CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN
Được sai đi
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu 28:16-20)
Kết thúc cuộc đời tại dương thế, Chúa Giê-su đã làm một công
việc vô cùng quan trọng, là sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành
môn đệ…” Nghi lễ “sai đi” đã diễn tiến
trong một khung cảnh tuy đơn sơ nhưng không kém phần
long trọng trên “ngọn núi Chúa Giê-su đã truyền cho các môn đệ đến”.
Là nhân vật chính trong biến cố này, Chúa
Giê-su sắp đặt mọi sự. Địa điểm
là ngọn núi do Người chỉ định. Ga-li-lê có biết bao nhiêu
ngọn núi, nhưng phải là ngọn núi Chúa chọn. Chắc chắn ngọn núi này phải
có liên hệ nhiều với sứ mệnh rao giảng Tin Mừng của Chúa, đồng thời cũng là một
nơi gợi lại nhiều kỷ niệm của Thầy trò suốt ba năm trời. Việc rao giảng Tin Mừng cần có những kinh
nghiệm, nên khi người ta trở về nơi họ đã học được những kinh nghiệm quý báu do
sứ mệnh của Chúa, thì họ sẽ thấy dễ dàng hơn để tiếp nối sứ mệnh của Người.
Chúa Giê-su sai môn đệ đi thi hành sứ mệnh,
nhưng là sứ mệnh gì? Chỉ là tiếp tục những gì Người đã làm, tức là làm cho muôn dân trở
thành môn đệ Người. Trở thành môn
đệ không hiểu theo ý nghĩa thầy trò thường tình của người đời, mà là làm môn đệ
của Đấng “đã được trao quyền trên trời dưới đất”, tức là Con Thiên Chúa. Chính các môn đệ của Chúa
Giê-su đã biểu lộ tình môn đệ cung kính với Thầy bằng cách bái lạy Người, một cử
chỉ tôn thờ dành riêng cho Thiên Chúa.
Họ đã học được tất cả những gì Thiên Chúa muốn dạy dỗ
họ qua trường học Giê-su. Vì thế, giờ đây chúng ta có thể gọi biến cố Lên Trời của Chúa
Giê-su cũng là biến cố tốt nghiệp ra trường của các môn đệ Người. Người sai họ đi như những
“sinh viên tốt nghiệp” đầy kinh nghiệm.
Người phác họa rõ ràng kế hoạch họ phải theo mà
thi hành sứ mệnh làm cho muôn dân trở thành con cái Thiên Chúa. Kế hoạch gồm hai công tác
chính. Thứ nhất,
làm phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con
và Chúa Thánh Thần. Nhờ phép
rửa, những người lãnh nhận với lòng tin được thay đổi căn tính, để từ nay họ sẽ
làm con cái của Thiên Chúa Ba Ngôi. Dĩ
nhiên để có lòng tin này, họ phải được nghe giảng Tin Mừng cứu độ và được chuẩn
bị để trở thành một phần tử của Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Thứ hai, các môn đệ Chúa phải
dạy bảo người ta tuân giữ mọi điều Chúa
đã truyền cho các ông. Phải,
chỉ là các điều Chúa đã truyền! Người đã
truyền cho các ông bằng những lời dạy dỗ, bằng những hành vi gương mẫu, bằng những
cách Người đã đối xử với tha nhân, nhất là đối với những người cùng khổ, tội lỗi,
cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa.
Theo thánh sử Gio-an, những điều Chúa Giê-su đã truyền lại, dù có viết
ra thì cả thế gian này cũng không đủ để chứa sách!
Có phải đây là một sứ mệnh quá lớn, vượt
trên khả năng con người hay không?
Đúng vậy, quá lớn, nhưng không phải là không thể thực
hiện, vì đây không phải là công việc chúng ta phải làm một
mình, mà là làm trong sự có mặt của Đấng sai chúng ta đi. Lời hứa “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến
tận thế” là một bảo đảm chắc chắn cho việc khả thi ấy!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Khi nghe Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm…”,
có lẽ ít khi chúng ta nghĩ rằng Chúa cũng nói những lời ấy với chúng ta hôm
nay. “Được sai đi”
không phải chỉ dành riêng cho một nhóm người sống cách đây hai ngàn năm, nhưng
cho chúng ta, những người đang sống hôm nay và ở đây. Cũng như các môn đệ xưa,
chúng ta “bái lạy” Chúa Giê-su, nhìn nhận Người là Thiên Chúa và là Đấng sai
chúng ta đi. Chúng ta đã được diễm
phúc làm con cái Chúa nhờ bí tích Rửa tội.
Chúng ta cũng biết ít hay nhiều những điều Chúa đã truyền, thí dụ hãy
yêu thương nhau, hãy tha thứ, hãy yêu kẻ thù, hãy tin tưởng và phó thác cho Cha
trên trời… Nhất là chúng ta biết Chúa Giê-su “ở cùng” chúng
ta mọi ngày trong Lời Chúa và trong Bí tích Thánh Thể. Chúa Giê-su không sai chúng
ta đi để làm một công việc ngoài khả năng chúng ta. Điều Người mong đợi nơi kẻ được sai đi không
chỉ là kiến thức, kỹ thuật, tài ăn nói…, nhưng là tấm
lòng. Hồn tông đồ hay lòng nhiệt thành
phải là động lực để Thánh Thần sử dụng mà thúc đẩy chúng ta lên đường truyền
giáo!
Lm.
Đaminh Trần đình Nhi