THẦY LÀ SỰ SỐNG LẠI VÀ LÀ SỰ SỐNG
(Gioan 11,1-45 – CN V MC – A)
1.- Ngữ cảnh
Với biến cố Đức Giêsu cho Ladarô sống lại, chúng ta sang phần ii của TM IV, gọi là “Sách về
Giờ của Đức Giêsu” (11,1–20,29). Phân đoạn 11,1–12,50 là “phân đoạn làm cầu”,
ghi lại “Dấu lạ cao điểm và sự kiện Giờ của Đức Giêsu đến”.
Bản văn đọc trong Phụng vụ Thánh lễ hôm nay trích từ Ga 11,1-54 là
phân đoạn nói về Dấu lạ Đức Giêsu cho Ladarô sống lại, nói về sự sống lại và sự
sống, và quyết định của Thượng Hội Đồng là tìm cách giết Người.
Biến cố Đức Giêsu làm cho Ladarô sống
lại được đặt vào cuối sứ vụ công khai của Đức Giêsu. Đây không chỉ là hành vi
quyền lực (= dấu lạ) cuối cùng, nhưng là hành vi lớn lao nhất, bởi vì Người
không chỉ giới hạn vào việc chữa lành một chứng bệnh, nhưng đưa một người
từ cõi chết trở lại với cuộc sống. Đây là dấu lạ quan trọng nhất được nêu lên
trong cuộc xét xử giữa ánh sáng và bóng tối.
Những
nét tiêu biểu của phép lạ này là: Người thực hiện hành vi ấy cho một người
bạn và giữa vòng các bạn hữu, nhưng có nhiều người khác chứng kiến và các chứng
nhân này có tham gia vào hành vi của Người. Trong các trường hợp khác, trước
tiên Đức Giêsu làm dấu lạ, rồi sau đó, trong những đối thoại, Người mới đưa
người ta đến chỗ hiểu ý nghĩa của dấu lạ. Còn ở đây, với nhiều lời công bố,
Người đã cho các môn đệ, các thân nhân và dân chúng thấy trước ý nghĩa của hành
vi quyền lực sắp được thực hiện và là điểm cao nhất trong các hành vi quyền
lực. Mọi sự đều đưa tới chỗ chứng minh cho thấy là Người có quyền trên sự chết.
Sự cố này xảy ra sau khi các đối thủ của Người đã tìm cách bắt Người
(10,39). Đức Giêsu lui về vùng phía đông sông Giođan. Tại đây Người nhận được
tin bạn Người là Ladarô đau ốm (11,1-6). Sự cố này mở ra với bài diễn từ cáo
biệt và cuộc Thương Khó, bởi vì chính sự cố này đưa đến chỗ Thượng Hội Đồng kết
án tử cho Đức Giêsu.
Đọc bản văn này, độc giả cũng nên lưu ý đến tài nghệ tuyệt luân của tác giả
khi vận dụng các yếu tố “sai thời gian” (anachronie) cũng như “nhắc lại”
(analepse), “báo trước” (prolepse),
để giới thiệu các điểm giáo lý sâu sắc được chứa đựng trong bản văn. Chúng ta
sẽ nói đến điểm này trong phần “Ý nghĩa của bản văn”[1].
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia làm năm phần:
1)
Đức Giêsu biết tin Ladarô đau ốm (11,1-6);
2)
Đức Giêsu chuẩn bị các môn đệ (11,7-16);
3)
Đức Giêsu gặp hai chị em (11,17-38a);
4)
Đức Giêsu cho Ladarô sống lại (11,38b-44);
5)
Kết luận: Ghi chú về đức tin (11,45).
3.-
Vài điểm chú giải
- Ladarô (1): Tên La‘zar là
cách gọi tắt tên Eleazar (Êlêadarô), một tên rất quen thuộc vào
thời Tân Ước. Eleazar có nghĩa là “Thiên Chúa trợ giúp”. Tác giả TM
IV không giải thích ý nghĩa của tên này.
- Bêtania (1): Có những
người cho rằng đây là một tên có ý nghĩa tượng trưng, phái sinh từ tên Bet-‘anya,
“nhà của nỗi phiền sầu”. Làng Bêtania gần Giêrusalem được mọi người biết như là
nơi Đức Giêsu trú ngụ khi lên Giêrusalem (x. Mc 11,11; 14,3). Ngày nay,
làng được gọi là El ‘Azariyeh, một tên phái sinh từ “Ladarô”.
- làng của hai chị em
cô Mácta và Maria (1): Sự kiện tác giả Ga
xác định Bêtania là làng của Mácta và Maria khiến có thể hiểu là các độc giả
quen biết hai cô.
- là người sau này sẽ xức dầu thơm (2):
Đây là một chi tiết rất đặc biệt dành cho việc nhận diện Maria: “là người sau
này sẽ xức dầu thơm (dịch sát: “đã xức dầu thơm”) cho Chúa, và lấy tóc
lau (dịch sát: “đã lấy tóc lau”)[2] chân Người. Đây là một lời vừa nhắc lại vừa đón trước: việc xức dầu ở
Bêtania chỉ xảy ra ở chương sau (12,1-11), tại sao lại nhắc trước (“đã”) một
hành vi chưa được bản văn nói đến? Ở đây, tác giả không đứng trên bình diện
truyện kể, nhưng trên bình diện dàn dựng câu truyện, và ngỏ lời trực tiếp với
độc giả. Độc giả đã biết Maria đóng vai trò nào vào đầu truyện Thương Khó; vai
trò này được ghi nhớ rất rõ trước cả khi TM IV được soạn thảo. Tác giả
nại đến ký ức của độc giả nên mới nói về Maria như ở quá khứ (thì quá khứ hoàn
thành). Như thế, lời nhắc vận hành trong trí độc giả, còn ở bình diện truyện
kể, nó mang sắc thái một lời đón trước.
- Thưa Thầy (3): Từ ngữ Kyrios được dùng ở hô-cách (vocative); Kyrie, có
thể dịch là “Thưa Ngài”. R.E. Brown cho rằng có thể dịch là “Lạy Chúa”, bởi vì
ở đây những người tin đang lên tiếng. Xem 11,21.32.
- thêm hai ngày (6): Một vài tác giả gợi ý rằng có một sự kết nối với phép lạ
thứ hai ở Cana, cũng là một phép lạ ban sự sống và xảy ra sau khi Đức
Giêsu đã ở lại Samari hai ngày (4,40.43). Có những tác giả khác cho rằng có một
sự tương đồng với sự phục sinh của Đức Giêsu, vì biến cố này xảy ra vào
ngày thứ ba (x. 1 Cr 15,4). Người cũng đã chờ hai ngày trước khi lên
Giêrusalem để dự lễ Lều (7,8-10). Với lại ở tiệc cưới Cana, Người đã không đáp
ứng ước nguyện của Đức Maria ngay. Không một ý kiến, một nguyện
ước nào của loài người, cho dù đúng đắn, lại có thể chỉ cho Người cách xử sự;
chỉ có ý muốn của Chúa Cha mới có quyền điều khiển Người mà thôi (4,34; 7,18;
8,29). Người nói và hành động vì vinh quang của Chúa Cha, để thực hiện chương
trình cứu độ. Và ơn cứu độ Thiên Chúa ban sẽ được hoàn tất vào thời Ngài đã
định; không một ai có thể thúc bách Ngài tiến hành trước giờ. Người ta không
thể bắt Đức Giêsu hay ném đá Người bao lâu giờ của Người chưa đến (7,30; 8,20;
x. 9,4; 10,17-18).
- Thưa Rabbi (8): Đây là lần cuối cùng các môn đệ thưa với Đức Giêsu bằng danh hiệu rabbi.
“Rabbi” cũng được dùng ở 9,2. Có thể so sánh để thấy những điểm tương đồng giữa
9,2-5 và 11,8-10.
- ánh sáng mặt trời (9): dịch sát là “ánh sáng của thế gian này”. Như thế, công thức này có
nghĩa là “mặt trời”. Nhưng trên bình diện thần học, đây là một quy chiếu
về Đức Giêsu (8,12; 9,5).
- đang yên giấc (11): Trong tiếng Híp-ri và Hy Lạp (tiếng Hy Lạp dân gian cũng như
hy-ngữ của Bản LXX), “ngủ” là một uyển ngữ (euphemism) để chỉ cái chết (x. Mc
5,39; Cv 20,10). Nhưng các môn đệ lại không hiểu. Trong Kinh Thánh,
chết là hậu quả của tội lỗi, và như thế là hình phạt thê thảm nhất (x. St
2,7; Kn 1,15). Tuy nhiên, cái chết mất phần nào tích cách bi đát khi nó
đóng ấn một cuộc đời hạnh phúc vẫn tiến đi trong tình nghĩa với Thiên
Chúa (các tổ phụ: St 25,7; 35,29; vua Đavít: 1 V 2,10; người công
chính: Kn 3,1-3). Đức Giêsu, dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, sẽ giải
thoát chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Chính vì thế, trong Tân Ước,
những ai chết mà vẫn tin vào Đức Kitô, thì chỉ là yên nghỉ (= ngủ; 1 Tx
4,14; x. Cv 7,60; Mt 27,52), vì Đức Kitô là hoa trái đầu mùa của
những ai đã yên giấc (1 Cr 15,20).
- được bốn ngày rồi (17): Chi tiết này được ghi nhận để chứng thực là Ladarô đã chết. Có
một ý kiến trong giới kinh sư cho rằng linh hồn bay là là gần thân xác trong ba
ngày; sau đó thì không còn hy vọng hồi sinh nữa.
- Maria thì ngồi ở nhà (20): Các phụ nữ có tang thường ngồi trên nền nhà (x. Ed
6,39-45). Do c. 29, ta đoán là Maria không được báo cho biết là Đức Giêsu đã
đến.
- Thầy là Đức Kitô, Con
Thiên Chúa (27): Câu này tương tự lời tuyên xưng của
Phêrô ở Mt 16,16.
- Thầy (28): Từ ngữ Hy Lạp didaskalos tương tự với rabbi ở 1,38
và 20,16. Đức Giêsu sử dụng ở 3,2.10; 13,13.14.
- thổn thức trong lòng
và xao xuyến (33): “Thổn thức trong lòng” là
dạng aorist middle của động từ embrimasthai (x. c. 38). Động từ này được
dùng với công thức tô pneumati, “trong tinh thần”, còn ở c. 38, động từ
ấy lại được dùng với en heautô, “trong chính mình”. Đây là những công
thức Sê-mít để diễn tả các cảm xúc bên trong. Công thức thứ hai, “xao xuyến”,
dịch từ cụm từ tarassein heauton. Tarassein hàm ý một sự
xáo trộn sâu xa; ở đây dùng với đại từ phản hồi, có nghĩa chữ là “bối rối,
luống cuống”. Các học giả đã tự hỏi ý nghĩa của các tình cảm này là gì. Có
những người thấy đây là cơn giận của Đức Giêsu nhằm chống lại cái chết và tác
giả của nó là Satan; có những người khác thì cho rằng đây là cơn giận của Người
khi đứng trước sự cứng lòng của người Do Thái. Rất có thể là như thế, bởi vì
cái chết và sự cứng lòng đều do Satan; và trong thực tế, đặc biệt trong Mc,
Đức Giêsu tỏ ra giận dữ vào lúc Người trừ quỷ, nghĩa là khi Người đối diện với
Satan. Tuy nhiên, trong TM IV, ý nghĩa còn sâu sắc hơn.
Ngoại
trừ một lần động từ tarassein được dùng ở 5,7 để nói về nước hồ bị khuấy
động và dùng ở đây, động từ này chỉ được dùng trong khung cảnh cuộc Thương Khó:
2 lần dùng cho Đức Giêsu (12,27; 13,21) và 2 lần cho các môn đệ (14,1.27). Nỗi
xao xuyến và sợ hãi của Đức Giêsu, được các TMNL kể lại trong cuộc hấp
hối tại vườn Ghếtsêmani, dường như được Ga chuyển vào truyện này và vào
cuộc gặp gỡ với người Hy Lạp (12,27). Cái chết của Ladarô được Đức Giêsu thấy
như là lời loan báo về cái chết của Người và cuộc chiến thắng nhất thời trên
bóng tối. Đối với Ga, cuộc Thương Khó và cái chết của Đức Giêsu chủ yếu
là công trình của Satan và cuộc sống lại của Người là chiến thắng trên Satan và
cái chết.
- Đức Giêsu khóc (35): Đức Giêsu đã có một thái độ hết sức nhân bản khi đứng
trước nỗi đau của người khác. Người ta hiểu là Đức Giêsu thật sự yêu thương
Ladarô. Ở đây tác giả Ga dùng một động từ để chỉ việc Đức Giêsu “khóc” (dakryô,
“[để cho] nước mắt tuôn trào”: c. 35) khác với động từ để chỉ người ta “khóc” (klaiô,
“khóc một cách tuyệt vọng”: x. cc. 31.33), mà động từ này lại giống với động từ
tác giả Lc dùng để nói về việc Đức Giêsu khóc khi nhìn thấy Giêrusalem
(x. Lc 19,41: klaiô). Tuy nhiên trong TM Ga, người ta
thường chỉ hiểu các lời nói và các cử chỉ của Đức Giêsu theo chiều kích bên
ngoài và hời hợt. Nếu Đức Giêsu sắp cho bạn Người sống lại, tại sao Người còn
khóc? Như thế, rất có thể ở đây Đức Giêsu khóc, còn vì sự không tin của người
Do Thái và thái độ bán tín bán nghi của Mácta (c. 39) và của Maria.
- Ngôi mộ đó là một cái
hang có phiến đá đậy lại (38): Mộ đứng như cái
giếng thì thông dụng hơn mộ nằm ngang. Tảng đá giữ thi hài khỏi bị thú vật xâm
phạm. Nơi an táng ở ngoài thành vì nếu không, những người sống có thể bị ô uế
do tiếp xúc với thi hài người chết.
- Đức Giêsu ngước mắt
lên (41): Cử điệu ngước mắt nhìn lên là một
cách mở đầu tự nhiên cho việc cầu nguyện (x. Lc 18,13; Ga
17,1).
- Người kêu lớn tiếng (43): Động từ kraugazein chỉ được dùng 8 lần trong toàn Kinh
Thánh Hy Lạp (Bản LXX), mà 6 lần ở trong Ga. Ở Ga 18–19, động
từ này được dùng 4 lần để nói về tiếng la hét của đám đông xin đóng đinh Đức
Giêsu. Như vậy, dường như có thể rút ra một sự tương phản giữa tiếng kêu
lớn của đám đông nhằm đưa cái chết đến cho Đức Giêsu và tiếng kêu lớn của Đức
Giêsu nhằm đưa sự sống đến cho Ladarô. Thật ra giải thích như thế cũng không
bảo đảm, vì ở 12,13, động từ này diễn tả tiếng la của đám đông nhằm hoan hô Đức
Giêsu.
- chân tay còn quấn vải (44): Có người hỏi là làm thế nào mà bị quấn như thế mà Ladarô vẫn có
thể đi được. Câu hỏi này không đúng chỗ vì đặt ra trong một bài tường
thuật minh nhiên giả thiết có chuyện siêu nhiên. Có thể do một lý do
thần học mà tác giả đã nhắc đến những thứ khăn liệm. Ở 20,6-7, chúng ta biết
rằng các khăn và vải liệm Đức Giêsu đã bị bỏ lại trong mồ, có thể là với ý là
Người chẳng bao giờ cần đến chúng nữa, bởi vì Người không bao giờ chết nữa; còn
Ladarô thì đi ra với khăn vải liệm, bởi vì anh còn chết lần nữa. Cách giải
thích này nhiều gợi ý, nhưng không chắc là tác giả có nghĩ đến số phận tương
lai của Ladarô.
4.-
Ý nghĩa của bản văn
Câu chuyện đưa ta đến gặp
một gia đình đặc biệt: chỉ có các chị em mà thôi. Thế rồi có những chi tiết khiến
phát sinh những câu hỏi: Tại sao Đức Giêsu cố tình đến chậm? Làm thế nào Mácta
và Maria biết là Đức Giêsu đang đến? Làm thế nào Đức Giêsu có thể nói được rằng
bất cứ kẻ nào tin vào Người thì sẽ không phải chết bao giờ? Tại sao Đức Giêsu
lại khóc khi đã biết rằng Người sắp cho Ladarô trỗi dậy từ cõi chết?
* Đức Giêsu biết tin Ladarô đau ốm (1-6)
Đức Giêsu đã lui về mạn đông sông Giođan để tránh các đối thủ đang tìm
cách bắt Người. Tại đây người ta báo tin cho Người là Ladarô đau ốm; ông này
“quê ở Bêtania, làng của hai chị em cô Mácta và Maria” (11,1). Ladarô, em của
cô bị đau ốm” (c. 2). Maria được giới thiệu bằng một câu đón trước: “là người
sau này đã xức dầu thơm và lấy tóc lau chân Người” (c. 2). Còn Mácta được giới
thiệu trước tiên như một người bạn (c. 5), rồi như một môn đệ của Đức Giêsu
(“Thưa Ngài, Kyrie”: c. 21). Gia đình không cha mẹ, vợ chồng hoặc con
cái này khiến ta có thể hiểu đây là một ám chỉ đến cộng đoàn Kitô hữu, nơi chỉ
có các anh em chị em thôi.
Cũng như Đức Maria tại tiệc cưới Cana (2,3), các chị của Ladarô đã không
trực tiếp bày tỏ một lời thỉnh cầu. Các cô không muốn truyền lệnh cho
Người bất cứ điều gì. Biết đâu các cô cũng đang nghĩ tới nguy hiểm có thể xảy
ra cho Người nếu Người đến gần Giêrusalem (x. 11,8). Các cô chỉ đơn giản báo
cho Người biết tình trạng của Ladarô và nhắc Người nhớ rằng anh là bạn Người.
Tại Cana, Đức Giêsu đã thực hiện dấu lạ đầu tiên tại tiệc cưới của một gia
đình bằng hữu; rồi Người đã làm những hành vi quyền lực khác cho những người mà
Người không quen biết. Lần này những điểm được nhấn mạnh là tình yêu thương và
tình bằng hữu vẫn liên kết Người với các chị em Bêtania (x. 11,3.5.11.36): tình
yêu thương và tình bằng hữu diễn tả sự ân cần riêng tư của Đức Giêsu đối với
chúng ta là loài người. Người không theo đuổi một chương trình vật chất
nào, trong đó kết quả thống kê quan trọng hơn những con người. Người coi chúng
ta, những con người, là như những nhân vị mà Người quan tâm chiếu cố.
Dọc theo bài tường thuật, bằng nhiều cách diễn tả, tác giả cứ nhắc đi
nhắc lại là Đức Giêsu không có mặt (cc. 6.17.19.21.32.37). Mục đích là nêu bật
tình trạng tăm tối, không hiểu, của dân chúng trước cách xử sự của Đức Giêsu:
theo kiểu nhìn của loài người, Đức Giêsu đã phải can thiệp mà cứu chữa Ladarô
khi ông này còn sống mới phải. Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào giải thích
được sự kiện là các bạn của Đức Giêsu cũng chết mà Người không can thiệp gì?
Tác giả dùng thêm ba lời đón trước để cho thấy ý nghĩa của cái chết của
Ladarô, hoặc cho thấy sự cương quyết của Đức Giêsu và lúc bạn Người chết (cc.
4.11.16). Ba lời đẩy vào tương lai gần như thế nêu bật sự khác biệt trong nhận
thức của Đức Giêsu, là người biết rõ chương trình của Thiên Chúa, và các môn
đệ, đầy sợ hãi và không hiểu gì.
* Đức Giêsu chuẩn bị các môn đệ (7-16)
Trước hết, Đức Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận hành vi quyền lực
Người sắp thực hiện. Sau dấu lạ Cana, tác giả TM IV đã nhận định: “Đức
Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của
Người. Các môn đệ đã tin vào Người” (2,11). Đức Giêsu hiểu đâu là mục tiêu của
chứng bệnh của Ladarô (x. 9,3): “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp
để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn
vinh” (11,4). “Vinh quang của Thiên Chúa” không phải là một vinh dự ích
kỷ dâng lên Thiên Chúa, bất kể tình trạng của các thọ tạo. Trong Cựu Ước,
mỗi khi Thiên Chúa bày tỏ vinh quang của Ngài thì luôn luôn là để cứu độ loài
người, những kẻ Ngài yêu thương. Vinh quang này của Chúa Cha sẽ được thể hiện
qua việc tôn vinh Đức Giêsu qua các phép lạ (2,11; 12,41), nhưng nhất là khi
Người chịu giương cao trên thập giá, rồi Người chết và sống lại (12,23-32).
Khi để cho Ladarô chết, Đức Giêsu muốn bảo chúng ta rằng Người không đến
để ngăn chặn cái chết thể lý: công việc của Người không phải là phá vỡ dòng lưu
chuyển tự nhiên của đời sống con người. Cuộc sống có một điểm chấm dứt, chứ
không kéo dài mãi mãi. Người không đến để làm cho cuộc đời này thành vĩnh cửu,
nhưng để ban cho chúng ta một đời sống khác không có cùng tận. Nhất là Người đã
tuyên bố cho biết đâu là mục tiêu của chứng bệnh của Ladarô: “để anh em tin”
(11,15). Tất cả các hành vi quyền lực của Đức Giêsu đều được thực hiện để Thiên
Chúa được rạng rỡ vinh quang, được tỏ mình ra và nên khả thị. Nhờ những hành vi
này, chính Thiên Chúa tỏ mình ra, không phải trong bản tính trừu tượng của
Ngài, nhưng trong cách cư xử ân cần cụ thể đối với loài người chúng ta. Thiên
Chúa tỏ mình ra là “Ta là Đấng Ta là” và cho thấy điều này đúng với chúng ta
đến mức độ nào. Trong tư cách là hành vi của Thiên Chúa được Đức Giêsu thực
hiện, hành vi quyền lực này cũng mạc khải cho thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa,
là Đấng mà Chúa Cha đã sai phái đến với chúng ta và nhờ Người mà chúng ta có
thể biết Thiên Chúa (x. 1,18). Tương ứng với hành vi tự mạc khải của Đức Giêsu,
là hành vi các môn đệ tin vào Người. Hành vi Đức Giêsu làm cho Ladarô phải củng
cố các môn đệ trong đức tin và cho họ thấy chính xác hơn họ có thể chờ đợi gì
nơi Đấng mà họ đã tin tưởng. Đức Giêsu đã hai lần mời họ đi theo Người về Giuđê
(11,7.15). Họ biết điều gì sẽ có thể xảy ra cho Người, và cả cho họ nữa. Họ tín
nhiệm nơi Người và trở thành những chứng nhân về cách Đức Giêsu, mặc dù có nguy
hiểm đến tính mạng Người, đã làm cho Ladarô đã chết được sống lại.
Các môn đệ đã linh cảm là giờ kết thúc bi thương cuộc đời Đức Giêsu đã
gần kề: “Người Do Thái hiện đang tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đi tới
nơi ấy sao?” (c. 8). Đối với Đức Giêsu, cứu Ladarô sẽ là đi gặp chính bản án tử
hình của Người. Vinh quang do phép lạ sẽ là dấu chỉ cuộc tôn vinh Người trên
thập giá. Đức Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu rằng tất cả đều nằm trong
chương trình của Thiên Chúa, thuộc về “giờ” của Thiên Chúa. Nhưng dường như
Người không đánh tan được nỗi lo lắng, vì Tôma lại đại diện anh em mà nói:
“Chúng ta hãy đi để cùng chết với Thầy!” (c. 16).
* Đức Giêsu gặp hai chị em (17-38a)
Hoàn cảnh của Đức Giêsu tại Bêtania được mô tả bằng hai đặc điểm: Ladarô
đã ở trong mồ được bốn ngày và có nhiều người quen biết đến với hai chị em.
Theo quan niệm thời đó, chết được ba ngày thì cũng chưa hoàn toàn chết; chỉ đến
ngày thứ tư thì sự sống mới hoàn toàn tắt mất. Tác giả muốn chúng ta biết rằng
Ladarô đã chết thật rồi.
Tất cả những người quen biết gia đình đã ở đó mà đành chịu bất lực khi
đứng trước cái chết, và chỉ còn biết an ủi cách yếu ớt (11,19.31). Đức Giêsu
chính là Đấng duy nhất có thể thật sự thay đổi điều gì đó trong tình cảnh này
và có thể đưa lại sự nâng đỡ đích thực bằng quyền lực thần linh của Người.
Mácta đã đến găp Người và nói: “Thưa Ngài, nếu có Ngài ở đây thì em con đã
không chết!” (11,21). Dường như hai chị em đẵ lặp đi lặp lại câu này trong
những lúc khóc em (x. 11,32.37). Qua lời này, hai chị biểu lộ niềm tin vào Đức
Giêsu là Đấng có thể chữa lành những người đau ốm, nhưng cũng biểu lộ nỗi thất
vọng là Người đã không đến đúng lúc. Nhưng rồi Mácta đã cho thấy rằng chị tin
vào việc sống lại của kẻ chết. Khi bày tỏ niềm tin vào việc kẻ chết sẽ sống lại
trong tương lai cánh chung, Mácta đã chứng tỏ là một môn đệ và đại diện cho các
Kitô hữu thế kỷ đầu tiên đang tập sống niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh trong
hiện tại. Chỉ có tin vào Đức Giêsu, người ta mới có thể vượt qua sự chết mà vào
sự sống.
Nhưng Đức Giêsu cho các chị thấy rằng sự sống lại là do Người ban: “Chính
Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ
được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (11,25-26). Cho
đến nay, Đức Giêsu đã tự xưng mình là bánh, nước, ánh sáng và người mục tử nhân
hậu; Người đã quy chiếu về chính mình Người những thực tại mà nhất thiết cuộc
sống trần thế của chúng ta phải lệ thuộc vào. Nay cũng bằng cách đó, Người
khẳng định rằng chúng ta lệ thuộc vào Người để được sống muôn đời. Nơi Người,
Thiên Chúa hiện diện cho chúng ta (“Ta là Đấng Ta là”) như là Đấng lôi kéo
chúng ta khỏi cái chết và đưa chúng ta vào trong cuộc sống bất tử của Người.
Cuộc phục sinh giả thiết có cái chết và có nghĩa là trỗi dậy thoát khỏi tình
trạng nằm dài cứng ngắc của cái chết; sống là kết hợp với Thiên Chúa. Hai điều
này được Đức Giêsu ban cho chúng ta và được liên kết với nhau trong đức tin.
Đức Giêsu ban sự sống này cho ai tin vào Người. Sự sống được Đức Giêsu ban đây
phải đi qua cái chết, nhưng không bị dập tắt. Sự kết hợp với Thiên Chúa do Đức
Giêsu ban cho không biết đến kết thúc hoặc tình trạng hoàng hôn. Trong tình
cảnh này Đức Giêsu đã khóc, vì thương Ladarô, nhưng cũng còn là vì thái độ
không tin và thái độ nửa tin nửa ngờ của Mácta (c. 39) và của Maria.
Điều mà Đức Giêsu làm cho Ladarô là một dấu chỉ (dấu lạ). Ladarô đã chết,
Đức Giêsu gọi anh ra khỏi mồ, nhưng đưa anh trở lại với cuộc sống trần thế, từ
đó anh lại đi tới cái chết. Bằng hành vi này, Đức Giêsu chứng minh cho thấy là
cái chết không phải là một giới hạn đối với Người, nhưng Người có quyền trên
cái chết. Tuy nhiên, ân ban đích thực của Người không phải là một cuộc
sống trần thế được kéo dài mãi mãi, mà là cuộc sống trong sự hiệp thông vĩnh
cửu với Thiên Chúa.
Đức Giêsu muốn đưa cả Mácta, cũng như các môn đệ Người, đến với đức tin. Cô
hiểu, cô tin và nói lên một lời tuyên xưng đức tin mà chúng ta chỉ gặp ở
cuối TM Ga (20,28.31) và là lời được hàm chứa trong lời tuyên bố của
Phêrô (6,69) và của anh mù được chữa lành (9,38). Với cô, Đức Giêsu đạt mục
tiêu mà công trình của Người đã nhắm tới trước: mắt của cô đã mở ra. Mácta hoàn
toàn ở thế ngược lại với các đối thủ của Đức Giêsu, những người đã trách Người
là nói phạm thượng chống lại Thiên Chúa. Cô nhận biết Người là Đấng Thiên Chúa
dùng để thực hiện công trình cứu độ cho loài người (“Đức Kitô”) và là Đấng sống
trong một sự hiệp thông không có khởi đầu cũng không có kết thúc với
Thiên Chúa, trong sự bình đẳng tuyệt đối với Người (“Con Thiên Chúa”). Và cũng
như Đức Giêsu, Mácta nêu bật tương quan của Đức Giêsu với Chúa Cha: Người đã
đến trong trần gian bởi vì được Chúa Cha sai phái đi; đàng sau tất cả những gì
Người làm, chính là Chúa Cha làm (x. 11,42; 16,28).
* Đức Giêsu cho Ladarô sống lại (38b-44)
Đức Giêsu bảo người ta dẫn Người ra mộ Ladarô. Hai người chị và nhiều người
khác đã đến để săn sóc hai cô cùng đi với Người. Chung quanh Người, vang lên
tiếng than khóc của đoàn người bất lực trước sức mạnh tàn nhẫn của cái chết. Có
hai cách khóc. Có cách khóc của những người chắc chắn rằng cái chết là sự chấm
dứt mọi sự (klaiô). Cũng có cách Đức Giêsu khóc (dakryô) tại mộ
Ladarô, bình lặng và chứng tỏ con người có phẩm cách. Mất một người thân là
điều rất đau lòng; nhưng sẽ rất là ích kỷ nếu muốn giữ người ấy lại cho riêng
mình, trong khi người đó đang đi vào một cuộc sống tốt đẹp hơn trước.
Đức Giêsu cho cất tảng đá che mộ đi. Tảng đá có đó để ngăn cách thế giới
người sống với thế giới kẻ chết, nhưng đối với những ai tin vào Đức Giêsu, sự
chia cách này không còn nữa. Thế rồi Người quay hướng về Chúa Cha khi cầu
nguyện, đây là điều Người chưa bao giờ làm trong những hành vi quyền lực trước
đây. Đây là lời cầu nguyện đầu tiên của Người được tác giả Ga nhắc lại
(x. 12,27-28; 17,1-26). Trước tiên, Người tạ ơn Chúa Cha vì Ngài đã lắng nghe
lời Người. Về phần Người, Đức Giêsu tuyệt đối chắc chắn về sự kết hợp của Người
với Chúa Cha, nên không cần phải chứng minh cho Người bằng một hành vi
quyền lực. Nhưng điều mà Người nhấn mạnh là để cho người ta tin. Chỉ khi người
ta tin vào Người, Đức Giêsu mới có thể thực hiện công trình của Người hầu cứu
độ loài người. Ở đây, c. 42 là lời nhắc lại để nêu bật tư cách Đức Giêsu là sứ
giả Chúa Cha sai phái: Đức Giêsu bình luận các lời nói của chính Người để giúp
đám đông hiểu rằng Người là sứ giả của Thiên Chúa.
Đối với Ladarô, người ta phải lăn tảng đá và cởi khăn và vải cho anh, còn
trong việc Đức Giêsu sống lại, các phụ nữ chỉ có thể chứng kiến sự kiện: tảng
đá đã được lăn ra một bên, và khăn liệm đã được đặt riêng ra (20,1-7); các
thiên thần có mặt chỉ là để giúp các môn đệ ý thức về sự kiện.
* Kết luận: Ghi chú về đức tin (45)
Tất cả mọi người trong chuyện đều chứng tỏ họ thiếu đức tin cách nào đó.
Nay “có nhiều kẻ đã tin vào Người” (c. 45). Trọng tâm của đức tin, cũng như lâu
nay, là tương quan của Đức Giêsu với Chúa Cha. Loài người phải tin rằng Chúa
Cha đã sai phái Đức Giêsu và đàng sau tất cả những gì Đức Giêsu thực hiện và
nhận là của mình, chính là Chúa Cha. Cả hành vi quyền lực to lớn này của Đức
Giêsu cũng là một trợ giúp niềm tin.
+ Kết luận
Là con người, chúng ta sẽ phải chết.
Mỗi người, từ thuở bắt đầu cuộc hiện sinh, đều đi về cái chết. Đứng trước cái
chết, chúng ta cảm nhận một giới hạn tuyệt đối và một sự bất lực
hoàn toàn của chúng ta. Chúng ta có thể trì hoãn cái chết, chứ không thể tránh
nó được. Và chúng ta không thể nào đưa được một người đã chết trở lại
với cuộc sống được. Trái lại, Đức Giêsu đã làm cho cái chết trở thành nhất thời
và tạm bợ giống như giấc ngủ. Người sẽ làm cho chúng ta trỗi dậy khỏi cái chết
và ban cho chúng ta sự sống đời đời. Muốn thế, chúng ta phải tránh thái độ cứng
lòng của người Do Thái, cả thái độ nửa tin nửa ngờ của hai chị em Mácta và
Maria, để tin hoàn toàn vào Đức Giêsu.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Câu truyện chúng ta đọc hôm nay cho thấy là mục tiêu của Con Thiên Chúa nhập
thể không phải là giải quyết những vấn đề trước mắt, như cái ăn cái mặc, các
chứng bệnh. Người có làm các phép lạ để giải quyết các vấn đề đó, nhưng để các
phép lạ đó trở thành dấu chỉ đưa người ta đến đức tin. Chỉ khi người ta tin vào
Người, các vấn đề ấy mới được giải quyết tận căn, vì Người sẽ ban cho người ta
sự sống đời đời.
2.
Khi hình dung ra rằng tôi cũng đang đi trên con đường đưa đến cái chết, tức
khắc tôi nhận ra được giá trị của mỗi sự việc tôi đang đảm nhận, mỗi sự vật tôi
đang sở hữu. Tôi biết điều gì là quan trọng thật, cái gì là tương đối. Tôi hiểu
rằng tôi phải tìm chỗ tựa bảo đảm đưa tôi đến cuộc sống vĩnh cửu. Hôm nay điểm
tựa ấy được giới thiệu: Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa. Nhờ tin vào Người, tôi
nhận thấy cái chết không còn là một sức mạnh bách chiến bách thắng, một
định mệnh bi đát mà con người phải gánh chịu nữa. Cái chết lúc đó chỉ có
tính cách tạm thời, như một cửa ngõ đưa tôi vào cuộc sống vĩnh cửu.
3.
Ngày hôm nay, chúng ta có thể ghi nhận biết bao dấu chỉ cho thấy sự chết đang
tìm cách lan tràn, nhưng sự sống cũng vẫn mạnh mẽ vươn lên. Dựa vào mình, sống
theo tính ích kỷ và kiêu ngạo, con người sẽ rơi vào thất vọng khi trải nghiệm
tất cả những giới hạn của thân phận thọ tạo. Đức Giêsu mời gọi chúng ta vượt
quá những giới hạn này, nhờ có Thánh Thần chan hòa trong lòng, bằng cách lắng
nghe giáo huấn của Người và đưa ra thực hành, bằng cách sống và chết như Người.
4.
Sự can thiệp của Đức Giêsu cho thấy Thiên Chúa không phải là một Đấng Vô
Biên xa vời, không hề quan tâm đến các thọ tạo của Người. Thiên Chúa đã nhập
thể để làm người, mang một trái tim loài người. Người có thể cảm động,
xao xuyến. Người yêu thương các bạn hữu của Người. Nhưng Người cũng bung quyền
năng của Người ra để cho Ladarô sống lại, hầu chỉ cho chúng ta con đường sống
thật.
5.
Đức Giêsu đã cho Ladarô sống lại, vì Người là Lời tạo dựng của Thiên Chúa. Thế
nhưng một ngày kia, Người sẽ chết, để rồi các đối thủ có thể chế nhạo đủ cách.
Nhưng đó là vì Đức Giêsu không muốn cứu lấy một mình Người. Khi đảm nhận
thân phận con người chúng ta cho đến chết, Lời ban sự sống của Người không còn
ở bên ngoài chúng ta nữa. Người thắng cái chết bằng cách đi xuyên qua nó. Nhờ
đó, Người cứu được tất cả mọi người.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm
[1] Có thể đọc Lê Minh Thông, “Ga 11,1-54: “Chết” và “sống””, Phân
tích thuật chuyện và phân tích cấu trúc áp dụng vào Tin Mừng thứ tư (2008)
141-179, để ghi nhận cách áp dụng phương pháp phân tích thuật chuyện và cấu
trúc vào bản văn.
[2] Xem Bản dịch Nguyễn Thế Thuấn.