LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA
Thiên Chúa giới thiệu người Con yêu dấu
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
3:13-17)
Để mở đầu cho một triều đại của vị vua mới hoặc lễ đăng
quang, người ta tổ chức một buổi lễ tưng bừng và rất trang trọng để giới thiệu
tân vương. Nếu chúng ta có thể gọi việc
Chúa Cha giới thiệu Con yêu dấu của Người là Chúa Giê-su, trong dịp Người chịu
phép rửa của ông Gio-an tại sông Gio-đan, thì quả thực việc giới thiệu quá giản
dị. Một buổi lễ đăng quang của vua trần
thế kéo dài cả ngày hay cả tuần lễ. Còn
lễ đăng quang của Vua Giê-su được thánh sử Mát-thêu ghi lại vỏn vẹn trong hai
câu Kinh Thánh (Mát-thêu 3:16-17). Tuy
nhiên ý nghĩa của sự kiện lại vô cùng sâu xa, vì nó không những mở đầu cho Triều
Đại Thiên Chúa, mà còn giới thiệu Chúa Giê-su và sứ mệnh của Người trong triều
đại ấy.
Trước hết chúng ta thấy trong bài Tin Mừng hôm nay như có
hai cuộc giới thiệu Chúa Giê-su, một của thánh sử Mát-thêu và một của Thiên
Chúa Cha. Mát-thêu không giới thiệu Chúa
Giê-su như một vị anh hùng cái thế hoặc như một nhân vật hết sức đặc biệt, trái
lại, như một người từ Ga-li-lê đến xin ông Gio-an làm phép rửa. Nói khác đi, Chúa Giê-su được giới thiệu là một
người bình thường như bao người khác, thậm chí như một con người tội lỗi cần chịu
phép rửa sám hối của ông Gio-an. Dĩ
nhiên, Chúa Giê-su tự đặt mình vào hàng ngũ những kẻ tội lỗi là hành vi khiêm
nhượng của Con Thiên Chúa làm người.
Theo kế hoạch cứu độ của Chúa Cha, Đấng Cứu Độ phải bắt đầu sứ mệnh của
mình từ khởi điểm của nhân loại trong tình trạng tội lỗi và là kẻ thù của Thiên
Chúa, để rồi Người sẽ đưa họ về hòa giải với Thiên Chúa và giúp họ được nên
công chính. Có lẽ ông Gio-an Tẩy Giả không
hiểu được điều này, nên đã muốn từ chối không làm phép rửa cho Chúa
Giê-su. Nhưng Chúa đã thuyết phục ông
“nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính”, nghĩa là ông hãy cộng tác với Người
để bắt đầu thực hiện việc công chính hóa nhân loại. Chủ ý của Mát-thêu khi giới thiệu Chúa Giê-su
là ngài muốn nhấn mạnh đến đức khiêm nhượng của Chúa. Đây cũng là điểm hoàn toàn trái ngược với sự
kiêu căng của A-đam thứ nhất. Điều này
cho thấy, để chiến thắng ma quỷ đã đánh bại A-đam trong vườn Địa đàng bằng tội
kiêu ngạo, thì Chúa Giê-su đã hành động ngược lại, nghĩa là Người đã tự hạ sống
kiếp phàm nhân và coi mình là kẻ tội lỗi.
Nhưng trong cuộc giới thiệu thứ hai về Chúa Giê-su do Chúa
Cha, chúng ta nhận ra một cảnh tượng hoàn toàn khác. Khi “con người” ấy vừa “lên khỏi nước”, thì
các tầng trời mở ra, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Người và có tiếng Chúa Cha
phán. Không phải là những tiếng hoan hô
của đám đông dân chúng, nhưng là các tầng
trời mở ra để cả triều thần thiên quốc tham dự vào cuộc đăng quang này. Không phải là bài diễn văn hùng hồn đưa ra
chương trình này kế hoạch kia, nhưng là chính Thần Khí Thiên Chúa hiện diện, để lúc nào cũng tràn đầy tâm hồn
Chúa Giê-su và hướng dẫn Người hành động thực thi sứ mệnh được trao phó. Không phải là lời chúc lành của một đại diện
tôn giáo trên người mới nhận chức, hoặc những lời hứa hẹn sẽ làm cho dân giàu
nước mạnh để mong được lòng dân, nhưng là lời chấp thuận và khích lệ đầy yêu
thương của Chúa Cha Toàn năng nói với
người Con: “Đây là Con yêu dấu của Ta,
Ta hài lòng về Người”.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúa Giê-su đã được giới thiệu trong một khung cảnh đơn giản,
nhưng vô cùng trọng đại vì có sự tham dự Chúa Cha, Chúa Thánh Thần và triều thần
thiên quốc. Chúng ta cũng được giới thiệu
như thế khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội.
Đúng vậy, khi dòng nước rửa tội chảy trên chúng ta, là chúng ta được trở
thành “con yêu dấu” của Thiên Chúa rồi!
Nếu Chúa Giê-su đã được sai đi như Con yêu dấu của Chúa Cha để Người cố
gắng chu toàn sứ mệnh, xứng đáng với danh hiệu “Con yêu dấu” và làm đẹp lòng
Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sai đi giống như vậy! Như Chúa Giê-su, chúng ta cũng được đầy tràn
Thánh Thần Thiên Chúa, để luôn sống và hành động theo tinh thần của người con
cái Chúa. Chúa Giê-su là người Anh của một
đàn em đông đúc luôn là gương mẫu cho chúng ta noi theo!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi