dỤ
ngôn các nén bẠc
(Mátthêu 25,14-30 – CN XXXIII TN - A)
1.- Ngữ cảnh
Về phương diện văn chương và đề tài, “Dụ
ngôn Những nén bạc” (Mt 25,14-30) được đặt trong ngữ cảnh là chương Mt 24–25. Các chương
này thuộc về bài Diễn từ cuối cùng của Tin
Mừng I, ngay trước bài tường thuật về
Thương Khó và Phục Sinh (ch. 26–28). Câu truyện đặt đối diện hai nhân
vật: một ông chủ và các đầy tớ. Ở đây giống như trong Dụ ngôn Mười trinh
nữ, có những đầy tớ “tốt” và những đầy tớ “xấu”. Khi ông chủ
trở về, người ta không còn có thể thay đổi tình thế được nữa, mà phải chấp nhận
vĩnh viễn tình thế ấy.
Tuy
nhiên, ở ngay chỗ bắt đầu bản văn, có từ “bởi vì” (gar). Từ này
nối bài dụ ngôn với câu trước là 25,13 và làm cho bài
dụ ngôn này nối với bài trước như sau: “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết
ngày nào, giờ nào. Bởi vì cũng như có người kia sắp đi xa…”. Vậy bài dụ ngôn biện minh cho việc phải
“canh thức/tỉnh thức”. Dĩ nhiên, tác giả Mt không hiểu từ ngữ này
theo nghĩa chữ, nếu không ngài đã chẳng dùng lời
khuyến cáo này làm câu kết cho một dụ ngôn trong đó các trinh nữ đều đã
ngủ cả. “Canh thức” là ở trong tư thế luôn “sẵn sàng” đối với
cuộc Phán xét, mà mình không biết ngày giờ.
Nếu dụ ngôn Các nén bạc nói về “canh thức”
thì phải có những ý tưởng liên hệ tới đề tài này. Chúng
ta thấy ở c. 19, tác giả cho biết rằng ông chủ trở về “sau một thời gian lâu
dài”. Chi tiết này tương tự chi tiết của bài trước: “vì chú rể đến
chậm…” (25,5); chi tiết này lại nhắc đến một chi
tiết có trước trong dụ ngôn Người đầy tớ trung tín, trong đó người đầy tớ nói:
“Còn lâu chủ ta mới về” (24,48). Những câu này nêu ra vấn đề các Kitô hữu đang
phải đương đầu vào cuối thời các tông đồ do cuộc Quang Lâm đến chậm: Đức Kitô
chậm trở lại như thế, có thể khiến các Kitô hữu thất vọng (x. 2 Pr 3,4), sẽ
mất sự bền bỉ. Do đó, cần phải nhấn mạnh đến đề tài “canh thức” với các sắc
thái khác nhau của đòi hỏi này. Mt diễn tả bổn phận canh thức qua các
tĩnh từ dùng cho các đầy tớ: “tài giỏi và trung thành”, hay là “tồi tệ và biếng
nhác”.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia
thành hai phần:
1) Giới thiệu các nhân
vật và chủ đề (25,14-18):
a) Ông chủ giao tiền
trước khi ra đi (cc. 14-15),
b) Thời gian giữa thời
điểm ông chủ ra đi và trở về (cc. 16-18);
2) Tính sổ với ông chủ
(25,19-30):
a) Câu mở (c. 19) và Cảnh
người đầy tớ tốt thứ nhất (cc. 20-21),
b) Cảnh người đầy tớ
tốt thứ hai (cc. 22-23),
c) Cảnh người đầy tớ
xấu (cc. 24-30. Hoặc: Người đầy tớ xấu: cc. 24-28; Nhận định chung
kết: cc. 29-30).
3.- Vài điểm chú giải
- nén
bạc
(15): Một talanton
- được
giao ít mà anh đã trung thành (21.23): Lời khen
này có thể khiến độc giả nghĩ đến những gương mẫu trong quá khứ, như Môsê hoặc
Đavít: lúc đầu Thiên Chúa đặt các ngài chăn dắt các đàn vật trước khi giao cho
các ngài những nhiệm vụ lớn lao hơn.
- niềm
vui
(21.23): Hẳn đây là niềm vui hai người đầy tớ tốt cảm nhận khi được vào hưởng
bữa tiệc thiên sai, chứ không phải là niềm vui của ông chủ cảm nhận do lý do gì
ta không biết.
- Vì phàm ai đã có, thì
được cho thêm (29): Công thức có lẽ là một câu tục ngữ (x. 13,12), hoặc một câu nói của Đức Giêsu đã bị tách khỏi
ngữ cảnh, được Mt đặt ở đây. Câu này tóm dụ ngôn rất khéo: vào ngày Phán
xét chung (bản văn Hy Lạp là “sẽ được ban cho” là một công thức ở thái
bị động tuyệt đối, để nói về hành động của Thiên Chúa, và động từ ở thì tương
lai gợi đến một hành động cánh chung của Thiên Chúa), ai có, tức là đã
trung thành trong những chuyện nhỏ của cuộc sống trần thế, sẽ nhận được một phần
thưởng lớn; còn kẻ nào không có gì, tức đã bất trung hoặc lười biếng, sẽ bị
trừng phạt nghiêm khắc.
- chỗ
tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng (30): Hình phạt này chỉ
có thể là cuộc trầm luân đời đời (x. Mt
22,13).
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Giới thiệu các nhân
vật và chủ đề (14-18)
Dụ ngôn bắt đầu với từ
hai từ nhỏ đáng chú ý: “cũng như” (hôsper)
và “bởi vì” (gar, “vì chưng” [NTT]; “quả thế” [CGKPV]). Với từ “cũng như”, bài dụ ngôn mới này
dường như liên kết với c. 13 nói về canh thức. Còn với “bởi vì”, bài này
triển khai câu cuối của dụ ngôn trước (25,13: “Vậy anh
em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào, giờ nào”). Thật ra, cả bài
nhắc nhớ đến các truyện Đức Giêsu đã kể trước đây: truyện Tên mắc nợ không biết
thong xót (18,23-35: các từ có chung là “các yến vàng”, “tính sổ”) và nhất là
truyện Người đầy tớ trung tín (24,45-51: các từ có chung là “đầy tớ trung
thành”, “đặt lên”/“giao [nhiều]”, “ông chủ [các] tên đầy tớ ấy”, ở đó, sẽ phải
khóc lóc nghiến răng”).
Mọi
chuyện xảy ra giữa ông chủ và các tôi tớ. Ông chủ chuẩn bị đi
xa, đã ký thác công việc quản lý tài sản ông cho các đầy tớ. Trong thời gian ông đi vắng, các đầy tớ này phải vận dụng khả năng
mà làm cho số bạc đã nhận sinh lãi. Như vậy, các tôi tớ này không tự do
và độc lập, nhưng họ ở trong một tương quan lệ thuộc và phục vụ. Họ thuộc về ông chủ; những gì được ký thác cho họ là của cải của
ông chủ và những gì họ làm sinh ra từ đó là sở hữu của ông chủ. Họ bị
ràng buộc với chủ nhiều cách.
Nhân
vật chính là một ông chủ giàu có, nhưng dù vậy, ông không muốn để cho vốn của
ông nằm đó, càng không muốn cho các đầy tớ của ông chỉ biết nằm ngủ. Dường
như điểm sau này là mối quan tâm chính của ông. Với
tám nén bạc, ông có thể tự mình đưa đến ngân hàng hoặc đầu tư cách nào khác; ở
đây ông lại muốn giao phó số bạc cho các trung gian. Ông đã bỏ một lối
xử sự đảm bảo hơn, như ông cho biết trong mẩu đối thoại với tên đầy tớ biếng
nhác, mà chọn lấy một cách phiêu lưu hơn, mục đích chỉ để họ chứng tỏ sự
cần mẫn (c. 27) và chịu khó. Nét bất thường này cho thấy rằng mục tiêu đầu tiên
của ông không phải là lợi nhuận nhưng là xem xét các khả năng, sự sẵn sàng, óc
sáng kiến nơi các thuộc cấp. Nhưng cách làm ấy cũng chứng tỏ
ông tin vào thiện chí của họ. Ông không muốn họ chỉ là
những kẻ lệ thuộc, nhưng là những cộng sự viên có lương tâm. Để thẩm
định óc sáng tạo và chuyên chăm, ông không xác định cách thức họ phải theo. Mọi sự được phó mặc cho chọn lựa của
họ. Nếu ông phân phát các nén bạc tùy theo khả
năng của từng người, là để cho mọi người có cơ hội làm ra một năng suất tối đa,
chứ không phải là thiên vị người này hơn người kia. Lời nhận xét của người đầy
tớ vô tích sự: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không
gieo, thu nơi không vãi” (c. 24) xác nhận cách xử sự của ông chủ và hơn nữa
việc ông tín thác công việc cho các cộng sự viên. Lẽ ra biết ông chủ là người
nghiêm khắc, người đầy tớ càng phải ra sức mà làm việc, thay vì ươn ái bất động
như thế!
Hai người tôi tớ tốt
bắt tay vào việc tức khắc. Họ sử dụng của cải đã được giao
cho họ theo cách tương ứng với ý muốn của ông chủ. Họ
tuân theo các mục tiêu của ông và bảo vệ của cải lợi
lộc cho ông. Cách làm của họ đã đưa lại hoa trái dồi dào.
Người
tôi tớ thứ ba mang yến bạc đến trả lại cho chủ, không hơn không kém. Ngay
từ đầu, anh đã có một tương quan sai lạc với chủ. Anh ta thấy ông
là một con người cứng rắn, anh trách ông là gặt chỗ không gieo, và anh
sợ ông (25,24t). Anh nhìn nhận mình lệ thuộc ông, nhưng không
quy phục ông với lòng tin tưởng và cần mẫn. Anh cảm thấy sự lệ thuộc của
mình gay go và áp bức và tức giận với ông như đối với một kẻ bóc lột bắt
kẻ khác làm việc cho mình và sống nhờ công lao của
những kẻ khác. Do đó, anh từ chối phục vụ và không hành động theo
ý muốn của chủ. Anh không phung phí của cải được giao và
không tiêu xài cho mình. Anh chỉ để nó ở đấy không
sinh lợi và trả lại cho chủ y như đã nhận. Những lời
nói của anh chao đảo giữa sự nghi ngờ, phản đối và sợ hãi. Anh bị kết án
không phải bởi vì anh đã không đạt được con số như các đồng nghiệp, nhưng bởi
vì anh không vận dụng một sáng kiến nào cả, dù là việc dễ hơn như bỏ số
bạc vào ngân hàng (dễ hơn cả việc đào lỗ chôn giấu nén bạc của chủ!), dễ nhưng
phiêu lưu hơn, nên cũng nặng trách nhiệm hơn. Lỗi của anh là
đã chôn giấu một của cải tự nó phải sinh lời.
* Tính sổ với ông chủ
(19-30)
Sau
một thời gian lâu dài, ông chủ trở về và gọi các tôi tớ đến tính sổ. Cảnh tính sổ với ông
chủ được chia thành ba hồi nhỏ: Ba người đầy tớ đến gặp chủ, mỗi người nói ra
cách mình đã làm với số bạc của chủ và nghe ông đánh giá.
Trường hợp hai người đầu thì hoàn toàn song song: người đầu như thế nào, thì
người thứ hai như vậy (mỗi người được dành cho 2 câu); người thứ ba được đặc
biệt lưu ý (anh được dành cho 7 câu, hoặc ít ra là 5 câu, nếu tách cc. 29-30 ra
như là phần thêm vào sau). Về phương diện văn chương, bốn câu
dành cho hai người đầu làm thành một đơn vị văn chương được dùng làm đối
trọng cho người đầy tớ thứ ba. Như vậy, trong thực tế, chúng ta có một
phép đối ngẫu: điểm giáo huấn quan trọng nằm trong sự tương phản giữa hai người
đầu với người thứ ba. Trong một dụ ngôn có đặc tính
đối ngẫu như thế, điểm nhấn luôn nằm nơi vế thứ hai của thế đối ngẫu (x. các dụ
ngôn trong các Tin Mừng và Tl 9), vế thứ nhất chỉ nhằm làm rõ vế
hai mà thôi.
Họ đã
báo cáo lại cho chủ đầy đủ và được ông không tiếc lời khen ngợi. Ông
nhìn nhận họ là những tôi tớ tốt lành và trung tín. Một tôi tớ tốt lành
thì chấp nhận trọn vẹn vị trí của mình và ra tay phục
vụ chủ. Người ấy không theo các ý riêng hoặc các cảm
hứng riêng, không tránh né chủ, nhưng tự đồng hóa với các mục tiêu và quyền lợi
của chủ. Một tôi tớ tốt lành thì ân cần chăm sóc của
cải đã được giao phó cho mình với lương tâm. Sau khi hai tôi tớ đã được thử
thách, ông chủ có thể giao phó cho họ các nhiệm vụ lớn lao
hơn. Ông mời gọi họ đến niềm hạnh phúc viên mãn: “Hãy vào mà hưởng niềm vui của
chủ anh!” (25,21.23). Tin Mừng rất thường nói đến việc
“đi vào Nước Trời” (x. 5,20; 7,21; 18,3), “vào trong cõi sống” (18,8t; 19,16)
và bây giờ “vào trong niềm vui”. Những ai trung tín thì được chấp
nhận cho thông phần Nước Trời, nghĩa là được sự sống viên mãn và niềm hạnh phúc
vô tận. Ông chủ không đẩy các tôi tớ ra xa, nhưng chấp
nhận họ vào trong môi trường sống của ông, trong cuộc sống hạnh phúc viên mãn
của ông. Chúng ta không thể đạt tới mục tiêu này và mức sống viên mãn
nhờ dựa vào sức riêng, hoặc nhờ đi qua một nẻo đường chọn riêng, nhưng
chỉ nhờ phục vụ Chúa. Hai người tôi tớ nhận được phần thưởng
như nhau, phần thưởng này không được xác định bởi mức độ đóng góp của họ, nhưng
bởi mức độ là sự chuyên cần và trung tín.
Còn
kiểu tính toán của người đầy tớ cuối cùng là một tính toán sai lầm;
trong khi anh tưởng được yên thân khỏi bị quy trách, anh đã làm hại quyền lợi
của ông chủ. Anh trả lại “nguyên xi” nén bạc đã nhận, nghĩ rằng như thế là “cân bằng thu chi”: anh vừa lười biếng lại vừa ngu ngốc. Ông chủ gọi anh là đầy tớ tồi tệ và biếng nhác (c. 26), một kẻ đã
hoàn toàn làm hỏng cuộc đời của chính mình và lệnh truyền đã nhận. Bởi vì anh đã tránh né chủ, bây giờ ông chủ cũng tránh né anh.
Ông không cho anh vào hiệp thông đời sống với ông, nhưng cho quăng anh ra
ngoài, nơi đó không có niềm vui, nhưng chỉ có khóc lóc vì đau đớn và nghiến
răng vì giận dữ vì sự hư hỏng chính mình đã gây ra cho mình (x. 8,12). Đây là một cuộc sống trong
tối tăm, trong sợ hãi và tuyệt vọng.
+ Kết luận
Cho dù cuộc Quang lâm
có đến chậm, các Kitô hữu cần phải luôn “canh thức” với ý nghĩ là cuộc Phán xét
sẽ đến và lối sống của họ sẽ bị thẩm định để xem có được vào hưởng niềm hoan
lạc hay không. Sự canh thức này cũng đồng thời là sự trung thành chu toàn các nhiệm vụ đã được giao phó, tức là tất cả các
bổn phận thuộc đời sống Kitô hữu. Xét như thế, bài này có những liên hệ với bài
dụ ngôn Người đầy tớ trung thành (24,45-51). Người đầy
tớ trung thành là người không những biết chu toàn một
sứ mạng đã được giao phó vừa theo mặt chữ vừa theo tinh thần, mà còn biết
lấy sáng kiến mà làm việc trong chiều hướng những gì ông chủ có thể chờ đợi nơi
họ.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Giống như các tôi tớ
trong dụ ngôn, chúng ta, cùng với những gì chúng ta có, là thọ tạo của Thiên
Chúa. Chúng ta không có gì thuộc về chúng ta; các khả năng
của chúng ta từ Ngài mà đến. Tuy nhiên, không phải mọi người đã nhận
được như nhau; mức độ các ân ban của Thiên Chúa cho
từng người thì khác nhau, và đó là quyền của Ngài. Các nén
bạc đây có thể là các đức tính, các khả năng phải phát triển. Nhưng điều
tác giả dụ ngôn nhấn mạnh là sự tin tưởng nơi ông chủ, và sự tha thiết, quảng
đại hy sinh hầu chu toàn ý muốn của chủ.
2.
Thiên Chúa dùng các cộng sự viên để thực hiện các kế hoạch của Ngài. Ngài
không tự mình làm nhưng nhờ trung gian các người thân tín. Những người này cần phải nhận ra cách xử sự như thế của Thiên Chúa
là một vinh dự cho mình, để mà ra sức quảng đại đáp lại sự chờ đợi của
Người. Đời sống Kitô hữu không phải là một nếp
sống tĩnh hoặc nghỉ ngơi thoải mái.
3. Không phải chỉ tránh
sự dữ là đủ; còn cần phải vận dụng tất cả các năng lực và chính đời sống mình
mà làm điều thiện. Ơn gọi Kitô hữu là một số vốn bấp
bênh; đây không phải là một món tiền chết, nhưng là một quà tặng
phải được làm cho sinh lời với óc khôn ngoan, chăm chỉ và tình yêu. Mỗi
Kitô hữu phải lấy tinh thần trách nhiệm và can đảm mà làm việc.
4. Thời gian hiện tại
là nhà băng thử thách để đưa tới định mệnh tương lai. Ai đã
chứng tỏ mình biết dấn thân làm việc sẽ được giao phó cho một hoạt động
cao hơn; ai ươn ái và lười biếng sẽ mất cả số vốn của mình và thậm chí bị loại
khỏi Nước Trời.
5. Chúng ta chỉ có một
cách đạt tới cùng đích của đời sống chúng ta, đó là ra tay
phục vụ Thiên Chúa, sử dụng theo ý Ngài tất cả những gì đã được ban tặng và ký
thác cho chúng ta. Chúng ta không thể sử dụng theo ý
muốn của mình và phung phí đời sống và thì giờ, các khả năng và phương thế, các
công việc của chúng ta. Thiên Chúa đã ký thác tất cả các thứ đó
cho chúng ta, và chúng ta phải trả lẽ với Ngài về tất cả. Không phải
trong sợ hãi Thiên Chúa, nhưng trong sự tin tưởng vào Ngài, chúng ta mới có thể
chu toàn nhiệm vụ của chúng ta.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm