Chúa Nhật II Mùa Vọng A
Nước Trời Đã Gần Bên
Mt 3,1-12: 1 Trong những ngày ấy Yoan Tẩy giả xuất
thân rao giảng trong sa mạc xứ Yuđê, 2 rằng: "Hãy hối cải, vì Nước Trời đã
gần bên". 3 Ông là người đã được tiên tri Ysaya nói đến rằng:
Tiếng của người hô trong sa mạc:
Hãy dọn đường Chúa.
Hãy bạt lối Người đi.
4 Ông Yoan này, có áo lông lạc đà, ngang lưng thì thắt xiêm bằng da thú
vật, còn thức ăn của ông là châu chấu và mật ong dại.5 Bấy giờ Yêrusalem và cả
xứ Yuddê và khắp vùng giáp cận sông Yorddan trẩy đến với ông 6 và người ta nhờ
ông thanh tẩy cho trong sông Yorddan mà xưng thú tội lỗi.
7 Thấy nhiều người Biệt phái và bè Sađoc đến chịu thanh tẩy, thì ông
bảo họ: "Nòi rắn độc, ai mách cho các ngươi trốn cơn thịnh nộ hòng đến? 8
Hãy sinh quả phúc đức, xứng với lòng hối cải, 9 đừng tưởng nói được với mình:
Ta có cha là Abraham! Ta bảo các ngươi :Thiên Chúa có thể lấy các viên đá này
mà gầy nên con cái cho Abraham. 10 Lưỡi rìu đã sẵn gốc cây; cây nào không sinh
quả lành sẽ bị chặt và quăng vào lửa.
11 Phần ta, ta thanh tẩy các ngươi bằng nước để lo hối cải; còn Ðấng sẽ
đến sau ta, quyền thế hơn ta và ta không đáng xách dép cho Ngài; Ngài sẽ thanh
tẩy các ngươi trong Thánh Thần và lửa. 12 Cái rê lúa sẵn trong tay, Ngài sẽ sảy
sạch lúa sân Ngài; lúa của Ngài, Ngài sẽ thu vào lẫm, còn trấu lép thì Ngài sẽ
thiêu lửa không hề tắt".
Matthêô bắt đầu nói về Chúa Giêsu từ chương 3 trong tương quan với
Gioan Tẩy Giả (3:1-12). Theo sau đoạn nầy là hai biến cố quan trọng: Chúa Giêsu
chịu phép rửa (3:13-17), và chịu cám dỗ (4:1-11). Sau đó, sứ vụ của Chúa Giêsu
bắt đầu cách chính thức (4:12-17) với lời rao giảng: “Hãy sám hối vì Nước Trời
đã gần đến” (4:17).
Đoạn nầy có thể chia thành
ba phần: - Sứ vụ và con người của Gioan Tẩy Giả (3:1-6); - Gioan ngỏ với nhóm
Pharisêô và Sađucêô (3:7-10); - Gioan loan báo Đấng sẽ đến và sứ vụ trổi vượt của
Người (3:11-12). Chủ đề chính của đoạn nầy là “sám hối”, metanoeō (3:2.8 ) và “phép rửa”
baptizō (3:1.7.11[2x]). Gioan rao giảng sự sám hối vì “Nước Trời đã gần đến”
(3:2), và ông thanh tẩy bằng nước cho những ai tỏ lòng sám hối (c.11). Chúa Giêsu
sẽ xuất hiện ở câu 3:13. Gioan Tẩy Giả xuất hiện trước khi Người đến để chuẩn bị
lòng dân đón tiếp Người.
Sứ vụ và con người của
Gioan Tẩy Giả (3:1-6): - Gioan xuất hiện và lời rao giảng của ông (3:1-2); - Những
đặc tính nơi Gioan (3:3-4); - Dân chúng đến với ông (3:5-7).
Trong hai câu đầu tiên
Matthêô giới thiệu ngay khung cảnh, thời gian và lời rao giảng của Gioan (c.1).
Gioan xuất hiện (c.1), paraginomai, “đến”,
động từ nầy cũng được dùng cho Chúa Giêsu (3:13). Matthêô muốn gắn liền sứ vụ của
Gioan vào sứ vụ của Chúa Giêsu (4:17). Chỉ dẫn thời gian “trong những ngày ấy” ám
chỉ lúc Gioan xuất hiện Chúa Giêsu đang còn ở Giuđêa (x. 2:1). Khung cảnh “trong
sa mạc xứ Giuđêa” đặt con người Gioan và lời loan báo của ông liên hệ đến Isaia
người loan báo kế hoạch cứu độ mới của Thiên Chúa cho dân
Lời kêu
gọi của Gioan là “Hãy sám hối, vì Nước Trời đã gần đến” (3:2; 4:17; 10:7)
Đặc điểm của Matthêô là
đặt việc sám hối liên hệ với Nước Trời, chứ không trực tiếp với việc tha tội
(x. Mc 1:4; Lc 3:3). Động từ metanoeō
theo nguyên tự có nghĩa là “thay đổi tâm trí” “thay đổi cách hiểu/cách suy nghĩ”;
trong meta-noeō có “meta” có nghĩa là “thay đổi”, “chuyển sang”,
“biến đổi” (x. 21:29.32; 17:2); và “noeō”
có nghĩa là nhận thức bằng tâm trí, là hiểu biết. Matthêô dùng động từ noeō nầy ở thể phủ định trong lời Chúa
Giêsu khiển trách hoặc người Pharisêô hoặc các môn đệ của Người, vì họ không hiểu
đúng theo cách của Chúa (x. 15:17; 16:9.11). Liên quan đến động từ metanoeō, trong 11:20-21 Chúa Giêsu trách
dân thành Kôrazin và Bêthsaiđa vì họ đã thấy những việc kỳ diệu Người thực hiện,
nhưng họ không “sám hối”, vì họ đã không
hiểu/nhận ra Người là ai dù đã thấy những việc kỳ diệu Người thực hiện (x.
11:20.21; 12:41). Cũng thế, trong 12:41 Chúa Giêsu lại khiển trách “thế hệ nầy”
vì họ đã không “sám hối” khi nghe lời Người rao giảng. Lý do duy nhất là vì họ
không nhận Người là “cao trọng hơn Giôna”.
Cách nói “Nước Trời” là
theo cách dùng của người Do thái để tránh gọi tên “Thiên Chúa”. Matthêô dùng nó
đến 24 lần, trong khi “Nước Thiên Chúa” chỉ bốn lần (12:28; 19:24; 21:31.43). Ý
nghĩa của hai cách nói nầy giống nhau (x. 19:23-24). Động từ “gần đến”, egizō, chỉ một sự kiện tới giai đoạn cuối
cùng và sắp hoàn tất. Khi Chúa Giêsu đến gần Giêrusalem là lúc Người sắp kết thúc
của sứ vụ cứu chuộc (21:1; 26:45-46); cũng thế về mùa gặt (21:34). Như thế, “Nước
Trời đến gần” là giai đoạn cuối cùng trong chương trình cứu chuộc và không còn
một nước nào khác nữa. Nước Trời nầy chính là Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy, sám
hối là thay đổi cách suy nghĩ để nhận ra Nước Trời đang đến và có điều kiện đi
vào Nước Trời. Đó cũng chính là nhận ra và tin vào Chúa Giêsu.
Những đặc tính nơi Gioan (3:3-4)
Câu 3:3 trích dẫn từ phần mở đầu của sách
Isaia 40:1-11. Đoạn mở đầu nầy loan báo thời kỳ cứu độ mới cho dân
Dân chúng đến với ông (3:5-6)
“Tote” “bấy giờ”, mở đầu câu 5, liên kết đoạn nầy lại với câu 3:2. Nghe
lời Gioan rao giảng dân chúng kéo đến với ông. Matthêô kể tên Giêrusalem, Giuđêa
và vùng dọc theo sông Giorđan (c. 5); nghĩa là cả miền Giuđêa. Khi Chúa Giêsu đến
rao giảng, dân chúng sẽ kéo đến với Người, không chỉ từ các vùng nầy mà cả
Galilêa và Đêcapolis nữa (4:25). Chú ý ở đây là Matthêô phân biệt “dân chúng từ
Giêrusalem” ở đây với “tất cả Giêrusalem với vua Hêrôđê” (x. 2:3). “Tất cả” bấy
giờ có cả nhóm Pharisêô và Sađucêô nữa (c. 7). Họ đến để chịu phép rửa tại sông
Giorđan trong khi xưng thú tội lỗi (c. 6). Tên Gioan “Tẩy Giả” liên kết với việc
thanh tẩy ông làm và sông Giorđan. Việc xưng thú tội của dân chúng được xem là
kết quả của lời rao giảng “hãy sám hối” của ông (c. 2; 3:11). Trong Cựu ước sông
Giorđan gợi lại giai đoạn sau cùng của thời gian 40 năm lưu lạc trong sa mạc: vượt
qua sông để vào đất hứa, theo sự chỉ huy của Giôsuê (Giôsua 3-4). Giôsuê là tên
bằng tiếng hipri của cùng tên Giêsu bằng tiếng aramaic. Tên nầy có nghĩa là “Chúa
cứu độ” (x. 1:21). Như thế, sông Giorđan có ý nghĩa đặc biệt trong kế đồ cứu
chuộc của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng sẽ bước xuống sông Giorđan để dẫn đầu cuộc
xuất hành mới nầy (3:13-17).
Chúa Giêsu đến để dẫn dân
Người vào Nước Trời, chứ không vào bất cứ một đất nước nào. Chỉ ai biết sám hối,
nghĩa là thay đổi tâm và trí theo ý Thiên Chúa, mới có thể nhập vào cuộc xuất hành
nầy.
Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến