Chúa Nhật I Mùa Vọng A
Người Sẽ Đến
Mt 24:37-44:
37 "Bởi vì những ngày thời Nôê thế nào, thì thời Con Người quang lâm cũng
thể ấy, 38 Vì như những ngày trước lụt Hồng thủy, thiên hạ cứ ăn uống, cưới vợ,
lấy chồng, mãi cho đến ngày Nôê vào tàu; 39 thiên hạ không biết gì, cho đến lúc
lụt Hồng thủy đến mà cuốn đi hết thảy, - khi Con Người quang lâm cũng sẽ như
vậy.
40
"Bấy giờ hai người cùng ở trong ruộng, thì một sẽ bị đem đi, và một sẽ
được để lại; 41 hai bà cùng xay bột nơi cối, thì một sẽ bị đem đi và một sẽ
được để lại.
42
"Vậy các ngươi hãy tỉnh thức, vì các ngươi không biết ngày nào Chủ các
ngươi đến. 43 Hãy biết điều này: nếu gia chủ đã biết canh nào trộm đến, tất ông
đã tỉnh thức và không để nhà bị đào ngạch. 44 Vì thế các ngươi cũng vậy, hãy
sẵn sàng, vì vào chính giờ các ngươi không ngờ, thì Con Người sẽ đến".
Đoạn tin mừng được chia
làm hai 24:37-41 và 24:42-44, có chủ đề chung với đoạn trước và sau nó là không
ai biết khi nào Con Người sẽ đến. Chủ đề
nầy nói về “Ngày” của Con Thiên Chúa (24:36; x.
24:37.28[2x].42.44 “giờ”.50). Trong đoạn nầy Mathêô đưa ra các minh hoạ
(24:39-41) và dụ ngôn kẻ trộm (24:42-44). Chúa Giêsu đã loan báo ngày Con Người
sẽ đến trong quyền năng và vinh quang. Trong ngày ấy các thiên thần sẽ được sai
đi qui tụ những người được tuyển chọn khắp mặt đất (24:30). Ngày Con Người đến
liên quan đến từng người; như thế, mỗi người phải sống sao để ngày ấy đến không
trở nên tai họa cho mình.
Không ai biết ngày giờ
Người đến (24:39-41). Đoạn nầy gồm so sánh ngày Người đến với tai họa lụt hồng
thủy vào thời Nôê (24:37-39); sự chọn lọc (24:40-41). “Con Người” đóng khung đoạn
nầy (cc. 37.39).
Mathêô dùng “hospēr gar” “vì cũng như” để so sánh ngày
Nôê vào tàu tương tự ngày Con Người đến (cc. 37.41). Ông nhấn mạnh sự không hay
biết của con người về ngày ấy; cũng thế ngày Con Người đến (parousia). Trước lụt đại hồng thủy dân
chúng chỉ biết ăn uống, cưới vợ lấy chồng (c. 38); các động từ nầy ở thể phân từ
hiện tại chỉ sinh hoạt thường nhật của họ. Họ chẳng hay biết ngày Nôê vào tàu,
và cuộc sống của họ đã không thay đổi. Lụt đại hồng thủy ập đến và cuốn họ đi mất
(Kn 6:5-24). Sự hủy diệt nầy sẽ được ám chỉ trong câu 24:44. Ngày Chúa đến (parousia) được ví như lụt đại hồng thủy ấy
(kataklysmos). Parousia chỉ việc Chúa đến (c. 39); đó cũng là lúc tận cùng của vũ
trụ nầy (24:3.27). Chúa chưa đến, nhưng ngày ấy đã được loan báo. Đừng để ngày ấy
trở nên tai hoạ cho mình vì không biết.
Mathêô tiếp tục nói đến
hành động của Thiên Chúa trong ngày Người đến (24:40-41). “Tote”, trạng từ chỉ thời gian “bấy giờ” (c. 40), liên kết với đoạn
lúc Con Người đến (c. 39b). Hình ảnh làm ruộng vườn và xay bột chỉ công việc thường
ngày. Hai người cùng làm một việc giống nhau có nghĩa là nhìn từ bê ngoài không
thấy có sự phân biệt nào giữa họ. Tuy nhiên, khi ngày của Chúa đến, Người sẽ đem
một người đi, và để lại một người. Hai động từ “đem đi”, paralambanō, và để lại”, aphiēmi, đối nghịch nhau hoàn toàn. Paralambanō liên hệ đến sự tuyển
chọn của Thiên Chúa (x. 24:31); trong khi aphiēmi
liên hệ đến cái chết (x. 22:25). Như thế, khi Chúa đến, Người sẽ phân biệt cách
rõ ràng ai được chọn và ai không được chọn. Cũng như chỉ khi lụt hồng thủy đến,
người ta mới biết Nôê và gia đình ông được cứu, trong khi những người khác bị
tiêu diệt.
Đoạn 24:42-44 là một
trong hai dụ ngôn làm thành một đơn vị (24:42-51), nói về thái độ tỉnh thức phải
có trước việc Người đến. Đoạn nầy dùng dụ ngôn về kẻ trộm, gồm: -mệnh lệnh “Hãy
tỉnh thức” (c. 42); tính tương tự của việc kẻ trộm đến (c. 43); áp dụng (c.
44). Động từ “biết” ở thể phủ định đều có mặt trong cả ba câu 42.43.44. Chúa muốn
nhấn mạnh lần nữa con người chẳng biết gì về ngày Người đến; nên phải tỉnh thức.
Dụ ngôn bắt đầu với mệnh
lệnh “Hãy tỉnh thức” (c. 42). Mệnh lệnh nầy được dùng bốn lần, và chia hai
trong hai tình huống khác nhau: một là lời loan báo Chúa sẽ đến (24:42; 25:13);
hai là trong vườn Cây Dầu (26:38.41). Tỉnh thức theo nghĩ đen là không ngủ (x.
26:38); nghĩa bóng là canh chừng và chú ý để tránh khỏi tai họa ập tới như dụ
ngôn kẻ trộm nầy; hay tránh khỏi cám dỗ (26:41). Trong cả hai trường hợp, tỉnh
thức là bảo vệ chính mình được an toàn và giữ được thông hiệp với Thiên Chúa.
Hình ảnh kẻ trộm gắn liền
với “đột nhập” và “ăn trộm” (6:19.20). Sự nguy hiểm của kẻ trộm, đột nhập và lấy
đi của cải, rất lớn đến nỗi Chúa Giêsu khuyên phải tích trữ của cải trên trời,
chứ không dưới đất. Kẻ trộm chỉ có thể lấy trộm nếu không ai biết. Ở đây dù chủ
nhà đã biết kẻ trộm sẽ vào, ông vẫn
phải tỉnh thức để của cải không bị lấy đi (c. 43). Vậy người môn đệ càng phải tỉnh
thức hơn, vì họ không biết ngày giờ
Người đến (c. 44). Động từ “dokeō” có
nghĩa là “nghĩ”, “tưởng”. Con Người không đến vào ngày giờ người môn đệ nghĩ đến.
Chúa đã đến và vẫn đến
mỗi ngày. Mùa Vọng chúng ta trông chờ Người hay Người trông chờ chúng ta? Người
đến và trông chờ chúng ta mở lòng ra đón tiếp Người.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến