LỄ THÁNH GIA, NĂM A
TỪ GIA ĐÌNH THÁNH GIA ĐẾN GIA ĐÌNH CHÚNG TA
(Hc 3, 3-7. 14-17a; Cl 3,
12-21; Mt 2, 13-15. 19-23)
Tiếp theo sau lễ Giáng Sinh, Giáo Hội long trọng cử hành lễ kính
Thánh Gia. Lễ Thánh Gia được thiết lập vào cuối thể kỷ XIX, dưới thời Đức Giáo
Hoàng Lêô XIII nhằm củng cố nền tảng ơn gọi nên thánh trong đời sống gia đình
cũng như đề cao sự hiệp nhất, thủy chung trước những trào lưu tục hóa của đời
sống hôn nhân.
Khi quyết định thiết lập lễ này, Giáo Hội mời gọi con cái mình
noi theo gương sáng của từng thành viên trong gia đình Thánh Gia, để qua đó,
tiến bước trên con đường thánh thiện khi chu toàn bổn phận của mình.
Tin Mừng hôm nay loan báo cho chúng ta biết: ngay từ khi mới
sinh, gia đình Thánh Gia đã phải chịu vất vả do vua Hêrôđê gây nên. Ông vua này chỉ vì
hoang mang dẫn đến ghen ghét mà tưởng rằng trong tương lai Hài Nhi Giêsu sẽ chiếm
mất địa vị cũng như ngai vàng của mình, vì thế, ông đã tìm cách giết Đức Giêsu,
khiến cha mẹ Ngài phải vất vả, lận đận dẫn Ngài đi lánh nạn bên Aicập.
Chạy trốn được ít lâu,
thánh Giuse lại được tin báo là mang Hài Nhi và Mẹ Ngài trở về Nazareth, lập tức, thánh nhân
đã thi hành cách mau mắn.
Như vậy, nhìn vào gia đình Thánh Gia, chúng ta thấy rõ nỗi vất
vả dồn lên vai thánh Giuse, còn Mẹ Maria và Đức Giêsu thì luôn luôn làm theo sự
hướng dẫn của vị Gia Trưởng tài đức, khôn ngoan này.
Nơi thánh Giuse, ngài luôn tín thác tuyệt đối và mau mắn thi
hành thánh ý Thiên Chúa ngang qua sứ thần. Vì thế, ngài xứng đáng được gọi là
Đấng Công Chính vì đã yêu mến đến độ rất nhạy bén trước thánh ý Thiên Chúa.
Nơi Mẹ Maria, Mẹ đã âm thầm hy sinh, luôn tin tưởng vào vai trò
lãnh đạo của thánh Giuse. Mẹ là người vợ khiêm nhường, thủy chung, đồng thời
cũng là người yêu mến đời sống thinh lặng. Với Mẹ, khi đã đón nhận hai tiếng “Xin Vâng”, thì cũng kể từ ngày đó, mọi
biến cố vui buồn trong cuộc đời mà Mẹ đã từng sống hay chứng kiến, thì Mẹ luôn
lưu giữ và suy niệm trong lòng, để qua đó, nhờ ơn Chúa, Mẹ biết thánh hóa và
tìm ra thánh ý Chúa trong cuộc đời qua sự âm thầm, thinh lặng.
Nơi Đức Giêsu, Kinh Thánh diễn tả lối sống của Ngài suốt 30 năm
sống ẩn dật tại làng Nazareth
như sau: “Ngài hằng tùng phục hai ông bà [...] Và cứ tấn tới thêm về khôn
ngoan, vóc dáng và ân sủng trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người ta”(Lc 2,51-52).
Kinh Thánh không nói nhiều về thời thơ ấu của Đức Giêsu, tuy
nhiên, chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để cho chúng ta hiểu được tinh thần của Ngài là
thế nào! Thật vậy, dù là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài vẫn học cho biết thế nào là
sự vâng phục, đau khổ... Thế nên, Ngài luôn sống tình con thảo, sẵn sàng vâng
phục Đức Mẹ và thánh Giuse trong gia đình
Như vậy, ngang qua gia đình Thánh Gia, chúng ta thấy có một sự
thống nhất tuyệt đối từ trên xuống dưới: Thiên Chúa hướng dẫn thánh Giuse,
thánh nhân lại truyền đạt và thi hành cùng với Mẹ Maria và Đức Giêsu.
Tại sao có được điều tốt lành đó?
Thưa! Vì các ngài đã “Thuận Thiên”, nên được Thiên Chúa
phù trợ, đỡ nâng để vượt qua mọi thử thách chông gai.
Mừng lễ Thánh Gia, Giáo Hội mời gọi mọi thành viên trong các gia
đình, biết noi theo gương sáng của Gia Đình Thánh Gia, vì các Ngài là khuôn mẫu tuyệt vời cho cho các bậc cha mẹ
cũng như con cái noi gương.
Với các bậc làm cha mẹ, lời mời gọi sống tinh thần hỗ tương, hài
hòa, sẻ chia, để cho gia đình được trong ấm ngoài êm. Vì thế:
Nếu người
chồng là khiên che thuẫn đỡ gia đình, thì người vợ là mối dây thân ái để liên
kết mọi thành viên gia đình lại thành một mối;
Nếu người
chồng chịu trách nhiệm chính về kinh tế trong vai trò đứng mũi chịu sào, cứng rắn, nghiêm nghị, khuôn phép, rõ ràng... thì sự khéo léo,
khôn ngoan, cởi mở, nhã nhặn, tế nhị và mền mỏng của người vợ sẽ góp
phần làm cho cuộc sống gia đình quân bình, dung hòa và nề nếp hơn;
Nếu người chồng là thuyền trưởng chỉ huy, định hướng con thuyền
gia đình, thì người vợ chính là bánh lái để mọi bánh răng được ăn nhập với nhau
cách nhịp nhàng nhằm dẫn đưa con thuyền gia đình đi đúng hướng và đến đúng bến
bình an.
Ngoài sự hỗ tương trên, cha mẹ còn phải có bổn phận giáo dục con
cái cho nên người, bởi vì con cái chính là gia tài của cha mẹ. Tuy nhiên, việc
giáo dục không chỉ bằng lời, mà còn bằng gương sáng, lòng đạo đức..., nếu
không, các bậc cha mẹ dễ rơi vào tình trạng nói một đàng, làm một nẻo, vì thế,
không lạ gì câu than phiền của những người con khi rơi vào hoàn cảnh bi đát: “Người
trên ở chẳng chính ngôi, làm cho kẻ dưới chúng tôi hỗn hào!” (Ca dao).
Với con cái, Giáo Hội mời gọi thể hiện tình con thảo, yêu mến,
kính trọng và tuân phục cha mẹ, vì cha mẹ là đại diện Thiên Chúa ở trần gian.
Mặt khác, cha mẹ chính là người sinh thành ra mình, không ai tự lỗ nẻ chiu lên.
Hơn nữa, hiếu thảo với cha mẹ vì các ngài đã để lại một gia tài công đức vô cùng quý báu: nào là
công đức sinh thành dưỡng dục, hy sinh, dầm mưa dãi nắng để lo miếng cơm ngon,
bát canh ngọt, manh áo ấm và tiền bạc cho con ăn học.... Quả đúng là: “Công cha như núi Thái sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn
chảy ra” (Ca dao).
Hiếu thảo và vâng phục cha mẹ còn là điều răn của Chúa dạy:
“Thứ bốn thảo kính cha mẹ”.
Vì thế, con cái phải: “Một lòng thờ mẹ
kính cha, cho trọn chữ hiếu mới là Đạo Con” (Ca dao). Khi hiếu thảo với các bậc sinh thành, xét
theo lẽ tự nhiên, cuộc đời của chính
người con được ý nghĩa và giá trị hơn. Còn về khía cạnh siêu nhiên, hiếu thảo
với cha mẹ, sẽ đền bù những lỗi lầm và được hạnh phúc (x.
Đnl 5,16).
Nhân ngày lễ Thánh Gia
hôm nay, Giáo Hội mời gọi mỗi người hãy biết đón nhận thánh ý Chúa và mau mắn
thi hành như thánh Giuse. Biết đón nhận mọi vui buồn, sướng khổ trong cuộc sống
hằng ngày với tâm tình yêu mến như Mẹ Maria, vì: sự công bằng của Thiên Chúa
đòi hỏi phải có tỷ lệ thuận giữa đau khổ và hạnh phúc, giữa nhục nhã và vinh
quang, giữa tự hạ và được nâng lên.
Cuối cùng, hãy tập sống
giây phút hiện tại cho thật tốt và phó thác nơi Thiên Chúa cách tuyệt đối, bởi
vì: “Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ
sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ ban tặng” (x. Rm 8,18). Hơn nữa,
cần hiểu rằng: mọi chuyện xảy đến với chúng ta đều phát xuất từ tình thương của
Thiên Chúa và những sự sắp đặt đó của Người đều dẫn ta đến nguồn ơn cứu độ.
Lạy Thánh Gia Nazareth, xin các Ngài bầu cử
và ban ơn cho các đôi vợ chồng, để họ biết sống trung thành với nhau. Cho cha
mẹ biết ý thức trách nhiệm giáo dục con cái và cho con cái biết vâng phục, yêu
mến cha mẹ.
Xin cho các gia đình thực sự trở nên ngôi
trường đầu tiên để đào tạo những nhân đức, đời sống cầu nguyện và các đức tính
nhân bản cho con cái. Amen.