Chúa Nhật 4 Mùa Thường Niên Năm A
Chúa nhật khó nghèo
(So 2,3.3,12-13; 1 C 1,26-31; Mt 5,1-12)
Phúc Âm: Mt 5, 1-12a
"Phúc cho những
ai có tinh thần nghèo khó".
Khi ấy, Chúa Giêsu
thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ
đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:
"Phúc cho những
ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành,
vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được
ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. Phúc
cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai
có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai ăn ở
thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại
vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen
ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian
ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở
trên trời".
Suy Niệm:
(Chúa Nhật 4 Thường
Niên A)
(So 2,3.3,12-13; 1 C
1,26-31; Mt 5,1-12)
Có thể gọi tên Chúa
nhật này là Chúa nhật khó nghèo, Chúa nhật mà chúng ta phải suy nghĩ về tinh
thần khó nghèo Phúc Âm. Như vậy chúng ta sẽ không bỏ rơi các mối phúc thật khác
và chúng ta sẽ thấy bài Tiên tri và bài Thánh thư sáng sủa hơn nhiều. Vì tinh
thần khó nghèo là điều kiện để được rao giảng Phúc Âm, là cơ sở của các mối
phúc thật. Người khó nghèo được Chúa đoái thương và đổ đầy ơn cứu độ.
A. Khó Nghèo Là Cơ Sở
Có một ngộ nhận căn
bản khiến việc suy nghĩ về Bài giảng trên Núi dễ đi đến chỗ lệch lạc. Người ta
muốn tách rời từng câu, từng mối phúc thật, coi như những chân lý tuyệt đối,
biệt lập không lồng vào nhau, không thông với nhau. Người ta nghĩ đó là một số
các nhân đức, chỉ cần tập được một là được vào Nước Trời. Người ta quên bối
cảnh của Bài giảng trên Núi. Người ta không thấy rõ ý của Ðức Yêsu khi tuyên bố
các mối phúc thật.
Sách Tin Mừng kể hôm
ấy Chúa trèo lên một sườn núi. Người gọi môn đệ lại chung quanh, rồi mở miệng
dạy dỗ dân chúng. Người nói với hết mọi người. Người không muốn để người nào
dửng dưng. Người muốn mọi lời Người nói trở nên của ăn tinh thần cho mỗi người.
Rõ ràng Người không nói với người này trước, người kia sau. Người cũng chẳng
muốn kẻ nghe lời này, kẻ bỏ lời kia. Người không đề ra một số những nhiệm vụ để
mỗi người lựa chọn tùy ý hay để mọi người phải thi hành tất cả bằng nhau. Người
giảng Tin Mừng cứu độ mọi người chứ không ban bố chỉ thị. Người vẽ ra các sắc
thái của Nước Trời để người ta nhận ra Nước đó và muốn đi vào. Sau này sẽ có
lần Người kể cho người ta nghe nhiều dụ ngôn về Nước Trời: các hình ảnh tuy
khác nhau nhưng chỉ diễn tả một thực tại. Cũng vậy hôm nay trong Bài giảng trên
Núi, Người cho thấy có nhiều hạng người ở trong Nước Trời hạnh phúc; tuy nhiên
tất cả đều chung một mẫu số nào đó. Những con người khó nghèo, hiền lành, đói
khát, thương xót v.v... không phải là những con người xa lạ nhau, không thông
cảm gì với nhau, vì nếu không Nước Chúa sẽ là một cái chợ, một nơi ô hợp. Nhưng
không! Nước Trời là một gia đình, một dân Nước, một cộng đoàn hòa hợp, một thân
thể, Thân Thể Ðức Kitô. Giữa những con người hạnh phúc kia có một cái gì thông
hiệp với nhau một cách mật thiết, đến nỗi có thể nói yếu tố khiến họ được phúc
lộc quan trọng hơn các sắc thái riêng biệt của họ.
Vậy yếu tố ấy là gì?
Chắc chắn đó là yếu
tố khiến người ta có khả năng đón nhận sự sống của Chúa, sự cứu rỗi của Người,
Tin Mừng cứu độ Người mang đến. Thế mà rõ ràng Thánh Kinh viết: Tin Mừng được
rao giảng cho người nghèo. Tinh thần khó nghèo được Chúa nhắc đến đầu tiên
trong Bài giảng trên Núi, phải chăng không phải là phúc đầu tiên trong các mối
phúc thật, mà là điều kiện đi trước để có các mối phúc thật sau? Ðó là cơ sở để
phát huy mọi nhân đức, để đón nhận ơn cứu độ dẫn đến hạnh phúc Nước Trời.
B. Nhưng Khó Nghèo Là
Gì?
Không thiếu gì ngộ
nhận. Phần đông chúng ta nghĩ ngay đến phương diện vật chất. Và thật là kỳ cục.
Suy nghĩ như vậy không thể nào đúng được mà người ta vẫn không bỏ. Ðiều lạ hơn
nữa, là suy nghĩ như thế đưa đến nhiều mâu thuẫn mà dường như người ta vẫn cứ
tỉnh bơ. Ðang khi bảo Giáo hội phải khó nghèo hơn, người ta lại hăng say phát triển
đời sống vật chất cho con người. Cũng đừng lấy lẽ phải hiểu khó nghèo đây theo
nghĩa tinh thần, nghĩa là có tinh thần khó nghèo chứ không nhất thiết phải thực
sự nghèo khó. Thôi đi những luận điệu luẩn quẩn ấy! Chân lý rõ ràng là Bài
giảng trên Núi nói về Nước Trời chứ không nói đến nước thế gian.
Vậy, trong bình diện
Nước Trời, khó nghèo là gì? Là còn thiếu ơn cứu độ của Chúa, là muốn được ơn
cứu độ ấy nhiều hơn, nhưng không có khả năng và còn bị trăm nghìn cản trở, là
thiếu thốn thật sự và chỉ còn biết trông đợi vào lượng từ bi phong phú của
Chúa, là đang đi trên đường về Nước Trời nên không dừng lại nơi một tạo vật nào
mà chỉ bắt chước Phaolô: bỏ mọi sự lại đằng sau, lao thẳng về phía trước, theo
ơn Chúa kêu gọi.
Hiểu như vậy thì nhất
thiết phải nói mọi người đều khó nghèo. Nhưng thực tế thì lại ít ai có tinh
thần khó nghèo như vậy. Cả những người nghèo về vật chất cũng thế. Và phải nói
nhiều khi cái khó nó bó cái khôn; nghèo quá còn sức lực đâu mà nhận ra chân lý
và theo đuổi được những sự tốt lành. Người Kitô hữu chắc như vậy nên nhiệt tình
chống giặc đói, giặc dốt và quyết tâm đi vào con đường phát triển. Tuy nhiên
như Chúa đã dạy, người giàu có khó vào Nước Trời vì người giàu thường cậy của,
tin vào mình và chắc chắn về tương lai. Họ suy tính toàn chuyện làm ăn, phá lẫm
cũ xây lẫm mới. Họ bảo linh hồn: bây giờ đã bảo đảm, hãy ung dung ngồi hưởng
thụ.
Vấn đề không phải là
tìm ra chỗ trung dung cho dù "đạo trung dung thật là khó vậy"; nhưng
là đưa suy nghĩ lên bình diện khác, đặt con người không phải trước mặt của cải,
mà là đối diện với Thiên Chúa. Người khó nghèo đặt mình ở trước Thiên Chúa, như
người thu thuế khi vào Ðền thờ cầu nguyện. Người ấy không như người biệt phái.
Ông này ở trước mặt Chúa mà chỉ thấy mình đầy công trạng. Ông giàu có quá. Còn
người kia chỉ thấy khiếm khuyết và bất lực. Người ấy nghèo thật. Và Chúa bảo
người này ra về thì được công chính hơn, còn người biệt phái thì không.
Vậy được công chính
hơn nghĩa là gì? Ở đây có thể đáp là được hiền lành, ưu phiền, đói khát, thương
xót, tinh sạch, hòa bình, bắt bớ, tức là được mọi tư cách khác của các mối phúc
thật. Ðiều này cũng dễ hiểu và dễ nghiệm thôi. Chắc chắn người thu thuế kia khi
ra về sẽ đổi hẳn nếp sống. Cũng như ông Zakkhê nọ, sau khi thấy mình nghèo
trước ở trước mặt Chúa và được Chúa đổ ơn dư đầy cho đã giũ bỏ lòng tham lam
ích kỷ; trở nên nhân đạo và đói khát sự công chính; đời sống từ nay trong sạch
và sẵn sàng hy sinh vì Chúa. Ðược như vậy là vì tinh thần khó nghèo, nghe nói
thì có vẻ tiêu cực, nhưng thật rất tích cực. Kinh nguyện Hòa Bình của thánh
Phanxicô đầy những công thức diễn tả chân lý ấy. Con người càng nghèo ở trước
mặt Chúa, ơn Người càng đổ đầy vào lòng họ, khiến ta thấy tinh thần khó nghèo
thật là cơ sở. Và hiểu tinh thần khó nghèo như vậy, chúng ta mới thấy bài sách
Sôphônia và Thánh thư Phaolô thật phong phú.
C. Thực Hành Khó Nghèo
Tiên tri Sôphônia kêu
gọi người ta: Hãy tìm công chính và sự hiền lành nếu muốn được che chở trong
ngày Chúa thịnh nộ. Là vì Người sẽ chỉ để sót lại một dân khó nghèo, thiếu
thốn. Chính họ mới là những kẻ được chăn dắt, yên hàn, hạnh phúc.
Còn thánh Phaolô thì
khẳng định dân khó nghèo thiếu thốn mà Chúa hứa để sót lại đó, chính là chúng
ta, những thành phần không và chẳng ra gì, mà Chúa đã chọn để đổ đầy sự khôn
ngoan, công chính và cứu rỗi cho chúng ta.
Chúng ta phải cảm tạ
Chúa, nhưng đừng để mất những ơn đã được. Ðừng trở nên giàu có trước mặt Chúa
và cố gắng mỗi ngày càng trở nên khó nghèo. Muốn vậy, thánh Phaolô nói, một mặt
đừng tự phụ cậy dựa vào mình cũng như vào tiền của, vào khả năng nhân đức cũng
như vào ai khác; và mặt khác hãy đón nhận Ðức Kitô là sự khôn ngoan, giàu có,
thánh thiện và sự cứu rỗi của ta. Sở dĩ ta là dân nghèo của Chúa ngày hôm nay
là vì ta đã mặc lấy Ðức Kitô. Từ nay ta càng là dân nghèo có phúc của Người nếu
ta tiếp tục đón nhận Ngài.
Ngài thật nghèo không
phải chỉ vì đã sinh ra nghèo, đã sống nghèo và đã chết nghèo. Nhưng cái nghèo
đích thực của Ngài là cái nghèo ở trước mặt Thiên Chúa Cha. Khi bị cám dỗ nơi
sa mạc, Ngài không tựa vào gì khác để chiến thắng ngoài việc tựa vào Lời Chúa.
Suốt thời kỳ giảng đạo, lương thực của Ngài là ý định của Chúa Cha. Cuối cùng
khi hoàn tất sứ mạng trên Thập giá, Ngài đã hư vô hóa mình, ra nghèo trong sự
chết, để được đổ đầy sự phục sinh và được tôn làm Chúa.
Giờ đây, trong thánh
lễ, Ngài lại đến trong hình thức khó nghèo của bánh rượu, kêu gọi chúng ta tham
dự tinh thần khó nghèo của mầu nhiệm Tử nạn, để ơn cứu rỗi được thông ban cho
chúng ta. Vậy ai khó nghèo hãy đến lãnh nhận. Ai muốn lãnh nhận hãy thú nhận
thân phận khó nghèo. Và lãnh nhận rồi, hãy có tinh thần khó nghèo để không phải
tôi sống, nhưng Ðức Kitô sống trong tôi. Ðời tôi sẽ đích thực là đời Kitô hữu.
Chúa Kitô sẽ sinh động đời tôi để mọi mặt được phát triển, để đời tôi có đủ sắc
thái của các mối phúc thật, vì không ai có thể hiền lành thật mà lại không
trong sạch, thương xót, hòa bình, hy sinh v.v... Các mối phúc thật đều thông
với nhau; và yếu tố chuyển thông ấy chính làtinh thần khó nghèo.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)