Hãy sống yêu thương và nên trọn
lành
Suy niệm Chúa nhật VII thường niên - Năm A
(Mt 5,38 - 48)
Lm.
Antôn Nguyễn Văn Độ
Kết thúc "Bài giảng trên núi", căn tính của người kitô hữu là muối là
ánh sáng. Tiếp theo sau đó, Chúa Giêsu tiếp tục mạc khải cho khi dạy các môn đệ
và cũng dạy chính chúng ta về thái độ cần phải có cũng như thực hành trong đời
sống: "Các con đã nghe bảo... Còn
Thầy, Thầy bảo các con ". Vậy nghe bảo gì? Và cụ thể giáo huấn của Chúa
Giêsu cho các môn đệ mình ra làm sao?.
Khi Chúa Giêsu khi trích dẫn câu nói của người xưa về luật
công bằng khi trả thù đã được ghi rõ trong Cựu Ước "Mắt đền mắt, răng đền răng " ( Xh 21,24). Chúng ta phải thừa
nhận rằng, đây là một bước tiến lớn trong tương quan hành xử giữa người với
người so với thời Lamek, bởi Lamek đã từng nói với hai vợ : "Vì một vết thương, ta giết một người, (Ta)
trầy da, một nam nhi toi mạng. Vì Cain sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc
thì gấp bảy mươi bảy! " (St 4,23-24) Vậy là trả thù mãi mãi. Luật
"Mắt đền mắt, răng đền răng"
( Xh 21,24) giúp con người khỏi rơi vào tình trạng thái quá. Trái lại, Luật của
tình yêu phủ nhận sự đồng nhất với kẻ thù : "Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác"
(Mt 5, 39).
Theo Chúa Giêsu, yêu thương là vượt ra khỏi vòng tròn
luẩn quẩn của cái ác và sống tình huynh đệ đại đồng, nên khi Ngài bảo chúng ta "đưa má bên kia cho nó nữa, " là
Ngài muốn chúng ta xây đắp tình hiệp thông anh em. Đưa má bên kia là cố tình giúp đối phương khám phá ra tình yêu và
rằng thực hành bác ái là điều có thể. Đưa
má bên kia còn muốn nói với kẻ ác rằng nó đã nhận được người anh em như nó
là anh em. Một hành động đáng tin cậy như thế sẽ phá tan bạo lực.
Chúa Giêsu yêu cầu gia tăng thêm tình yêu và lòng tha
thứ càng nhiều càng tốt! Vì tình yêu có sức mạnh giúp đối phương xích lại gần ta
hơn bằng tình người. Như thế, bằng cách trao ban, chúng ta nhận nó là anh em.
Cho
nó cả áo choàng, đi với nó hai dặm không phải một mà áp
đặt, nhưng chứng minh con người luôn có sáng kiến về tình yêu. Vì đó là điều
đẹp lòng Chúa, nên chúng ta từ bỏ điều có đi có lại và chủ động xây đắp tình
hiệp thông trong tình yêu. "Ai xin,
thì con hãy cho. Ai muốn vay mượn, thì con đừng khước từ " (Mt 5, 44).
Tình yêu phải được thực hiện theo châm ngôn: "Hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm
lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống
các con" (Mt 5, 44). Chúa Giêsu không chỉ lên án một hệ thống dùng bạo
lực để trả thù cho cân, Ngài còn muốn chúng ta hủy bỏ luật ăn miếng trả miếng
xưa. Tình yêu không gia tăng theo kiểu có đi có lại - người ngươi yêu mến là một người anh em ngươi, một người ngươi yêu mến
là người bạn ngươi. Tình yêu là quà tặng, nhưng không dựa trên sự khác biệt
tối thiểu. Sự khác biệt của tình yêu là không giống nhau, là người khác chứ
không phải là người họ hàng, nhưng là người chúng ta cảm thấy gần. Như Chúa
Giêsu đã nói : đó là người thân cận của
ngươi. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không bác bỏ sự phân biệt của chúng ta. Người
khác không phải luôn là một người bạn, nó có thể trở thành kẻ thù. Điều quan
trọng là tất cả mọi người là anh em với nhau.
Thật phù hợp để người kitô hữu khẳng định căn tính là
con Thiên Chúa của mình khi thực hành lời Chúa Giêsu dạy để trở nên con cái của
Cha trên Trời. Giới luật yêu thương mà Chúa Giêsu để lại đã mạc khải rõ về hồng
ân yêu thương. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta phải yêu thương ngay cả kẻ thù,
kẻ muốn cắt đứt tương quan là con Thiên Chúa và anh em với ta. Luật ăn miếng
trả miếng không còn tồn tại. Chỉ có tình yêu mới biến đổi được hận thù, tình
yêu làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa và thể hiện chức phận là con đối
với Người.
Như thế, chúng ta đi đến cùng lời Chúa Giêsu dạy về
thánh ý Thiên Chúa trong đời sống: "Các
ngươi hãy thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh" (Lv 19,1). Bằng những lời
này, Thiên Chúa mời gọi dân Israel và cả chúng ta ngày hôm nay thể hiện lòng
trung thành với giao ước Thiên Chúa đã thiết lập, đồng thời đặt luật lệ xã hội
trên giới răn "Ngươi phải yêu đồng
loại như chính mình" (Lv 19,18). Tuy nhiên, phải đi xa hơn để tình yêu
của chúng ta được phổ quát nhằm cho luật cũ được kiện toàn. Khi yêu như thế, ta
đang thực hiện lời mời gọi của Chúa Giêsu: "Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành
" (Mt 5,48).
Nhưng ai có thể nên trọn lành? Sống trọn lành là thi
hành thánh ý Chúa trong tư cách là con. Thánh Xip-ri-a-nô từng viết: "Cách hành xử của con cái Thiên Chúa phải
tương hợp với tình phụ tử của Thiên Chúa bởi vì Thiên Chúa được tôn vinh và ca
tụng từ những việc tốt lành của con người " (De zelo et livore, 15:
CCL 3a, 83). Như thế, con người có thể trở nên trọn lành khi sống tròn đầy
cương vị làm con cái Thiên Chúa. Chúa Cha làm khác chúng ta là những người bỏ
người này chọn người kia. Chúa Cha làm cho mặt trời mọc lên trên người lành
cũng như kẻ dữ, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương. Chúa
Cha quan tâm đến cả hai, người lành cũng như kẻ dữ ; con cái Thiên Chúa cũng
phải trở nên trọn lành " như Cha các
con trên trời là Đấng trọn lành "(Mt 5, 48).
Xem ra có thể khó, nhưng Chúa Giêsu đã làm gương cho
chúng ta trước khi nói: "Hãy yêu kẻ
thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên
con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời" (Mt 5, 44-45). Ai đón nhận
Thiên Chúa trong đời sống mình và yêu mến Người hết lòng, người ấy có khả năng
bắt đầu một chặng đường mới, có thể chu toàn thánh ý Thiên Chúa hầu hiện thực
hoá một hiện hữu mới được nuôi sống bởi tình yêu và hướng đến sự vĩnh cửu. Tình
yêu là điều vĩ đại, chúng ta đọc thấy trong sách Gương Chúa Giêsu, một điều tốt
làm nhẹ đi những nặng nhọc và nâng đỡ những điều khó khăn. Tình yêu thôi thúc
ta hướng lên cao mà không còn bị vướng bận vào bất cứ điều gì thuộc trần thế.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con luôn sống xứng
đáng là con Cha trên Trời. Amen.