CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN A
1 V 19,9a.11-13a ; Rm 9,1-5 ; Mt
14, 22-33
TIN CẬY VÀO QUYỀN NĂNG CỦA CHÚA
GIÊ-SU
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 14, 22-33
(22) Đức Giê-su liền bắt
các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước,
trong lúc Người giải tán đám đông. (23) Sau khi giải tán đám đông,
Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện. Chiều đến, Người vẫn ở đó một
mình. (24) Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ nhiều dặm, bị sóng đánh
vì ngược gió. (25) Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến
với các môn đệ. (26) Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt
bảo nhau: “ma đấy !” và sợ hãi la lên. (27) Đức
Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”. (28) Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài,
nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với
Ngài”. (29) Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phê-rô từ
thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su.
(30) Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la
lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với !”. (31) Đức
Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi ?”. (32)
Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. (33) Những kẻ ở trong
thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !”.
2. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU BÀY
TỎ QUYỀN NĂNG QUA VIỆC ĐI TRÊN MẶT BIỂN:
Sau phép lạ nhân bánh ra nhiều (x. Mt 14,13-21),
dân chúng hào hứng, muốn tôn Đức Giêsu lên làm vua. Do không muốn cho các
môn đệ hiểu lệch lạc về sứ mạng Thiên Sai theo nghĩa thế tục như dân Do thái
đang mong đợi, nên Đức Giê-su đã ra lệnh cho các ông lên thuyền sang bờ bên kia
trước, đang khi Người ở lại giải tán đám đông. Khoảng 3 giờ
sáng, Người đã đi trên mặt biển tiến đến gần thuyền các môn đệ. Các
ông sợ hãi la hoảng tưởng mình thấy ma, nên Người đã lên tiếng trấn an. Sau
đó Người đã cho Phê-rô đi trên mặt nước đến với Người và đã lập tức cứu
ông khỏi bị chìm xuống khi ông kêu cầu. Sau biến cố này, các môn đệ đã tin Đức
Giê-su và tuyên xưng đức tin: ”Quả thật, Ngài là Con
Thiên Chúa”.
3. CHÚ THÍCH:
- C 22-24: + Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền: Sau phép lạ nhân bánh, dân chúng phấn khởi muốn tôn Đức
Giê-su làm Vua Thiên Sai và các môn đệ cũng bị phấn khích không kém. Để
tránh cho các ông ảo tưởng về sứ mạng Thiên Sai trần thế của Người, nên
Đức Giê-su đã giục các ông mau xuống thuyền sang bờ bên kia (x. Ga 6,14-15). + Người đi riêng lên núi mà cầu nguyện:
Đức Giê-su thường dành thời gian yên tĩnh ban đêm để cầu nguyện với
Chúa Cha (x. Lc 6,12), nhất là khi sắp phải giải
quyết những công việc quan trọng (x. Mt 26,36; Lc 9,27). +
Chiều đến, Người vẫn ở đó một mình: Ở một mình là không có
người nào bên cạnh, trừ ra Chúa Cha hằng ở với người (x. Ga 8,29). + Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ
nhiều dặm: Đây là Biển hồ Giê-nê-sa-rét hay cũng gọi là
Ti-bê-ri-a hoặc Ga-li-lê (x. Ga 6,1). Biển Hồ này
có hình bầu dục dài 21 km, rộng 12 km, mực nước thấp hơn Địa Trung
hải 208 mét. Vì quá lớn, nên Biển Hồ thường hay có sóng to gió lớn
(x. Mt 8,23). + bị sóng đánh vì ngược gió: Bấy giờ thuyền các môn
đệ đã ra giữa biển hồ và đang bị sóng đánh chập chờn không thể tiến
xa vì ngược gió. Sự kiện này tượng trưng cho con thuyền Hội thánh giữa
biển trần gian luôn phải đương đầu với những nghịch cảnh.
