để “cho người ta thấy”. Tuyệt nhiên không có sự hiện diện của Chúa khi
họ cầu nguyện, mà chỉ có người trong hội đường hoặc kẻ qua người lại ngoài các
ngã ba ngã tư nhìn họ cầu nguyện. Họ cầu
nguyện không phải để được tình yêu và lòng thương xót của Chúa, nhưng để được
phần thưởng là tiếng khen của người khác.
Thứ hai, làm phúc bố
thí là sống tương quan với người khác.
Làm phúc bố thí không chỉ có nghĩa là lấy tiền bạc vật chất để giúp đỡ
người nghèo đói, nhưng còn là cho đi cả những nâng đỡ và khích lệ tinh thần
nữa. Mục đích của việc làm phúc bố thí
là thỏa đáng nhu cầu thiếu thốn của người khác.
Vậy mà “bọn đạo đức giả” lại lợi dụng nhu cầu thiếu thốn của người khác
để “biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá cốt để người ta khen”. Điều nực cười là khi làm như thế, họ lại tỏ
ra mình chính là những kẻ thiếu thốn và cần lời khen của người khác!
Thứ ba, ăn chay
là sống tương quan với chính bản thân mình.
Ăn chay là hành vi của việc thống hối và chế ngự con người chúng ta, thể
xác cũng như tinh thần. Nó nhắc nhở chúng ta hãy nhớ thân phận tội
lỗi của mình và nhu cầu thay đổi lối sống, sao cho xứng đáng làm con Chúa. Nhưng “bọn đạo đức giả” lại thực hành việc ăn
chay sai mục đích. Họ tránh né tương
quan với bản thân, vì họ không muốn khiêm nhượng đối diện với tình trạng tội
lỗi của họ, nên dùng bộ mặt rầu rĩ và thiểu não một đàng để che đậy những xấu
xa của họ, đàng khác “để thiên hạ thấy là họ ăn chay”.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Đối nghịch với ba việc lành phúc đức giả tạo nói trên, Chúa
Giê-su dạy chúng ta hãy thực hành việc lành phúc đức đích thực. Đã là việc lành phúc đức đích thực thì sẽ có
phần thưởng đích thực. Phần thưởng của
việc cầu nguyện là được chính Chúa,
chứ không phải được lời khen của thiên hạ.
Nếu trong cầu nguyện, chúng ta cảm nghiệm được tình yêu, lòng tha thứ,
sự quan phòng, ơn cứu độ… của Chúa, thì đó chính là phần thưởng đích thực Chúa
ban cho chúng ta rồi.
Phần thưởng của việc làm phúc bố thí là niềm vui do tình yêu thương đem
lại. Khi giúp đỡ tha nhân phần xác cũng
như phần hồn, chúng ta ý thức mình sống lời Chúa dạy: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong
những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy”
(Mát-thêu 25:40). Như thế, làm cho Chúa
vui là chúng ta được vui rồi!
Sau hết, phần thưởng của việc ăn chay là con người đổi mới của chúng ta. Sự biến đổi con người chúng ta dần dần làm
cho chúng ta trở nên giống Chúa Ki-tô mỗi ngày một hơn. Còn phần thưởng nào cao quý bằng hình ảnh của
Chúa Ki-tô mỗi ngày một rõ rệt hơn trong chúng ta khi chúng ta cố gắng chế ngự
các tính hư nết xấu, tập tành nhân đức, nhất là sống theo gương sống của Chúa
Ki-tô để trở nên đồng hình đồng dạng với Người!
Giữa việc lành phúc đức giả tạo và việc lành phúc đức đích
thực, chúng ta phải dứt khoát chọn lựa.
Đó là mùa Chay của chúng ta!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi