LỄ
CHÚA CHỊU PHÉP RỬA
Chúa
Cha và Chúa Thánh Thần trong sứ vụ của Chúa Giê-su
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
3:13-17)
Chúng ta thấy cảm động trước lòng khiêm tốn của thánh
Gio-an Tẩy Giả. Nhưng chúng ta cũng khâm
phục khi ngài tuân lệnh Chúa Giê-su và làm phép rửa cho Người. Thánh Gio-an hiểu rằng nếu phép rửa của ngài
chỉ là dấu hiệu giúp dân chúng bắt đầu cuộc sám hối, thì đối với Chúa Giê-su phép
rửa ấy lại là dấu hiệu để Người khởi đầu sứ vụ.
Cốt lõi của dấu hiệu là sự kiện Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự
trên Chúa Giê-su và tiếng phán của Chúa Cha.
Phải có sự diện diện của Thánh Thần thì Chúa Giê-su mới bắt đầu thi hành
sứ vụ công khai. Phải có lời sai đi của
Chúa Cha “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta
hài lòng về Người” thì Chúa Giê-su mới lên đường rao giảng và chữa lành.
Chúa Giê-su thuyết phục ông Gio-an làm phép rửa cho Người
với lý do “nên làm như vậy để giữ trọn
đức công chính” là Người muốn trở nên giống với chúng ta mọi sự, trừ tội
lỗi. Người muốn hòa mình với thân phận
tội lỗi của chúng ta. Chính vì lòng
khiêm nhượng ấy, Chúa Giê-su đã được Thánh Thần ngự xuống và được nghe tiếng
Chúa Cha phát biểu lòng yêu thương đối với Người. Đây chính là hành trang cần thiết để Chúa
Giê-su thi hành sứ vụ: tinh thần của Thiên Chúa và tình yêu của
Người. Tinh thần của Thiên Chúa qua
sự hướng dẫn của Thánh Thần giúp Chúa Giê-su lúc nào cũng đi theo đúng đường
lối của Thiên Chúa. Sách Tin Mừng kể lại
cuộc sống của Chúa Giê-su, lập đi lập lại điệp khúc “được Thánh Thần thúc đẩy,
được đầy tràn Thánh Thần…” Tinh thần
Thiên Chúa đầy ắp trong lòng, nên Chúa Giê-su mới thắng được những cám dỗ của
tinh thần thế gian hoặc ma quỷ. Tinh
thần và đường lối của ma quỷ thế gian đã biểu lộ trong những cám dỗ Chúa chịu ở
hoang địa. Tinh thần ấy xúi giục Người
đặt ý mình trên thánh ý Chúa Cha, làm vinh danh mình thay vì làm vinh danh Chúa
Cha, theo “đường tắt” thay vì phải chấp nhận cuộc Thương khó và cái chết. Giữ vững tinh thần Thiên Chúa đã được Chúa
Giê-su thực hiện không chỉ trong cám dỗ hoang địa, mà trong suốt sứ vụ. Có lần Chúa Giê-su đã “nặng lời” với Phê-rô: “Xa-tan!
Lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên
Chúa, mà là của loài người” (Mác-cô 8:33).
Cùng với tinh thần Thiên Chúa, Chúa Giê-su còn ôm ấp tình
yêu của Thiên Chúa. Người thi hành mọi
sự trong niềm tin vào tình yêu Thiên Chúa và chân thành đáp lại tình yêu Thiên
Chúa. Tình yêu ấy bao bọc Chúa Giê-su mọi
lúc mọi nơi, khi rao giảng cho dân chúng, khi chữa lành bệnh tật, khi khen ngợi
đức tin lớn lao của người khác hoặc khi trách mắng người Pha-ri-sêu và kinh
sư. Sứ mệnh của Chúa Giê-su là sứ mệnh
tình yêu, làm cho nhân loại biết Thiên Chúa yêu thương họ như thế nào (Gio-an
3:16). Cho nên Chúa Giê-su phải cảm
nghiệm và sống tình yêu ấy trước khi tỏ ra cho người khác. Cuối cùng, tình yêu của Thiên Chúa đã được
Người biểu lộ trọn vẹn qua cái chết trên thập giá.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Hai sức mạnh chính trong cuộc đời Chúa Giê-su đã giúp Người
chu toàn sứ mệnh Thiên Chúa trao ban, đó là tinh
thần và tình yêu của Thiên Chúa.
Ki-tô hữu chúng ta có khi nào tự hỏi mình về hai yếu tố ấy không? Sống giữa trần gian, những chúng ta “không
thuộc về thế gian”, không suy nghĩ và hành động theo cách của thế gian , nhưng theo mẫu gương của Chúa
Giê-su. Chúng ta sống giữa những môi
trường thiếu vắng tình yêu, nhưng lại là những người có sứ mệnh đem tình yêu
đến cho mọi người. Tình yêu và tinh thần
của Thiên Chúa phải là động lực và đường lối để chúng ta làm mọi sự cho Chúa,
cho tha nhân và cho chính bản thân.
Lm. Đaminh Trần đình Nhi