CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY
Chông gai của hành trình đức tin
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an
9:1-41)
Trong bài Tin Mừng tuần trước, cuộc mặc khải Chúa Giê-su là
Nước hằng sống đối với người phụ nữ Sa-ma-ri là một cuộc phấn đấu nội tâm. Nó đòi chị ấy phải vượt thắng những rào cản về
phân biệt chủng tộc, tội lỗi cá nhân và những định kiến tôn giáo. Qua mỗi vượt thắng ấy, người phụ nữ Sa-ma-ri
đã dần dần nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a.
Còn câu chuyện Tin Mừng hôm nay lại cho chúng ta thấy một khía cạnh khác
của hành trình đức tin nhận biết Chúa Giê-su là Ánh Sáng trần gian. Việc người mù từ thuở mới sinh được Chúa
Giê-su chữa lành đã kéo theo hậu quả là anh ta phải đối phó với những hạch hỏi
dọa nạt từ phía những người Pha-ri-sêu không muốn nhìn nhận Chúa Giê-su là “người
của Thiên Chúa”. Những khó khăn người mù
được chữa lành đã gặp chẳng phải là những khó khăn chúng ta cũng gặp hôm nay
hay sao?
Sau khi đã được Chúa lấy bùn xức vào mắt và đi rửa tại hồ
Si-lô-ác, người mù bẩm sinh đã nhìn thấy được.
Nhưng lập tức anh đã phải đối phó với một cuộc tấn công rộng lớn để bảo
toàn đức tin của anh vào Chúa Giê-su.
Trước hết là thái độ chối bỏ của những người láng giềng. Họ không nhận anh là người đã được Chúa
Giê-su chữa lành, hay nói khác đi, họ không muốn công nhận Chúa đã chữa lành
cho anh. Nhưng anh đã quả quyết: “Chính tôi đây!”, có nghĩa là anh muốn
nói: “Tôi khẳng định Chúa đã chữa lành
tôi và tôi tin vào Người”.
Tiếp đến là “mặt trận Pha-ri-sêu”. Họ tìm đủ cách để chứng minh cho anh thấy
Chúa Giê-su là người tội lỗi chứ không phải là người của Thiên Chúa. Họ không muốn nửa tin nửa ngờ về gốc tích của
anh như những người láng giềng của anh đã làm.
Cho nên họ đến gặp cha mẹ anh để xác định xem anh có thực sự là tên mù vẫn
ngồi ăn xin ở cửa Đền Thờ và được chữa lành hay không. Khi đã chắc chắn rồi, họ quay sang tấn công
anh mù. Họ lý giải rằng Chúa Giê-su đã
không giữ luật ngày sa-bát (vì việc Người trộn bùn bôi vào mắt anh mù là phạm
luật nghỉ ngơi ngày sa-bát!), nên Người phải là kẻ tội lỗi. Nhưng anh đã đanh thép phản bác lý luận của họ: “Một người tội lỗi làm sao có thể làm được những
dấu lạ như vậy?” Và anh kết luận: “Người là một vị ngôn sứ!” Hậu quả của lời tuyên xưng này là anh bị đuổi
ra khỏi cộng đoàn.
Điều khiến chúng ta khâm phục anh mù là thái độ vững lòng
tin của anh. Sau lúc phải đối phó với những
chống báng của những người chung quanh về Chúa Giê-su và về lòng tin của anh đặt
nơi Người, anh vẫn âm thầm đi tìm Đấng chữa lành. Từ khi được sáng mắt, anh chưa có cơ hội gặp
mặt Chúa. Nhưng chính Chúa đã trở lại với
anh và Người sẽ hoàn tất cuộc tỏ mình ra cho anh biết. Nghe Chúa Giê-su nói với mình: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây”, anh đã làm
một cử chỉ tuyên xưng đức tin vô cùng cảm động.
“Anh nói: ‘Thưa Ngài, tôi tin’. Rồi
anh sấp mình xuống trước mặt Người”.
Câu chuyện Tin Mừng thật lý thú và để lại cho chúng ta nhiều
sứ điệp. Nhưng ý nghĩa nhất có lẽ là câu
chuyện nói với chúng ta rằng hành trình đức tin của mỗi người chúng ta đều phải
trải qua những khó khăn. Gian nan thử
thách chính là những cơ hội giúp cho lòng tin của chúng ta càng trở nên vững
vàng hơn.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Cha mẹ anh mù sợ bị phiền nhiễu, nên họ nói với người
Pha-ri-sêu : “Nó đã khôn lớn rồi,
xin các ông cứ hỏi nó!” Chi tiết này cho
chúng ta một suy nghĩ thực tế áp dụng vào đời sống đức tin của chúng ta. Xét theo căn tính, mang danh là người Công
giáo có nghĩa là chúng ta đều “khôn lớn rồi”.
Vì thế chính chúng ta phải chiến đấu để giữ vững đức tin của mình. Người khác chỉ hỗ trợ hoặc cổ võ mà
thôi. Chính chúng ta mới là người trả lời
câu hỏi của Chúa: “Anh có tin vào Con
Người không?
Đấng Ki-tô hoặc Con Người đều là những danh hiệu của Chúa
Giê-su Ki-tô trong công cuộc cứu độ nhân loại.
Mùa Chay là thời gian để chúng ta đặc biệt suy niệm về sứ mệnh cứu độ của
Chúa và về bổn phận đáp lại tình yêu Chúa dành cho chúng ta. Vậy chúng ta sẽ trả lời thế nào trước câu hỏi
của Chúa: “Anh có tin vào Con Người
không?”
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi