Lễ Chúa Yêsu Chịu Phép Rửa Năm A
Một Cuộc Hiển Linh Nhiều Ý Nghĩa
(Ys 42,1-4.6-7; Cv 10,34-38; Mt 3,13-17)
Phúc Âm: Mt 3, 13-17
"Khi chịu phép
rửa, Chúa Giêsu thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống trên mình Người".
Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ
xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan, để ông làm phép rửa cho. Nhưng Gioan
can Người rằng: "Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi
sao?" Chúa Giêsu liền đáp lại: "Không sao, vì chúng ta cần chu toàn
bổn phận như thế". Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. Chúa Giêsu chịu
phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy
Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người. Và ngay lúc ấy, có
tiếng từ trời phán: "Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta".
Suy Niệm:
Lễ Chúa Yêsu Chịu
Phép Rửa
(Ys 42,1-4.6-7; Cv
10,34-38; Mt 3,13-17)
Chúa Yêsu đến xin ông
Yoan làm phép Rửa cho mình. Người làm gì kỳ vậy? Ông Yoan từ chối! Người bảo
ông cứ làm đi để vâng lời Thiên Chúa. Chẳng khác gì sau này khi Ðức Kitô đem
nước đến rửa chân cho Phêrô. Ông này cũng từ chối. Nhưng Người bảo cứ để yên
cho Người làm, sau này Phêrô sẽ hiểu...
Vậy sau hơn 2,000 năm
rồi, Hội Thánh đã hiểu hết ý nghĩa của việc Chúa Yêsu chịu rửa bởi tay ông Yoan
chưa? Hay đây vẫn còn là một mầu nhiệm? Chúng ta cố gắng dựa vào các bài Kinh
Thánh hôm nay để tìm hiểu.
A. Một Cuộc Hiển Linh
Nhiều Ý Nghĩa
Trước hết, Phụng vụ
đặt Lễ này trong mùa Hiển Linh và để kết thúc Mùa Hiển Linh này. Do đó, đây là
một lễ hiển linh đặc biệt. Nhiều Giáo hội Ðông phương mừng lễ này như là một
cuộc hiển linh lớn nhất. Chúa Yêsu từ ngày giáng thế không ngớt tỏ mình ra,
nhưng cho đến bây giờ, đây dường như là lần tỏ mình ra cho nhiều người nhất và
long trọng nhất.
Quả vậy Người đã bắt
đầu tỏ mình cho Ðức Maria trong thời sứ thần truyền tin. Nhưng Maria chỉ biết
ôm mầu nhiệm này trong lòng mà ngẫm nghĩ chứ biết tỏ ra với ai bây giờ? Chính
Yuse cũng phải đợi được sứ thần loan báo mới biết Maria đã thụ thai bởi phép
Chúa Thánh Thần và Hài Nhi sẽ sinh ra sau này là Cứu Thế. Nhưng Yuse cũng chỉ
biết giữ bí mật ấy cho mình. Hôm Hài Nhi chào đời, đã có nhiều mục tử biết;
song cảnh hang đá cũng quá tầm thường, đến nỗi không có ánh sao lạ dẫn đường,
các đạo sĩ đã chẳng có thể tìm đến chỗ ở của Hài Nhi. Sau đó Maria và Yuse đã đưa
con vào dâng trong Ðền thờ. Simêôn đã được ẵm bế và bà Anna cũng đã hân hoan
đón chào; nhưng sự việc xảy ra cũng không được nhiều người biết. Khi trẻ Yêsu
lên 12 tuổi và đi lễ Ðền thờ, nhiều luật sĩ đã ngạc nhiên về sự khôn ngoan của
Người; tuy nhiên cũng chưa phải là việc vô tiền khoáng hậu. Mãi đến hôm nay,
sau khoảng 30 năm sống ẩn dật trong gia đình ở Nagiarét, Ðức Yêsu mới xuất
hiện. Người chọn nơi tụ họp dân chúng đông nhất thời bấy giờ: nơi ông Yoan làm
phép rửa. Tiếng tăm của ông lừng lẫy. Khắp nơi thiên hạ tuốn đến với ông. Cả
hàng đầu mục Dothái cũng chen chân lại xin chịu phép rửa. Lính tráng cũng vậy.
Do đó đây là những dòng thác người đi tìm ơn cứu độ; là dòng lịch sử nhân loại
đang khát khao được ơn cứu vớt. Người đã ở giữa chúng ta; Người ở trong lòng xã
hội; Người gắn bó với nhân loại làm một.
Thế nên đây là giáng
thế ở mức độ rộng rãi nhất; là nhập thế ở giai đoạn triển nở hơn cả; là hiển
linh công khai chưa từng thấy. Ðồng thời chiều rộng này lại có cả một chiều sâu
không thể nào tưởng tượng được. Người ta đã khó hiểu việc Ngôi Lời đầu thai
trong lòng một Trinh Nữ. Người ta đã ngỡ ngàng khi nhìn thấy Hài Nhi nơi máng
cỏ. Tuy vậy, hình ảnh một em bé vẫn dễ thương. Thế nên Simêôn không ngại ngùng
ẵm bế lấy Hài Nhi mà tuyên sấm... Nhưng hiểu sao một Thiên Chúa đến với loài
người như hôm nay. Người đi giữa đám người đang sám hối. Người đến xin ông Yoan
rửa cho mình, dường như Người cũng là tội nhân. Dĩ nhiên phép rửa của Yoan
không có năng lực tha tội, nên không phải chỉ dành cho tội nhân mà thôi. Nhưng
thật sự những người đến với Yoan đều là tội lỗi và đều muốn xưng thú tội mình
ra. Ðức Yêsu không có tội thì Người đến làm gì? Tiên tri Isaia viết: Người sẽ
gánh lấy tội lỗi chúng ta; nên hôm nay Người tỏ ra muốn làm công việc này.
Người đi giữa đoàn người sám hối để khởi sự công việc gánh tội thiên hạ. Và ông
Yoan sau này đã hiểu đúng việc Người làm hôm nay, nên sẽ tuyên bố cho môn đệ
biết Người là Con Chiên gánh tội thiên hạ.
Rõ ràng Người đã đi
giữa đám người sám hối nhưng không phải để thú nhận tội lỗi và được tha thứ.
Người nói với Yoan cứ làm đi để trọn nghĩa công chính, tức là để làm theo Thánh
Ý Thiên Chúa. Sau này Người sẽ bị bắt, bị đem ra xử, rồi bị đóng đinh ở giữa
phường bất nhân; nhưng mà Người chẳng có tội nào và chẳng ai bắt bẻ Người được
vi phạm nào. Người chịu án của tội nhân nhưng mà không có tội. Và như thế là để
làm trọn Thánh Ý Thiên Chúa Cha hầu cứu độ hết thảy tội nhân.
Do đó việc Người chịu
rửa hôm nay quả muốn báo trước việc Người sẽ chịu chết sau này. Người ưa làm
những hành vi báo trước những gì sẽ xảy ra trong cuộc đời của Người. Hôm nay
Người đi giữa quần chúng tội nhân xuống dòng sông Hòa giang để báo trước việc
Người sẽ bị điệu đi xử giữa hàng gian phi và bị chôn vùi trong mồ. Nhưng sau
này không phải chỉ cóvậy. Chết rồi, Người sẽ phục sinh. Cũng thế, hôm nay không
phải chỉ có việc Người chịu rửa. Chịu thanh tẩy xong, Ðức Yêsu đã lên khỏi
nước, và này trời mở ra, Thánh Thần hiện xuống, Chúa Cha tuyên phong Người là
Con Chí Ái, có khác nào trong mầu nhiệm Phục sinh sau này.
Như thế mầu nhiệm
chịu phép rửa hôm nay là hình ảnh về mầu nhiệm Tử nạn - Phục sinh. Hôm xuất
hiện công khai để đi vào xã hội, Ðức Yêsu đã làm cử chỉ này để báo trước công
việc cứu thế của Người. Ðó là cuộc hiển linh mầu nhiệm và thâm thúy, vừa rộng
vừa sâu, như để báo trước rằng rồi đây trước mắt người ta chưa thể thấy Người
là Con Thiên Chúa đâu; Người còn phải đi qua gian khổ mới đạt tới vinh quang;
chỉ trong mầu nhiệm Phục sinh, thiên hạ mới sẽ thấy bản chất cao cả của Người.
Nhưng có phải mầu
nhiệm Người chịu phép rửa hôm nay để Ðức Kitô có thể khai mạc những năm hoạt
động cứu thế và thi hành những công tác cứu đời. Vì sao vậy?
B. Một Lễ Tấn Phong
Cần Thiết
Rồi đây người ta sẽ
thấy Ðức Yêsu bắt đầu "giảng" đạo. Giáo lý của Người rất khác thường.
Nhất là sức mạnh từ Lời của Người thoát ra như thanh gươm hai lưỡi mổ xẻ tâm
can những ai đón nhận. Người thật là Ðấng Tiên tri, nghĩa là vượt hết mọi tiên
tri và đúng là Ðấng Tiên tri người ta phải trông đợi. Nhưng có tiên tri nào mà
không được xức dầu và được Thiên Chúa sai đi?
Cuộc hiển linh hôm
nay quả là lễ tấn phong Ðức Yêsu làm Thiên sai. Thánh Thần đã xuống trên Người
và tiếng Thiên Chúa Cha kèm theo tuyên bố Người là Con Chí Ái. Chẳng nhà tiên
tri nào được xức dầu long trọng như vậy. Nhưng phải nói đây là cuộc tấn phong
nhiệm mầu, chưa bao giờ thấy xảy ra. Thế nên chẳng ai có thể biết ngay được ý
nghĩa. Và nếu không có lời giải thích có uy tín, ai mà hiểu được?
Người giải thích sự
kiện trên đây chính là Yoan. Ông là người duy nhất có thế giá để làm công việc
này. Chính ông đã chứng kiến cuộc tấn phong ở bờ sông Hòa giang. Và ông đã được
Ðấng sai ông đến thanh tẩy nói với ông rằng: "Ngươi thấy Thần Khí đáp
xuống và lưu lại trên ai, thì chính Ngài là Ðấng thanh tẩy trong Thánh
Thần" nên ông nói với mọi người: "Tôi đã thấy và xin đoan chứng:
chính Ngài là Ðấng Thiên Chúa chọn" (Yn 1,33-34).
Nhưng không phải Yoan
chỉ làm chứng có vậy, ông còn trỏ vào Chúa Yêsu và nói với môn đệ: "Này là
Chiên Thiên Chúa, Ðấng khử trừ tội của trần gian" (Yn 1,29.36). Lời giới
thiệu thật là khó hiểu, nếu người nghe không biết rõ Yoan. Ông có một kiến thức
sâu sắc về tác phẩm của Isaia. Con người và sứ mạng của ông gắn liền với sách
của Nhà Tiên tri này. Ông đã chứng kiến cảnh Ðức Yêsu đến xin chịu phép rửa và
được Thánh Thần cho biết đây là Ðấng Thiên Chúa đã chọn, ông liền có thể đồng
hóa ngay Ðức Yêsu với chân dung Người Tôi Tớ Thiên Chúa trong sách của Isaia.
Nhà tiên tri đã nói đến một Người được Thiên Chúa lựa chọn, xức dầu và sai đến
trong thế gian dưới hình thức khiêm tốn của một người nô bộc. Người hiền lành
và làm ơn ích cho mọi người nhưng lại bị loài người đem đi hành quyết như một
con chiên bị dẫn đến lò sát sinh mà không lên tiếng, bởi vì Người mang lấy tội
lỗi trần gian. Yoan hiểu việc Ðức Yêsu đến chịu phép rửa hôm nay, giữa đám tội
nhân như thế, nên ông đoan chứng: Người là Chiên của Thiên Chúa. Và hôm nay
Giáo hội có lý do để đọc cho chúng ta nghe bài sách tiên tri Isaia nói về Người
Tôi Tớ của Thiên Chúa.
Bài sách tự nó hết sức
nhiệm mầu; nhưng đọc trong ánh sáng của ngày lễ hôm nay, nó trở nên sáng sủa.
Thiên Chúa giới thiệu con người và sứ mạng của Ðấng mà Người đã sai đến cứu độ
các dân tộc. Ðó là Người Tôi Tớ mà Người sủng mộ. Người đổ Thần Trí xuống cho
Ðấng được chọn. Vị ấy sẽ khiêm cung và hiền lành, không la lối, không nỡ bẻ cây
sậy đã dập; nhưng lại cương nghị không nao núng cho đến khi thi hành hết sứ
mạng, là làm giao ước của dân, làm ánh sáng các nước.
Rõ ràng Ðức Yêsu đến
chịu phép rửa hôm nay rất hiền lành và khiêm tốn. Người tỏ ra cương nghị khi
nói với Yoan đến nỗi Nhà Tiên tri thời danh đầy uy tính này phải cúi đầu vâng
lệnh. Người được Thánh Thần ngự xuống và được Thiên Chúa tỏ lòng sủng mộ. Ðức
Yêsu, Chúa chúng ta có đủ mọi tư cách ấy. Người là Vị "Tôi Tớ của Thiên
Chúa" nói trong sách Isaia. Người đến làm trọn những lời tiên tri này. Và
người ta thấy cuộc đời công khai mà Người khởi sự hôm nay sẽ diễn ra như thế,
đặc biệt trong cuộc Tử nạn-Phục sinh.
Nhưng chúng ta có
quyền hỏi: Người sống như vậy và làm tất cả những việc ấy để làm gì? Phụng vụ
tìm thấy câu trả lời trong bài sách Công vụ hôm nay.
C. Một Cuộc Ðời Vì
Chúng Ta
Phêrô hôm ấy đang ở
trong nhà ông Cornêliô, là một người dân ngoại. Hơn nữa ông này còn là một bách
quản trong cơ binh Ý đại lợi. Chắc chắn cả vùng ai cũng biết và sợ uy tín của
ông ta. Thay mặt hoàng đế ở địa phương, ông cầm quân trong tay, ai mà không nép
sợ. Thế mà hôm nay ông lại sốt sắng phái người đi tìm Phêrô đến để được nghe
mọi điều Chúa truyền qua miệng người. Phêrô nghe ông kể lại các việc trước sau
liền thấy rõ Chúa muốn cho dân ngoại được biết ơn cứu độ của Ðức Yêsu Kitô. Vị
Tông đồ trưởng không còn nghi ngại gì nữa. Người tạ ơn Chúa đã tỏ lòng muốn cứu
vớt mọi dân. Và người khẳng định: Ý Chúa mà tất cả mọi người đang muốn biết để
được cứu độ và hạnh phúc, đã được truyền đến cho tất cả loài người nơi Ðức Yêsu
Kitô, Ðấng mà Thiên Chúa đã xức dầu sau khi chịu rửa ở sông Hòa giang. Người đã
đi ngang qua mọi nơi thi ân giáng phúc và chữa lành mọi kẻ bị quỷ ma áp bức
thống trị... để ai tin vào Người thì được lãnh ơn tha tội nhân danh Người.
Phêrô đã nói với đám
dân ngoại và cũng đang muốn nói với hết thảy chúng ta. Ðức Yêsu mà chúng ta
thấy chịu rửa ở sông Hòa giang là Vị Tôi Tớ mà Thiên Chúa sai đến. Người sống
khiêm cung hiền từ, nhưng cương nghị thi hành sứ mạng. Người nhẫn nhục mang lấy
tội lỗi chúng ta nhưng là để giải thoát chúng ta khỏi quỷ ma áp bức thống trị.
Ðành rằng ngày nay không còn thấy nhiều những kẻ bị quỷ ám rõ ràng, nhưng ai có
thể tự hào đã thoát khỏi sự áp bức thống trị của quỷ ma, tức là tội lỗi và các
nết xấu, kể cả những tham vọng, ích kỷ và tội lỗi trong đời sống xã hội? Thành
thật và có những nét chưa được trong sáng nơi các tương quan với người khác.
Chúng ta giờ đây cũng
là đoàn người thống hối ăn năn, sẽ hướng về bàn thờ để thấy Chúa Yêsu Kitô ngày
nay không chịu phép rửa của ông Yoan nữa, nhưng trong mầu nhiệm Tử nạn-Phục
sinh. Chúng ta tung hô Người chết đi, sống lại và lại đến. Chúng ta xin Người
tha thứ tội lỗi cho chúng ta. Nhưng nhất là chúng ta lãnh nhận Mình Thánh
Người, Thần Trí Người để chúng ta noi gương Người mà sống như Người đã trở nên
Tôi Tớ khiêm cung và cương nghị hiến đời mình cho hạnh phúc của mọi người.
Chúng ta cũng sẽ sống trong xã hội với các tâm tình hiền từ và ngay thẳng chu
toàn các phận vụ ở đời vì hạnh phúc tất cả chúng ta.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)