CHÚA NHẬT 27 THƯỜNG NIÊN
Chúa Giê-su, đá tảng góc tường tòa nhà cứu độ
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
21:33-43)
Trong bài Tin Mừng tuần trước, Chúa Giê-su đã kể dụ ngôn
người cha sai hai đứa con vào làm vườn nho của ông, để ám chỉ những người
Pha-ri-sêu và thượng tế đã từ chối không đón nhận Nước Thiên Chúa mà Chúa Cha
đã thiết lập và Chúa Giê-su đã khai mạc.
Hôm nay, Chúa Giê-su kể thêm một dụ ngôn nữa để áp dụng cho chính bản
thân Người sẽ bị ngược đãi khi các nhà lãnh đạo và dân Do-thái không muốn đón
nhận Người đã được Chúa Cha sai đến.
Qua câu chuyện dụ ngôn, Chúa Giê-su ôn lại lịch sử Do-thái
trong mối tương quan với Thiên Chúa.
Ít-ra-en là “vườn nho Chúa” và Người đã làm đủ cách để vườn nho ấy đem lại
hoa trái phong phú. Các đầy tớ được sai
đến vườn nho là những vị ngôn sứ đem sứ điệp của Chúa đến cho dân Chúa qua nhiều
thế hệ, mong họ lắng nghe và thi hành để luôn là những người con cái xứng đáng
của Người. Nhưng hầu hết các vị ngôn sứ
đều bị bạc đãi, người bị đánh, kẻ bị giết, người khác bị ném đá! Cuối cùng, “khi thời gian đã viên mãn”, Thiên
Chúa Cha sai chính Con Một là Chúa Giê-su Ki-tô đến với Ít-ra-en dân Người. Nhưng “chúng bắt lấy cậu, tống ra khỏi vườn
nho và giết đi”. Ở đây, chúng ta thấy
như sống lại cuộc Thương khó và cái chết của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su muốn áp dụng kết luận của dụ ngôn
vào chính Người, khi Người trích dẫn câu Kinh Thánh: “Tảng
đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường”.
Kỹ thuật xây nhà ngày xưa đề cao tầm quan trọng của “đá tảng
góc tường”. Ngày nay đá tảng góc tường
chỉ còn là viên đá tượng trưng được sử dụng trong lễ nghi “đặt viên đá đầu
tiên”, có mục đích phô trương một công trình hoặc là công cụ để “moi” tiền công
đức. Còn đá tảng góc tường đích thực và
xưa kia thì khác. Chức năng của đá tảng
góc tường là làm điểm tựa chính, nối kết các viên đá khác lại với nhau để giữ sự
kiên cố của nền móng và các bức tường chung quanh. Cho nên đá tảng góc tường mà sụp đổ thì tất cả
tòa nhà sẽ sụp đổ.
Thực vậy, nếu “công
trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” là công trình cứu độ
hoặc là Nước Thiên Chúa, thì chắc chắn vai trò của Chúa Ki-tô là đá tảng góc tường
không thể thiếu được. Thánh Phao-lô đã
nhiều lần lập lại tầm quan trọng này trong công thức “nhờ Người (tức là Chúa Ki-tô),
với Người và trong Người” để nói lên không những vai trò đá tảng của Chúa
Ki-tô mà cả vai trò liên kết và cộng tác của chúng ta với Chúa Ki-tô nữa. Chúa Ki-tô vừa là chính ơn cứu độ, vừa là nguồn
ơn cứu độ của hết thảy nhân loại. Kế hoạch
của Chúa Cha là chuẩn bị sẵn sàng phương thức cứu độ chúng ta “nhờ, với và
trong Con Một là Chúa Giê-su Ki-tô” mà Người sai đến trần gian. Tuy nhiên cứu độ không phải là việc đơn phương
của Thiên Chúa và chúng ta không được thụ động để mặc Chúa làm mọi sự. Nhưng Thiên Chúa muốn chúng ta chủ động cộng
tác với nguyên nhân cứu độ là Chúa Ki-tô thì chúng ta mới được lãnh nhận hiệu
quả cứu độ. Cũng như mong ước của ông chủ
vườn nho là “chúng sẽ nể con ta”, mong ước của Chúa Cha là chúng ta hãy “nể”
Con của Người, hãy “vâng nghe” lời Chúa Giê-su, nhất là hãy làm môn đệ Người để
Người dẫn dắt chúng ta vào Nước Thiên Chúa.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Câu cuối cùng trong bài Tin Mừng không chỉ là lời Chúa cảnh
cáo các thượng tế và kỳ mục Ít-ra-en, mà cũng là lời Chúa nói riêng với mỗi người
chúng ta: “Nước Thiên Chúa Người sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một
dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”.
Có khi nào chúng ta nghĩ rằng Chúa sẽ lấy đi “ơn cứu độ” khỏi chúng ta
không? Đó là những khi chúng ta từ chối
không đón nhận tình yêu cứu độ của Chúa.
Là những lúc chúng ta không nhìn nhận vai trò của Chúa Giê-su. Là khi chúng ta “đánh, giết, ném đá” những
ngôn sứ của Chúa là những người giúp đỡ chúng ta tiến triển trên con đường
thiêng liêng. Là khi chúng ta không cho
Chúa Giê-su hoạt động trong tâm hồn, đuổi Người ra khỏi trái tim chúng ta và
“giết” Người đi do tội lỗi chúng ta.
Nhưng điều chắc chắn là chúng ta thuộc về “một dân biết làm cho Nước
Thiên Chúa sinh hoa lợi”. Tạ ơn
Chúa! Xin Chúa giúp chúng ta!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi