Chúa Nhật XV Thường
Niên A
Ngài Dạy Họ Nhiều Điều
Mt
13:1-23: “1 Ngày ấy, Ðức Yêsu bỏ nhà ra
ngồi ven bờ biển. 2 Dân chúng tụ lại bên Ngài đông đảo, nên Ngài xuống đò mà
ngồi, còn dân chúng tất cả thì đứng trên bãi. 3 Ngài lấy ví dụ mà nói với họ
nhiều điều. Ngài nói: "Này, người gieo giống đi ra gieo lúa.
4 Và trong khi người ấy gieo, thì
có những hạt rơi dọc đường, và chim đến ăn mất. 5 Những hạt khác rơi vào đất
đá, chỗ đất quá nông; và liền đó chúng mọc lên,vì đất không sao đủ; 6 mặt trời
mọc lên, chúng bị sém đi, và vì không có rễ, nên chết khô. 7 Những hạt khác nữa
rơi vào gai, và gai vươn lên làm chúng chết ngạt. 8 Những hạt khác rơi vào đất
tốt, và đậu được, có hạt thì một trăm, có hạ sáu mươi, có hạt ba mươi. 9 Ai có
tai, thì hãy nghe!".
Bắt đầu từ chương 13, Chúa Giêsu ra khỏi
khung cảnh hội đường và các cuộc tranh luận. Ngài giảng dạy dân chúng trên bờ
biển qua các dụ ngôn. Sau khi Chúa Giêsu nói về việc “thi hành ý muốn của Cha
trên trời” (12:50), Ngài chuyển sang dụ ngôn Người gieo giống. Hạt giống sẽ được
giải thích là lời của Nước Trời (13:19), cũng có nghĩa là ý muốn của Thiên Chúa
được trình bày trong lời nầy. Tiếp sau dụ ngôn nầy là các dụ ngôn về Nước Trời.
Như thế, Chúa Giêsu trình bày ý muốn của Thiên Chúa trong các dụ ngôn. Dụ ngôn
đầu tiên “Người gieo giống” sẽ cho thấy các cách thức khác nhau đón nhận lời Chúa
và thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Dụ ngôn Người Gieo Giống là dụ ngôn đầu
tiên trong loạt 7 dụ ngôn. Sáu dụ ngôn còn lại chia thành hai nhóm ba, phân cách
nhau bởi giải thích dụ ngôn cỏ lùng. Mỗi trong sáu dụ ngôn đều bắt đầu bằng câu:
“Nước Trời giống như”. Phần dành cho các dụ ngôn kết thúc ở câu 13:53. Phân đoạn
các dụ ngôn trong chương 13 nầy như sau: 1- Dụ ngôn người gieo giống (13:1-9); Mục
đích của dụ ngôn (13:10-17) và giải thích dụ ngôn (13:18-23); 2- Dụ ngôn lúa và cỏ lùng (13:24-30); 3- Dụ
ngôn hạt cải (13:31-32); 4- Dụ ngôn men trong bột (13:33); Lý do dùng dụ ngôn
(13:34-35); Giải thích dụ ngôn lúa và cỏ lùng (13:36-43); 5- Dụ ngôn kho tàng ẩn
dấu (13:44); 6- Dụ ngôn viên ngọc quý (13:45-46); 7- Dụ ngôn lưới cá (và giải
thích) (13:47-50); Kết luận (13:51-52).
Bố cục của dụ ngôn nầy (13:1-9) có thể
được phân chia như sau: - Dẫn nhập (c. 1-3a); - Các loại đất đón nhận hạt giống
(cc. 3b-8); - Kết luận (c. 9).
Giảng
Dạy Trên Bờ Biển (cc. 1-3a)
Không gian trình thuật thay đổi. “Căn
nhà” mà Ngài đi ra khỏi là căn nhà trong đó Ngài sẽ giải thích cho các môn đệ ý
nghĩa dụ ngôn người gieo giống (13:36). “Ngài ngồi xuống” và “đám đông đến bên
Ngài” ám chỉ Ngài sắp sửa giảng dạy họ như một vị Thầy (5:1). Những người nghe
Ngài giảng dạy vẫn là “đám đông” đã theo Ngài ngay lời đầu tiên của Bài Giảng
Trên Núi (5:1; 7:28; 8:1; 12:46; 13:2).
Các
Loại Đất Đón Nhận Hạt Giống (cc. 3b-8)
Ý nghĩa của dụ ngôn sẽ được Chúa Giêsu
giải thích trong 13:18-23. Ở đây chúng ta cố gắng tìm hiểu ý nghĩa các hình ảnh
của dụ ngôn. Người gieo giống, chứ không phải là “một người gieo giống vì có mạo
từ, được giới thiệu ở đầu dụ ngôn (c.
3b) chính là Chúa Giêsu, Đấng mang lời Chúa đến cho trần gian. Tuy nhiên trong
dụ ngôn không nhắc đến người gieo giống nữa, mà chỉ nói đến “hạt giống”, chủ ngữ
thật của dụ ngôn, “Có hạt rơi trên…”. Matthêoô mô tả bốn nơi hạt giống rơi xuống
(cc. 4-8), trong đó hai lần thánh sử mô tả tính chất của đất: “không có nhiều đất”
(c. 5) và “đất tốt” (c. 8), như là điều kiện chính làm cho hạt giống lớn lên và
sinh hạt hay không. Hai lần khác thánh sử không nói đến tính chất của đất, mà nói
đến môi trường không thuận lợi cho hạt giống: “vệ đường” (c. 4), và “bụi gai”
(c. 7); trong các môi trường đó, hạt giống chịu tác hại do chim trời đến ăn, và
cây gai bóp nghẹt; do đó hạt giống không thể sinh trưởng được.
Hạt giống rơi trên vệ đường (c. 4). Vệ
đường ở đây là những mảnh đất hẹp chạy dọc theo bờ ruộng hoặc giữa ruộng (x. 12:1).
Chim trời đến ăn đi những hạt rơi trên đó. “Chim trời” không mang một ý niệm tiêu
cực. Trong Matthêô, peteinon, chỉ
“chim trời” được Thiên Chúa chăm sóc và nuôi nấng (6:26; 8:20; 13:32); do đó không
thể giải thích “chim trời” là hình ảnh của “kẻ xấu”, ponēros (13:19). Động từ katesthiō,
có nghĩa là “nuốt chững”.
Hạt rơi trên đá, không có nhiều đất (cc.
5-6). Đồi núi nhiều nơi tại Palestina chỉ toàn là đá sỏi. Loại đá trong dụ ngôn
nầy là petrōdēs, “đất đá”, trên loại đá
nầy có một lớp đất mỏng (13:5.20); khác với
Bụi gai (c. 7). Cây gai không phải là cây
hữu ích. Nơi cây gai không thể hái được trái nho (7:16; 13:22). Hạt giống rơi vào
trong bụi gai thì không thể sinh trưởng được (x. 7:16). Động từ “bọp nghẹt” , pnigō, “làm cho nghẹt thở” (18:28) không
sống nỗi.
Đất tốt (c. 9). Hạt giống lthành cây và
kết hạt được tính theo con số tăng dần, từ ba mươi lên dần đến một trăm. Cách tính
tăng dần nầy cũng thấy trong đoạn tin mừng nầy. Từ hạt giống rơi bên vệ đường bị
ăn mất ngay từ đầu, đến hạt giống mọc lên được một chút rồi bị cháy khô, đến hạt
giống lớn lên nhưng không sinh hạt, và sau cùng là hạt giống sinh hạt. “Trái/hạt”,
karpos, còn có nghĩa thiêng liêng: đó
là lòng sám hối. Muốn biết đất tốt hay xấu thì hãy nhìn xem cây sinh hạt, giống
như nhìn quả thì biết cây (x. 7:16; 12:33).
“Ai có tai để nghe thì hãy nghe” (c. 9).
Cụm từ nầy được dùng trong hai lần khác nữa trong văn mạch khác (11:15; 13:43).
Nó thường được dùng trong kết luận, và nhằm gây chú ý trước một vấn đề hệ trọng
đã được bàn đến. Ở đây câu nầy hướng về dân chúng là những người đang nghe Chúa
Giêsu giảng dạy. Ngài làm cho họ chú ý và cho họ thấy họ có thể là một trong các
loại đất vừa nói trên.
Hạt giống Lời Chúa được gieo xuống trần
gian không bao giờ thiếu. Mảnh đất đón nhận hạt giống mới là quan trọng. Chúa
Giêsu đã rao giảng lời Thiên Chúa cho dân chúng, và Ngài trông chờ những mảnh đất
tốt. Ai là mảnh đất tốt, nghĩa là đón nhận Lời Chúa cách có hiệu quả, sẽ trở nên
mẹ và anh chị em của Chúa Giêsu.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến