CHIÊN THIÊN CHÚA
Linh
mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
CHÚA NHẬT II THƯỜNG NIÊN, năm A
Is 49, 3.5-6 I Co 1, 1-3 Ga 1, 29-34
Dân
Do Thái là dân được Thiên Chúa chọn, nhưng họ luôn bất trung và phản nghịch lại
Thiên Chúa. Tội của họ thật đáng chết. Thế nhưng, Thiên Chúa nhân lành, từ bi
thương xót, Ngài không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối
và được sống. Thiên Chúa nhân hậu đã cho dân lấy chiên làm của lễ dâng lên Ngài
để Ngài tha mạng sống cho dân…
Hôm
nay, khi thánh Gioan Tẩy Giả chỉ vào Chúa Giêsu, giới thiệu với các môn đệ và
với mọi người :” Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian “.
Thánh Gioan Tẩy Giả chính thức khai mạc sứ mạng tiền hô của Ngài. Bởi vì để
khai mạc sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã đến với Gioan và xin Ông làm phép rửa
cho Ngài ở dòng sông Giođăng. Thánh Gioan đã cho mọi người thấy Đấng Cứu Thế đã
xuất hiện bằng xương bằng thịt giữa mọi người. Từ ‘ Con Chiên ‘ đối với nhiều
tôn giáo, có một ý nghĩa thiêng liêng vì Con Chiên là con vật hiền lành, dễ
thương, thường được các tôn giáo dùng làm lễ vật hiến tế. Đồng thời, người ta
cho rằng Con Chiên có năng lực hòa giải tội nhân với Thượng Đế. Đối với dân Do
Thái, Con Chiên ngoài ý nghĩa chung như vừa nói, nó còn là lễ vật giao ước,
được sát tế để dâng cho Thiên Chúa, xin Thiên Chúa cứu chuộc dân.Chúng ta hãy
đọc lại Cựu Ước để thấy ý nghĩa ‘ Con Chiên ‘ thật rõ và thật ấn tượng như thế
nào ! Khi Chúa quyết định giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ của Ai Cập,
Ngài đã nói với Ông Môsê :” Truyền cho mỗi gia đình hãy bắt một Con Chiên đực
một tuổi, còn tinh tuyền, không tì vết,sát tế nó để làm của lễ đền tội dâng lên
Thiên Chúa. Ngài truyền nướng Con Chiên đó, máu bôi lên thành cửa, còn thịt thì
gia đình phải ăn hết. Thiên thần đi qua nhà nào thấy máu chiên được bôi trên
cửa làm dấu, ngài không giết con trai đầu lòng. Chính nhờ máu Con Chiên được
bôi lên cửa làm dấu, dân Do Thái được thoát khỏi vòng nô lệ Ai Cập và tất cả
con trai đầu lòng của họ được cứu sống. Do đó, khi thánh Gioan Tẩy Giả nói Chúa
Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ
tội lỗi trần gian, Ngài đã gợi lên trong tâm trí mọi người Do Thái hình ảnh Con
Chiên chịu chết để đền thay tội lỗi cho mọi người.Con Chiên hiền lành, dễ
thương, vô tì tích đã đổ máu ra chuộc tội cho dân Do Thái từ khi họ bị đưa đi
làm nô lệ cho Ai Cập và từ thời Ông Môsê dẫn họ vào Đất Hứa.
Việc
thánh Gioan gọi Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian cho
chúng ta hay Chúa Giêsu chính là Con Chiên vô tội, đáng thương, nhưng phải kê
vai gánh tội trần gian, gánh tội cho con người, cho mỗi người, cho chúng ta để
cứu độ tất cả nhân loại này. Con Chiên
chính là Chúa Giêsu bằng xương bằng thịt mặc dầu vô tội, nhưng Ngài đã chấp
nhận ý Chúa Cha, chịu chết, không một lời than vãn, luôn im lặng như một Con
Chiên hiến tế để cứu chuộc loài người.
Ngày
nay, Chính Chúa Giêsu là Con Chiên vô tội, là Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế vẫn
tiếp tục chịu hiến tế trên bàn thờ hằng ngày để cứu chuộc nhân loại. Nên, mỗi
lần chúng ta tham dự thánh lễ, chúng ta hãy nhớ rằng Chúa Giêsu đang hiến tế vì
tội nhân loại, vì tội chúng ta. Mỗi lần, Chủ tế giơ cao Bánh Thánh và đọc “ Đây
Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.Phúc cho ai được mời tới dự tiệc
Thiên Chúa “. Chúng ta hiểu ngay, Chúa đang chịu chết, đổ máu mình để cứu chuộc
chúng ta.Chúng ta hãy hết lòng cung kính, dọn lòng trong sạch để rước Chúa vào
lòng chúng ta. Nhờ đó, ơn cứu rỗi và phước lành từ Thiên Chúa sẽ đổ tràn vào
lòng chúng ta.Chúa cứu chuộc dân Do Thái nói riêng và cứu độ tất cả nhân loại
nhờ cái chết tự nguyện trên Thập giá của Người.
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho chúng con càng lúc càng hiểu rõ lời của Chúa :” Ai ăn thịt
Tôi và uống máu Tôi, thì Tôi ở trong kẻ ấy, kẻ ấy ở trong Tôi và sẽ được sống
đời đời “ . Lạy Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, xin ban bình an cho chúng con.
Amen.
GỢI Ý
ĐỂ CHIA SẺ :
1.Con
Chiên đối với các tôn giáo có nghĩa gì ?
2.Đối
với dân Do Thái, Con Chiên có nghĩa gì ?
3.Tại
sao lại gọi Chúa Giêsu là Con Chiên Thiên Chúa ?
4.Mỗi
lần rước Chúa chúng ta phải có thái độ nào ?