CHÚA NHẬT 2
THƯỜNG NIÊN
Giới thiệu
con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su
Lắng nghe sứ điệp
Lời Chúa (Is 49:3, 5-6; 1 Cr 1:1-3;
Ga 1:29-34)
Như
chúng ta biết, Phụng vụ Lời Chúa trong mùa Thường niên khai triển các lời giảng
và việc làm của Chúa Giê-su khi Người thi hành sứ vụ. Hôm nay chúng ta có ba lời giới thiệu Chúa
Giê-su. Lời giới thiệu thứ nhất trích
sách ngôn sứ I-sai-a nói đến vai trò làm tôi trung của Ít-ra-en trước mặt Thiên
Chúa và đối với mọi dân nước. Chúa
Giê-su, vị Tôi Trung của Thiên Chúa, đã đi vào lịch sử Ít-ra-en, cái nôi của ơn
cứu độ. Người đã được sai đến trần gian
trong cái nôi ấy để đem ơn cứu độ cho nhân loại. Lời giới thiệu thứ hai là lời chào thăm của
thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô đề cao Chúa Giê-su Ki-tô là nguồn ân sủng
và bình an. Lời giới thiệu thứ ba của
thánh Gio-an Tiền Hô tuy đơn sơ nhưng rất trịnh trọng: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội
trần gian”. Tất cả những lời giới thiệu
trên mời gọi chúng ta hãy lắng nghe giáo huấn của Chúa Giê-su, suy gẫm những việc
Người làm và sẵn sàng làm chứng cho Người. Trước
hết, Ít-ra-en đã được Thiên Chúa tuyển chọn giữa muôn dân với mục đích rõ rệt. Người phán: “Ta sẽ dùng ngươi để biểu lộ vinh
quang”, và “Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến
tận cùng cõi đất”. Nói đến vai trò của
Ít-ra-en, ngôn sứ I-sai-a ám chỉ đó chính là vai trò tương lai của Chúa
Giê-su. Thực vậy, Chúa Giê-su sinh xuống
làm người phàm, được Thiên Chúa “nhào nặn khi còn trong lòng mẹ” để “trở thành
người tôi trung”. Nếu A-đam đã bất trung
với Thiên Chúa, thì giờ đây A-đam Mới là Chúa Giê-su, sẽ tuyệt đối trung thành
với sứ mệnh, “vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phi-líp-phê 2:8).
Các sách Tin Mừng đã cho chúng ta thấy rõ khuôn mặt Vị Tôi Trung của
Thiên Chúa và đức trung tín của Người khi Người thi hành sứ mệnh Chúa Cha trao
phó. Chúa Giê-su đã chu toàn sứ mệnh “biểu
lộ vinh quang Thiên Chúa” qua lời giảng đầy khôn ngoan và những phép lạ nói lên
lòng thương xót của Thiên Chúa. Tuy
nhiên, sứ mệnh của Người không giới hạn chỉ trong Ít-ra-en, vì Người còn được
“đặt làm ánh sáng muôn dân, để đem ơn cứu độ đến tận cùng trái đất”. Khi chết trên thập giá, Chúa Giê-su đã chuộc
tội cho tất cả nhân loại, để “những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền
trở nên con Thiên Chúa” (Gio-an 1:12).
Đó là bước đầu tiên của sứ mệnh đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.
Lời thư
của thánh Phao-lô giới thiệu Chúa Giê-su là Chúa của những người được kêu gọi
làm dân thánh. Là Chúa, Chúa Giê-su có sứ
mệnh “ban cho anh em ân sủng và bình an”.
Ân sủng này là gì nếu không phải là chính ơn cứu độ? Còn bình an là sự hòa giải giữa chúng ta với
Thiên Chúa. Nếu chúng ta tin vào “Chúa”
của chúng ta, thì chúng ta sẽ được Thần Khí của Người ban sức mạnh giúp chúng
ta gọi Thiên Chúa là Cha. Như thế, chúng
ta nhận thấy thánh Gio-an và thánh Phao-lô đồng quan điểm khi diễn tả chúng ta
là con Thiên Chúa!
Sống sứ điệp Lời
Chúa
Chúng
ta có thể lấy lời thánh Gio-an Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giê-su làm kết luận suy
tư về con người và sứ mệnh của Chúa:
“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Trong lễ xá tội của dân Ít-ra-en, con chiên bị
sát tế để máu chiên hòa giải con người với Thiên Chúa. Giờ đây, Chúa Giê-su đóng vai trò làm “Chiên
Thiên Chúa” bị giết trên thập giá, để máu Người đổ ra sẽ chuộc tội cho mọi người. Khi giới thiệu Chúa Giê-su, ban đầu thánh
Gio-an Tẩy Giả thú nhận là không biết về Người.
Nhưng sau khi thấy “Thần Khí tựa chim câu từ trời xuống và ngự trên Chúa
Giê-su”, thì ngài đã nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn, tức Đấng
Mê-si-a. Trong Thánh lễ, lời giới thiệu
của thánh Gio-an hằng nhắc nhớ chúng ta về con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su. Người không chỉ là “Chúa” của muôn vật muôn
loài, nhưng Người còn là Chúa “của chúng ta”.
Trong lịch Phụng vụ, ngoài hai biến cố chính là Giáng Sinh và Phục Sinh,
chúng ta có ba mươi bốn tuần lễ để suy niệm Chúa Giê-su là Đấng nào và Người đã
làm gì cho chúng ta. Với thời gian dài
như vậy trong năm Phụng vụ, với các bài đọc nhằm giúp chúng ta được đào luyện bằng
những lời giảng và chiêm ngưỡng cuộc đời, lối sống cũng như những phép lạ của
Chúa Giê-su, chúng ta có một cơ hội tuyệt vời để học biết Chúa, tăng thêm lòng
yêu mến Người và mở lòng đón nhận ơn cứu độ.
Lm. Đa-minh Trần
đình Nhi