ĐỨc Giêsu
biẾn đỔi hình dẠng
(Mátthêu
17,1-9 – CN II MC - A)
1.- Ngữ cảnh
Cả ba
Tin Mừng Nhất Lãm đều đặt câu truyện
Hiển Dung vào cùng một chỗ, tiếp sau lời tuyên xưng của Phêrô (Mc 8,27-30; Mt 16,13-20; Lc 9,22) và
những lời Đức Giêsu nói về số phận của môn đệ và vinh quang của Con Người (Mc 8,34–9,1; Mt 16,24-28; Lc
9,23-27).
Riêng
Tin Mừng Mt đóng khung cuộc
đời công khai của Đức Giêsu giữa hai ngọn núi:
- Khi
chuẩn bị ra đi thi hành sứ vụ: trên “một ngọn núi rất cao” (4,8), quỷ đã
cám dỗ Đức Giêsu nhận quyền bính và quyền hành trên toàn thế giới từ tay nó:
“Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (4,9). Nhưng
Người đã dứt khoát từ chối.
- Khi
kết thúc sứ mạng của Người và khởi đầu sứ mạng của các môn đệ, Đức Giêsu gặp
Nhóm Mười Một “tại ngọn núi Người đã truyền cho các ông đến” (28,16). Tại đây
Người tuyên bố là Người “đã được [Thiên Chúa] trao toàn quyền trên trời dưới
đất” (28,18) và dựa trên nền tảng này, Người sai phái các ông đi loan báo Tin
Mừng “cho muôn dân”.
Vì
Người đã từ chối nhận mọi quyền hành từ tay quỷ mà bây giờ Người nhận được mọi
quyền hành từ tay Thiên Chúa.
-
Giữa hai biến cố nêu trên, có một biến cố khác cũng xảy ra trên một ngọn
núi cao: Đức Giêsu biến đổi hình dạng, Người có vinh quang Thiên Chúa: cuộc
khải hoàn Phục Sinh đã được giới thiệu trước. Và biến cố này đã xảy ra sau khi Đức
Giêsu gạt bỏ đề nghị của Satan qua miệng Phêrô là đừng đi theo đường lối của Chúa
Cha.
Theo
văn cảnh xa, có thể nói bản văn chứa đựng biến cố Hiển Dung vừa tóm lại các cám
dỗ vừa đón trước cuộc diện kiến trên núi giữa Đấng Phục Sinh và các môn đệ; chúng
ta thấy ở đây có các yếu tố của hai tình trạng ấy của Đức Giêsu: Con Thiên Chúa
vinh quang và Đấng Mêsia phải chịu đau khổ; nổi bật lên như một gạch nối
là sự chọn lựa dứt khoát, thái độ cương quyết của Đức Giêsu để đi theo thánh ý
Chúa Cha. Điểm này được minh chứng theo văn cảnh gần: cuộc Hiển Dung được đóng
khung giữa hai lời loan báo về Khổ Nạn (16,21-23; 17,22-23).
2.- Bố cục
Bản
văn có thể chia thành phần:
1) Mở
(17,1);
2)
Thị kiến (17,2-8):
a) Mở
đầu: Đức Giêsu biến đổi hình dạng,
b)
Các tình huống: Môsê và Êlia hiện ra đàm đạo; Phêrô đề nghị làm lều; tiếng Thiên
Chúa phán,
c)
Kết: các môn đệ sợ hãi; Đức Giêsu trấn an; mọi sự trở lại như cũ;
3)
Kết (17,9).
3.- Vài điểm chú giải
- Sáu
ngày sau (1): Theo Xh
24,13-16, Thiên Chúa tỏ mình ra cho Môsê trên núi Sinai sau sáu ngày; và theo Đnl 16,13-15, đay là ngày cuối cùng của
Lễ Lều.
-
Phêrô, Giacôbê và Gioan (1): Ba môn đệ này lại xuất hiện tại
Ghếtsêmani (26,37).
- một
ngọn núi cao (1): Một quả núi là biểu tượng cho nơi Thiên Chúa mạc khải. Ở
đây hẳn quả núi này là một Sinai khác tại Galilê. Truyền thống vẫn cho
rằng đây là núi Tabo, mà Tabo thật ra chỉ là một quả đồi. Nhưng hợp lý
hơn, có lẽ là núi Cácmen hay Khétmôn. Đặc biệt trong Tin Mừng Mt, khi Đức Giêsu sắp làm một việc gì quan trọng, Người
thường lên núi: cuộc cám dỗ xảy ra trên núi cao (4,8); các Mối Phúc được công
bố trên núi (5,1); bánh được nhân ra nhiều trên núi (15,19); và Nhóm Mười Một
gặp Đấng Phục Sinh trên một ngọn núi (28,16).
- biến đổi hình dạng (metemorphôthê,
2): Sự cố biến đổi hình dạng (= sự hóa thân) này là điều rất quen thuộc đối với
ngoại giáo. Có lẽ vì thế mà Lc đã tránh dùng từ ngữ này.
-
Môsê và Êlia (3): Đây là hai nhà linh thị trứ danh của Cựu Ước, cả hai đều
có liên hệ với núi Sinai-Khôrép. Môsê thường được coi là đại diện cho Lề Luật
và Êlia đại diện cho các Ngôn Sứ; nhưng có thể coi cả hai vị vừa là những nhà
lập pháp vừa là những ngôn sứ. Và nói chung, các ngài đại diện cho thiên giới.
- ba
cái lều (4): Hẳn chi tiết này nhắc dến hoàn cảnh thực là Lễ Lều (sukkốt:
Lv 23,42; Nkm 8,14-18).
- đám
mây sáng ngời bao phủ các ông (5): Đám mây là dấu chỉ sự
hiện diện của Thiên Chúa. Động từ episkiazein, “bao phủ; rợp bóng” là
động từ cổ điển để lưu ý về sự hiện diện (Hp shekinah) của Đức Chúa (Yhwh) trong đời sống và trong các tình
huống của dân Ngài (x. Xh 40,34-35; 1 V 8,10-12; Ed 10,3-4; Tv 18,12).
-
tiếng từ đám mây phán (5): Trong Cựu Ước, “tiếng nói” thường xuất hiện trong các bài
tường thuật về ơn gọi, chẳng hạn: St
12,1-3; 15,1; Xh 3,4; 19,16-24; 1 Sm 3,4; Is 6,8; Gr 1,11 ….
- Đây
là Con yêu dấu của Ta (5): Câu này là một tổng hợp Tv 2,7; Is 42 và có lẽ cả
St 22,2. Từ ngữ “con” trước tiên diễn
tả quan hệ gia đình, rồi cũng có sắc thái thân tình, kết hợp và hiệp thông.
-
Nghe vậy, các môn đệ rất đỗi sợ hãi (6): Mt cho thấy là
nỗi sợ hãi của họ là do nghe lệnh Thiên Chúa truyền, chứ không phải do thấy thị
kiến (Mc).
- Đức Giêsu lại gần (7): Động
từ proserchomai, “đi đến, đến gần”, là một động từ Mt thích dùng
(52 lần; 5 lần trong Mc và 10 lần trong Lc), nhưng chỉ có hai lần
được áp dụng cho Đức Giêsu (ở 17,6-7 và 28,18 riêng của Mt). Trong cả
hai bản văn, Đức Giêsu đến gần các môn đệ với mục tiêu là trợ giúp những kẻ
đang sợ hãi hoặc hoài nghi:
Mt 17,6-7 |
Mt 28,16-20 |
6 Khi các môn đệ nghe vậy họ ngã sấp
mặt xuống đất và hết sức
kinh hoàng 7 Bấy giờ Đức Giêsu lại
gần chạm vào
các ông và bảo: “Trỗi dậy
đi, đừng sợ” |
16 Mười một môn đệ… 17 Khi thấy Người, các ông bái
lạy Người , nhưng có
mấy ông hoài nghi. 18 Đức Giêsu đến gần nói với các
ông: 19 “…toàn quyền…” 20 Thầy ở cùng anh em mọi
ngày” |
- thị
kiến (9): Hoạt cảnh này vừa là “thị kiến” ([h]orama do động từ [h]oraô)
kiểu khải huyền vừa là một cuộc thần hiển (có thể so sánh với các bản
văn khải huyền: Đn 10,1-10 [Kh 1,13-15]; 12,4.9 và các yếu tố thần
hiển trong: Xh 19,16; 24,15-16;
40,34-35). Từ ngữ mang tính khải huyền này hàm ý là nhìn thấy Đức Giêsu hiển
vinh là một “thị kiến” được Thiên Chúa ban cho.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Bản
văn chúng ta đọc hôm nay có phần khó hiểu. Nếu tác giả muốn kể cho chúng ta
biêt về một biến cố đặc biệt xảy ra trong cuộc đời Đức Giêsu, thì hẳn là mọi sự
sẽ đơn giản và rõ ràng; nhưng tác giả lại đi xa hơn việc cung cấp thông tin.
Ngài muốn nói cho chúng ta biết Đức Giêsu là ai, và ngài đã dùng một ngôn ngữ
đầy hình ảnh và biểu tượng dễ hiểu và rõ ràng cho người thời đại ngài, nhưng
lại khó cho chúng ta hôm nay.
* Mở
(1)
Chi
tiết xác định thời gian “sáu ngày sau” muốn nói là sau chuyện gì? Tại sao tác
giả lại ghi nhớ một chi tiết không đáng kể như vậy? Và làm sao ngài có thể còn
nhớ được chi tiết này 50 năm sau, khi bắt đầu viết?
Tại
sao Đức Giêsu chỉ đưa ba môn đệ đi với Người? Tại sao Người lên một ngọn
núi?
Chi tiết “sáu ngày sau” hẳn là muốn đưa độc giả
về với Xh 24,16, trong đó kể rằng
“sau sáu ngày”, mây bao phủ quả núi và đến ngày thứ bảy, Thiên Chúa gọi Môsê.
Tác giả hướng độc giả chú ý vào một kinh nghiệm siêu nhiên. Nơi ấy hẳn
là vắng vẻ, bởi vì Đức Giêsu đưa các môn đệ “đi riêng với mình, lên một ngọn
núi cao”, bởi vì theo một cái khung quen thuộc theo linh đạo Kinh Thánh,
người ta không thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa (Đức Kitô) trong sự hỗn độn và
ồn ào náo nhiệt. Đức Giêsu chính là vị hướng dẫn đoàn dân mới, được đại diện
bởi ba môn đệ.
* Thị
kiến (2-8)
Sau
phần mở, tác giả giới thiệu Đức Giêsu vinh quang, bằng cách vận dụng các yếu tố
quen thuộc của những thị kiến khải huyền (ánh sáng mặt trời, y phục trắng
tinh). Sau này, khi mô tả trang phục của vị sứ thần báo tin Phục Sinh, tác giả Mt cũng cho thấy các yếu tố này (Mt 28,3-4). Họi Thánh gọi cuộc Phục Sinh
là một sự “biến hóa; biến dạng” (metamorphein) để cho thấy sự
thay đổi xảy ra nơi nhân tính Đức Giêsu. Từ ngữ này dị nghĩa vì có thể làm
chúng ta nghĩ đến sự hóa trang của các thần linh Hy Lạp, cho dù đây là một dữ
kiện không được các Kitô hữu Siri và Paléttina biết đến. Từ ngữ này cũng hời
hợt nữa, vì không phác họa được tất cả mầu nhiệm Phục Sinh mà các tác giả Tin Mừng còn gọi là “sự tái sinh”, “sự
công chính hóa”. Ánh sáng, màu sắc, sự “biến hóa” nơi bản thân Đức Giêsu, tất
cả cho thấy rằng Người là một nhân vật thuộc thế giới khác, là “Con
Người” mặc lấy uy quyền và vinh quang (x. Đn
7,13-14). Đây là một thị kiến về Đức Kitô trong vinh quang tương lai của Đấng
Phục Sinh.
Đức
Kitô biến đổi hình dạng (và phục sinh) là đích điểm của Lề Luật và các Ngôn Sứ
(x. 5,17). Sự xuất hiện của Môsê và Êlia (ngược lại với Mc 9,4) cho thấy các niềm chờ mong của dân Israel, các lời hứa
thiên sai, nay đã nên hiện thực nơi bản thân Đức Giêsu (x. Lc 24,27; Rm 3,21). Chúng
ta không được biết là hai ngài đàm đạo với Đức Giêsu về chuyện gì, nhưng dựa
theo Lc 9,31, các ngài nói về “cuộc
xuất hành” Đức Giêsu sắp hoàn thành tại Giêrusalem, thì hẳn là các ngài trao
đổi cuộc Khổ Nạn Đức Giêsu sắp đi vào. Môsê và Êlia tượng trưng cho truyền
thống Cựu Ước mà Đức Giêsu đến để hoàn tất (5,17). Khi chỉ một mình ngài ghi
nhận là “dung nhan Người chói lọi như mặt trời”, hẳn là tác giả Mt muốn
ám chỉ Đức Giêsu là Môsê mới, còn Môsê ngày xưa chỉ có “da mặt sáng chói” mà
thôi (x. Xh 34,30).
Phản
ứng của Phêrô khi đề nghị dựng ba cái lều lại nêu bật một lần nữa sự
tương phản giữa các khát vọng của loài người và kế hoạch của Thiên Chúa. Mới
trước đây ít lâu, ông đã lấy lòng thành mà ngăn cản Đức Giêsu đi lên
Giêrusalem, và đã bị Đức Giêsu mắng là “Satan”.
Nay khi đề nghị dựng ba lều, ông đã hiểu sai ý nghĩa của quang cảnh nên
đã tìm cách hưởng lấy chiến thắng vinh quang mình không đáng hưởng. Cả ở đây
cũng vậy, Phêrô là đại diện cho “thịt và máu” (16,17), tức người không suy nghĩ
theo Thiên Chúa, nhưng theo cách của loài người (16,23), nên lại ngáng trở thay
vì cộng tác với Thiên Chúa. Lần này, không phải là Đức Giêsu mắng Phêrô là “người
kém tin” (14,31) hoặc là liên minh Satan (16,23), nhưng chính Chúa Cha can thiệp để điều chỉnh các
ước vọng và quan niệm của ông. Đám mây sáng ngời bao phủ cả các tông đồ. Như
thế, các ông đã được tiếp xúc với chính vinh quang huy hoàng của Thiên Chúa, để
được đón nhận một sứ điệp trực tiếp từ Thiên Chúa. Khi Chúa Cha giới
thiệu Con của Ngài, lời lẽ của Ngài không còn dè giữ, không giới hạn nữa (x.
11,25-27). Lời giới thiệu Đức Kitô (Phục Sinh) là một tổng hợp giữa các
“bản văn thiên sai” (Tv 2,7 và Is 42,1). Cũng như tại phép rửa, “tiếng
nói” từ trời làm sáng tỏ và xác nhận cả sứ mạng lẫn ơn gọi của Đức Giêsu. Phêrô
đã muốn xóa đi một phần chương trình thiên sai; Chúa Cha đến nhắc rằng
chương trình này không phải là một công trình của loài người, nhưng là
một kế hoạch của Ngài. Chính Ngài đã phác ra cho Đức Giêsu con đường
phải theo (người tôi tớ đau khổ chứ không phải là một vị vua thuộc dòng
dõi Đavít).
Tác giả hoàn tất khung cảnh với những
yếu tố thuộc quy ước: ngã xuống đất, sợ hãi, im lặng. Đây là những mẹo văn
chương mà các tác giả văn chương khải huyền thường dùng để diễn tả một kinh
nghiệm siêu phàm đang xảy ra. Đức Giêsu can thiệp như vai trò thiên thần trấn
an. Các lời “Đừng sợ” thường được nói lên trong các thị kiến tương tự (x. Đn 8,16-17; 10,9-12.16-19; Kh 1,17; Lc 1,12-13.29-30).
Câu cuối của hoạt cảnh có một tầm
mức biện giáo và Kitô học. Sau khi “hóa thân”, Đức Giêsu trở lại với tình trạng
bình thường. Từ nay, “chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi”, bởi vì Người là
phát ngôn nhân duy nhất của Thiên Chúa, mà loài người phải quy chiếu về và quy
phục. Lời nhắc này được gửi đến mọi người, nhưng đặc biệt được gửi đến những
người còn tin vào Môsê và chờ đợi Êlia trở lại (x. 17,10).
* Kết
(9)
Từ
trên núi xuống, lời nhắc “giữ bí mật” xác nhận rằng bản văn này song song với
các mạc khải kiểu khải huyền (x. Đn
12,9) và gợi lại các tình huống phức tạp (chính trị–ái quốc) mà các lời loan
báo về Đấng Mêsia đã và sẽ gặp. Lời xác định “cho đến khi Con Người từ cõi chết
trỗi dậy” cho thấy con đường đúng để hiểu được ý nghĩa bài tường thuật này.
Thực tại của Đức Giêsu chỉ sẽ nên sáng tỏ và ta chỉ sẽ hiểu được dưới ánh sáng
của cuộc Phục Sinh của Người.
+ Kết
luận
Cuộc Hiển Dung là cuộc tôn vinh được
sống trước của Đức Giêsu. Người đã xuất hiện trong tất cả những phẩm tính của
Người: Con Người, tôi trung của Đức Chúa, Mêsia, Con Thiên Chúa, và với tất cả
các liên hệ của Người trong lịch sử cứu độ. Cuộc Hiển Dung vừa tăng cường uy
tín cho sứ mạng của Đức Giêsu vừa củng cố quyền bính của các tông đồ. Nếu quyền
hành của Phêrô (16,18) và của Nhóm Mười Hai (18,18) lên tới trời là bởi vì ở
dưới thế này, Đức Kitô đã đăng quang, nhằm xác nhận các quyết định của các ông.
5.- Gợi ý suy niệm
1.
Muốn có một kinh nghiệm nào đó về Thiên Chúa, muốn gặp gỡ Ngài, nhất thiết
chúng ta phải ra khỏi đời sống thường ngày xô bồ náo nhiệt và được chính Ngài
dẫn dắt. Người ta vẫn nói rằng có thể và phải gặp Thiên Chúa giữa lòng cuộc
sống này. Điều này không sai, và còn cần thiết cho chúng ta là những người
thường xuyên sống và dấn thân giữa lòng xã hội với những vấn đề và biết bao
cuộc gặp gỡ với người khác. Nhưng để có thể gặp Chúa trong cuộc đời và cộng tác
với Ngài, chúng ta đã phải thường xuyên gặp Ngài trong nơi cô tịch, trong thinh
lặng, riêng tư: chúng ta đã thường xuyên được Ngài bao phủ “trong đám mây sáng
chói”.
2.
Phêrô đã thưa với Đức Giêsu: “Lạy Ngài (= Chúa)”, nhưng rất có thể theo nghĩa
là đế vương, vị thống lãnh, hơn là Mêsia vinh quang. Đức Kitô mà Chúa Cha (và
hôm nay, Họi Thánh) giới thiệu là chúa tể, nhưng đặc biệt là ngôn sứ, là nhà
lập pháp được ủy nhiệm của thời đại mới, Đấng mà loài người phải lắng nghe,
nghĩa là vâng phục. Quan niệm của Phêrô không do Thiên Chúa hướng dẫn, nên sai
lạc; các đề nghị của Chúa Cha, trong đó có hàm chứa cả những lời loan báo về số
phận cuối cùng, trần thế và thiên quốc, của Đức Kitô, mới là những đề nghị đúng
đắn mà loài người phải đón nhận.
3.
Tất cả những gì Israel vẫn ước mong nay đã trở thành hiện thực. Điều mới mẻ là
nhân vật được biến đổi hình dạng. Người không từ trời xuống đất, mà chính là
trời xuống với đất. Người không nói, mà chính tiếng nói từ trời lên tiếng. Cuối
cùng, điều chính yếu là kể từ nay, Đấng mà ta phải lắng nghe (vâng phục) không
còn phải là Đức Chúa (Yhwh) mà là
Đức Giêsu, Đấng đang ở đó. Con người này là Đấng mạc khải, là chính Đức Chúa.
4. Sự
biến hình Thánh Thể của Chúa Giêsu đối với Người hệ tại không phải là tỏ vinh
quang của Người ra bên ngoài, nhưng là che giấu vinh quang ấy đi dưới những
hình bí tích. Tuy nhiên, vì đã trung thành lắng nghe lời của Con yêu dấu để
được Người dạy dỗ về mầu nhiệm này, chúng ta nhạn ra Người đang hiện diện dưới
dạng bánh thánh và Phêrô có thể kêu lên: “Lạy Chúa, ở đây thật là hay!”. Sau
đó, cần có can đảm mà phụng sự Người trong nếp sống khiêm tốn mỗi ngày.
5. Hội
Thánh đang dấn thân thi hành sứ mạng Đức Giêsu đã giao phó cho Nhóm Mười Một
trên núi (x. Mt 28,16-20). Để có thể
tiếp tục chu toàn sứ mạng, Hội Thánh luôn nhớ bài học Đức Giêsu để lại trên núi
kia, khi Người từ chối các gợi ý của Satan, cũng như lời giới thiệu của Chúa
Cha trên núi nọ, khi Người giới thiệu Đức Giêsu là Con yêu dấu của Người, là
điển hình cho chúng ta, là Đấng sẽ ban cho chúng ta những giáo huấn giúp chúng
ta trở thành gia đình đích thực của Thiên Chúa.
Lm FX Vũ Phan Long, ofm