CHÚA NHẬT I
MÙA CHAY
Ma Quỷ Cám Dỗ
Nguyên Tổ, Chúa Giêsu Và Chúng ta
Lắng nghe sứ điệp
Lời Chúa (St 2:7-9, 3:1-7; Rm 5:12-19;
Mt 4:1-11)
“Tất cả
Mùa Chay hướng về lễ Phục Sinh, giúp chúng ta chuẩn bị thế nào để cứ mỗi năm
trong đêm Vọng Phục Sinh, chúng ta lập lại, chúng ta làm sống lại lời tuyên hứa
khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy” (Dẫn vào sách Xuất Hành, Giờ Kinh Phụng Vụ Thứ Năm sau Lễ Tro). Nguyên tổ A-đam và E-va đã lỗi phạm điều giao
ước với Thiên Chúa khi nghe theo cám dỗ của con rắn ma quỷ. Chúa Giê-su, A-đam Mới, cũng không thoát khỏi
cám dỗ, nhưng Người đã chiến thắng Xa-tan nhờ khiêm nhường tuân phục thánh ý
Chúa Cha. Còn chúng ta, tất cả cuộc đời
Ki-tô hữu là phải sống những điều chúng ta đã hứa khi được rửa tội, tức giao ước
giữa chúng ta với Chúa. Nhưng ma quỷ
luôn cám dỗ chúng ta hãy coi thường và đừng thực thi những lời hứa đó. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày những cám
dỗ ấy.
Trước hết
là “sa chước cám dỗ”. Cám dỗ là thử
thách. Sau khi được Thiên Chúa tạo dựng,
ông A-đam và bà E-va chịu thử thách do “con rắn xảo quyệt”. Mệnh lệnh của Chúa đã quá rõ ràng: Họ được ăn mọi thứ trái cây trong vườn, ngoại
trừ “trái trên cây ở giữa vườn” thì không được ăn, vì “Thiên Chúa đã bảo: ‘Các ngươi không được ăn, không được động tới,
kẻo phải chết’”. Ở đây ma quỷ đã khôn
khéo đánh lừa bà E-va bằng cách gieo nghi ngờ, để bà không tin vào lệnh của
Chúa. Hơn thế nữa, ma quỷ còn biện luận
cho việc ăn trái cấm không phải là việc xấu, “chẳng chết chóc gì đâu”, trái lại
là việc tốt vì “ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ
nên như những vị thần biết điều thiện điều ác”.
Nói khác đi, ma quỷ bảo hễ họ ăn là họ sẽ trở nên giống như Thiên
Chúa! Thế là ông bà nghe theo lời đường
mật của nó. “Bà liền hái trái cây mà ăn,
rồi đưa cho chồng… và ông cũng ăn”.
Tiếp
theo là chiến thắng cám dỗ. Để giới thiệu
Đấng chiến thắng cám dỗ, thánh Phao-lô viết trong thư Rô-ma: “Một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống
trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, lại
còn lớn lao hơn biết mấy”. Vậy chúng ta
hãy xem thánh sử Mát-thêu kể lại việc Chúa Giê-su chiến thắng cám dỗ như thế
nào. Qua ba lần bị Xa-tan cám dỗ, Chúa
Giê-su chịu thử thách về ba lãnh vực: vật
chất, danh vọng và quyền lực. Xa-tan xúi
giục Chúa hãy nghĩ đến bản thân mình mà lo thu tích của cải vật chất, tìm danh
vọng và nắm lấy quyền lực trong tay, thay vì khiêm nhường vâng phục Thiên Chúa
và trung tín thi hành sứ mệnh được trao phó là cứu độ trần gian. Nếu so sánh cám dỗ nguyên tổ với cám dỗ Chúa
Giê-su, chúng ta thấy ngay cốt lõi của lời ma quỷ xúi giục là khuấy lên tính
ích kỷ và kiêu căng. Giải thích chiến thắng
của Chúa Giê-su trước cám dỗ, thánh Phao-lô nêu lên hai điểm. Thứ nhất, vì Chúa Giê-su “đã thực hiện lẽ công
chính”. Thực hiện lẽ công chính đối với Chúa
Giê-su là đã sống một đời “Thánh ý Chúa, trọn bề tuân giữ, hồn mến yêu hâm mộ chẳng rời. Đường
con Chúa rõ mười mươi, huấn
lệnh, thánh ý, con thời vâng theo”
(ThánhVịnh 119:167-168). Thứ hai, vì Chúa
Giê-su “đã vâng lời Thiên Chúa”. Thánh
Phao-lô ca tụng đức vâng lời của Chúa Giê-su:
“Người lại còn hạ mình, vâng
lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết
trên cây thập tự” (Phi-líp-phê 2:8). Chỉ hai hành vi tiêu biểu ấy của Chúa Giê-su
đủ cho chúng ta thấy bí quyết chiến thắng cám dỗ của ma quỷ rồi!
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Cám dỗ
chúng ta. Cám dỗ gắn liền với cuộc đời
chúng ta mọi nơi mọi lúc. Thái độ của
chúng ta đối với cám dỗ có thể là sa ngã hay chiến thắng. Dĩ nhiên ai trong chúng ta cũng muốn là kẻ chiến
thắng. Vậy chúng ta phải làm sao để chiến
thắng đây? Trước hết là bằng cầu nguyện. Chúa Giê-su đã dạy chúng ta kinh Lạy Cha và lời
cầu xin tha thiết nhất, đó là “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ”. Tiếp đến, chúng ta cứ theo chân Đấng đã chiến
thắng cám dỗ và học nơi Người, là thực hiện lẽ công chính và khiêm nhường vâng
lời Thiên Chúa. Chúa ban cho chúng ta Mười
giới răn và những quy luật cũng như giá trị Tin Mừng, nhất là ơn Chúa Thánh Thần
để giúp chúng ta sống sự sống mới do Chúa Phục Sinh đem lại. Rồi chúng ta đừng quên quái chiêu thâm độc nhất
Xa-tan dùng để cám dỗ chúng ta, đó là kích động tính kiêu căng và ích kỷ của
chúng ta, để chúng ta không còn sống theo ý Chúa nữa!
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi