Chúa
Nhật XXV Thường Niên A
Hãy Đi Vào Vườn Nho
Mt 20:1-16a: 1"Quả thế, về Nước Trời thì cũng in như một gia chủ, ngay vừa tảng
sáng, đã ra thuê thợ cho vườn nho của ông. 2Sau khi đã thuận giá với thợ là một
quan tiền một ngày, ông sai họ vào vườn nho của ông. 3 Giờ thứ ba, ông ra và thấy
có những người khác còn vô công rỗi nghề đứng nơi đầu chợ, 4 nên ông bảo họ:
"Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho! Tôi sẽ tính phải chăng cho các
anh." 5 Và họ đã đi. Lối sáu giờ, rồi chín giờ, ông còn ra và cũng làm như
vậy. 6 Lối mười một giờ, ông đi ra và thấy có những người khác còn đứngđó, ông
nói với họ: "Sao các anh đứng đây suốt ngày vô công rỗi nghề thế?" 7
Họ đáp: "Ấy vì không có ai thuê chúng tôi cả". Ông bảo họ: "Cả các
anh nữa, hãy đi vào vườn nho!" 8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người cai
việc: "Ông gọi thợ ại và trả trọn công cho mọi người, khởi từ cuối hết cho
đến hầu hết". 9 Những người vào làm lối mười một giờ đến và họ lĩnh mỗi
người một quan tiền. 10Khi hạng đầu hết đến, họ cầm chắc là họ sẽ lĩnh nhiều
hơn. Nhưng cả họ nữa, họ cũng chỉ lĩnh mỗi người một quan. 11 Lĩnh xong, họ kêu
trách gia chủ rằng: 12 “Hạng cuối hết này chỉ làm có một giờ,thế mà ông lại kể
ngang hàng với chúng tôi, là những kẻ đã vác nặng cả một ngày trường, với nắng
nôi thiêu cháy”. 13 Ðáp lại chủ bảo một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi không
xử bất công với bạn, bạn đã chẳng thuận giá một quan với tôi sao? 14Bạn hãy lấy
phần bạn mà đi. Còn việc cho người cuối hết này bằng, tôi muốn thế. 15 Há tôi lại
không được phép làm như tôi muốn về của cải tôi sao? Hay mắt bạn lườm nguýt vì
tôi tốt lành?” 16 Thế đó, những kẻ cuối hết sẽ nên đầu hết, và những kẻ đầu hết
sẽ nên cuối hết. [Vì kẻ được gọi thì nhiều, nhưng người được chọn thì ít.]
Vào cuối chương 19, Phêrô đặt ra vấn đề phần
thưởng cho việc đi theo Chúa Giêsu Kitô. Và Chúa đã hứa với các môn đệ một phần
thưởng “gấp trăm và sự sống đời đời” (19:27-29). Dụ ngôn nầy liên kết với đoạn
trên như một minh họa (“vì thế”, gar).
Dụ ngôn 20:1-15 được đóng khung bởi hai câu 19:30 và 20:16, và chủ đề của dụ ngôn
nói đến sự tự do của Thiên Chúa trong việc thưởng công. Về bố cục, dụ ngôn có
thể phân thành hai phần: mướn người vào làm vườn nho (20:1-7), và trả tiền công
(20:8-15). Các từ vựng chính chi phối trong dụ ngôn nầy liên quan đến giờ giấc
và thứ tự: “giờ thứ nhất”, “giờ thứ hai”…, và “người trước hết”, “người cuốì hết”.
Mướn người làm công cho vườn nho (cc. 1-7)
Phần thứ nhất của dụ ngôn nói về việc mướn
người vào làm vườn nho. Công thức mở đầu dụ ngôn cũng thấy trong 18:23, “Nước
Trời giống như ông vua kia”. Thật ra, Nước Trời không giống “như ông vua”, mà
giống như câu chuyện ông chủ mướn người vào làm vườn nho mình. Cũng như Nước Trời
không giống như “người buôn ngọc quý”, mà như “viên ngọc quý” (13:45); Nước Trời
không giống “ông vua làm tiệc cưới cho con mình”, mà giống “tiệc cướì” (22:2).
Như thế chỉ có hiểu Nước Trời như thế nào từ những điều rút ra từ nội dung của
dụ ngôn.
Ông chủ mướn người vào các giờ khác nhau vào
làm vườn nho. Các hạn từ “Chủ nhà”, “chủ
vườn nho”, “vào vườn nho”, eis ton
ampelōna, (cc. 1.2.4.7.8), làm nghĩ đến Thiên Chúa và dân Israel, “Vườn nho
của Đức Chúa các đạo binh đó là nhà Israel” (5:7). Việc thuê mướn và trả công, misthoomai, và nói đến trong dụ ngôn nầy
mang ý nghĩa cánh chung (x. 5:12; 6:1; 10:41tt).
Sau dẫn nhập, Matthêô trình bày ông chủ mướn
nhóm người đầu tiên từ sáng sớm (c. 2) tách biệt khỏi nhóm thứ hai gồm những
người được mướn vào “từ giờ thứ ba” cho đến “giờ thứ mười một” (cc. 3-5). Nhóm
người đầu tiên nầy có một điểm khác biệt tương phản so với nhóm sau là có sự thỏa
thuận giữa họ với chủ nhà về tiền công nhật là “một quan tiền” (c. 2). Sự thoả
thuận nầy cho thấy có sự mặc cả, tính toán. Matthêô đã khéo trình bày “đồng ý với
thợ một quan tiền” trước, rồi mới đến “ông chủ sai vào vườn nho”.
Trái với nhóm sau, ông chủ chỉ hứa “Tôi sẽ
trả công bằng cho các anh” (c. 4), và mệnh lệnh “Cả các anh nữa hãy đi làm vườn
nho” (cc. 4.7). Về nhóm nầy, Matthêô ghi nhận là họ “đứng vô công rỗi nghề”.
Tính từ
Vậy với phần đầu tiên nầy Matthêô trình bày
việc ông chủ mướn hai nhóm người vào làm vườn nho. Một nhóm đi làm dựa trên sự
thỏa thuận có tính toán, và một nhóm nhiều người hơn, đến vào các giờ khác
nhau. Phần thưởng cho nhóm người nầy dựa trên lòng tốt của chủ nhà.
Trả tiền công (cc.
8-16)
Phần thứ hai
nói đến việc trả tiền công. Những câu đầu (cc. 8-10) trình bày bối cảnh và việc
trả tiền công cuối ngày. “Chiều đến” (c. 8), chỉ dẫn thời gian, đóng khung lại
một ngày làm công “từ sáng sớm” (c. 1). Người chủ nhà bây giờ được gọi là “chủ
vườn nho”. Tất cả các người làm công, ergatēs,
đều được gọi vào để trả tiền (c. 1.8). Thứ tự “người trước” và “người sau” bây
giờ đảo ngược lại. Người làm giờ thứ mười một được gọi vào trước, và người làm
công từ sáng sớm vào sau cùng. Thứ tự nầy cũng thấy trong câu kết đóng khung đoạn
nầy (cc. 8.16).
Những câu tiếp
đến trình bày cuộc tranh luận giữa chủ vườn nho và những người làm giờ đầu tiên
(cc. 11-15). Trước tiên là phản ứng của những người nầy (cc. 11-12). Họ “lẩm bẩm”,
gongyzō. Động từ nầy chỉ dùng một lần
ở đây trong tin mừng thứ nhất. Thánh sử Luca cũng chỉ dùng động từ nầy một lần,
và trong ngữ cảnh Chúa Giêsu “ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi” (Lc
5:30). Đối với người Pharisêô đó là điều trái luật. Như thế có thể hiểu là nhóm
người đầu tiên nầy “lẩm bẩm” vì chủ vườn nho hành xử không đúng luật; vì thế mà
chủ vườn nho hỏi “tôi không được phép làm điều tôi muốn” ở câu 15. Rồi họ đưa
ra sự kiện là ông chủ “kể những người làm một giờ ngang hàng với chúng tôi” (c.
12). Như thế, họ muốn chủ vườn nho phải cư xử “đúng luật” là trả họ số tiền lớn
hơn.
Tiếp đến là phản
ứng của chủ vườn nho (cc. 13-15). Trong các câu nầy, chủ vườn nho ngỏ với “một
người trong nhóm họ”. Trước tiên ông khẳng định về sự công bình. Ông đã không bất
công với người ấy, ”ouk adikeō (c.
13a), và ông nhắc lại sự thoả thuận giữa đôi bên (c. 13b). Ở trên, nhóm người đầu
tiên đặt mình so sánh họ với những người đến sau. Ở đây chủ vườn nho đặt họ so
sánh với chính mình. Ông nói đến sự tự do của mình.
“Tôi muốn”, thelō, được dùng đến hai lần trong hai câu
14 và 15. Muốm là hành động. Trong câu 14, chủ vườn nho cho biết “tôi muốn” là
động lực ông trả tiền cho người cuối ngang hàng với người ấy, chứ không theo bất
cứ sự tính toán nào khác. Động từ didōmi
lập lại ở đây, “Tôi muốn cho như bạn”. Ông tự do làm theo ý muốn của mình. Câu
15 gồm hai câu hỏi mà câu trả lời phải là “vâng”. Ông đặt ra tính hợp pháp của
việc ông làm. Câu hỏi “Tôi không được phép, exestin,
làm như tôi muốn?” hàm ý là đối với người đầu tiên việc ông đã làm là không đúng
luật. Tuy nhiên Chúa Giêsu luôn luôn đứng trên lề luật. (12:12-13; 22:17tt).
Trong câu hỏi
thứ hai, chủ vườn nho tiếp tục biện minh cho cách cử xử của mình: “mắt anh xấu
vì tôi tốt lành?” (c. 15b). Có một số bản văn dịch chữ ponēros là “ghen tị”, “thèm muốn”. Ở đây tôi nghĩ cách tốt nhất là
vẫn dùng chữ “xấu” cho từ nầy, và tìm cách giải thích từ nầy được hiểu theo nghĩa
nào trong văn mạch nầy. Chủ vườn nho đặt đối chiếu “con mắt xấu” với “tôi là tốt”:
“Hay là con mắt anh xấu vì tôi tốt lành?”.
Hiểu thế nào là
“mắt xấu” được dùng như một ẩn dụ ở đây. “Con mắt” là một phần thân thể, nhưng
chỉ cả con người, bên trong lẫn bên ngoài. “Mắt xấu, ponēros” dẫn đến tối tăm cả con người (6:23). Câu hỏi của chủ vườn
nho làm cho người đối thoại phải đặt lại vấn đề về con mắt của mình; đồng thời
cũng cho thấy nhận xét của chủ vườn nho về con mắt của người ấy. “Phải chăng là
mắt anh xấu…?”, nghĩa là “nên mù loà, tối tăm vì không chịu nỗi sự tốt lành sáng
ngời của tôi?” Sự tốt lành của chủ vườn nho làm cho người nầy thấy sự xấu xa của
mình. Họ xấu vì họ đã không hài lòng với sự công bình mà họ đã thỏa thuận với
chủ ngay từ đầu, bởi đó chủ mới bảo họ: “Hãy lấy phần bạn mà đi” (c. 14a). Họ xấu
vì đã tỏ ra tính toán, ghen tị, tương phản với sự không tính toán và quảng đại
của chủ vườn nho. Chúa đến làm cho tâm can mọi người thổ lộ (x. Lc 2:35). Nhận
xét nầy làm liên tưởng đến thái độ không tốt của người anh cả đứng trước sự quãng
đại của người cha nhân hậu trong Lc 15:11-32.
Câu 16 đóng
khung lại phần hai nầy và cũng là kết luận của dụ ngôn. Người cuối cùng trở nên
trước hết bởi lòng tốt của chủ vườn nho, và người trước hết lại nên cuối hết, vì
họ không hiểu, nên không chấp nhận lòng tốt của ông. Trong văn mạch của đoạn
19:27-30, “người sau hết” có thể hiểu là các môn đệ. Họ là những người đến sau
giữa những người đầu tiên như người giàu có (19:16-22). Và họ sẽ trở nên “người
trước hết”. Điều nầy được Chúa Giêsu báo trước là họ sẽ “ngồi trên mười hai
ngai và sẽ xét xử mười hai chi tộc
Sự công bình của
Thiên Chúa dựa trên lòng tốt của Ngài. Ngài quyết định theo ý muốn của Ngài chứ
không theo tiêu chuẩn của con người. Bỏ mọi sự mà theo Ngài và làm việc cho vườn
nho của Ngài, con người sẽ được ân thưởng vượt quá công nghiệp của mình và lòng
mình ước mong.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến