HAI CÁCH NHÌN VÀ HAI LỐI SỐNG
(Chúa Nhật 4 Mùa Chay,
A)
Jos.Vinc. Ngọc Biển
Ở đời, khi nói về nỗi khổ thể lý của người
bị mù lòa, người ta vẫn thường nói: “giàu
hai con mắt, khó hai bàn tay”; còn đối với các nhà thi sĩ thì con mắt là một
cái gì đó rất thơ mộng! Nó luôn gợi hứng cho những ai yêu mến thơ văn có thể nảy
sinh sáng tác... vì thế, có câu: “Mắt em là một dòng sông,
thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em” (Lưu
trọng Lư); hay đối với những nhà nhân tướng học thì: “Con mắt là phản ảnh của tâm hồn”. Nên nhìn con mắt,
người ta có thể đoán bắt được tính tình; hoặc với các nhà khoa học thì: “Con mắt được coi như một chiếc máy chụp rất
nhỏ nhưng rất tinh vi và phức tạp, chưa có một máy kỹ thuật số nào sánh kịp[...].
Con mắt thâu 80% số vốn kiến thức mà con người hấp thụ được...”
Vì thế, con mắt được gọi là “cửa sổ của linh hồn”. Tuy nhiên, trong
đời sống đức tin, cái mù lòa về mặt thể lý không đáng sợ cho bằng cái mù tâm
linh.
Hôm nay, bài Tin Mừng cho chúng ta thấy
Đức Giêsu đã làm phép lạ chữa người mù từ lúc mới sinh. Nhưng điều đặc biệt là
nhờ con mắt đức tin của anh mù sáng, nên con mắt thể lý cũng nhờ đó mà được
trông thấy. Trong cuộc sống thực tế, hình ảnh của anh mù đối lập với nhiều người.
Tại sao vậy? Thưa, bởi vì có rất nhiều người hiện nay sáng mắt về thể lý, nhưng
lại mù lòa về tâm hồn.
Qua câu chuyện Đức Giêsu chữa người mù từ
lúc mới sinh, đã nảy sinh hai cách nhìn, hai lối hiểu khác nhau giữa Thiên
Chúa, mà cụ thể là nơi Đức Giêsu và những người sống cùng thời với Ngài.
1.
Hai cách
nhìn và hai lối sống
Điều trước tiên, chúng
ta cần nhận thấy là Thiên Chúa nhìn con người, sự vật hoàn toàn khác lối suy
hiểu của con người. Nếu con người nhìn bề ngoài, thì Thiên Chúa nhìn thấu tận
tâm can. Chuyện người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp tuần trước là một chứng minh
cụ thể, khi Đức Giêsu biết người phụ nữ này có quá nhiều đời chồng, mặc dù chị
ta không nói (x. Ga 4,5-42). Nếu các Pharisêu và phần đông người Dothái giữ
luật chỉ vì giữ luật mà sẵn sàng trở nên vô cảm, dửng dưng trước nỗi khổ của
anh em đồng lại, thì Đức Giêsu đã vượt lên trên luật để giải phóng con người,
hầu đem lại cho con người được hạnh phúc, tự do đích thực, và dẫn đưa người ta
vào trong đường lối nhân hậu, bao dung của Thiên Chúa. Vì thế: “Thật vậy, tư tưởng của Ta không phải là tư
tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta”(Is
55, 8).
Thật thế, ngay cả tiên tri Samuel, ông
đã được Thiên Chúa yêu thương, chọn và gọi, rồi ông cũng đã phục vụ Thiên Chúa
rất nhiều năm trong vai trò là người thông ngôn cho Người, ấy vậy mà ông vẫn
còn có thái độ rất đời, vẫn không có cái nhìn của Thiên Chúa (x. Sm 16, 1b.
6-7. 10-13a). Rồi đến lượt chính các môn đệ, khi gặp thấy anh mù, các ông cũng
nhao lên hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, ai đã
phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?"
(Ga 9,2). Như vậy, từ Samuel, đến các môn đệ là những người sống bên cạnh Chúa,
vậy mà vẫn còn đó cái nhìn không có “chất
Chúa” khi nhận xét một thực tại!
Như vậy, đâu lạ gì khi chúng ta thấy những
người Biệt Phái cũng có cái nhìn rất đời như vậy. Phải chăng có khác nhau chút
ít khi Samuel cũng như các môn đệ là do chưa hiểu hết được ý định của Thiên
Chúa, nhưng khi đã nhận ra, các ngài đã trung thành theo ý của Thiên Chúa. Còn
những người Biệt Phái thì do ghen tương, ích kỷ, kiêu ngạo và cố chấp, cho nên
họ khước từ chứng tích của anh mù về tình thương của Thiên Chúa qua Đức Giêsu, đồng
thời, họ tìm cách loại trừ chính Đức Giêsu và ngay cả anh mù ra khỏi cộng đồng,
xã hội của họ. Nếu Đức Giêsu đã không chữa bệnh ngày
Sabát, và anh mù kia nếu không xuất hiện thì đã không có chuyện...
Trước mặt những người Pharisêu và người
Dothái cũng như theo lỗi suy diễn của họ thì: Thiên Chúa, hay người của Thiên
Chúa phải là Đấng tốt lành, thánh thiện, trung thành với Lề Luật và không bao
giờ có thể gần gũi với những người tội lỗi... (x. Ga 9,16). Thật ra, nói như vậy
thì không sai, nhưng chưa đủ, bởi vì nếu tách tình thương của Thiên Chúa ra khỏi
xã hội, cuộc sống, cụ thể là những nơi, những người cần được cứu độ thì mâu thuẫn
nội tại với Người, bởi vì: “Thiên Chúa là
tình yêu”.
Tuy nhiên, thái độ của Đức Giêsu thì
khác hẳn. Khi chữa cho anh mù được sáng đúng ngày cấm kị của người Dothái theo
luật Môsê, Đức Giêsu đã khẳng định về sứ vụ Thiên Sai của mình, Ngài nói: “Chúng ta phải làm những việc của Ðấng đã
sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao
lâu, Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian" (Ga 9,4-5). Và, Ngài
cũng ngầm cho mọi người biết rằng Ngài đến từ Thiên Chúa, nên làm chủ luôn ngày
Sabát và mặc cho nó một ý nghĩa đúng đắn khi nói: "Ngày sabát được làm ra vì con người, chứ không phải con người vì
ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát" (Mc
2,27-28). Vì thế, nếu đã là phương tiện, thì nó chỉ đóng vai trò là phục vụ,
nên không thể không cứu người, hoặc làm việc tốt chỉ vì vụ luật.
2.
Sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa ngày hôm nay nhắc chúng
ta một vài điều:
Trước tiên, nếu chỉ suy nghĩ đơn giản
hay bề ngoài, mỗi người chúng ta rất dễ có nhận định là tại sao Samuel đã được
Chúa gọi, chọn và được đặc ân sống thân tình với Thiên Chúa, đại diện Chúa, mà
vẫn không nhận ra thánh ý của Người?
Thứ đến, chúng ta cũng không ngần ngại
trách các môn đệ khi các ông có nhận định sai lầm về việc chàng thanh niên bị
mù được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay khi các ông thắc mắc với Đức
Giêsu về việc có phải anh ta bị mù là do tội của anh hay của cha mẹ anh?
Tiếp theo, chúng ta rất dễ kết án những
người Biệt Phái vì có một quan điểm nguy hiểm và cho rằng những ai bị tật là do
tội và bị Thiên Chúa trừng phạt! Đồng thời kết án họ vì cố chấp bởi vì trong
tim và khối óc luôn có sẵn một định kiến, chống đối và thù ghét cũng như khinh
thường những người thấp cổ bé họng, ốm đau bệnh tật, và kết án nữa là vị họ sống
hình thức, vụ luật...;
Cuối cùng, một lối suy nghĩ đáng thương
hại cho những người Dothái thời bấy giờ, vì họ đã có chính Đức Giêsu là hiện
thân của Thên Chúa ở cùng mà lại không nhận ra. Nên họ đã bất đồng ý kiến và nảy
sinh mâu thuẫn chỉ vì câu nói: "Một
người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?" (Ga 19,6). Tuy
nhiên, suy cho cùng, chúng ta phải thương lấy chính chúng ta, bởi vì vẫn còn
đâu đó những nghi kỵ, thành kiến và gán mặc cho người khác những điều mà cả cuộc
đời của họ không sao ngóc đầu lên được, chỉ vì một lần trong đời họ bị lỡ...
3.
Sống sứ điệp Lời Chúa
Thật vậy, vì ích kỷ, nghi kỵ và kiêu ngạo,
nên đã không ít lần chúng ta không thể bỏ qua những sai sót cho anh chị em
chúng ta, dẫu vẫn biết rằng, nhiều khi chính chúng ta tội lỗi hơn họ, nhưng chỉ
vì chúng ta khôn khéo, lèo lái cách tinh vi mà người đời không biết, nên chúng
ta vẫn “bình chân như vại” mà sẵn
sàng lên án người khác. Vì thế, vẫn còn đó những chuyện đau lòng như:
Nếu ai đó một thời vướng vào cái tội gọi
là “đầu trộm đuôi cướp” thì cả đời
không thể thoát ra khỏi những ánh mắt coi thường, khinh khi, dẫu giờ này con
người đó tốt lành, hoàn lương! Hay một cô gái nào đó chỉ vì trót dại, và cũng
có thể vì hoàn cảnh bị ép buộc phải làm gái điếm... thì mặc cho cô ta đã hối hận,
quay đầu trở về và hướng thiện, thì cũng không bao giờ tránh được sự dè bửu,
chê bai và cả đời không bao giờ rửa hết nỗi nhục bán thân. Hoặc như một bạn trẻ
nào đó, thời thanh niên, vì thiếu sự suy nghĩ, ham chơi, nên sa ngã vào con đường
nghiện ngập, hút trích... những người này, dưới con mắt của chúng ta, họ là đồ
bỏ, mà ngay cả những người có lòng giúp đỡ họ cũng bị khinh thường theo.
V.V.
Chỉ đưa ra chừng ấy
thôi thì cũng đủ cho chúng ta thấy là đã biết bao lần ta bỏ lỡ cơ hội như Chúa,
đã đánh mất vai trò đồng hành, nâng đỡ và tỏa gương sáng cho anh chị em chúng
ta để dìu họ bước lên. Không những thế, nhiều khi chúng ta lại cho rằng nếu tạo
điều kiện thuận lợi cho họ, thì chẳng khác gì “vẽ đường cho voi chạy”; hay như một cơ hội để họ lợi dụng lòng tốt,
rồi “ngựa quen đường cũ”, nên đôi lần
chúng ta đã thẳng tay vùi dập, làm cho cuộc đời của họ bi đát hơn và không thể ngẩng
đầu để tiến về phía trước với hy vọng thay đổi cuộc đời. Thực ra, lối suy nghĩ
trên có cơ sở hay nhiều người đã quá kinh nghiệm nên mới có những nhận định như
thế! Tuy nhiên, nếu chúng ta thinh lặng và hồi tâm đôi chút, thì có lẽ chúng ta
sẽ cảm thấy xấu hổ khi thấy cuộc đời của mình cũng nhem nhuốc hay còn tệ hơn
như thế nữa. Nhưng điều nguy hiểm hơn cả, đó là chúng ta đã tước mất quyền phán
xét của Thiên Chúa, và trở thành một vị thẩm phán mù lòa, ác đức, không giống Đức
Giêsu. Lời của thánh Phaolô khuyên các tín hữu Rôma đáng để cho chúng ta suy
nghĩ: “Hỡi người, dù bạn là ai đi nữa mà
bạn xét đoán, thì bạn cũng không thể tự bào chữa được. Vì khi bạn xét đoán
người khác, mà bạn cũng làm như họ, thì bạn tự kết án chính mình” (Rm 2,1).
Đồng thời tự cho mình là đạo đức, tốt lành, nên không thuộc về hàng ngũ những tội
nhân cần được đón nhận ơn tha thứ. Thực ra, không ai là người vô tội trước mặt
Chúa cả: “Nếu chúng ta nói là chúng ta
không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta”
(1 Ga 1, 8).
Vì thế, ta sẵn sàng bỏ qua những thiếu
xót của mình, nhưng lại tìm mọi cách bôi nhọ những thiếu xót của anh em. Những
người như thế, Đức Giêsu đã cảnh báo: "Này
anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại
không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi
mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”
(Lc 6,42). Đây phải chăng cũng là tình trạng mù tâm linh!
Hình ảnh của Đức Giêsu, vị mục tử nhân từ,
đấng giàu lòng thương xót không hề có một thái độ như thế. Ngài sẵn sàng tháp
nhập vào dòng người đến xin Gioan làm phép rửa thống hối, mặc dù Ngài vô tội.
Nhưng thái độ đó của Ngài cho chúng ta thấy rằng: Con Thiên Chúa sẵn sàng trở
nên một con người khiêm tốn, liên đới để cứu độ những người tội lỗi. Tinh thần ấy
đã được Ngài sống và giảng dạy: “...giữa
triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối"
(Lc 15,10); Và sứ mạng của Ngài là đến để cứu chữa những người tội lỗi, ốm đau,
bệnh tật, vì người khỏe mạnh thì không cần đến thầy thuốc. Như vậy, những người
thấp cổ bé họng, tội lỗi và bị loại ra bên lề lại là đối tượng số một của sứ vụ
Thiên Sai nơi Đức Giêsu.
Nếu chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu
đúng nghĩa, thì chúng ta cũng phải coi những người anh em đó là đối tượng trọng
yếu của Tin Mừng và sứ vụ nơi chúng ta.
Thật thế, là môn sinh của Thầy Chí Thánh,
ánh mắt của ta là ánh mắt nhân từ để cảm thông; đôi chân của ta luôn tiến về
phía người tội lỗi, bất hạnh để cùng đồng hành với họ và đôi tay biết dang rộng
để nâng dạy những người tội lỗi, giúp họ đứng lên và cùng ta tiến về phía trước.
Được như thế, hẳn sẽ không thiếu những vị thánh xuất thân từ hàng ngũ của người
tội lỗi!
Lịch sử Giáo Hội đã chứng minh điều đó.
Trong số rất nhiều vị thánh mà một thời đã “thượng
vàng hạ cám”, chúng ta xin đưa ra một số nhân vật tiêu biểu đã được cải hóa
nhờ lòng nhân từ của Thiên Chúa như: Mátthêu, người thu thuế; Phêrô, người trối
Chúa; người phụ nữ ngoại tình; người phụ nữ bên bờ giếng Giacóp; Augutinô... và
còn biết bao vị thánh lỗi lạc khác mà trước đó họ là những côn đồ, gái điếm, trối
Chúa, bỏ đạo...! Lời cầu nguyện của Đức Giêsu trên thập giá đáng để chúng ta
suy ngẫm: “Lạy Cha, xin tha cho họ...".
Thử hỏi rằng trên trần gian này có tội gì nguy hại và đáng phạt cho bằng tội giết
con Đức Chúa Trời? Nhưng Đức Giêsu sẵn sàng tha thứ cho cả kẻ giết mình.
Như vậy, Mùa Chay, mỗi người chúng ta
hãy để cho Lời Chúa như ánh mặt trời chiếu rọi vào tận thâm sâu tâm hồn của
mình, để con mắt đức tin của chúng ta sáng lên như anh mù khi xưa, hầu tránh đi
tình trạng sáng con mắt thể lý, nhưng lại mù con mắt tâm linh.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng
con luôn biết yêu thương, cảm thông và tha thứ cho anh chị em, xin cho chúng
con được nhạy bén với Thánh Ý của Chúa, để không bị tình trạng sáng mắt thể lý,
nhưng lại mù về đời sống đức tin, đời sống tâm linh. Amen.