Chúa
Nhật 23 Thường Niên Năm A
Cộng Ðoàn Cầu Nguyện
(Ez 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 13,15-20)
Phúc Âm: Mt 18, 15-20
"Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được
người anh em".
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu
nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi,
hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai
hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó
cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người
thu thuế.
"Thầy bảo thật các con, những gì các con
cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới
đất, thì trên trời cũng tháo gỡ.
"Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong
các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự
trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân
danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy".
Suy Niệm:
Chúa Nhật XXIII Thường Niên A
Ez 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 13,15-20
Trong Giáo hội nói chung và giáo xứ nói riêng
đôi khi có những phần tử mà thái độ khiến nhiều người đàm tiếu. Ðó không phải
là những người yếu đuối về xác thịt, hay rượu chè, cờ bạc... Những phần tử này
cũng làm rầu Hội Thánh; nhưng đó là những người đáng thương. Ðôi khi có những
phần tử khác dường như đáng sợ, vì thái độ của họ có vẻ muốn làm hại cộng đoàn
tín hữu. Ðối với những người anh em đó, chúng ta phải có thái độ nào?
Lời Chúa hôm nay muốn soi sáng chúng ta, một
cách xa xa từ Cựu Ước và một cách gần hơn qua hai bài đọc Tân Ước. Chúng ta sẽ
thấy cả khía cạnh tiêu cực lẫn tích cực của vấn đề. Và chúng ta sẽ được chỉ dẫn
phải cư xử thế nào cho hợp với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.
A. Mọi Người Ðều Liên Hệ
Không ai được dửng dưng với vấn đề. Qua lời
sách tiên tri Êzêkiel, Thiên Chúa muốn nói với hết mọi người chúng ta, và trước
hết với chính cộng đoàn Dân Chúa là giáo xứ và Hội Thánh. Chúa đã đặt Dân Ngài
như người lính canh để luôn luôn tỉnh thức báo tin ngày giờ Chúa đến viếng thăm
Dân Ngài. Vì thế, trước khi nói đến thái độ của người khác, Ngài muốn mỗi người
chúng ta kiểm điểm lại phận sự của mình. Nếu có sự xấu lọt vào trong Dân Chúa,
phải chăng chẳng phải vì chúng ta đã sao nhãng phận sự canh gác báo tin ngày
giờ Chúa đến viếng thăm? Có những phần tử trong cộng đồng Dân Chúa bây giờ suy
nghĩ khác với đức tin, có thể vì Dân Chúa đã không mau lẹ đem ánh sáng đức tin
soi sáng những vấn đề mới. Chúa đã đặt Hội Thánh và chúng ta làm lính canh gá,
nhưng chúng ta đã không mau lẹ loan báo "thời điểm", đem đức tin, đức
mến, đức cậy vào trong các vấn đề của thời đại. Vì nếu đã có lần chúng ta gặp
những người lính canh, thay vì đứng ở vọng gác tỉnh táo nhìn ra xa để cấp thời
loan tin thì đã bỏ đi chơi hay về thăm nhà lai rai, thì chính Hội Thánh, chính
cộng đoàn giáo xứ nhiều khi cũng không làm phận sự của mình là loan báo Tin
Mừng cứu độ, một chỉ mải miết lo những công việc nào khác, chiều theo các
khuynh hướng dễ dãi ở nơi mình. Thay vì nhìn mau ra những hình thức mới Chúa
muốn dùng để ban ơn cứu độ, chúng ta đã chỉ biết bảo thủ lặp đi lặp lại một số
những hình vi và theo những cách thức không đem lại tinh thần đạo đức sống
động. Mỗi buổi sáng Chúa đến với Dân Người đặc biệt trong cử hành phụng vụ Lời
Chúa và Thánh Thể, lẽ ra chúng ta đã phải làm cho mọi người thấy ơn cứu độ đến
đổi mới mọi sự để đời sống Dân Chúa chỉ có thể cứ đẹp hơn chứ không thể xấu đi;
nhưng vì chúng ta không biết loan báo sự mới mẻ đó nên có người đã ra hư hỏng.
Bây giờ chúng ta phải làm gì?
Chúa bảo chúng ta như nói với Êzêkiel: cứ đóng
vai trò người lính canh; cứ loan báo sứ điệp của Chúa. Êzêkiel ngày xưa không
muốn làm công việc này nữa. Ông thấy dân
Thế thì Chúa cũng đòi Hội Thánh và chúng ta
không bao giờ được ngừng việc thức tỉnh rao giảng sứ điệp cứu độ cho mọi người.
Và trước hết bằng chính đời sống đức tin của mình, chúng ta phải tiếp tục sống
đạo và sống đạo đặc biệt hơn để soi sáng người ta đón nhận Lời Chúa mà hối cải.
Vì thật sự nội dung Tin Mừng cứu độ là chỉ mong cho người ta được rỗi. Thế nên,
cùng với việc rao giảng giáo lý Phúc Âm, chúng ta phải tha thiết cầu xin cho
tội nhân được ơn trở lại. Và chúng ta phải sung sướng như Êzêkiel thấy trước
rồi đây ơn cứu độ sẽ chan hòa khắp nơi. Nhân loại được đổi mới. Và hạnh phúc
triển nở từ trong tâm hồn.
B. Cộng Ðoàn Phải Cầu Nguyện
Lời sách Êzêkiel có lẽ chưa làm nhiều người
thỏa mãn. Nhà tiên tri chưa trực tiếp làm gì cho những người hư đốn. Chúa đã
chỉ nhấn mạnh đến thái độ của mọi người phải luôn luôn tỉnh thức rao giảng Tin
Mừng, tức là công bố giới luật của Chúa để kẻ tội lỗi trở lại đàng lành. Những
lời Tin Mừng theo thánh Matthêô hôm nay có vẻ cụ thể hơn. Và chúng ta sẵn sàng
thi hành hơn. Nhưng cẩn thận! Ðừng tách rời những lời ấy ra khỏi văn mạch. Nhất
là không được đem thi hành mà không có tinh thần giữ những điều kiện đòi buộc.
Trước hết chúng ta phải hiểu những lời kia
trong chính văn mạch của chúng. Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh Matthêô kể
lại câu truyện môn đệ đến hỏi Chúa: Ai là người lớn nhất trong Nước Trời? Chúa
liền gọi một em nhỏ đến, đặt nó ở giữa mọi người và tuyên bố: Ðấy, ai nên nhỏ
như em bé này thì sẽ là người lớn nhất... Ai tiếp nhận em là tiếp nhận Chúa� Ai làm cớ cho một em nhỏ nào như vậy hư đi, sẽ
đáng buộc đá vào cổ rồi lăn xuống biển... Thế nên đừng có khinh một em nhỏ nào
như thế.
Có lẽ môn đệ chưa kịp hiểu hết ý Chúa, thì
Người đã nói tiếp: Ai có một trăm con chiên mà lạc mất một, lại không đi tìm
con chiên lạc ấy? Cũng vậy Cha trên trời không muốn để mất một em nhỏ nào. Rồi
Chúa lại nói luôn: Nếu anh em con phạm tội, thì con hãy đi tìm và làm như thế
này thế này...
Rõ ràng, đọc theo văn mạch, chúng ta thấy Chúa
muốn chúng ta coi người anh em phạm tội như con chiên lạc, như em bé nhỏ, một
kẻ có thể là lớn nhất trong Nước Trời. Và như vậy biện pháp mà chúng ta sẽ làm
cho người anh em phạm tội đã phải phát xuất từ một lòng yêu thương, kính trọng.
Người anh em ấy là con chiên lạc mà rõ ràng ý Chúa trên trời không muốn để cho
hư đi. Chúa dạy chúng ta phải tìm đến người anh em ấy, không phải với cây roi
cầm sẵn trong tay để la rầy, quở mắng, nhưng với tấm lòng của Cha trên trời,
của người mục tử đau xót vì trong đàn 100 con chiên nay lạc mất một con. Tự
nhiên người mục tử ấy lo lắng và sốt sắng đi tìm con chiên lạc. Anh ta chỉ diễn
tả phần nào tấm lòng của Cha trên trời muốn đi tìm tội nhân trở lại: Người sai
chúng ta đến với người anh em phạm tội.
Và Người bảo chúng ta: trước hết phải nói riêng
với người anh em đó. Nếu được thì hay quá. Cộng đoàn sẽ không mất người anh em
kia. Nhưng nếu không được thì thánh Matthêô theo truyền thống của Cựu Ước bảo
hãy kéo thêm hai, ba người nữa đi làm chứng để lời nói có giá trị hơn. Nếu cũng
không được thì cả giáo đoàn phải đau đớn công nhận người anh em kia không còn ở
trong cộng đoàn nữa.
Chúng ta thường không hiểu rõ biện pháp sau
cùng này và nghĩ cộng đoàn phải đưa vụ người anh em kia ra xử công khai và
tuyên bố loại trừ, "rút phép thông công" người ấy.
Mạch văn của thánh Matthêô không cho phép nghĩ
như vậy. Không những cộng đoàn mà thánh nhân nói đến bấy giờ là các cộng đoàn
nhỏ thôi; và vì nhỏ nên có thể đưa việc của người anh em ra nói "nhỏ"
với nhau trong tình bác ái; chứ thánh nhân không hề có ý tưởng nghĩ đến một tòa
án đông người. Rồi thái độ của cộng đoàn không phải là lên án khai trừ người
anh em kia, nhưng là công nhận họ nay thuộc hạng người ngoài tầm tay và khả
năng của mình để chỉ còn biết trông cậy ơn Chúa Cứu thế có sức hoán cải lương
dân và phường thu thuế. Tức là cộng đoàn vẫn có một thái độ rất khiêm tốn, như
người mục tử, như Cha trên trời. Cả đoạn văn đang nói về người lớn nhất trong
Nước Trời chính là người trở nên bé nhỏ như các em nhỏ, không cho phép chúng ta
được nghĩ cộng đoàn hay bất cứ ai có thể có biện pháp mạnh mẽ, trịch thượng đối
với người anh em phạm tội.
Như vậy, cả cộng đoàn cũng chịu
"thua" một phần tử xấu xa ư?
Chúng ta không nên nghĩ như vậy. Chúng ta không
được có những ý tưởng như thế với người anh em sai lỗi. Họ chỉ là một con chiên
lạc, một em nhỏ lỗi lầm. Chúa hỏi chúng ta phải xử như thế nào khi gặp những
trường hợp như vậy? Rõ ràng chúng ta phải có tình thương, phải chấp nhận vất vả
khổ sở vì người anh em kia, phải êm ái kiên nhẫn và tế nhị. Ðối với những tạo
vật nhỏ bé và mỏng manh, mạnh tay thì hỏng hết. Nâng niu sẽ hàn gắn được.
Nhưng Chúa không chỉ nói ngần ấy thôi. Người
còn nói tiếp. Và Lời của Người an ủi biết bao! Người nói cộng đoàn phải biết
giá trị của mình. Chúng con cầm buộc hay cởi mở ở thế nào dưới đất, trên trời
cũng làm y như vậy. Làm sao người ta có thể nghĩ cộng đoàn "thua"
người anh em bướng bỉnh kia? Không ở trong cộng đoàn nữa, không liên kết và
hiệp ý với cộng đoàn, y đã tự loại mình ra khỏi Nước Trời là cộng đoàn các
thánh. Chính y thiệt, chứ cộng đoàn có sao đâu! Thiên Chúa vẫn hiệp nhất với
cộng đoàn đến nỗi ai ở trong cộng đoàn là ở trong Thiên Chúa và ai lìa xa cộng
đoàn là lìa xa Thiên Chúa. Cộng đoàn cứ sinh hoạt và cầu xin: bao giờ cũng được
chấp nhận. Nên dù chỉ là hai ba anh em hợp nhau lại nhân Danh Chúa, thì Người
đã hiện diện ở giữa rồi.
Như vậy bài Tin Mừng hôm nay thật phong phú.
Chúa nói đến chúng ta và với chúng ta hơn là về người anh em lỗi phạm. Theo ý
Người, thánh Matthêô cũng chỉ dẫn cho chúng ta phải biết cư xử thế nào với
người anh em kia cho hết tình hết nghĩa. Nhưng mục đích chính của bài Tin Mừng
vẫn là dạy bảo chúng ta hãy quý mến nếp sống cộng đoàn tín hữu. Ðó là cộng đoàn
có Chúa ở giữa; Người lắng nghe và chấp nhận mọi nguyện vọng của cộng đoàn;
nhất là Người muốn cộng đoàn hãy có lòng thương mênh mông và sâu xa của Cha
trên trời; và khiêm tốn đơn thật như người mục tử có một đàn chiên nhỏ. Chính
những tư cách ấy làm cho Hội Thánh và tất cả chúng ta trở nên như người lính
canh tỉnh thức nơi vọng gác để loan tin cứu độ cho mọi người.
Thực tế, chúng ta phải làm gì, thì đó chính là
điều thánh Phaolô muốn nói với chúng ta trong bài thư Rôma.
C. Mỗi Người hãy Thi Hành Bác Ái
Lời thánh Tông đồ ngày nay đã trở thành một bài
hát: Anh em chớ mắc nợ ai điều gì, trừ ra tình bác ái. Lời ấy phải hiểu thế nào
cho đúng? Chúng ta hãy chú ý đến chữ "mắc nợ". Thánh Tông đồ dạy:
chúng ta đừng mắc nợ ai gì cả, tức là phải chu toàn mọi sự công bằng với mọi
người. Chúng ta không được thiếu bổn phận công bình với bất cứ ai. Ðiều này
nhiều khi đã khó. Dù vậy, cả khi đã làm trọn mọi phận sự công bình rồi, chúng
ta vẫn còn nợ mọi người tình bác ái. Và món nợ này chẳng bao giờ có thể trả
xong. Vì sao vậy?
Thánh Tông đồ đã nói: vì có bác ái mới giữ trọn
Lề luật. Nhiều người có lẽ chưa thấy rõ chân lý này. Người ta có thể nghĩ chỉ
cần giữ những điều Luật dạy: không tà dâm, không giết người, không tham của
người v.v... Nhưng họ quên điều quan trọng: phải giữ những điều ấy để thương
yêu anh em. Bác ái phải là động lực, là khởi hứng của công bình. Dĩ nhiên phải
chu toàn mọi phận sự công bình với anh em, nhưng phải chu toàn vì bác ái, bởi
lẽ bác ái là mục đích của mọi hành vi công bình. Không có lòng yêu thương anh
em thì vẫn chưa chu toàn mọi điều công bình Luật dạy, cho dù đã làm những việc
ấy, bởi vì chưa đạt tới mục đích của những việc công bình kia.
Thế nên chúng ta phải có lòng bác ái. Chúng ta
phải cư xử với nhau theo tình bác ái. Áp dụng điều này vào vấn đề anh em lỗi
phạm, chúng ta sẽ chấp nhận dễ dàng những điều sách Êzêkiel và Tin Mừng thánh
Matthêô đã dạy. Và chỉ những ai có lòng bác ái mới thi hành được những điều hai
bài Kinh Thánh trên đã chỉ dẫn. Những thái độ nêu ra trong hai bài đọc kia là
những thái độ do Lời Chúa phán dạy và do lòng Chúa nói lên. Không có tâm tình
của Chúa làm sao hiểu nổi và thi hành được? Mà có tâm tình của Chúa là gì nếu
không phải là có chính sự sống của Chúa, có chính lòng bác ái của Người.
Giờ đây chúng ta đi vào thánh lễ. Không những
chúng ta hiện đại hóa hành vi cứu độ của Chúa đối với tội nhân khi Người dâng
Thịt Máu Người làm hy tế giao hòa mọi người và đưa hết thảy đi vào tình thương
của Người. Người còn muốn đổ chính sự sống và tình thương ấy vào lòng chúng ta,
để chúng ta không còn sống theo xác thịt tự nhiên nữa, nhưng theo Thánh Thần
của Thiên Chúa. Có sự sống ấy ở nơi mình thì chính tình yêu của Ðức Kitô sẽ
thúc đẩy chúng ta. Không những chúng ta sẽ có thái độ đạo đức với những anh em
lỗi phạm; mà mọi hành vi cử chỉ của chúng ta đối với những anh em lỗi phạm; mà
mọi hành vi cử chỉ của chúng ta đối với anh em sẽ được chính lòng bác ái làm
động lực. Chắc chắn chúng ta sẽ phục vụ anh em hơn, góp nhiều công sức vào đời
sống tập thể hơn, xây dựng cộng đoàn huynh đệ hơn, để giáo xứ chúng, Hội Thánh
chúng ta thật có Chúa ở giữa. Người chấp nhận mọi lời kinh nguyện của chúng ta
và đổ thêm tình bác ái của Thánh Thần để chính tình thương xây dựng cuộc đời ấm
no hạnh phúc trong đoàn kết, nhất trí và thánh thiện thật. Chúng ta hãy tham dự
thánh lễ này sốt sắng để được nhiều ơn sống cuộc đời bác ái.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)