CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG
Sứ mệnh của “Đấng phải đến”
Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng (Mát-thêu
11:2-11)
Chúng ta biết người khác dưới cái tên hoặc một biến cố hay sứ
mệnh gắn liền với người ấy. Nhưng ông
Gio-an Tẩy Giả lại muốn biết về Chúa Giê-su như một Đấng phải đến, một Đấng tất
cả mọi người đang mong đợi. Vì đang bị cầm
tù nên không thể trực tiếp đến gặp Chúa, ông Gio-an đã sai môn đệ tới hỏi Người
một câu thôi: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi
còn phải đợi ai khác?” Để trả lời câu hỏi
của Gio-an, Chúa Giê-su không khẳng định mình là Đấng phải đến, nhưng Người mời
gọi ông và hết thảy chúng ta hãy nhìn vào những công việc Người làm để tự mình
trả lời. Vậy những điều mắt thấy tai
nghe nào giúp chúng ta nhận biết Chúa Giê-su là Đấng phải đến?
Khi tin rằng Chúa Giê-su là Đấng phải đến, ông Gio-an đã
nghĩ đến sự cần thiết của việc Chúa hiện diện trong thế giới này. Người phải đến với nhân loại, vì nhân loại
đang cần một Đấng có thể chữa lành những căn bệnh trầm kha của họ. Họ đã bị tổn thương trước tấn công của tội lỗi,
trở thành đui mù, què quặt, cùi hủi, câm điếc, nghèo nàn đói khát và cuối cùng
là phải chết nữa. Không phải chỉ là những
tổn thương về thể xác, nhưng những căn bệnh tâm lý và thiêng liêng mới là lý do
chính để nhân loại cần tới Đấng phải đến.
Từ trong ngục tù, ông Gio-an đã “nghe biết” về những việc
làm của Chúa Giê-su qua những tin đồn của dân chúng. Tuy nhiên ông không chỉ bằng lòng với những
tin đồn, mà còn muốn tra cứu đích xác về những việc làm của Chúa. Biết rõ chủ ý của ông, Chúa Giê-su đã cho ông
một câu trả lời không phải là tin đồn, nhưng là “những điều mắt thấy tai nghe”
qua các môn đệ của ông. Chúa bảo họ: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những
điều mắt thấy tai nghe”. Họ đã chứng kiến
những gì Chúa thực hiện khi Người thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng? Kèm theo lời giảng của Người là những phép lạ
chữa lành. Đó là những điều nhân loại cần
đến trong tình huống hiện tại, và đó cũng là những dấu chỉ chắc chắn nói lên sứ
mệnh của Đấng phải đến. Nhắn tin cho
Gio-an, Chúa Giê-su không quên nhờ ông nói với mọi người một lời cảnh báo: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì
tôi”. Nghĩa là phúc cho những ai đón nhận
Chúa Giê-su là Đấng phải đến vì nhu cầu của thế giới và của riêng họ.
Dù đang bị lao tù, ông Gio-an Tẩy Giả vẫn có thể chu toàn sứ
mệnh của ông là chỉ cho người ta biết Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ phải đến. Còn Chúa Giê-su thì tế nhị ca tụng ông Gio-an
và biết ơn sứ mệnh của ông. Sứ mệnh và
tước vị của một vị ngôn sứ được hết sức kính trọng trong dân Ít-ra-en. Vậy mà Chúa Giê-su khẳng định ông Gio-an còn
“hơn cả ngôn sứ” nữa. Bởi vì ông là cây
cầu nối Cựu Ước với Tân Ước, chuyển tiếp giữa các ngôn sứ với Chúa Giê-su. Ngoài ra, theo cách nói khéo của Chúa Giê-su,
ông còn cao trọng nhất trong số những người làm chứng cho Chúa, vì thử hỏi có
ai khác hơn được ông ở trong Nước Trời nữa!
Sống sứ điệp Tin Mừng
Chúng ta đã quá quen thuộc với lời kêu gọi sám hối của thánh
Gio-an Tẩy Giả, nhưng có lẽ ít khi để ý tới sự kiện ngài trực tiếp hay gián tiếp
chỉ cho người ta biết Chúa Giê-su là Đấng nào.
Ngài cho các môn đệ của mình biết Chúa Giê-su là “Con Chiên Thiên
Chúa”. Ngài bảo dân chúng rằng ngài
không đáng xách dép cho Chúa Giê-su.
Ngài cho thấy Chúa Giê-su làm phép rửa bằng lửa và Thánh Thần. Nhưng với câu chuyện Tin Mừng hôm nay, thánh
Gio-an còn cho chúng ta biết một khía cạnh hết sức đặc biệt về Chúa
Giê-su: Người là “Đấng phải đến”.
Chúa Giê-su là Đấng phải đến theo kế hoạch cứu độ yêu thương
của Chúa Cha. Nhưng Chúa Giê-su là Đấng
phải đến vì nhu cầu cá nhân mỗi người chúng ta.
Chắc chắn chúng ta cần đến Người.
Chắc chắn chúng ta là người cần được Chúa chữa lành một căn bệnh nào đó.
Chúng ta mù con mắt nội tâm không nhận ra Chúa nơi anh chị em. Chúng ta điếc trước tiếng kêu thống thiết của
người thân cận. Chúng ta nghèo nàn tâm hồn
cần được đón nghe Tin Mừng. Có khi chúng
ta đang chết do tội lỗi. Điều quan trọng
là chúng ta nhận ra mình thực sự là ai và tuyệt đối cần được Đấng phải đến chữa
lành!
Lm.
Đa-minh Trần đình Nhi