- C 25-27: + Khoảng canh tư: Vào thời
Đức Giê-su, dân Do Thái cũng như người Rô-ma: chia ngày thành 12 giờ từ
6 giờ sáng đến 18 giờ chiều, và chia đêm thành 4 canh, mỗi canh kéo
dài 3 giờ. Canh tư tức vào khoảng từ 3 đến 6 giờ
sáng. + Người đi trên mặt biển: Cựu Ước nhiều lần nói tới Đức
Chúa đi trên biển (x. G 9,8; Tv 77,20). Đức Chúa đã từng tỏ uy quyền trên sự hỗn mang khi tạo dựng
trời đất, khống chế Biển Đỏ khi giải thoát dân Do thái khỏi ách nô lệ của
người Ai cập. Ở đây Đức Giê-su muốn ám chỉ Người
là Thiên Chúa, có quyền trên sức mạnh của biển khơi. +
Các ông hoảng hốt bảo nhau: “ma đấy !” và sợ
hãi la lên: Các môn đệ thấy bóng Đức Giê-su đi trên mặt nước
đến gần thuyền thì sợ hãi kêu la vì tưởng mình thấy ma. +
“Cứ yên tâm, đừng sợ !”: Là lời Đức Giê-su
trấn an các ông. + Chính Thầy đây: Trong Cựu Ước Đức Chúa nhiều lần xưng mình : “Chính là Ta”, “Ta là Gia-vê”, “Ta là Đấng Có” …
khi hiện ra với các tổ phụ (x. St 46,3; Xh 3,14). Ở đây, khi xưng mình:
“Chính Thầy đây”, Đức Giê-su ngầm mặc khải Người chính là Thiên Chúa.
- C 28-31: + “Nếu quả là Ngài”: Phê-rô vẫn còn nghi ngờ không biết có thực là Thầy Giê-su không.
+
“Thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”: Câu
này cho thấy Phê-rô tính khí bốc đồng, ăn nói
bộc trực. + “Cứ đến !”: Phê-rô được Đức
Giê-su chia sẻ quyền năng siêu nhiên đi trên mặt nước, nhờ biết đặt trọn
niềm tin vào Người. + Thấy có gió thổi thì ông đâm sợ:
Đức Giê-su có lần đã ban quyền chiến thắng quyền năng âm phủ cho Phê-rô (x. Mt
16,18b), nhưng ông có nhận được quyền năng ấy hay không là tuỳ vào đức tin
của ông mạnh hay yếu. Bao lâu Phê-rô còn tập trung chú ý vào Đức Giê-su,
thì ông còn khống chế được sức mạnh của biển cả. Nhưng
khi bắt đầu hoài nghi, ông đâm ra nhát sợ và lập tức bị chìm xuống nước.
+
“Thưa Ngài, xin cứu con với”: Câu này tương tự câu của các Tông
đồ cầu cứu Đức Giê-su khi thuyền của các ông bị gió bão sắp bị chìm
(x. Mt 8,25). Trong Thánh Vịnh cũng có nhiều lời
cầu nguyện của dân Do thái xin Chúa giúp vượt qua sức mạnh của biển
cả đe dọa (Tv 69,15-16; 144,7). + Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông: Trước lời cầu xin khẩn thiết
của Phê-rô, Đức Giê-su đã mau mắn đáp lại bằng cách đưa tay ra nắm lấy
ông. +
“Người đâu mà kém tin vậy ! Sao lại hoài nghi ?”: Lời Đức Giê-su vừa trách đức tin yếu kém
của ông, vừa khích lệ ông hãy tín thác cậy trông vào Người.
- C 32-33: + Gió lặng ngay: Sự hiện diện của Đức Giê-su đã đánh tan sóng gió và đem
lại bình yên cho con thuyền của các môn đệ. + Quả thật Ngài là Con Thiên
Chúa !: Đây là lời tuyên xưng Đức Giê-su
là Con Thiên Chúa quyền năng. Tin Mừng Mát-thêu đã mượn lời tuyên xưng
này để cho thấy đức tin của Hội thánh Sơ Khai như sau: “Đức Giê-su Ki-tô
là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Đức Chúa Cha
!”.
4. CÂU HỎI:
1) Tại sao Đức Giê-su lại
truyền cho các môn đệ mau xuống thuyền sang bờ bên kia trước
? 2) Đức Giê-su lên trên núi để làm gì ? 3)
Bạn biết gì về Biển hồ được đề cập trong Tin mừng hôm nay ? 4) Tại sao con thuyền các môn đệ bị chập chờn
không tiến xa được ? 5) Canh tư tương đương với mấy
giờ sáng hiện nay ? 6) Ý nghĩa của việc Đức
Giê-su đi trên mặt biển là gì ? 7) Thái độ của
các Tông đồ ra sao khi thấy bóng người đi trên biển đến gần thuyền và
Đức Giê-su đã làm gì để trấn an các ông ? 8)
Qua câu nói: "Chính Thầy đây", Đức Giê-su ngầm mặc khải Người
là ai ? 9) Phê-rô đã biểu lộ tính khí ra sao khi mau
miệng xin được đi trên mặt nước đến cùng Thầy ? 10)
Tại sao Phê-rô đang đi trên mặt biển lại bị chìm và ông đã làm gì để
được Thầy ra tay cứu giúp ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Đức Giê-su liền
bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !”.
Phê-rô thấy gió thổi thì ông đâm sợ và khi bắt đầu chìm, ông la lên:
“Thưa Ngài, xin cứu con với !” (Mt 14,30).
2. CÂU CHUYỆN:
1) HÃY NGƯỚC NHÌN LÊN CAO
Vào
lúc mới có thuyền buồm, một cậu bé nọ xin được đi biển để học làm thủy thủ. Một
hôm biển nổi cơn giông bão, thuyền trưởng đã ra lệnh cho cậu bé leo lên cột buồm cột lại một sợi dây buồm bị gió làm tuột ra.
Cậu bé đã dễ dàng leo lên phân nửa cột buồm vì cậu luôn
hướng mặt lên cao. Nhưng khi leo đến lưng
chừng thì cậu đã mắc phải một sai lầm lớn là quay mặt nhìn xuống mặt biển đang
dậy sóng. Do đó cậu bị chóng mặt và sắp bị té ngã. Thấy vậy, một thủy thủ già nhiều
kinh nghiệm đã la to nhắc cậu: ” Này nhóc, hãy ngước
mặt lên cao ! Hãy mau nhìn lên trời !”. Cậu bé đã nghe
theo lời chỉ dẫn khôn ngoan ấy và đã leo được tới đỉnh
thi hành lệnh của thuyền trưởng một cách an toàn.
Lỗi
lầm của cậu bé nói trên giống như lỗi lầm của ông Phê-rô trong Tin mừng hôm
nay. Cũng như cậu bé đã rời mắt khỏi đích nhắm để nhìn xuống mặt nước nên
có nguy cơ bị té ngã, thì ông Phê-rô do rời mắt khỏi Thầy để nhìn xuống mặt
biển nên đã bị chìm xuống.- (M. Link)
2. SỰ CẦU NGUYỆN ĐEM LẠI
BÌNH AN CHO TÂM HỒN:
KÉT MIU-LƠ ( Keith Miller) tác giả
cuốn sách tựa đề “Hương rượu mới” (The taste of new Wine), đã thuật
lại một biến cố làm thay đổi cuộc đời của ông như sau:
Vào một đêm nọ, trên đường đi bộ về nhà, Két đã bị một
chiếc xe hơi từ phía sau tông phải làm anh bị té
bất tỉnh bên lề đường suốt hơn một tiếng đồng hồ khi chờ xe cứu
thương. Lúc tỉnh dậy và ý thức về tình trạng của mình, anh đã cầu
nguyện với Chúa. Sau khi cầu nguyện xong, anh cảm thấy tâm hồn thật sự
được bình an. Két viết: “Tôi cảm thấy xấu hổ về việc tại sao mãi đến lúc này tôi mới biết
được giá trị của sự cầu nguyện. Ngay lúc đó, dù đang phải đối diện
với cái chết, nhưng tôi không còn cảm thấy sợ chút nào. Tôi có cảm
giác Chúa đang hiện diện bên tôi và sẵn sàng ra tay cứu giúp tôi”. Sau đó, Két đã được các bác sĩ kịp thời cứu sống và mau
chóng bình phục. Anh trở lại đại học được bầu làm chủ tịch lớp
sinh viên năm thứ hai. Nhưng về sau, do bị các
hoạt động xã hội của trường đại học lôi cuốn, anh lại thôi, không còn đến
nhà thờ nữa và tiếp tục lún sâu vào các đam mê tội lỗi như trước.
Sau khi tốt nghiệp đại học, anh lập gia đình và được nhận vào
làm việc cho một hãng xăng dầu ở tiểu bang Tếch-sớt (
3. SUY NIỆM:
Câu chuyện Phê-rô đi trên mặt biển và được Đức Giê-su cứu khỏi bị chìm
gợi lên cho chúng ta bài học về đức Tin: Mỗi khi cảm thấy tâm hồn bất an là lúc chúng ta đã quên Chúa, đã không còn tập trung
vào Người. Khi bị chìm vào các đam mê tội lỗi, là lúc
chúng ta đã hoài nghi về tình thương cứu độ của Chúa và bỏ làm các việc đạo
đức. Bấy giờ chúng ta cần noi gương thánh Phê-rô để kêu cầu với Chúa Giê-su.
Chắc chắn Người sẽ nắm lấy chúng ta và trả lại bình an
cho tâm hồn chúng ta.
1) “Cứ yên tâm. Chính Thầy đây. Đừng sợ !”:
Đôi khi Chúa để chúng ta gặp phải các tai
ương, bệnh tật và đau khổ là Người muốn thử thách đức tin của chúng ta
như người ta thường nói: “Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Cũng như dù đang cầu
nguyện trên núi, nhưng Đức Giê-su vẫn dõi mắt theo con thuyền của các môn đệ đang
lênh đênh trên biển cả và Người đã đi trên mặt nước để đến cứu giúp các ông,
thì ngày nay Người cũng luôn quan tâm đến con thuyền Hội Thánh trong cơn phong
ba bão táp hầu kịp thời ứng cứu khi cần. Nếu thực sự tin vào quyền năng của Đức
Giê-su, thì chúng ta cũng sẽ không hoảng sợ khi phải đương đầu với các nghịch
cảnh, vì tin rằng Chúa vẫn luôn dõi theo chúng ta và sẽ
kíp thời cứu giúp chúng ta khi cần. Hãy luôn ý thức: “Có Chúa cùng đi với chúng ta, chúng ta sẽ không còn sợ chi và chắc chắn
sẽ đạt đến bến bình an”.
2) “Thưa Ngài, xin truyền cho
con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”:
Qua việc bước ra khỏi thuyền đi trên mặt nước đến với Đức Giê-su
cho thấy Phê-rô có một đức tin hành động hơn là lý thuyết suông. Như vậy đức tin thực sự sống động phải được thể hiện qua hành động
cầu nguyện và thực hành Lời Chúa dạy như lời thánh Gia-cô-bê: “Đức Tin không có
hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2,17).
Thực vậy, cũng như một học viên học vi
tính hay học bơi lội. Ngoài việc nghe hướng dẫn viên trình bày bài học để có một
kiến thức căn bản, học viên còn phải biết ngồi vào máy tính để tập thao tác cho
thuần thục, hoặc phải lội xuống nước sông hồ để tập từng động tác mới có thể bơi
được… Cũng vậy, để đạt được một đức tin trưởng thành, ngoài
việc học giáo lý thánh kinh, người tín hữu còn phải cầu nguyện và áp dụng Lời
Chúa qua lối ứng xử với tha nhân giữa đời thường. Nếu không chịu thực
hành Lời Chúa, thì dù có bằng tiến sĩ thần học, đức tin của nhà thần học này có
thể vẫn yếu đuối hơn một tín hữu bình dân nhưng lại năng cầu nguyện với Chúa. Các
gian nan thử thách gặp phải chính là thước đo đức độ của một con người như câu
người ta quen nói: ”Lửa thử vàng, gian nan thử đức”. Thánh
Phao-lô cũng từng trải qua nhiều cuộc chiến đấu cam go như ngài đã viết: ”Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng
Người quả quyết với tôi: Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được
biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,7-9).
3) “Thưa Ngài, xin cứu con
với !”:
Khi nhìn vào Đức Giê-su, ông Phê-rô đã có thể đi trên mặt
nước như thầy mình. Nhưng khi cơn gió mạnh ào
đến, đức tin của ông bị suy giảm thì ông lập tức bị chìm. Phê-rô trong cơn
nguy biến đã tín thác cậy trông qua lời kêu cứu: “Thưa Ngài, xin cứu con với !”. Bàn tay của Đức Giê-su đã
kịp nắm lấy ông và đưa ông lên thuyền bình an kèm theo lời trách nhẹ:
“người đâu mà kém tin như vậy! Sao lại hoài nghi ?“.
Ngày nay nhiều khi chúng ta có cảm tưởng như bị Chúa bỏ rơi
khi chúng ta liên tiếp gặp phải những tai nạn rủi
ro và những điều trái ý cực lòng. Nhưng thực ra đó là phương cách Chúa thường
dùng để huấn luyện đức tin của chúng ta. Khi gặp tai
ương hoạn nạn mà chúng ta sợ hãi, bỏ cầu nguyện dự lễ và tìm đến với
các trò mê tín như bói toán, bùa ngải… là dấu cho thấy đức tin của ta đã suy
yếu trầm trọng hoặc đã chết rồi. Trái lại, nếu chúng ta biết dâng lời cầu xin:
“Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” rồi làm theo lời
Chúa chỉ dạy, thì mới chứng tỏ đức tin của ta vững mạnh.
4) Năng cầu nguyện kết hiệp
với Chúa:
Về việc cầu nguyện, nhiều người thường bỏ cầu nguyện với lý do: “Tôi
bận quá không có thời giờ rảnh để cầu nguyện với Chúa”... Nhưng thật ra Chúa luôn ở bên ta, ngay trong lòng ta. Chỉ cần ta ý thức sự hiện diện của Chúa Giê-su và thưa chuyện với
Người bằng một lời nguyện tắt. Tại sao mỗi ngày chúng ta có nhiều giờ
đi uống cà phê tán gẫu với chúng bạn hay ngồi hàng giờ xem truyền
hình… mà lại không thể bớt ra ít phút để vào sa mạc của lòng mình cầu
nguyện với Chúa. Mỗi ngày chúng ta có khá nhiều cơ hội để gặp gỡ
Chúa, mà vì không ý thức về sự cần thiết của việc cầu nguyện, nên ta đã
bỏ lỡ nhiều cơ hội gặp gỡ Người. Chẳng hạn: Những lúc cửa hàng vắng
khách, khi chờ đèn xanh đèn đỏ, khi bị kẹt xe
hay bất ngờ nhà bị cúp điện… Thay vì bực bội khó
chịu, chúng ta hãy ý thức sự hiện diện của Chúa và thưa chuyện với
Người về những điều làm ta lo lắng hay đang phải đối phó.
4.
THẢO LUẬN: 1) Chúng ta cần học tập thánh Phê-rô điều gì về sự cầu
nguyện ? 2) Nên cầu nguyện những lúc nào trong
ngày ? 3) Khi gặp thất bại hay rủi ro trái ý,
ta cần làm gì để noi gương thánh Phê-rô ?
5. CẦU NGUYỆN:
- LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hội Thánh ngày nay cũng đang gặp rất
nhiều khó khăn trở lực nên không thể thăng tiến được. Xin cho các mục
tử trong Hội Thánh luôn tin cậy vào tình thương quan phòng và quyền
năng của Chúa. Xin cho chúng con biết chu toàn sứ vụ làm chứng cho
Chúa bằng lối sống quên mình vị tha và yêu thương phục vụ tha nhân. Xin
cho chúng con sẵn sàng góp công góp của để cộng tác vào sứ vụ loan
Tin Mừng của Hội Thánh.
- LẠY CHÚA. Chúa muốn chúng con luôn vững tin vào Chúa mỗi
khi gặp thử thách gian nan. Ngày nay vẫn có
những cơn sóng gió làm chúng con hoài nghi và không còn tin cậy vào
Chúa, khiến chúng con ngày một chìm sâu vào các đam mê tội lỗi. Mỗi
khi con sắp chìm đắm, xin Chúa hãy động viên con như đã động viên các
môn đệ trong Tin Mừng hôm nay: “cứ yên tam. Chính Thầy đây, đừng sợ!”. Xin hãy cầm lấy tay con khi con sắp quỵ ngã, và
hãy nâng đỡ đức tin yếu hèn của con, giúp con đứng vững trước bao
sóng gió cuộc đời. Nhất là xin cho con biết luôn ngước nhìn lên Chúa
là nguồn hy vọng và là sự trông cậy độc nhất của con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA
NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM