CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN
Chúa có quyền định đoạt và Người
luôn tốt bụng
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
20:1-16a)
Một công nhân xét lại sổ lương của mình và nhận thấy sở trả
thiếu mình một giờ đồng hồ thôi, lập tức anh ta khiếu nại với văn phòng quản lý
và lấy lại số tiền còn thiếu. Nhân viên
văn phòng xin lỗi về sự sơ xuất này và lập tức làm theo lời yêu cầu của công
nhân. Đó là lẽ công bằng của người đời
nay. Hôm xưa cũng có người thợ làm vườn
nho cằn nhằn ông chủ về sự “bất công”, vì ông đã coi những người thợ đến làm muộn
cũng được “ngang hàng” với nhóm của anh ta là những người “đã phải làm việc nặng
nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”!
Nhưng ông chủ đã khẳng định là ông không đối xử bất công, vì ông làm
đúng theo thỏa thuận. Ông chỉ đối xử
theo “quyền định đoạt” của mình và theo tính “tốt bụng” của ông mà thôi. Có lẽ đây là điểm chính dụ ngôn muốn áp dụng
cho Thiên Chúa.
Giống như gia chủ vườn nho quyết định đi ra mướn thợ làm vườn
cho ông, Chúa cũng quyết định đi gặp chúng ta và đưa chúng ta vào vườn nho Giáo
Hội của Người ở trần gian này. Rồi Chúa
định đoạt số phận đời đời của chúng ta là được chung phần vinh phúc với Người
trên thiên đàng, khi Người kêu gọi mọi người nên thánh, khác nào gia chủ thỏa
thuận trả cho mỗi người thợ là một quan tiền.
Một quan tiền là lương dành cho người làm công một ngày, tượng trưng cho
phần thưởng Chúa dành cho chúng ta sau khi chúng ta chu toàn bổn phận làm con
Chúa ở đời này. Cách Chúa hành xử quyền
định đoạt của Người trên chúng ta, không như một ông vua độc tài, nhưng như một
người Cha yêu thương lo lắng cho tương lai tốt đẹp của con cái. Như thế chúng ta phải cảm thấy hạnh phúc và
may mắn vì số phận chúng ta được định đoạt và nhất là được bảo đảm nhờ công
nghiệp cứu độ của Chúa Giê-su. Hơn nữa,
Chúa còn định đoạt khi Người thay thế vườn nho Ít-ra-en bằng vườn nho mới là
Giáo Hội trên trần gian, đặt Con Một Người làm Đầu của Nhiệm Thể và cho chúng
ta được trở thành các chi thể của Nhiệm Thể ấy.
Suy niệm về việc định đoạt này của Thiên Chúa, thánh Phao-lô đã để lại
những dòng tuyệt vời được mệnh danh là thánh ca Ê-phê-xô: “Ân sủng này, Thiên Chúa đã rộng ban cho ta
cùng với tất cả sự khôn ngoan thông hiểu.
Người cho ta được biết thiên ý nhiệm mầu: thiên ý này là kế hoạch yêu thương Người đã định
từ trước trong Đức Ki-tô. Đó là đưa thời
gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ
lãnh là Đức Ki-tô” (1:8-10).
Đúng vậy, một kế hoạch yêu thương phải được thực hiện do một
ông chủ “luôn tốt bụng” là Thiên Chúa, Cha chúng ta. Những cử chỉ ưu ái của ông chủ diễn tả sự “tốt
bụng” của Chúa đối với chúng ta. Từ tảng
sáng đến giờ mười một, ông chủ liên tục đi mướn thợ. Thợ mỗi người một hoàn cảnh, có người đến sớm,
có người đến muộn. Quan tâm của ông là
không muốn để bất cứ ai phải sống trong nỗi lo lắng không có việc làm và không
chăm sóc nổi gia đình, kể luôn cả những kẻ “không ai mướn”. Tuy nhiên hành vi đáng kể nhất chứng tỏ lòng
tốt của ông, đó là ông quảng đại giúp đỡ mọi người. Người làm sớm cũng như kẻ làm muộn, tất cả đều
trông vào lòng tốt của ông, vào số tiền công nhật ông thỏa thuận. Đấy là hình ảnh của Thiên Chúa nhân
lành. Người không tính công của chúng ta
bằng thì giờ phụng sự Người và phục vụ tha nhân, nhưng tính bằng cơ hội. Người cho chúng ta những cơ hội làm việc
trong vườn nho Giáo Hội và thế giới, để xây dựng Giáo Hội và giúp đỡ anh chị em
nghèo khổ. Người muốn chúng ta chia sẻ
lòng tốt chúng ta đã nhận được từ nơi Người với anh chị em chung quanh.
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta chẳng xứng đáng lãnh nhận ân huệ cứu độ của Chúa do
những việc lành chúng ta làm. Tất cả đều
là do công nghiệp của Chúa Giê-su. Được
Chúa ân thưởng phúc trường sinh là một ân huệ.
Được trở nên một thành phần của Vườn Nho Chúa, quả thực là một vinh dự.
Vì thế, Chúa Giê-su kể dụ ngôn hôm nay với chủ ý đánh tan ý tưởng cố hữu của
chúng ta là nghĩ rằng mình xứng đáng được trả công vì đã làm việc lành phúc đức. Người cũng muốn chúng ta hãy biết tạ ơn Thiên
Chúa vì Người nhân lành và tốt bụng với chúng ta. “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” Đó là lời Chúa mời gọi. Vậy chúng ta hãy đáp lại!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi