Chúa Thánh Thần Nguyên Lý Sáng Tạo
Và Hiệp Nhất
(Ga 7,37-39)
Sau
khi Chúa về Trời, Đức Maria đã cùng với Các Tông Đồ qui tụ trong nhà Tiệc Ly để
cầu xin Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúng ta cũng thế, trong Tuần Chín Ngày qua
đã không ngớt cầu xin Ngài ngự đến.
Giờ
đây chúng ta tự hỏi nhau : Hỏi Đức
Chúa Thánh Thần là Đấng nào ? Làm sao chúng ta có thể đón nhận Ngài ?
Ngài có thự sự cần thiết không và Ngài đến với chúng ta để làm gì?
Câu
hỏi thứ nhất Sách Bổn Địa phận Hà Nội cho chúng ta câu trả lời vắn gọn khá rõ
ràng : Đức Chúa Thánh Thần là Ngôi
thứ Ba, cũng là Đức Chúa Trời thật (tr.51).
Chúa
Thánh Thần là Đấng sáng tạo
Câu
đầu tiên trong Thánh Thi Kinh Chiều của ngày lễ Ngũ Tuần có viết : “Xin hãy đến, Lạy Chúa Thánh Thần,
Ðấng sáng tạo...” làm cho chúng ta nhớ lại công cuộc tạo dựng vũ
trụ thủa ban đầu, Thánh Thần Chúa bay lượn trên mặt nước trong cảnh hỗn mang
(x. St 1,2).
Phải
khẳng định rằng, thế giới chúng ta đang sống là cộng cuộc của Chúa Thánh Thần,
Ðấng sáng tạo. Nên Lễ Ngũ Tuần không chỉ là nguồn gốc của Giáo hội, là lễ của
Giáo hội. Nhưng Lễ Ngũ Tuần còn là lễ của tạo vật. Thế giới không tự mình hiện
hữu; nhưng đến từ Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa, đến từ Lời có sức sáng
tạo của Thiên Chúa. Và vì vậy, thế giới phản chiếu sự khôn ngoan của Thiên
Chúa : “Trời xanh
tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự việc tay Ngài làm”
(Tv 19,2). Đức nguyên Giáo hoàng Benedicto nói : “Sự khôn ngoan này hé mở cho chúng ta
thấy được điều gì đó về Thánh Thần sáng tạo của Thiên Chúa. Chúng ta phải nhìn
tạo vật như là hồng ân được trao ban cho chúng ta, không phải để bị hủy diệt,
nhưng để trở thành ngôi vườn của Thiên Chúa” (Trích bài giáo lý về
Chúa Thánh Thần).
Theo mạc khải Cựu Ước, Thánh Thần là một trong những Tác
Giả của vũ trụ vật chất. Thánh Thần tích cực lôi kéo vũ trụ ra khỏi tình trạng hỗn mang lúc ban
đầu. "Đất
trời trông không mông quạnh, và tối tăm trên mặt uông mang, và Thần Khí là là
trên mặt nước" (St 1,
2). Trong mầu nhiệm tạo dựng con người. Thánh Thần là Đấng ban sự sống thể lý
cho con người : "Chính hơi thở của Thiên Chúa đã làm ra tôi, khí
Shadday đã cho tôi sự sống" (G 33, 4). Thánh Thần phục sinh kẻ chết về thể lý cũng như tinh thần. Người phục hồi sự sống cho
những bộ xương khô, biểu tượng của sự chết : "Ta
sẽ ban Thần Khí của Ta xuống trong các ngươi. Và các ngươi sẽ được sống" (Ed 37, l4). Thánh Thần, Đấng bảo tồn toàn thể sự sống trên trái
đất. Khi Giavê Thiên Chúa rút hơi thở Người lại, thì không tạo vật nào còn sống
: "Nếu Người chỉ nghĩ đến
Người, nếu Người rút về làn khí hơi thở của Người, thì mọi xác phàm sẽ chết
cùng một lúc, và con người sẽ trở về với cát bụi" (G 34, 14-15).
Chúa
Thánh Thần là Ðấng Sáng Tạo, đến trợ giúp chúng ta. Ngài đã buớc vào trong lịch
sử, và như thế, Ngài nói với chúng ta trong cách thức mới. Ngài đến gặp chúng
ta qua tạo vật. Ngài là Tình Yêu, là sự hiệp nhất. Ngài mang đến cho chúng ta
sự sống và sự tự do. Tất cả mọi tạo vật đều khao khát Chúa Thánh Thần.
Chúa
Thánh Thần là nguyên lý sự hiệp nhất
Nếu
như tại Babel, sự ngạo mạn kiêu căng của con người nổi lên chống lại Thiên Chúa
tự sức riêng của mình muốn “xây
một thành với một cây tháp mà ngọn nó chạm tới trời” (x. St 11,4).
Hậu quả của hành động đó là Thiên Chúa làm cho họ phân tán, bất đồng ngôn ngữ
với nhau, khiến họ không thể hiểu nhau làm gì nữa. Thì Lễ Hiện Xuống, điều
ngược lại đã xảy ra: nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ nói được ngôn
ngữ mà tất cả mọi người thuộc các nền văn hóa nghe đều hiểu như tiếng thổ âm
của mình (x. Cv 2,6). Mọi chia rẽ bất đồng được vượt thắng, không còn kiêu căng
chống lại Thiên Chúa nữa, cũng không còn có sự khép kín đối với nhau, họ mở
rộng lòng mình ra cho Thiên Chúa và tha nhân, giao thiệp với nhau bằng một ngôn
ngữ mới, ngôn ngữ của tình yêu thương mà Thiên Chúa đã đổ vào lòng họ nhờ Chúa
Thánh Thần (x. Rm 5,5). Chúa Thánh Thần thúc đẩy họ làm điều thiện, an ủi họ
trong cảnh sầu khổ, hoán cải nội tâm và trao ban sức mạnh và khả năng mới, dẫn
đưa họ tới chân lý vẹn toàn, yêu thương và hiệp nhất.
Từ
lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra
Thánh
lễ vọng chiều nay đưa chúng về với Chúa Giêsu và chiêm ngắm Người vào ngày cuối
cùng và trọng đại của dịp lễ, nghe Chúa giảng : “Ai khát hãy đến cùng Ta và uống; ai tin nơi Ta, thì như
lời Thánh Kinh dạy: từ lòng họ nước hằng sống sẽ chảy ra như dòng sông”
(Ga 7, 37-38). Người muốn nói điều ấy về Chúa Thánh Thần.
Ngày
lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là một cuộc thần hiện trong đó gió và lửa nhắc
nhở chúng ta về tính siêu việt của Thiên Chúa. Sau khi nhận lãnh Chúa Thánh
Thần, các môn đệ nói mà không sợ hãi. Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu xin Chúa
Cha ban xuống cho Giáo hội như là “nước
hằng sống chảy ra như giòng sông” (Ga 7,38) vì nước ấy ở trong cung
lòng của Thiên Chúa, cùng một lúc, chúng ta khám phá ra rằng, cũng trong Giáo
hội, Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống thật. Thường chúng ta đề cập đến vai
trò của Chúa Thánh Thần trong phương diện cá nhân, tuy nhiên, Lời Chúa hôm nay
hiển nhiên cho thấy tác động Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn Kitô hữu: “Thánh Thần mà những kẻ tin Người sẽ
lãnh lấy” (Ga 7,39). Thánh Thần duy nhất biến cộng đoàn thành một
thân thể duy nhất, thân thể Chúa Kitô. Hơn nữa, Ngài là suối bẩy nguồn đa dạng
về các ơn : ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết và ơn
thông minh, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn đạo đức và ơn kính sợ Chúa và tài năng như :tông đồ, làm tiên tri, nói tiếng mới
lạ… làm cho mỗi người
chúng ta trở nên phong phú và đa dạng.
Sự
duy nhất là dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong cộng đoàn
tín hữu. Điều quan trọng nhất của Giáo hội chính là sự hiện diện của Chúa Thánh
Thần Đấng ban sự sống. Với con mắt loài người nhìn vào Giáo hội, chúng ta không
thể nhận ra sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Trong lời nguyện mở đầu của Thánh lễ
vọng chiều nay, chúng ta cầu xin Chúa tuôn đổ Thánh Thần để “các dân tộc chia tuy ngôn ngữ bất
đồng, được hiệp nhất cùng nhau mà tuyên xưng danh Chúa.” (Lời
nguyện nhập lễ)
“Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến!
Xin hãy đổ tràn xuống tâm hồn các tín hữu, và đốt lên trong họ ngọn lửa Tình
Yêu Chúa!” Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