CÁC KINH SƯ VÀ NGƯỜI PHARISÊU GIẢ HÌNH

(Mátthêu 23,1-12 – CN XXXI TN -  A)

 

1.- Ngữ cảnh

Trước chương 23, tác giả Mt đã cho một cái nhìn chung trên hoạt động thiên sai của Đức Giêsu ở Giêrusalem, và chính xác hơn, trong Đền Thờ. Người chủ yếu thi hành sứ vụ Lời, nghĩa là giảng dạy (21,23) hoặc giáo huấn (22,33). Một khi đã làm chủ và đã thanh tẩy Đền Thờ, Người lên tiếng ở đó với uy quyền. Cử tọa của Người chia thành ba khối: các môn đệ vây quanh Người và làm thành một cộng đoàn rất thống nhất; các đối thủ của Người, đang âm mưu chống lại Người; các đám đông, còn hăng hái (22,33), vẫn bảo vệ Người khỏi các đối thủ (21,46).

Đoạn văn của chúng ta thuộc về phần đầu của một khối chiếm trọn ch. 23, gồm các lời Đức Giêsu nói. Có những tác giả gọi chương này là “Diễn từ chống Pharisêu”. Phần hai là cốt lõi của chương, với giọng điệu trách móc của các ngôn sứ: Đức Giêsu tuyên bố 7 lời nguyền rủa mạnh mẽ chống các kinh sư và người Pharisêu (cc. 13-36), còn phần một, mang tính  giảng dạy và khuyến thiện, được ngỏ với các đám đông và các môn đệ (cc. 2-12). Cuối cùng, trong phần ba, Đức Giêsu kiếu từ dân chúng với những lời lẽ than thở về số phận của Giêrusalem (cc. 37-39). Các lời này chuyển tiếp sang “Diễn từ cánh chung” (ch. 24-25). Nhưng toàn khối 23,1-25,46 là một bài diễn từ thống nhất, và là bài diễn từ cuối cùng (thứ năm) của Tin Mừng Mt.     

 

2.- Bố cục

Bản  văn có thể chia thành hai phần, với câu mở cho toàn chương 23:

1) Mở cho toàn chương (23,1);

2) Hai phần song đối (23,2-12):

a) Nói về các kinh sư và người Pharisêu (cc. 2-7),

b) Nói với các đám đông và môn đệ (cc. (7b) 8-12).

 

3.- Vài điểm chú giải

- Đức Giêsu nói với đám đông và các môn đệ (1): Trong ba Tin Mừng Nhất Lãm, Đức Giêsu không ngỏ lời trực tiếp với người Pharisêu nhưng với đám đông và các môn đệ. Điều này có nghĩa là Người không tấn công trực tiếp giáo thuyết Pharisêu; đúng ra Người đứng giữa dân chúng và các thủ lãnh của truyền thống để giải thoát dân khỏi cái ách luật lệ mà các thủ lãnh đã đặt lên vai họ, mà họ gánh không nổi. Có lẽ việc phản kháng tổng quát này, chứ không phải phản kháng trên những điểm chi tiết nào đó của giáo thuyết, đã đưa Đức Giêsu đến chỗ chết. Bởi vì dưới mắt các thủ lãnh, Đức Giêsu không chỉ là một tên lạc giáo nguy hiểm hoặc một tay kết tạo phe đảng chỉ biết khinh bỉ các đám đông hay dân chúng, mà là một đối thủ trực tiếp đấu tranh cho toàn thể dân Thiên Chúa.    

- tòa ông Môsê (2): “Tòa” là danh từ chỉ đồ vật (ghế của thầy dạy) được dùng theo kiểu hoán dụ để nói về một “chức năng giảng dạy”. Trong các hội đường, đây là chiếc ghế bằng cẩm thạch đặt bên cạnh bàn thờ Tôrah, một người có học thức sẽ ngồi đó mà giảng dạy dân chúng. Không có chỗ nào trong truyền thống gọi chiếc ghế này là “tòa ông Môsê” cả. Nếu có kiểu gọi đó, hẳn là vì truyền thống Do Thái coi Môsê là một vị Thầy (x. Ga 9,28) đã được Thiên Chúa đặt tòa trên núi Sinai; uy quyền này được ban xuống cho các kinh sư qua các vị kỳ mục và ngôn sứ. Như thế, “ngồi trên tòa ông Môsê” có nghĩa là tiếp nối chức năng làm thầy của Môsê: giải thích, áp dụng bằng cách triển khai Luật Môsê, nhưng cũng có nghĩa là các kinh sư chiếm cho mình quyền giảng dạy trong các hội đường.

- hành động (3): Đây là toàn thể lối sống và cư xử của người Pharisêu. Các kinh sư và Pharisêu lẽ ra phải là gương mẫu cho đoàn chiên của họ, nhưng lại không phải thế. Dĩ nhiên đây là một bản phác họa tập thể, chứ không có tính cá nhân, bởi vì trong lịch sử Do Thái giáo, có nhiều kinh sư rất đáng kính.

- những gánh nặng (4): “Gánh nặng” đây đối lại với “gánh nhẹ” của vị Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường (11,30). Đây là những bó buộc về lương tâm mà các kinh sư áp đặt cho dân chúng do những giải thích Kinh Thánh của họ, rất có thể đây là “các truyền thống của tiền nhân” (15,2-11), hoặc “những điều quan trọng nhất trong Lề Luật” mà họ bỏ qua (23,23). Thật ra, Tin Mừng không tấn công tính nghiêm khắc của kỷ luật, nhưng là tính giả hình của các vị thầy khiến họ xác định một mức độ dễ chịu cho họ và một mức độ đòi hỏi cho người khác. Đức Giêsu không tố giác sự bất lực hay sự yếu đuối của người Pharisêu, nhưng tố giác “ý muốn xấu” của họ (“họ không buồn [= muốn]”).  

- lay (4): Động từ kineô có hai nghĩa: (1) cất đi, dời đi; (2) gánh vác. Theo nghĩa thứ nhất, các kinh sư và người Pharisêu không giúp dân chúng cất đi những gánh nặng mà họ đã đặt trên dân. Theo nghĩa thứ hai, họ đặt những gánh nặng trên những người khác, mà chính họ không muốn gánh vác. Nghĩa thứ hai phù hợp hơn. 

- hộp kinh (phylaktêria, 5): Đây là những hộp vuông nhỏ bằng da bê đen chứa những giải giấy da bê trên đó có chép bốn bản văn Kinh Thánh: Đnl 11,13-22; 6,4-9; Xh 13,11-16; 13,2-10. Hộp kinh rất được tôn kính vì nói lên lý tưởng: thường xuyên ghi nhớ Lề Luật Thiên Chúa và cam kết thi hành. Khi được 13 tuổi, người nam Israel đeo một hộp ở trên đầu và một hộp trên cánh tay trái, buổi sáng những ngày thường (làm việc), vào giờ cầu nguyện, và đọc lời chúc tụng sau: “Chúc tụng Ngài, lạy Đức Chúa là Thiên Chúa, vì Ngài đã thánh hóa chúng con bằng các giới răn của Ngài và đã truyền chúng con đeo các hộp kinh”. Bản văn chúng ta nói đến một tập tục của những người Do Thái mộ đạo, họ đeo các hộp kinh và học tập Kinh Thánh suốt ngày, và nới rộng các giải vải để cho mọi người thấy. Đức Giêsu không trách họ đã đeo các hộp kinh, nhưng trách họ đã đeo để khoe khoang.

- tua áo (5): Về các tua áo (kraspeda) cũng vậy: đấy là những núm tua bằng len hoặc lụa mà luật dạy (x. Ds 15,37-39) đeo ở bốn góc áo choàng, như một lời thường xuyên nhắc nhớ đến các giới răn của Chúa phải thi hành. Người Pharisêu nối dài các tua này vì khoe khoang.

- ghế đầu trong hội đường (6): Các ghế này quay lưng lại với hòm bia Luật và đối diện với công chúng.

- ưa được chào hỏi (7): Quy luật truyền thống kinh sư buộc “một người phải chào người thông hiểu Luật hơn mình”. Do đó, “thích được chào hỏi” có nghĩa là thích được, hoặc thích được nhìn nhận là ở trên kẻ khác. 

- ráp-bi (rabbi) (7): Vào thời Đức Giêsu, từ Híp-ri Rab (to lớn) có nghĩa là “chúa”, và rabbi là “chúa của tôi”. Nhưng dần dần rabbi chỉ còn nghĩa là “chúa, ngài”, rồi đến cuối tk i, chỉ một phận vụ (giống như “tiến sĩ, thầy”), và được dùng để gọi các vị thầy tôn giáo và các chuyên viên nổi tiếng nhất về Luật. 

- Phần anh em (8): Có lẽ đây là các môn đệ (x. c. 1) và qua họ, là các vị điều hành các cộng đoàn Kitô hữu. Đức Giêsu dạy họ đừng ước ao làm thầy, đừng tự tôn là thầy, vì “anh em chỉ có một Thầy”. Dựa theo lối hành văn song đối với c. 10 và ngữ cảnh tổng quát của Tân Ước (x. Ga 13,13-14), vị Thầy duy nhất này chỉ có thể là Đức Kitô.

- đừng gọi ai dưới đất này là cha (9): Đức Giêsu dường như cũng không đồng ý để người ta dùng danh xưng Abba mà gọi một số vị lãnh đạo cộng đoàn, vẫn theo nghĩa danh dự và xã hội như danh xưng Rabbi. Chắc chắn Người không nhắm người cha gia đình theo nghĩa đen (x. Mt 15,4-6; 19,19). Người cũng chẳng đứng lên để chống lại truyền thống cổ xưa, theo đó giữa thầy và trò phải có một quan hệ tương tự quan hệ giữa cha và con, đến độ họ có thể gọi nhau là “cha” và “con” (x. 2 V 2,12; 1 Cr 4,14-17; 1 Pr 5,13). Đức Giêsu muốn nhấn mạnh không phải trên việc phủ nhận mọi quyền bính trong Giáo Hội cho bằng trên mối nguy hiểm là tạo ra những nhân vật vĩ đại tước đoạt mất danh dự phải dành cho Thiên Chúa và Đức Kitô. Một Kitô hữu chỉ có thể coi một con người là thầy, cha, thủ lãnh, mục tử, ... trong mức độ người ấy là như thế nhờ thông dự vào tư cách của vị Thầy, Người Cha, vị Thủ lãnh, vị Mục tử đích thật.

- ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên (12): Ý tưởng hạ mình đây phải được giải thích theo chiều hướng của việc phục vụ trong câu trước. Vậy đây không phải là một thị hiếu tự nhiên thiên về chỗ xóa mình đi hoặc tỏ ra anh hùng trong việc phủ nhận chính mình, hoặc tỏ ra khiêm nhường đến độ như tê liệt. Theo nghĩa của Tin Mừng, không ai năng nổ và hạnh phúc cho bằng người phục vụ. Các công thức của c. 12 ở thể  bị động thay tên Thiên Chúa: Thiên Chúa sẽ hạ xuống hoặc nâng lên. Vạy đây không phải là một quy luật tâm lý hoặc xã hội theo đó số phận may rủi của con người sẽ thay đổi.  

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

          Là những người đã nghe Đức Giêsu lâu nay, bây giờ dân chúng và các môn đệ lại được kể ra như là những thính giả của Người. Các đám đông đã tỏ ra thân thiện với Đức Giêsu (21,46; 22,33) chính là dân Israel, lâu nay vẫn chưa rời xa Người. Các môn đệ và dân chính là những dung mạo mà độc giả Tin Mừng có thể coi như là chính mình. Rõ ràng người Pharisêu không được kể ra như là thính giả của Đức Giêsu cho dù họ có mặt ở 22,15.34.41 và ở 23,13-33, họ được Đức Giêsu ngỏ lời trực tiếp với.

 

* Nói về các kinh sư và người Pharisêu (2-7)

Qua c. 2, tác giả Mt giới thiệu các kinh sư và người Pharisêu như là một đơn vị những đối thủ của Đức Giêsu: Họ là những người “ngồi trên tòa ông Môsê”. Khi nói về “tòa ông Môsê”, Đức Giêsu nói lên quyền giảng dạy của người Pharisêu không hề có ý châm biếm, nhưng cũng là nhắc lại một trách nhiệm và sau đó trách tình trạng bất xứng. Đọc TM Mt, chúng ta thấy Đức Giêsu không hủy bỏ quyền làm thầy của họ, nhưng đồng thời cũng không công nhận toàn bộ giáo huấn của họ (x. Mt 12,1-13; 15,1-20). Đức Giêsu đánh giá cung cách của họ bằng hai phân đoạn, mỗi phân đoạn bắt đầu với từ ngữ panta, “tất cả” (cc. 3-4 và cc. 5-7).

Lời đầu tiên Đức Giêsu kết tội các đối thủ là sự bất nhất, nói mà không làm (cc. 3-4): giáo huấn của họ có giá trị, theo hai nghĩa: các kinh sư là những vị thầy được tuyển chọn chính thức cho dân chúng; đàng khác, những điều họ dạy không phải là sai. Đáng trách là họ không trung thành thực hiện. “Vậy (oun), tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ” (c. 3a). Chính câu này gây ngạc nhiên. Đức Giêsu của TM Mt đã lên tiếng chống lại giáo huấn của người Pharisêu dù họ dựa trên “truyền thống của tiền nhân” (15,1-9), Người đã loại bỏ cách họ giải thích luật về trong sạch, và đã gọi họ là mù dắt mù (15,10-14). Chính tác giả Mt cũng cảnh giác đối với giáo huấn của người Xađốc và Pharisêu (16,12). Trong những câu sắp tới (22,8-10), ngài sẽ nói về Đức Giêsu như là vị thầy duy nhất và lại gọi các kinh sư và người Pharisêu là những kẻ dẫn đường mù quáng vì họ dạy những chuyện phi lý (cc. 16-22). Thế thì tại sao ngài là ghi rằng Đức Giêsu truyền cho các thính giả phải làm tất cả những gì các kinh sư và người Pharisêu nói? 

Khó mà có thể cho rằng tác giả lại kêu gọi giáo đoàn của ngài vâng theo tất cả các giáo huấn của các kinh sư và người Pharisêu. Ngài chỉ quan tâm đến phần thứ hai của câu nói của Đức Giêsu: “còn (nhưng = de) những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm” (c. 3b). Câu 3b này sẽ được khai triển trong cc. 4-7. Câu này tương ứng với một trong những quan niệm thần học căn bản của Mt: các hành vi, thay vì giáo lý, mới quan trọng (x. 7,21-23). Trong tương lai, Con Người sẽ chỉ xét xử trên các hành vi (x. 16,27; 25,31-46). Câu 3a chỉ là một chuẩn bị bằng tương phản mang tính tu từ cho “nhưng” ở c. 3b. Qua c. 3, Đức Giêsu muốn nói như sau: Thôi thì nói cho cùng (oun), anh em có thể làm tất cả những gì các kinh sư và người Pharisêu nói; chuyện đó không đến nỗi nào. Tuy nhiên (de), điều chính yếu là anh em không làm những gì họ làm.

Câu 4 minh họa tình trạng không nhất quán giữa giáo thuyết và hành vi. Ngược lại với Đức Giêsu, Đấng “có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (11,29), các kinh sư và người Pharisêu “không muốn tra ngón tay lay thử (gánh nặng)”. Họ không muốn gánh vác những gánh nặng, cho dù họ yêu cầu những người khác làm. Như thế, hình ảnh có nghĩa là chính họ không muốn làm những gì họ nói.

Điểm thứ hai Đức Giêsu kết án là khuynh hướng quy ngã của họ (cc. 5-7): họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Điểm 5a này khiến độc giả nhớ đến 6,1-18. Tác giả trưng ra nhiều ví dụ cụ thể ở c. 5b để yểm trợ cho lời kết án tổng quát ở c. 5a. Ví dụ thứ nhất là họ “đeo những hộp kinh (phylaktêria) thật lớn”. Ví dụ thứ hai là “mang những tua áo (kraspeda) thật dài” để khoe khoang. Những ví dụ tiếp theo cũng theo hướng đó: ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được chào hỏi và được gọi là “rabbi”.

          Tham vọng, tính ham thích những vinh dự, đó là những đặc điểm của một tâm trí thích thống trị, muốn có quyền bính tách khỏi nguồn là Thiên Chúa.

 

* Nói với các đám đông và môn đệ ([7b] 8-12)

Câu 7b dẫn sang phân đoạn thứ hai. Khi chỉ trích các tật xấu của giới lãnh đạo Do Thái giáo, Đức Giêsu cũng muốn lưu ý Giáo Hội coi chừng kẻo bị lây nhiễm: giữ đạo rất chính thống nhưng không có sức sống, vụ hình thức, giáo sĩ trị. Giáo Hội chỉ có thể thoát được các tật xấu đó nếu luôn nhớ rằng mình chỉ là “nữ tỳ của Đức Chúa” (Lc 1,38), luôn tùng phục vị Chúa tể duy nhất này, không chia sẻ (x. Mt 6,24). Nói có vẻ nghịch lý: quyền bính đích thực của Giáo Hội chỉ đến với Giáo Hội khi Giáo Hội biết hạ mình xuống theo gương Đức Kitô, là Đấng lớn nhất mà đã sẵn sàng làm người nhỏ nhất, là Đấng làm đầu mà đã sẵn sàng làm tôi tớ phục vụ mọi người (x. Mt 20,26-27).

Tác giả kết luận phân đoạn bằng một lời của Đức Giêsu, mà rõ ràng được biết nhiều: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (c. 12). Câu này nhắc các độc giả nhớ đến moat điều rất quen thuộc trong Kinh Thánh: Thiên Chúa sẽ thực hiện sự đảo lộn hoàn toàn mọi uy quyền nhân loại và tương quan quyền bính khi đến ngày phán xét và khi Nước của Người ngự đến. Độc giả được hướng đến Mt 24–25.

 

+ Kết luận

Tác giả TM I đang đối chiếu hai hình ảnh Hội Thánh, một Hội Thánh kiểu Pharisêu, huênh hoang, chuộng bề ngoài mà rỗng tuếch, có các thủ lãnh là những người ham thích danh vọng và quyền lực, ràng buộc những người dưới quyền bằng những luật lệ chi li, phức tạp, không sao giữ nổi; bên kia là Hội Thánh Kitô giáo gồm những bằng hữu, những anh em bình quyền. Hội Thánh thứ hai này không phải là không có đầu hoặc kiểu vô chính phủ, bởi vì được Đức Kitô và Thiên Chúa trực tiếp hướng dẫn. Còn những ai có các nhiệm vụ thì được kêu gọi làm chứng bằng việc làm hơn là bằng lời nói (x. c. 3), về sự hiện diện vô hình của Cha chung chứ không thay thế Người, bởi vì Người không vắng mặt và không thể vắng mặt.

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Chúng ta cảm thấy thế nào khi nghe lời Đức Giêsu chỉ trích người Pharisêu? Chúng ta cảm thấy thoả mãn, vì nghĩ rằng các lời ấy được áp dụng cho những người Pharisêu hiện đại mà chúng ta biết rõ? Nhưng đấy lại không phải là một thái độ kẻ cả như muốn nói: nhờ ơn Chúa, tôi không ở trong nhóm ấy? Nếu khi ra khỏi nhà thờ, chúng ta thầm vui sướng vì không phải là người Pharisêu, thì đấy là một dấu chỉ rất xấu. Người môn đệ chân chính của Đức Giêsu biết rõ lòng dạ của mình rất yếu đuối và thiên về tội lỗi, biết rằng mình mang trong lòng tất cả cội rễ của người Pharisêu. Do đó, bổn phận đầu tiên của người ấy là xét mình thay vì tự hỏi ai là những người Pharisêu trong xứ đạo.

2. Danh thơm tiếng tốt là một điều tốt, nhưng quá lo lắng để có được tiếng tốt thì là một điều xấu. Cha mẹ đòi hỏi con cái vâng lời mình là điều tốt nếu đòi hỏi ấy đi đôi với tinh thần dịu dàng và bác ái, và sẽ là điều xấu nếu đấy chỉ là một cái cớ để khẳng định bản thân và chứng tỏ quyền thống trị của mình.

3. Chúng ta sẽ cứ phải đấu tranh chống lại cám dỗ muốn thống trị, muốn đè bẹp kẻ khác, chống lại cám dỗ muốn tỏ ra là mình quan trọng. Khiêm nhường phục vụ không phải là loại bỏ các khả năng tự nhiên, cũng không phải là từ chối hành động cho có hiệu năng; đấy là một não trạng, một xác tín rằng mình chỉ là một dụng cụ cần ngoan ngoãn để Chúa Thánh Thần thổi đi.

4. Có một tiêu chuẩn giúp chúng ta biết chúng ta có trung thành với các lời khuyên nhủ của Đức Giêsu là hãy sống khiêm nhường không. Đó là: “Hãy làm, hãy giữ những gì họ nói”; chúng ta có thể diễn ra là: “Hãy có lòng khao khát chân lý và công lý để biết nhận ra điều thiện dù nó xuất hiện từ nơi nào”. Người Kitô hữu khiêm nhường không từ khước những lời hay ý đẹp của một người viện cớ là người ấy không sống phù hợp với lời người ấy nói, là người ấy giả hình hoặc khoe khoang. Chúa có thể dùng người ấy để giúp chúng ta nên khá hơn.

 

Lm PX Vũ Phan Long, ofm

 


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm A