CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
Chúa Giê-su là mạch Nước sự sống đời đời
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an
4:5-42)
Có lẽ trước tiên chúng ta thắc mắc: tại sao đang trong mùa Chay năm A, với bài Tin
Mừng Mát-thêu, mà Phụng vụ Lời Chúa lại sử dụng bài Tin Mừng của thánh Gio-an
liên tiếp cho ba Chúa Nhật III, IV và V?
Là vì Giáo Hội muốn dùng những bài ấy cho Nghi thức Sát hạch các dự tòng
về chân tính của Chúa Giê-su. “Chúa
Giê-su là Đấng nào?” là chủ đề của mùa Chay năm A. Như chúng ta đã thấy, Chúa Giê-su bị cám dỗ về
căn tính (tuần I), rồi ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a đã làm sáng tỏ sứ mệnh của
Chúa Giê-su trong cuộc Chúa Hiển dung (tuần II). Tiếp đến, với Tin Mừng Gio-an, chân tính ấy
được trình bày dưới ba danh hiệu: Nước hằng
sống (tuần III), Ánh Sáng trần gian (tuần IV), Sự Sống Lại và Sự Sống (tuần
V). Qua câu chuyện Chúa Giê-su đàm thoại
với người phụ nữ Sa-ma-ri bên bờ giếng Gia-cóp, hôm nay chúng ta có dịp thấy mầu
nhiệm Chúa Giê-su là Ánh Sáng trần gian được tỏ lộ một cách tuyệt vời.
Câu chuyện Chúa gặp người phụ nữ Sa-ma-ri có những tư tưởng
quá phong phú và cũng không phải là xa lạ với hầu hết chúng ta. Nhưng có lẽ điều làm chúng ta thích thú nhất
chính là tính năng động và khai mở dần dần của những đặc điểm và danh hiệu được
hiểu về Chúa Giê-su, để cuối cùng đưa chúng ta vào tâm điểm: Chúa Giê-su là mạch nước đem lại sự sống đời
đời. Mở đầu câu chuyện là lời thách đố của
Chúa Giê-su: “Nếu chị nhận ra ân huệ
Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị
đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống”. Kế tiếp, Chúa Giê-su mời gọi người phụ nữ đi
vào cuộc khám phá lời hứa của Người: Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch
nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.
Đây là sơ lược diễn tiến cuộc tranh luận giữa Chúa và người phụ nữ
Sa-ma-ri. Trước hết chị ta lấy tổ phụ
Gia-cóp ra mà “hù” Chúa Giê-su, nhưng rồi sau lời Chúa hứa ban nước hằng sống,
thì chị nhận ra rằng Chúa Giê-su còn “lớn
hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp” nữa!
Tiếp theo là khám phá danh hiệu “ngôn sứ”. Sau khi Chúa nói
cho chị biết về quá khứ và hiện tại chị muốn giấu kín mọi người, là chị đã có
năm đời chồng và người đàn ông hiện thời cũng không phải là chồng của chị, chị
đã không ngần ngại tuyên xưng: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ”.
Cuộc tìm hiểu chân tính của Chúa chuyển sang lãnh vực thờ
phượng. Chị vẫn hãnh diện với việc thờ
phượng Thiên Chúa mà tổ tiên chị đã truyền lại cho con cháu tại núi Ga-ri-dim,
một ngọn núi lớn hơn cả “đồi Xi-on” và bao quát một miền rộng lớn của xứ Sa-ma-ri. Chúa không tranh cãi, nhưng Người chỉ cho chị
thấy chiều kích căn bản của việc thờ phượng không căn cứ vào nơi chốn như tại
Giê-ru-sa-lem hay trên Ga-ri-dim, mà là thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và
sự thật. Nhờ sự soi sáng tuyệt vời này,
chị nhận ra Chúa Giê-su dường như là Đấng
Mê-si-a, điều chính Người xác nhận với chị:
“Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. Lời xác nhận này đã làm cho chị mạnh mẽ và
can đảm đi rao truyền cho mọi người trong thành biết Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, để khi được tiếp xúc với Người
thì chính họ đều biết rằng Người thật là
Đấng cứu độ trần gian!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Những bước mặc khải về chân tính Chúa Giê-su qua câu chuyện
Tin Mừng hôm nay rất là sống động. Chúa
vẫn tiếp tục tỏ ra cho mỗi người chúng ta biết về con người và sứ mệnh của
Chúa, với mỗi người một cách, không nhất thiết qua “cuộc tranh cãi” giống như
trường hợp người phụ nữ Sa-ma-ri. Nhưng
chắc chắn có một phương thức chung dành cho mọi người, đó là Chúa cho chúng ta
biết về Người qua những sinh hoạt thường ngày của chúng ta, giống như người phụ
nữ Sa-ma-ri đi kín nước tại giếng Gia-cóp.
Chúa nói với chúng ta về Người khi chúng ta cầu nguyện, đọc và suy niệm
Kinh Thánh. Chúa cho chúng ta biết về
Người trong những việc bổn phận hằng ngày, trong những thử thách khó khăn. Chúa cho chúng ta nhận ra Người nơi những anh
chị em và những người nghèo khổ yếu đau cần giúp đỡ. Tóm lại, Chúa muốn khơi lên trong lòng chúng
ta một mạch nước đem lại sự sống đời đời!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi