Chúa Nhật 3 Mùa Thường Niên Năm A
Chúa Giêsu rao giảng tin mừng nước trời
(Ys 9,1-4; 1 C 1,10-13.17; Mt 4,12-23 hay 4,12-17)
Phúc Âm: Mt 4, 12-23
"Người vào
Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo".
Khi ấy, nghe tin
Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền
duyên hải, thành Capharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm
lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: "Hỡi đất Giabulon và đất
Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân
ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người
ngồi trong bóng sự chết".
Từ bấy giờ, Chúa
Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!"
Nhân lúc Chúa Giêsu
đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô,
và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người
bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở
thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo
Người. Ði xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông
Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người
cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.
Và Chúa Giêsu đi rảo
quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng
nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.
Suy Niệm:
(Chúa Nhật 3 Thường
Niên A)
(Ys 9,1-4; 1 C
1,10-13.17; Mt 4,12-23 hay 4,12-17)
Ðức Yêsu Kitô đã được
Chúa Cha sai đến để thực hiện sứ mạng của Người Tôi Tớ, như Chúa nhật trước đã
nói. Hôm nay ta thấy Người ra đi làm tròn sứ mạng ấy. Người kêu gọi các môn đệ;
Người cứu độ mọi người; Người thực hiện các lời Isaia tiên báo. Nhưng chúng ta
đã biết hưởng các ơn của Người mang đến chưa? Ðó là những suy nghĩ của chúng ta
trong Chúa nhật hôm nay.
A. Sứ Mạng Tiên Báo
Bài Tiên tri Isaia mở
đầu bằng một câu đầy phấn khởi, nối dài niềm hân hoan của mùa Giáng sinh. Tác
giả viết: cũng như thời đầu làm suy đốn đất Zabulon và Neptali, thì thời sau sẽ
làm rạng vinh. Tiên tri loan báo cho chúng ta biết: thời Ðấng Cứu Thế sẽ đổi
mới hẳn mặt đất này; trước sự suy đồi, mọi nơi sẽ trở nên rạng vinh. Ông không
nói đến những thay đổi vật chất. Ông trực tiếp đi vào cơ sở của hạnh phúc con
người: Dân đi trong tối tăm sẽ nhìn thấy một ánh sáng lớn. Thiên hạ sẽ hân hoan
như trong mùa gặt hái, như trong buổi thắng trận. Vì mọi ách nô lệ, mọi sức đàn
áp sẽ bị đập tan.
Isaia chỉ biết gợi
lên như thế. Ông chẳng hiểu rồi Ðấng Cứu Thế sẽ làm thế nào. Ông suy nghĩ: con
người hiện nay đang lầm than khổ sở, như tối tăm mặt mũi. Hạnh phúc sẽ đến, khi
có một ánh sáng lớn dọi xuống cho họ, để họ biết ngẩng đầu vươn lên khỏi những
gì đang đè họ xuống. Ơn cứu độ vì thế là ơn giải thoát, giải thoát con người để
họ được tự do, phấn khởi, sáng suốt xây dựng lại cuộc đời, khiến mặt đất trước
kia suy đồi, sau này sẽ rạng vinh. Thế nên sứ mạng của Ðấng Cứu Thế trước tiên
nhằm con người, đổi mới nội tâm họ, để chính họ sẽ cải tạo vạn vật.
Thánh Matthêô đã hiểu
bài Isaia như vậy nên đã đưa lời tiên tri đó vào phần đầu của bài Tin Mừng hôm
nay để giới thiệu công việc của Ðức Yêsu Kitô, khi Người xuất hiện ra đi hoạt
động. Chúng ta hãy xem Người thực hiện sứ mạng như thế nào.
B. Sứ Mạng Thực Hiện
Thánh Matthêô viết:
bấy giờ Chúa Yêsu bỏ thành Nagiarét, đến ở miền Neptali và Zabulon để làm trọn
lời tiên tri Isaia. Nghĩa là Người sẽ làm cho mảnh đất suy đốn ấy trở nên rạng
vinh.
Chúng ta biết, Thánh
Kinh luôn luôn có cái nhìn đạo đức. Khi dùng chữ "suy đốn" nói đến
một vùng đất, Thánh Kinh muốn hiểu về phương diện tôn giáo và nhân đức. Mà quả
thực, con đường biển bên kia sông Yordan nổi tiếng là "Galilê các dân
ngoại", tức là vùng đông dân ngoại và đời sống ở đó phô trương màu sắc dân
ngoại hơn ở những nơi khác trong dân Chúa. Ðức Kitô đã đến đó, nơi tiêu biểu
cho thế gian còn sống xa Thiên Chúa. Người phải biến nó nên rạng vinh. Mà ở
trong Kinh Thánh, một nơi được rạng vinh, một người được rạng vinh, là khi
chính ánh sáng của Chúa đến chiếu soi. Ðức Kitô là ánh sáng muôn dân đến đất
suy đốn để chiếu soi bằng sự hiện diện của Người.
Nhưng không phải tự
nhiên mà người ta có thể nhận ra ánh sáng của Chúa. Như trên đã nói, người ta
còn đi trong tăm tối và đang còn tối tăm mặt mũi, Chúa có lên tiếng gọi, người
ta mới biết ngẩng mặt lên. Vì thế, Người đã lên tiếng. Người đã kêu gọi: Hãy
thống hối tội lỗi vì Nước Trời đã gần đến!
Người tiếp tục đi xa
hơn nữa, không những gọi chung mọi người, mà còn gọi riêng một số người. Họ
cũng đang cặm cụi với công việc thường ngày. Người muốn nâng họ lên, bỏ nghề
chài lưới cá đi chài lưới người. Quả thật, những ai đi theo Người đều đã được
thăng tiến, không phải vì đời sống vật chất đã được khá hơn; ngược lại đau khổ
sẽ chờ họ; nhưng tâm hồn họ được nâng cao, đời sống họ mang thêm nhiều ý nghĩa;
chính họ thấy được hạnh phúc và họ sẽ hiến thân đi chia sẻ Tin Mừng cho mọi
người.
Họ theo Người đi khắp
xứ Galilê, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, chữa lành một số bệnh nhân để làm
chứng rồi đây không còn khổ đau trong Dân Chúa nữa, khi mà Tin Mừng cứu độ thật
sự đã chiếm hữu toàn vẹn tâm hồn con người, đến nỗi khổ đau chỉ có mặt ở mặt
ngoài và rất tạm thời. Mầm mống hạnh phúc đã được cắm sâu trong tâm trí. Với
thời gian, đôi tay con người sẽ làm ra một thế giới mới...
Nhiều người có thể
hoài nghi, 2,000 năm đã qua mà công cuộc của Chúa Cứu Thế chưa đi đến đâu.
Không kể bộ mặt bề ngoài của trái đất nhưng kể cả bộ mặt tinh thần của xã hội
loài người: tất cả dường như nói lên điều này, sứ mạng mà Ðức Kitô thực hiện
chưa đem lại nhiều kết quả. Chúng ta có nên dốc hết niềm tin vào sứ mạng ấy
không?
C. Sứ Mạng Tồn Tại
Gạt bỏ vấn nạn trên
thật là vô lý; nhưng đầu hàng nó lại càng không phải. Biết đâu chúng ta chẳng
quá bất công? 2,000 năm nay cũng đã thay đổi nhiều lắm chứ! Và nhịp tiến bộ mỗi
ngày càng nhanh. Nói rằng sứ điệp của Ðức Kitô, sứ mạng của các môn đệ của
Người không có công gì trong việc cải tiến xã hội, không biết có phải là bất
công không? Và nhất là trong vấn đề cải tiến con người, ai có thể phủ nhận phần
đóng góp của Kitô giáo.
Tuy nhiên chúng ta
không nên bàn cãi những chuyện như vậy. Vấn nạn hoài nghi sứ mạng của Ðức Kitô
phải chăng không phát xuất từ một não trạng "muốn ăn sẵn", muốn thấy
sứ mạng đó đã thực hiện hết rồi, để chúng ta chỉ còn việc thừa hưởng?
Chẳng bao giờ có thể
như vậy! Con người được sinh ra để làm chủ và làm chủ tập thể. Thiên Chúa luôn
chỉ hứa hạnh phúc cho toàn dân, và hạnh phúc cho mỗi người như là một tham dự.
Thế mà bài thư Phaolô hôm nay nói, những người theo Chúa vừa nhận được đức tin,
đã mau chia rẽ trầm trọng. Họ không còn thấy tất cả phải ở trong một cơ thể của
Ðức Kitô nữa và phải tham gia vào cùng sứ mạng với Người. Họ xé lẻ, đánh mảnh,
đề cao ý tưởng này, gièm pha cố gắng kia. Họ đã chia rẽ trong đức tin, thì còn
xung khắc nhau biết bao trong đời sống thực tế! Họ mất sự đoàn kết chặt chẽ
trong cùng một Thần trí và cùng một tâm tình. Họ quên sứ mạng của Ðức Kitô và
không còn nhất trí tiếp nối xây dựng sứ mạng ấy.
Thế thì tình trạng
còn suy đốn hiện nay của mặt đất ta đang ở, lỗi tại chính những người con Chúa.
Họ phải thống hối trở lại vì Nước Trời đã gần đến. Ðúng hơn, họ phải cải tạo để
Nước Trời có thể đến được. Thay vì mỗi người xiêu bạt đi theo các dục vọng
riêng của mình như các con chiên lạc, tất cả phải biết nghe tiếng Chúa Chiên,
chạy lại với Người, chia sẻ của ăn Người ban phát cho, là sự sống và tình yêu
của Người, để ăn vào rồi mọi người sẽ thao thức như Chúa, tiếp tục sứ mạng
Người đã khởi sự: cải tạo tâm hồn, thay đổi đời sống, xây dựng cuộc đời tự do
hạnh phúc chung cho mọi người.
Ðó chính là việc
Người muốn làm mỗi khi hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể. Nơi đây Người kêu gọi
chúng ta bỏ ý riêng, kết hợp với Người nên một thân thể và thân thể ấy sẽ đem
thịt máu xả thân cho mọi người, để ai nấy được hạnh phúc cả hồn lẫn xác. Một
viễn tượng như vậy cho ta thấy: sứ mạng đổi mới con người và đời sống, mặc dầu
đã được loan báo từ ngàn xưa và đã được Ðức Kitô thực hiện, nhưng còn tồn tại
để mọi người chúng ta tham gia. Và như thế cũng chỉ để nâng cao con người và
đời sống của mỗi người tham dự.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)