CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN
Hoài nghi trong đức tin
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
14:22-33)
Đức tin chúng ta thường gặp phải nhiều thử thách và khó
khăn. Đó là những cơ hội để đức tin được
thêm phát triển. Nhưng một trong những
thử thách lớn cho đức tin là hoài nghi.
Có lẽ chúng ta không quên câu chuyện tông đồ Tô-ma đã hoài nghi Chúa thực
sự sống lại. Nhiều lần được kể lại trong
sách Tin Mừng, Chúa Giê-su thường trách người ta thiếu lòng tin, hoặc kém lòng
tin. Những người ít có dịp tiếp xúc với
Chúa Giê-su mà thiếu lòng tin cũng là chuyện bình thường. Nhưng ngay đến các tông đồ là những người sống
bên cạnh Chúa, đồng hành với Người, mà vẫn có thể hoài nghi trong đức tin, thì
điều này chứng tỏ hoài nghi là một nguy hiểm làm suy yếu hoặc tiêu diệt đức
tin. Mỗi câu chuyện đức tin đều nói lên
một khía cạnh đặc biệt. Bài Tin Mừng hôm
nay thuật lại sự kiện ông Phê-rô được Chúa Giê-su cho đi trên mặt nước để đến với
Người. Rồi khi thấy gió thổi thì ông sợ
hãi, bắt đầu chìm xuống nước và kêu cứu với Chúa Giê-su. Vậy câu chuyện này cho chúng ta biết gì về đức
tin và sự hoài nghi?
Tin vào Chúa Giê-su là chúng ta nhìn nhận vai trò của Người,
cùng với tất cả thế giá, sự đáng tin và những chân lý Người muốn thông đạt. Như thế, hoài nghi trong đức tin là khi chúng
ta không hoàn toàn nhìn nhận chân tính và uy quyền của Chúa. Chúng ta thử nhìn vào những hành động của ông
Phê-rô để thấy tại sao Chúa lại gọi ông là “kẻ kém lòng tin”. Với khẳng định này của Chúa, rõ ràng Phê-rô
không phải là người không có lòng tin, mà ông chỉ “kém lòng tin” thôi! Dấu hiệu chứng tỏ ông kém lòng tin là vì ông
hoài nghi sự hiện diện của Chúa, và hậu quả là ông “bắt đầu chìm”.
Chúng ta trở lại với khung cảnh trên Biển Hồ Ga-li-lê. Lúc ấy đã quá nửa đêm, trên con thuyền vắng mặt
Chúa Giê-su, các môn đệ đang chèo chống với sóng gió. Bỗng Chúa đi trên mặt nước đến với họ làm cho
họ hoảng hốt, lầm tưởng Người là ma quái.
Chúa Giê-su gợi lên lòng tin của họ khi Người trấn an họ và quả quyết: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Nhưng các ông vẫn nghi ngờ. Ông Phê-rô muốn xóa đi sự nghi ngờ ấy nên ông
xin Chúa một ân huệ bất ngờ: ông có thể
đi trên mặt nước để đến với Chúa! Nếu
như ông Phê-rô vững lòng tin, ông đã nhìn vào Chúa, nhận biết quyền năng của
Người và bước đến với Người rồi. Nhưng
thực sự trong lòng, ông vẫn còn hoài nghi uy quyền và sự hiện diện của Chúa,
nên vừa mới “thấy gió thổi, ông đã đâm ra sợ” và “bắt đầu chìm”. Hoài nghi không làm chúng ta mất đức tin ngay
lập tức, nhưng làm chúng ta “bắt đầu chìm” thôi! Khi ấy, nếu ông Phê-rô không la lên xin Chúa
cứu, thì ông đã chìm luôn rồi. Nhưng
Chúa Giê-su vẫn hiện diện ở đấy và Người không thể để cho kẻ Người yêu thương
chìm mất được: “Người liền đưa tay nắm lấy
ông”.
Nhìn vào sự kiện này, chúng ta học được thật nhiều bài học từ
Chúa Giê-su và ông Phê-rô. Nhưng quan trọng
nhất, đó là chân lý sau đây: Càng khiêm
nhượng nhận biết Chúa là Đấng nào, thì chúng ta càng bớt đi hoài nghi. Nói khác đi, đức khiêm nhượng là điều kiện
căn bản giúp đức tin chúng ta phát triển.
Cũng có một chân lý quan trọng khác, là Chúa sẵn sàng nâng đỡ lòng tin của
chúng ta nếu chúng ta biết kêu xin Người nâng đỡ mỗi khi chúng ta gặp những
nguy hiểm cho đức tin.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Ngôn sứ Ê-li-a đã cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa thật
đặc biệt. Chúa không hiện diện trong những
biến cố lớn lao như bão táp, sấm sét hoặc động đất, nhưng trong tiếng gió hiu
hiu của thiên nhiên. Trái lại, Tin Mừng
Mát-thêu lại cho chúng ta thấy Chúa Giê-su hiện diện không những trong cơn sóng
gió của Biển Hồ Ga-li-lê, mà còn hiện diện giữa cơn sóng gió của đức tin trong
tâm hồn chúng ta nữa. Sóng gió hoài nghi
nhiều khi đưa chúng ta tới tình trạng tuyệt vọng giống như ông Phê-rô bắt đầu
“chìm” xuống nước. Nhưng bất cứ trong
hoàn cảnh nào, Chúa Giê-su cũng hiện diện để sẵn sàng nâng chúng ta dậy. Người nhắc nhở chúng ta: “Hỡi kẻ kém lòng tin! Sao lại hoài nghi?” Nhưng xin đừng quên là Người cũng bảo chúng
ta: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi