CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

Hành động yêu thương của Thiên Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 3:16-18)

         Ki-tô hữu Hoa-kỳ có một lối quảng cáo ngộ nghĩnh.  Lái xe trên xa lộ, đôi khi chúng ta thấy một bảng quảng cáo rất đơn sơ, thí dụ “70 x 7”, hoặc “Jn 3:16”.  Với bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gio-an quảng cáo với chúng ta về hành động yêu thương của Thiên Chúa:  “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (3:16).  Đây là cốt lõi thần học theo thánh Gio-an, diễn tả trọn vẹn và sâu xa nhất đường lối Thiên Chúa yêu thương chúng ta.

         Người ta có nhiều cách để đo lường tình yêu, nhưng không phải bằng những con số.  Có những tình yêu rẻ mạt, đo bằng “đầu môi chót lưỡi” (1 Gio-an 1:18), hoặc đánh đổi bằng tiền bạc vật chất.  Trái với những tình yêu rẻ mạt, chúng ta có những tình yêu cao thượng, được đo lường bằng những hy sinh, những chăm sóc lo lắng cho nhau, như tình gia đình giữa vợ chồng, cha mẹ con cái, anh chị em, bạn bè, lòng yêu thương người nghèo khổ… Tất cả những tình yêu cao thượng này của chúng ta chỉ phản ánh được một phần nào tình yêu đích thực và nguyên thủy, đó là tình yêu của Thiên Chúa.  Chúa Giê-su mặc khải cho chúng ta một tiêu chuẩn để đo lường tình yêu của Thiên Chúa:  Thiên Chúa yêu nhân loại đến mức độ ban Con Một cho họ.

         Việc Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian có tầm quan trọng như thế nào?  Như chúng ta biết, sau khi nguyên tổ loài người phạm tội bất tuân, nhân loại đã trở thành “kẻ thù” của Thiên Chúa và họ sẽ phải mất đi.  Nhưng Thiên Chúa không đành lòng để mất tạo vật Người đã dựng nên.  Nó quý giá vì mang hình ảnh của Người, nên Người yêu thương và muốn cứu họ.  Để thực hiện việc cứu độ này, dĩ nhiên Thiên Chúa có thể dùng quyền năng của Người và làm bất cứ điều gì đó một cách dễ dàng.  Nhưng Người muốn việc cứu độ phải là hành động tỏ tình yêu thương, chứ không phải là hành động biểu dương quyền năng.  Vì thế, Người đã chọn cách nào gần gũi con người nhất, dễ nhận biết nhất, làm cho con người cảm động nhiều nhất, miễn là con người có thể cảm nhận được trái tim của Thiên Chúa.  Hành động Thiên Chúa biểu lộ tình yêu qua việc sai Con Một đến trần gian có những giai đoạn khác nhau.

         Trước hết là việc Nhập Thể của Lời, tức Ngôi Hai Thiên Chúa.  Nhờ quyền năng của Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Gio-an 1:14).  Diễn trình đưa nhân loại về làm hòa với Thiên Chúa bắt đầu với sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su.  Chủ đề “Thiên Chúa yêu nhân loại” được khai triển qua lời giảng của Chúa Giê-su.  Kèm theo với lời giảng, các phép lạ Chúa Giê-su thực hiện cũng không ngoài mục đích là để biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại.  Mục đích Chúa Giê-su được sai đến “không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”.  Thực hiện việc cứu độ đòi hỏi phải hòa giải nhân loại với Thiên Chúa.  Chúa Giê-su đã trả giá cho sự hòa giải này bằng chính mạng sống của Người.  Người chết nhục trên thập giá để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa, và để ai tin vào tình yêu ấy mà hối cải và lãnh nhận phép rửa thì được thay đổi căn tính, từ kẻ thù trở thành con cái Thiên Chúa.  Nói tóm lại, Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta bằng việc làm cụ thể là sai Con Một đến cứu độ chúng ta.  Tất cả Ba Ngôi hợp tác chặt chẽ với nhau để thực hiện kế hoạch cứu độ nhân loại mà thánh Phao-lô gọi là “kế hoạch yêu thương Người (Chúa Cha) đã định từ trước trong Đức Ki-tô” (Ê-phê-xô 1:9).

Sống sứ điệp Tin Mừng

         Bài Tin Mừng năm A cho chúng ta một cái nhìn độc đáo về Thiên Chúa Ba Ngôi:  Thiên Chúa cứu độ chúng ta vì Người quá yêu thương chúng ta.  Có lẽ dễ dàng để chúng ta rút ra bài học sống Tin Mừng, là chúng ta hãy cố gắng cảm nhận tình yêu của Chúa và đáp lại tình yêu ấy, hơn là bóp trán suy tư những lý thuyết cao siêu về Ba Ngôi Thiên Chúa.  Mỗi Ngôi Thiên Chúa tỏ ra lòng yêu thương chúng ta một cách:  Chúa Cha sắp đặt kế hoạch cứu độ, Chúa Con thực hiện kế hoạch và Chúa Thánh Thần tiếp tục và hoàn tất kế hoạch.  Còn chúng ta, chẳng lẽ chúng ta đứng nhìn, không màng tham dự vào kế hoạch dành cho mình?

       Lm. Đaminh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A