NIỀM VUI CỦA NGƯỜI LOAN BÁO TIN MỪNG
(KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO - 2014)
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Cách đây ít lâu, vào Năm Thánh 2000, người
giáo dân Việt
Năm nay, nhân ngày Khánh Nhật Truyền
Giáo, ngày cả thế giới cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng, Đức Thánh
Cha Phanxicô cũng đã gửi thông điệp đến toàn thể cộng đồng Dân Chúa trên toàn
thế giới. Nội dung của thông điệp đều nói đến: niềm vui của người loan báo Tin
Mừng.
Như vậy, ta có thể hiểu rằng: loan báo
và đón nhận Tin Mừng phải là một niềm vui sâu xa cho cả người đón nhận và người
loan báo.
1.
Nhu cầu cấp bách của việc loan báo Tin Mừng
Từ sau Công Đồng Vaticanô II, cách riêng
từ những thập niên cuối thế kỷ 20, chúng ta không ngừng nhắc đến hai từ “Truyền
Giáo”, hay cụm từ đồng nghĩa “Loan Báo Tin Mừng”. Tuy nhiên, loan
báo Tin Mừng có đem lại cho chúng ta niềm vui, hay đúng hơn người loan báo Tin
Mừng có cảm thấy vui mừng vì họ đang được tham dự vào công cuộc cứu chuộc của
Thiên Chúa cho nhân loại hay không? Đây là câu hỏi được đặt
ra cho từng người chúng ta mỗi dịp lễ Khánh Nhật Truyền Giáo.
Thật vậy, sứ mạng truyền giáo phải được
người tham gia cảm được, thấu được sự hạnh phúc khi họ đang được diễm phúc làm
cho lệnh truyền của Đức Giêsu hiện tại hóa nơi hành động, lời rao giảng của chính
mình: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi
loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Đồng thời, niềm thao thức, sự
khát khao cho muôn dân được cứu độ phải nung đốt tâm hồn những người tham gia sứ
vụ này như một luật buộc vì lòng mến. Nói như thánh Phaolô: “Khốn
thân tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1Cr 9, 16).
Xác định như thế, chúng ta thấy: sứ vụ
Loan Báo Tin Mừng là của chúng ta, thuộc về chúng ta. Sứ vụ
này là bản chất của Giáo Hội. Vì thế, Giáo Hội không
ngừng loan báo điều mà mình đã tin và lãnh nhận. Nếu không loan báo thì
chẳng khác gì kẻ khờ dại không biết sinh lời nén bạc đã được Chúa trao, ngược lại,
vô tình, chúng ta đã chôn vùi dưới lòng đất. Không loan báo
Tin Mừng là chúng ta phản bội lại chính mình, vì hẳn chúng ta đang bị đánh mất
mình khi không sống đúng bản chất.
Sứ vụ này lại càng khẩn thiết khi xã hội
và con người đang lao xuống dốc với vận tốc quá nhanh,
khiến cho nhiều người mất phương hướng khi không biết hay không thể dừng chân để
suy nghĩ lại niềm hy vọng hay mục đích tối hậu của cuộc đời mình.
Chính Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông
huấn “Niềm vui Tin Mừng” đã viết: "Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một
thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng
phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui
phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ" (Evangelii Gaudium, 2).
Đứng trước thực trạng
đó, chúng ta không thể ngồi yên khi thế giới này đang mất dần hy vọng khi bám
víu vào những điều mau qua chóng hết mà không hề có hy vọng đích thực. Vì thế, cuộc đời buồn tẻ đang bao trùm
nhân loại, và một ngày nào đó, con người sẽ phải thất vọng khi lấn sâu vào con
đường diệt vong (xc. Sứ điệp ngày thế
giới truyền giáo 2014).
2.
Sức hút nơi người tông đồ là niềm vui có
Chúa
Tuy nhiên, loan báo bằng cách nào; thái
độ của chúng ta ra sao khi đứng trước sứ mạng cũng như trong khi loan báo Tin Mừng
cho anh chị em?
Để trả lời cho vấn nạn trên, Đức Thánh
Cha Phanxicô nhân ngày Thế Giới Truyền Giáo, ngài đã thổ lộ tâm tình của mình với
các nhà truyền giáo như sau: “Chúng ta đừng
để mình bị tước mất niềm vui của việc loan báo Tin Mừng! Tôi mời gọi anh chị em
đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng
ơn gọi và sứ mạng của anh chị em” (xc. Sứ điệp truyền
giáo năm 2014).
Như vậy, niềm vui là
điều rất cần thiết cho hồn người tông đồ. Nếu không có niềm vui, người loan báo sẽ không thể cảm thấy
một niềm hạnh phúc phát xuất từ sứ mạng, và như vậy, thay vì loan báo Tin Mừng,
họ sẽ loan tin buồn! Hoặc quá mâu thuẫn khi chúng ta mang trong mình một não trạng
được biểu hiện qua hành động bằng thái độ buồn rầu, thất vọng khi giới thiệu một
Đức Giêsu là Chúa Cứu Thế mang lại niềm vui và hy vọng cho nhân loại!
Những lúc như vậy, người
tông đồ đã làm cho hình ảnh của Đức Giêsu trở nên méo mó ngang qua hành động của
mình. Và như thế,
người được ta loan báo Tin Mừng, họ không dại gì lại đi tin và theo một Đức Giêsu không có gì hấp dẫn, không có gì hy vọng
và không hề có niềm vui! Điều này đã mang lại cho chúng ta sự
thất vọng và sứ vụ bị hiểu sai cũng như thi hành không đúng.
Khi nói về sự phản chứng nơi người tông
đồ khi loan báo Tin Mừng, Đức Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận đã nói như
sau: “Ưu
sầu, chán nản, năn nỉ, phàn nàn... Lúc này người ta mới thấy rõ giá trị những lời
khuyên nhủ hùng hồn, những lời tuyên bố nẩy lửa của con đến đâu. Thấy mặt con,
ai dám theo Chúa nữa?” (ĐHV. số
538). Tại sao vậy? Thưa bởi vì: chúng ta không
nuôi dưỡng niềm vui rao giảng Tin Mừng (xc. Sứ điệp ngày thế
giới truyền giáo 2014)
3.
Nguyên nhân sâu xa để có được niềm vui là
lòng mến
Nuôi dưỡng niềm vui là gì nếu không phải
là lòng mến! Thật vậy, vì yêu mến Chúa, tôi hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả,
tha thứ tất cả... Vì yêu mến, tôi phải vui mừng vì đang được chung
chia tâm tư, thao thức của người mình yêu. Vì yêu mến, tôi
cũng mong muốn cho mọi người được hưởng sự vui mừng mà tôi đang tận hưởng.
Như vậy, nguyên nhân
sâu xa chính là người tông đồ không để cho tình yêu của Đức Giêsu xâm chiếm tâm
hồn.
Hoặc cũng không để cho ngọn lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần nung nấu trái tim. Vì thế, hồn người tông đồ đâu có say mê Nước Thiên Chúa
và đâu có niềm vui khi rao giảng Tin Mừng!
Khi nói về bản chất của niềm vui được khởi đi
từ lòng mến và được đức ái thúc đẩy, Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã nói
trong Thông điệp ngày thế giới truyền giáo 2006 như sau: "Sứ mạng truyền giáo, nếu không được định hướng bởi lòng mến, nếu
không phát sinh từ một hành động sâu xa của tình yêu thần thiêng, thì sứ mạng
đó liền bị rút gọn về chỉ còn như là một hành vi nhân ái và xã hội không hơn
không kém. Tình yêu mà Thiên Chúa có đối với mỗi người, kết thành trung tâm của
kinh nghiệm sống và loan báo Phúc Âm".
Muốn trở nên người tông đồ thực thụ vì chan
chứa niềm vui, người được sai đi loan báo Tin Mừng phải gặp gỡ thân tình với
Đức Kitô, cảm nghiệm được ơn gọi và sứ vụ cao quý của mình, và phải yêu mến
những người mà mình có cơ may tiếp xúc, nhất là với người nghèo, người bị bỏ
rơi, người sống bên lề... Có được điều đó, người tông đồ sẽ đem lại cho họ niềm
vui đích thực khi trong mình đang tỏa lan một niềm vui
có Chúa.
Thật thế, Đức Giêsu chính là nội dung của
Tin Mừng, hay nói cách khác, Ngài chính là cội nguồn của niềm vui và hạnh phúc.
Vì thế, người loan báo và người đón nhận, tất cả đều được: "Niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và
cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu. Những ai chấp nhận đề nghị cứu độ
của Người thì được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống rỗng nội tâm và
cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh." (Evangelii
Gaudium, 1).
Mong sao, mỗi người chúng ta hãy hân
hoan vui mừng trước, trong và sau khi loan báo Tin Mừng. Chúa sẽ không bao giờ
vui vì một người loan báo Tin Mừng nhưng lại với một khuôn mặt buồn rầu, ủ rũ. Biểu hiện đó làm cho họ tự mâu thuẫn với chính mình. Đức cố
Hồng Y Phanxicô X. đã nói: “Một ông thánh
buồn là một ông thánh đáng buồn”.
Như vậy, niềm vui của Chúa tràn ngập tâm
hồn chúng ta và qua đó, chúng ta đem lại cho nhân loại một niềm hy vọng lớn lao là có niềm vui của Chúa ở cùng. Như thế, đến ngày sau hết,
chúng ta sẽ vui mừng vì: “Tên anh em đã được ghi trên trời"
(Lc 10,20).
Lạy Chúa Giêsu, lúa chín đầy đồng mà thợ
gặt lại ít, xin Chúa ban cho chúng con những thợ gặt lành nghề để ra đi gặt lúa
về cho Chúa. Tuy nhiên, xin Chúa ban cho Giáo Hội những thợ gặt với tâm hồn
chan chứa niềm vui để đem lại niềm hy vọng cho con người. Amen.