CHÚA NHẬT V
PHỤC SINH
Hành Trình Về
Nhà Cha Cùng Với Chúa Phục Sinh
Lắng nghe sứ điệp
Lời Chúa
(Cv 6:1-7; 1 Pr 2:4-9;
Ga 14:1-12)
Cộng
đoàn phục sinh Ki-tô hữu không chỉ là một đoàn chiên quây quần chung quanh Chúa
Giê-su một cách thụ động, nhưng là cộng đoàn cùng với Người di chuyển về điểm tới. Người dẫn chúng ta đến đồng cỏ xanh và suối
mát là nhà Cha, quê hương vĩnh cửu trên trời.
Đó là hành trình của một “giống nòi được tuyển chọn và hàng tư tế vương
giả”. Đó cũng là hành trình tiến đến mục
đích rõ rệt và dưới sự dẫn dắt của vị lãnh đạo là Chúa Giê-su, Đấng đã nhắn nhủ
chúng ta: “Chính Thầy là con đường, là sự
thật và là sự sống”. Đặc biệt, hành
trình ấy đặt nền móng trên mối tương quan giữa chúng ta với Chúa Cha, Chúa Con
và Chúa Thánh Thần, như Chúa Giê-su đã quả quyết: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha
Thầy”.
Trước hết
chúng ta hãy lắng nghe lời kêu gọi của thánh Phê-rô, Đấng kế vị Chúa
Giê-su: “Anh em hãy tiến lại gần Đức
Ki-tô”. Ngài kêu gọi chúng ta “tiến lại
gần” Chúa Giê-su, vì Chúa là vị Mục Tử Nhân Lành. Đúng vậy, chúng ta phải tiến lại gần Chúa để
Người dưỡng nuôi, che chở và dẫn dắt chúng ta.
Không lại gần Chúa, bạn sẽ không nghe được tiếng gọi của Người và sẽ dễ
dàng nghe theo tiếng gọi của thế gian.
Không ở bên Chúa, bạn có thể sẽ bị hại do “ma quỷ, thù địch của anh em,
như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8). Không theo sát Chúa, bạn có thể sẽ đi lạc vào
những chốn hiểm nguy. Thánh Phê-rô cũng
không quên nhắc nhở chúng ta về phẩm giá của chúng ta và những anh chị em đồng
hành. Mọi người không là những kẻ tầm
thường, nhưng là “dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa”. Ngài còn cho chúng ta thấy rõ bản chất cuộc
hành trình của chúng ta: “Thiên Chúa đã
gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền”. Thực đã rõ ràng: khởi điểm hành trình của chúng ta là ra khỏi
miền u tối, và đích tới của hành trình là đến nơi đầy ánh sáng diệu huyền.
Tiếp đến
không chỉ là lời kêu gọi và nhắn nhủ của thánh Phê-rô, mà chính Chúa Giê-su mời
gọi chúng ta. Trong cuộc họp mặt ly biệt,
Chúa Giê-su tâm sự với các tông đồ về hành trình của Người và hành trình của
chúng ta. Chúa nói đến cuộc “ra đi” của
Người để “dọn chỗ” cho chúng ta, tức là đi vào cuộc Thương Khó, cái chết và sự
Phục sinh. Rồi Người nói đến việc Người
trở lại đem chúng ta về với Người và đưa chúng ta cùng đi với Người. Đi đâu?
Đó là câu hỏi của tông đồ Tô-ma và cũng là câu hỏi của mọi người chúng
ta. Chúa Giê-su trả lời: Thì đến với Chúa Cha! Rồi lại thêm thắc mắc của tông đồ
Phi-líp-phê: Xin tỏ cho chúng con thấy
Chúa Cha. Có ngay câu trả lời đây: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha! Thật kinh ngạc, một mặc khải bất ngờ và không
thể nào tin nổi. Chúa Giê-su đúng là
“hình ảnh Thiên Chúa vô hình” (Cl 1:15).
Người đã đến làm người phàm như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, nhờ đó hễ
ai thấy Người là thấy Chúa Cha. Các tông
đồ và những người sống đồng thời với Chúa Giê-su là những người diễm phúc, vì họ
thấy Chúa thấy tận mắt và thấy Chúa Cha.
Nhưng chúng ta ngày nay cũng là những người diễm phúc chứ, vì “phúc cho
ai không thấy mà tin” (Ga 20:20). Ta có
thể thấy Chúa bằng con mắt đức tin, tin Người hiện diện trong Kinh Thánh và nhất
là trong Bí tích Thánh Thể.
Chúng
ta được mời gọi đồng hành với Chúa Giê-su để đi về nhà Cha. Giống như các tông đồ, chúng ta tự hỏi phải
làm thế nào để đồng hành với Chúa? Chúa
Giê-su trả lời: Các con đừng lo, vì Thầy
là con đường, là sự thật và là sự sống!
Sự kế tiếp của ba tư tưởng con đường, sự thật và sự sống rất quan trọng,
vì nó diễn tả cuộc đồng hành với Chúa.
Chúa Giê-su là con đường, để nếu chúng ta có đi trên con đường đó, chúng
ta mới nhận biết được sự thật căn bản là Thiên Chúa yêu thương chúng ta, cuối
cùng mới được chia sẻ sự sống thần linh ở đời này và sự sống vĩnh cửu ở đời
sau. Đi, nhận biết và sống là những hành
vi căn bản của hành trình vậy.
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Một câu
hỏi chắc mỗi người chúng ta cần phải hỏi chính mình: Tôi đang ở đâu trong cuộc hành trình với
Chúa? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta
hãy xem mình có thực sự đi con đường Giê-su, tức là sống theo lối sống của Người
không, có xác tín rằng Chúa yêu thương tôi nên sẵn sàng chịu chết vì tôi hay không, và có sống trong mối
tương quan thân mật với Chúa để được tràn đầy sự sống mới trong Thần Khí của
Người hay không.
Lm. Đa-minh Trần đình Nhi