CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN, A (2011)
Vào Nước Thiên Chúa
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
21:28-32)
Đối với người Pha-ri-sê và các kinh sư, Chúa Giê-su luôn nói
thẳng nói thật. Ý của Người là muốn họ
nhìn thẳng vào sự thật, can đảm chấp nhận sự thật dù là phũ phàng và nhất là thành
tâm thay đổi theo như sự thật đòi hỏi. Qua
bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su áp dụng một “chiến thuật” mới. Trước hết Người kể một dụ ngôn rất thường xảy
ra trong cuộc sống hằng ngày: câu chuyện
một người cha bảo hai đứa con hãy đi làm vườn nho cho ông. Người con thứ nhất lúc đầu từ chối, nhưng sau
đó hối hận và đi làm theo lời cha dạy. Còn
người con thứ hai lúc đầu tỏ ra sẵn sàng, nhưng rồi lại không đi. Sau câu chuyện, Chúa Giê-su hỏi các thượng tế
và kỳ mục là đứa con nào đã làm theo ý cha.
Người muốn dẫn họ tới một chân lý không thể chối cãi. Họ trả lời đúng: “Người con thứ nhất”.
Đến đây, chúng ta nghĩ rằng họ đã đoán được Chúa Giê-su muốn
nói gì. Nhưng thái độ cố chấp và kiêu
căng của họ là tuy không thể chối cãi sự thật của câu chuyện dụ ngôn, nhưng lại
không muốn áp dụng vào hoàn cảnh của chính họ, nên bắt buộc Chúa Giê-su phải
nói thẳng với họ bằng những lời đanh thép.
Người nói lên một sự thật phũ phàng về chính họ: Họ vỗ ngực xưng mình là những người công
chính, nhưng thực ra họ còn thua kém những người thu thuế và những cô gái điếm,
thua kém chính những người họ từng khinh miệt là “những kẻ tội lỗi”. Tại sao họ lại thua kém? Vì đứng trước cùng một lời kêu gọi sám hối của
ông Gio-an Tẩy giả, “những kẻ tội lỗi” kia đã nghe lời kêu gọi của ông mà sám
hối và thay đổi cuộc sống; còn họ thì vẫn
cứ cho là mình công chính, không cần làm theo lời kêu gọi của ông Gio-an.
Trong câu chuyện dụ ngôn, ý muốn của người cha là hai đứa con
ông hãy đi làm vườn nho để giúp ông và để sinh thêm hoa lợi cho gia đình. Còn trong áp dụng dụ ngôn ấy vào cuộc sống
chúng ta, Chúa Giê-su muốn chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa Cha đã tỏ ra cho chúng
ta biết ý muốn của Người qua lời giảng của ông Gio-an Tẩy giả, là chúng ta phải
thay đổi cuộc sống để “vào Nước Thiên Chúa”.
Hai người con trong dụ ngôn đều là những người có lỗi với cha mình, một
người có lỗi vì lúc đầu đã cãi lại lời ông, một người có lỗi vì đã lừa dối ông. Họ khác nhau ở một điểm duy nhất: biết hối lỗi để làm đúng theo ý của cha mình. Trong đời sống, chúng ta đều có cả hai hình
ảnh của người con, là những kẻ tội lỗi. Vấn
đề khác nhau là chúng ta muốn chọn làm người con thứ nhất, biết “hối hận” mà
tin Chúa Ki-tô, hay là chọn làm người con thứ hai, chỉ “nghe lời Chúa” bằng tai
mà không bao giờ thực hành lời Chúa qua việc làm.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Vườn nho của người cha trong dụ ngôn Chúa kể lúc nào cũng mở
cửa đón nhận những người con của ông vào làm.
Vào làm trong đó sẽ làm cho cha mình vui lắm và dĩ nhiên còn được hưởng
tất cả gia nghiệp của ông nữa. Đó cũng
là hình ảnh mời gọi chúng ta hãy “vào Nước Thiên Chúa” mà Chúa Ki-tô đã mở cửa
cho tất cả mọi người không trừ ai. Đi
vào Nước Thiên Chúa là một diễn trình thay đổi.
Những người thu thuế giống như ông Mát-thêu, ông Gia-kêu và bạn bè của
họ đã thay đổi cuộc sống. Những người
gái điếm giống như người phụ nữ tội lỗi đã được Chúa tha thứ tại nhà ông Si-môn
thuộc nhóm Pha-ri-sêu (Lu-ca 7:26-50). Hết
thảy họ đã bắt đầu “vào Nước Thiên Chúa”, tích cực thay đổi lối sống của mình
để trở thành môn đệ Chúa Giê-su. Vào
Nước Thiên Chúa là công việc chúng ta phải bắt đầu ngay từ khi còn sống, ở đây
và hiện lúc này, để chúng ta sẽ đi tới đích của Nước Chúa là thiên đàng và hạnh
phúc vĩnh cửu.
Có lẽ chúng ta vẫn tự hỏi mình phải hối hận, phải thay đổi những
gì? Phải thay đổi hết, toàn bộ đời sống! Chúng ta phải “sám hối”, nghĩa là quay lưng
một trăm tám mươi độ khỏi tội lỗi để hoàn toàn hướng về Chúa. Dĩ nhiên chúng ta không thể quay lưng ngay trong
một tích tắc, nhưng lời gọi của Chúa Giê-su, ân sủng của Thiên Chúa, soi sáng
của Thánh Thần và cố gắng riêng của chúng ta, tất cả sẽ giúp chúng ta tùng bước
từng ngày đi trong Nước Thiên Chúa và đến với Cha trên trời của chúng ta.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi