THEO THẦY

MẤT ĐI ĐƯỢC LẠI

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

 

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN, năm A

Mt 16, 21-27

 

Chúa Giêsu ra điều kiện và đòi hỏi những ai muốn làm môn đệ của Người :” Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo “ ( Mt 16, 24 ) hay “ Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy “ ( Mt 16, 25 ). Theo Thầy là phải từ bỏ chính mình. Theo Thầy là vác thập giá mình mà theo. Người môn đệ Chúa chỉ hạnh phúc thực sự khi đành bỏ mất cuộc đời tạm bợ mau qua để được sự sống vĩnh cửu mai sau…

 

Chúa Giêsu loan báo cuộc thống khổ của Ngài. Và Ngài cho biết phần của Ngài trong Giao ước. Ngài quyết định lên đường lên Giêrusalem. Thánh Phêrô quả chưa hiểu gì về ý định cứu thế của Thầy, nên Phêrô tìm cách cản ngăn Chúa Giêsu. Tôma cũng vậy, Ông không hiểu chút nào về con đường cứu độ của Chúa, do đó, Tôma đã rất thành thực thưa với Thầy :” Đường của Thầy làm sao chúng con biết mà đi “. Chúa Giêsu đã trả lời cho Tôma :” Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống “. Ý định cứu rỗi của Chúa, con đường cứu thế của Chúa ngay các môn đệ cũng chẳng một sớm một chiều mà hiểu được. Chúa lên Giêrusalem là để thi hành thánh ý Chúa Cha, cứu rỗi nhân loại, cứu độ con người. Khi loan báo cái chết, Chúa Giêsu cũng đồng thời mời gọi các môn đệ, và mọi Kitô hữu hãy vác thập giá của mình để bước đi theo Ngài. Theo Chúa Giêsu là lời mời gọi khẩn thiết của Đạo Đức Kitô. Điểm chính yếu của Tin Mừng do Chúa Giêsu rao giảng là chính Ngài, một Con người, một Vị cứu tinh, một Đấng cứu độ. Kitô giáo chỉ có thể tồn tại khi nó được nuôi dưỡng bằng chính con người của Đức Kitô. Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu không phải là nỗi ô nhục, là sự thất bại theo sự suy nghĩ của thế gian, nhưng là sự chiến thắng sự chết. Chúa đành mất cái tạm bợ, cái hào nhoáng, cái mau qua ở trần gian này để vinh thắng sự chết và về ngự bên hữu Chúa Cha. Chính vì thế, chính trong mầu nhiệm thập giá chúng ta đón nhận khổ đau, gian khó, chính trong mầu nhiệm đau khổ của Đức Kitô, con người, nhận loại, Kitô hữu, môn đệ Chúa đón nhận đau khổ với tất cả lòng tin, sự đau khổ của chúng ta sẽ có ý nghĩa cứu độ. Chính trong Đức Kitô chúng ta sống mầu nhiệm đau khổ của thập giá như thánh Phaolô đã viết :” Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi “. Đức Kitô sống trong chúng ta để tiếp tục và hoàn tất công cuôc cứu rỗi của Ngài . Thánh Phaolô cũng tiếp tục cho chúng ta thấy:” Tôi cần phải bổ khuyết những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Chúa Kitô “.

 

Theo Chúa Kitô không phải là một việc ngẫu hứng, hay tùy tiện muốn theo hay không theo. Theo Đức Kitô là một đòi hỏi hết sức gắt gao và là một việc nghiêm túc, cẩn trọng. Thánh Phaolô, Vị Tông đồ dân ngoại, đã được Chúa cho hiểu rõ về Ngài…Chúa đã mạc khải cho thánh nhân và Ngài đã nắm bắt, cảm nghiệm sâu xa cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Nên, thánh nhân đã khẩn nài những người tín hữu Roma hãy dâng hiến thân xác mình như “ một lễ hy sinh sống động thánh thiện và đáng cho Thiên Chúa chấp nhận “. Bởi vì, theo Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha của Ngài sẽ thưởng phạt ai nấy xứng viêc họ làm ( Mt 16, 27 ).

 

Đọc lại lịch sử cứu độ, chúng ta đều nhận ra : “ Ai muốn cứu mạng sống của mình thì sẽ mất. Ai liều mất mạng sống vì Chúa, thì sẽ tìm được mạng sống “. Đây là một nghịch lý. Một sự trớ trêu của Tin Mừng : “ Cho “ sẽ “ Được “.  “ Tìm “ sẽ “ Gặp “. “ Gõ “ sẽ “ Mở “. Các môn đệ của Chúa đã bỏ tất cả mà theo Chúa, nên Ngài đã cho họ gấp bội ở đời này và được cả đời sau.

 

Các thánh là những người đã sống Tám Mối Phúc, chính vì thế các Ngài đáng được Chúa thưởng công. Các thánh tử đạo đã hy sinh mạng sống vì Chúa, đã hy sinh cái tạm bợ để được Quê Trời vĩnh cửu.

 

Mẹ Têrêsa thành Calcutta đã hy sinh cho người nghèo, Mẹ đã được thưởng công và lãnh triều thiên Thiên Quốc.

 

Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã từ bỏ cái tạm bợ trần gian để hiến thân cho Chúa trong đời sống thánh hiến. Nên, thánh nữ đã trở nên một vị thánh thời danh.

 

Chúa Giêsu cũng đã nêu gương cho nhân loại bằng chính cái chết cao cả của Ngài và Ngài đã được tôn vinh :” Không có tình yêu nào cao vời cho bằng hy sinh mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ).

 

Tất cả Kitô đều có những cái phải từ bỏ, đó là từ bỏ tội lỗi, từ bỏ những tính hư nết xấu của mình, tính ngạo mạn, tính ích kỷ của mình để được Chúa Kitô ở cùng.

 

Lạy Chúa, mọi sự tốt lành đều bởi Chúa mà ra, xin cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển, và được Chúa chăm sóc giữ gìn ( Lời nguyện nhập lễ, Chúa nhật thường niên XXII, năm A ).

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Điều kiện để theo Chúa Giêsu ?

2.Theo Chúa có là một nghịch lý không ?

3.Tại sao cho là được, gõ sẽ mở, tìm là gặp ?

4.Chúng ta có cần từ bỏ không ?

5.Từ bỏ những gì ?


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A