CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Lòng khiêm nhường của Chúa Giê-su chịu thương khó

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 50:4-7;  Pl 2:6-11;  Mt 26:14 – 27:66)

          Phụng vụ Lời Chúa xoay quanh đề tài cuộc Thương        Khó của Chúa Giê-su quá súc tích.  Cả đến những chi tiết nhỏ cũng đủ để chúng ta suy gẫm thấm thía.  Hôm nay chúng ta thử nhìn lại cấu trúc phần Lời Chúa để nhận ra được điểm đặc biệt nào nói lên tinh thần của Chúa Giê-su, khi Người trải qua những giờ phút kinh hoàng cuối đời.  Trước bài Thương Khó, chúng ta có hai bài giới thiệu tuyệt vời, đoạn trích sách I-sai-a và thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Phi-líp-phê.  Đây phải là những diễn tả đúng nhất và cảm động nhất về con người Chúa Ki-tô trong thời điểm tột đỉnh của kế hoạch cứu độ, đặc biệt là khuôn mặt hiền hậu, khiêm nhu và dạt dào yêu thương, dù là khi Người được đón rước trọng thể hay lúc chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá.

          Sách ngôn sứ I-sai-a có ba bài ca về người Tôi Trung của Thiên Chúa.  Đoạn sách chúng ta nghe hôm nay trích bài ca thứ ba và mô tả người Tôi Trung đã chu toàn sứ mệnh nhưng lại bị người đời hành hạ đau đớn.  Tuy nhiên người Tôi Trung khi thi hành sứ mệnh thì giữ thái độ “như một người môn đệ” luôn lắng nghe và vâng phục Thiên Chúa.  Còn khi bị hành hạ và chịu đau khổ vì sứ mệnh, ngài luôn đặt niềm tin cậy nơi Thiên Chúa, nên “không hổ thẹn và trơ mặt ra như đá”.  Thử hỏi có hình ảnh nào chính xác hơn nữa để diễn tả thái độ của Chúa Giê-su trong suốt cuộc đời và nhất là trong cuộc Thương Khó.  Chúa Ki-tô đích thực là người Tôi Trung của Thiên Chúa.  Bị hành hạ đủ cách, nhưng Chúa Ki-tô vẫn giữ được sự trầm tĩnh và bình an.  Bị cư xử như một tội nhân gian ác, nhưng Người không “hổ thẹn”.  Tại sao Người làm được như vậy?  Bởi vì “có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi”.

          Nếu ngôn sứ I-sai-a đã cho chúng ta một hình ảnh vô cùng cảm động về Chúa Giê-su chịu thương khó, thì thánh Phao-lô lại trình bày cùng một hình ảnh ấy bằng một suy tư thần học thật sâu sắc.  Nét chính của hình ảnh Chúa Giê-su là “hoàn toàn trút bỏ vinh quang” hạ mình làm người phàm.  Chúng ta cứ tưởng tượng Người từ “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa” tụt xuống thân phận người phàm, rồi thành nô lệ, rồi thành tội nhân chịu hình phạt bị đóng đinh vào thập giá.  Đến mức cuối này là hết, không thể nào xuống thêm được nữa!  Cuộc Thương Khó của Chúa là mức độ khiêm nhường tuyệt đỉnh rồi.  Ngoài lối diễn tả của thánh Phao-lô ra, chắc chắn không có lối diễn tả nào khác tuyệt vời hơn để nói lên thoái trình tự khiêm tự hạ của Chúa Ki-tô.

          Tất cả bài Thương Khó của Chúa Giê-su luôn mời gọi chúng ta bước theo đường khổ nạn của Người và chiêm ngưỡng Người.  Từng cử chỉ, từng lời nói, từng ánh mắt, thậm chí cả những khi phải đối chất với kẻ thù, Chúa Giê-su vẫn luôn biểu lộ tư cách của người Tôi Trung và của con người “hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”.  Bài đọc I-sai-a và bài đọc trích thư Phi-líp-phê là những hướng dẫn giúp chúng ta không những biết được tâm tình của Chúa Giê-su trong cuộc Thương Khó, mà còn giúp chúng ta đồng cảm với Người nữa.  Có lẽ chúng ta không cần phải suy ngắm hết cả bài Thương Khó, nhưng tốt hơn hãy chọn lấy một vài sự kiện và đặt mình vào trong khung cảnh ấy để có thể sống những gì Chúa đang trải qua, trong sự kết hiệp sâu xa với Chúa hết sức có thể.  Tóm lại, chúng ta không chỉ đọc hoặc nghe bài Thương Khó, nhưng là sống trong chính những gì đang xảy ra cho Chúa.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Chúng ta bắt đầu một tuần lễ vô cùng quan trọng đối với mọi Ki-tô hữu:  cử hành mầu nhiệm Phục Sinh.  Năm tuần lễ trước là để giúp chúng ta chuẩn bị cho những ngày trọng đại này.  Vậy chúng ta phải có những tâm tình nào cho thích hợp?  Chúng tôi xin trích lời kêu gọi của thánh giám mục An-rê Creta:  “Nào, chúng ta hãy mau mắn cùng nhau chạy đến tham dự cuộc Thương Khó và hãy noi gương những kẻ đã ra nghênh đón Người.  Nhưng chúng ta không trải ra đường những cành ô-liu, những tấm thảm và áo xống hay tàu lá để đón Người.  Trái lại, chúng ta lấy hết lòng khiêm nhường, trí ngay thẳng và quyết tâm hạ mình xuống mà đón Ngôi Lời đang ngự đến, để Thiên Chúa ở trong chúng ta, Đấng mà không nơi nào chứa nổi” (Kinh Sách Chúa Nhật Lễ Lá).  Vậy chúng ta hãy đến với Chúa Giê-su theo lời Người mời gọi:  “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường!” (Mát-thêu 11:29).

             Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A