CHÚA
NHẬT V PHỤC SINH
Chúa
Giê-su, đường đến với Chúa Cha
Lắng nghe
sứ điệp của bài Tin Mừng (Gio-an 14:1-12)
Lái xe thời nay, chúng ta sử dụng
GPS nên nhiều khi không cần để ý tới con đường.
Máy chỉ sao, chúng ta cứ theo đó mà đi. Nhưng trước đây, khi chúng
ta sử dụng bản đồ thì không như vậy.
Chúng ta để ý tới con đường nhiều hơn, nghiên cứu kỹ lưỡng bản đồ trước
khi khởi hành. Trả lời ông Tô-ma, Chúa
Giê-su nói: “Thầy là con đường…”, chắc chắn không phải như cái máy GPS nói, mà là lời mời gọi
ông cùng các bạn tông đồ và cả chúng ta nữa, hãy học hỏi, khám phá và nhất là
đi trên con đường ấy để đến điểm hẹn vĩnh cửu của chúng ta.
Chúng ta đã nghe nhiều lần lời khẳng định này của Chúa
Giê-su: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”. Thường chúng ta ít khi tách
rời ba hình ảnh này, nhưng đọc liền với nhau. Có lẽ thói quen ấy đã giới hạn suy nghĩ của
chúng ta, khiến chúng ta khó nhận ra sự liên kết giữa con đường, sự thật và sự
sống. Vậy lời nói của
Chúa Giê-su khởi đi từ đâu? Chính là từ câu Chúa trả lời cho thắc mắc của ông Tô-ma không biết Người
sẽ đi về đâu. Nơi
Chúa Giê-su đến để dọn chỗ cho môn đệ là nơi Chúa Cha ngự. Từ chúng ta đến Chúa Cha là
cả một khoảng cách vô tận (Lu-ca 16:26).
Chúa Giê-su xác nhận khoảng cách loài người không thể vượt qua ấy, nhưng
Người lập tức chỉ cho chúng ta thấy vẫn có con đường duy nhất để đến với Chúa
Cha, là “Không
ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy”.
Nói như vậy có khác gì nói “Thầy là con đường”! Con đường này không phải là xa lộ bằng vật chất
do con người xây dựng, mà là một con đường bằng xương bằng thịt Thiên Chúa đã
sai xuống trần gian để đưa nhân loại về với Người. Những dấu chỉ gặp thấy trên “con đường mang
tên Giê-su” không phải là những bảng chữ hay hình vẽ, mà là những đặc nét nói
lên một lối sống mà “Con Yêu Dấu” của Thiên Chúa đã để lại cho tất cả nhân loại
đi theo. Rõ ràng nhất, những dấu đường
đã được thu gọn lại trong bản hiến chương Nước Trời, với
cái tên mộc mạc: Tám Mối phúc thật. Con đường ấy mời gọi mọi người từ bất cứ hoàn
cảnh sống nào, đều có thể đi theo và đến điểm tới là
Chúa Cha.
Nhưng tại sao tiếp theo tư tưởng
“Thầy là con đường”, Chúa Giê-su còn nói “Thầy là sự thật và là sự sống”? Phải, sự liên hệ giữa con đường với sự thật
và sự sống là điều chúng ta có lẽ không mấy để ý. Sự thật và sự sống là ở
trong Chúa Cha. Con đường Giê-su
là con đường chuyên chở sự thật và sự sống từ Chúa Cha đến với chúng ta. Sự thật và sự sống Thiên Chúa muốn cho nhân
loại biết đã được thánh Gio-an tóm tắt lại trong câu Tin Mừng: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một,
để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”
(3:16). Sự thật là
tình Thiên Chúa yêu ta, còn Chúa Giê-su, Tình Yêu nhập thể, là dấu chỉ hoặc con
đường giúp chúng ta tiếp nhận tình yêu Thiên Chúa. “Nếu anh em biết Thầy, anh
em cũng biết Cha Thầy”. Dĩ nhiên
là biết theo ý nghĩa Kinh Thánh, tức là sống mối tương
quan mật thiết với Chúa Giê-su và Chúa Cha.
Đó là lời Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy ở trong mối liên hệ ba chiều: Chúa Cha-Chúa Giê-su-chúng ta.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Lối trình bày của thánh Gio-an tuy
mang chiều kích thần học sâu xa, nhưng lại rất thực tế cho đời sống Ki-tô hữu
chúng ta, những người đang cùng đồng hành dưới sự dẫn dắt của Chúa Giê-su để tiến
về Nhà Cha. Giao thông giữa nhân loại và
Thiên Chúa đã bị cắt đứt do tội lỗi. Chúa Giê-su là “con đường” nối liền giữa vô biên với hữu hạn, giữa
Thiên Chúa siêu việt và con người.
Sự hiện diện của Chúa Giê-su giữa chúng ta là một bảo
đảm để chúng ta biết phải đi về đâu và chắc chắn sẽ tới được nơi ấy. Vì thế Người mới khích lệ chúng ta: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Mỗi lần lái xe bị lạc
đường, chúng ta cảm thấy xao xuyến và không yên tâm. Nhưng trên đường về Nhà Cha, chúng ta yên tâm
đi trên “con đường mang tên Giê-su” thì không thể lạc đường được, nếu chúng ta
cứ “ở lại” trên con đường ấy, đọc và sống những dấu hiệu chúng ta gặp trong lối
sống của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su lập lại
với chúng ta một lần nữa: “Trong nhà Cha
Thầy có nhiều chỗ ở… Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy
lại đến và đem anh em về với Thầy”.
Lm. Đaminh Trần đình Nhi