CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Kinh Thánh làm chứng Chúa Ki-tô phục sinh

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 2:14, 22b-33;  1 Pr 1:17-21;  Lc 24:13-35)

          Trong các Chúa Nhật trước, chúng ta đã nghe và suy niệm về những nhân chứng như bà Ma-ri-a Mác-đa-la, các tông đồ và về sự kiện ngôi mộ trống, tất cả làm chứng Chúa Giê-su sống lại từ kẻ chết.  Hôm nay bài giảng của thánh Phê-rô và lời giải thích của Chúa Giê-su về Kinh Thánh Cựu Ước cho hai môn đệ trên đường Em-mau giúp chúng ta vững tin rằng “Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người”.  Như vậy, niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh còn đặt nền móng trên Kinh Thánh nữa.

          Đối với Phê-rô, giảng lời Kinh Thánh nói về sự sống lại của Chúa chưa đủ, ngài còn quả quyết rằng ngài và các anh em tông đồ đích thân làm chứng nữa.  Còn đối với hai môn đệ trên đường Em-mau, sau khi được mở lòng để hiểu Kinh Thánh và mở mắt để nhận biết Chúa Phục Sinh, họ cũng vội vã đi làm chứng cho Người.  Vậy Kinh Thánh nói gì về Chúa Ki-tô sống lại từ kẻ chết?  Trước hết chúng ta hãy lắng nghe bài giảng của thánh Phê-rô căn cứ vào Cựu Ước để kết luận Chúa Ki-tô đã sống lại.  Thánh Phê-rô trích dẫn Thánh vịnh 16 của vua Đa-vít nói về Chúa Giê-su:  “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ” (Tv 16:10).  Hẳn chúng ta đã biết Chúa Giê-su được gọi là Tôi Trung của Thiên Chúa trong ba bài ca của ngôn sứ I-sai-a.  Căn cứ vào địa vị ngôn sứ của vua Đa-vít và lời Thiên Chúa hứa đặt một người con cháu dòng dõi Đa-vít lên ngai vàng vĩnh cửu, thánh Phê-rô mạnh dạn quả quyết rằng:  chính vị Tôi Trung ấy, chính Vị Thánh ấy, là chính Chúa Giê-su, đã được Thiên Chúa cho sống lại từ kẻ chết.

          Tuy nhiên quan trọng hơn cả lời giải thích Kinh Thánh của Phê-rô, đó là những điều Chúa Giê-su đích thân giải thích về Kinh Thánh cho hai môn đệ đi Em-mau, kèm theo cử chỉ Người “cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ”.  Cuộc trò chuyện trên đường giữa hai môn đệ với Chúa Giê-su mà họ chưa nhận ra Người quả thực là một bài học hỏi Kinh Thánh tuyệt vời!  Đầu tiên là chia sẻ kinh nghiệm cá nhân.  Họ trải lòng nói với “người khách lạ” về nỗi thất vọng vì cái chết của Chúa Giê-su và sự nghi ngờ của họ về tin mừng Người đã sống lại.  Chúa lập tức vào đề, nói thẳng tới nhược điểm của họ:  chậm hiểu và chậm tin vào lời các ngôn sứ!  Bài học Kinh Thánh bắt đầu:  Chúa khởi đi “từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ”, để “giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh”.  Tất nhiên là có quá nhiều điều, nên Chúa chỉ lựa ra “những gì liên quan đến Người”, đặc biệt những gì nói về sự sống lại của Người mà thôi.  Những điều Chúa Giê-su giải thích đã dần dần thấm sâu tâm hồn hai môn đệ.  Bài học Kinh Thánh đã thắp lửa trong các ông, đến nỗi sau đó các ông phải kinh ngạc:  “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”  Có lẽ ở đây chúng ta nên đặt một vài câu hỏi:  Mỗi Thánh lễ, phần Phụng vụ Lời Chúa có thực sự là một bài học Kinh Thánh Chúa dạy tôi, như Người đã dạy hai môn đệ đi Em-mau không?  Lòng tôi có “bừng cháy lên” sau khi được đón nhận Lời Chúa không?  Chúa Giê-su đã nói lên tầm quan trọng của Kinh Thánh để minh chứng Người đã sống lại thật.  Muốn biết, hiểu và yêu mến Chúa Giê-su, chúng ta không thể không dựa vào Kinh Thánh.  Cựu Ước giúp chúng ta đến với Chúa Giê-su.  Tân Ước giúp chúng ta học làm môn đệ Chúa Giê-su.  Tóm lại, “không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Ki-tô” (thánh Giêrônimô).

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Thánh Phê-rô can đảm làm chứng Chúa sống lại.  Ngài còn mời gọi chúng ta hãy để cho đức tin vào Chúa Phục Sinh hướng dẫn đời sống chúng ta.  Nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Ki-tô, chúng ta được gọi Thiên Chúa là “Cha”.  Vậy để không phụ lòng và công ơn của Chúa Ki-tô, “chúng ta hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này”.  Thực ra thánh Phê-rô không dạy chúng ta phải sống trong sự sợ hãi lo lắng, nhưng hãy sống cuộc sống đời này trong tâm tình của người con luôn quý trọng và tạ ơn vì những công nghiệp Chúa Giê-su đã lập cho chúng ta.  Chúng ta tôn kính ân huệ Người làm cho chúng ta và vì sợ đánh mất ân huệ ấy nên phải cố gắng đáp đền.  Đó là ta sống ân sủng Phục Sinh vậy!

 

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm A