CHÚA NHẬT 12 THƯỜNG
NIÊN, NĂM A
CAN ĐẢM, TRUNG THÀNH
(Gr 20,10-13; Rm 5, 12- 15;
Mt 10,26-33)
Trong giây phút đầu
tiên đăng quang ngôi Giáo Hoàng, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã để lại
lời hiệu triệu và có âm hưởng mạnh trên toàn thế giới, ngài nói: “Đừng sợ, hãy
mở cửa lòng đón Đức Kitô”. Lời mời gọi này được gợi hứng từ chính lời của Đức
Giêsu nói với các môn đệ trong bài Tin Mừng chúng ta vưa nghe: “Vậy anh em đừng sợ người ta […] Anh em đừng
sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn” ( Mt 10, 26. 28 ).
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, vững tâm,
trung thành và tín thác nơi Chúa, đừng sợ hãi trước những gian nan thử
thách. Ngược lại, cần có một đức tin vững
mạnh và sống động, để sẵn sàng đón nhận mọi hiểm nguy và ngay cả cái chết khi
loan báo Tin Mừng Nước Chúa.
Trong toàn bộ Kinh
Thánh, chúng ta thấy có nhắc tới 365 từ ngữ “đừng
sợ”. Như vậy, hàm ý cho thấy rằng: trong một năm với 365 ngày, tương ứng với
365 từ ngữ “đừng sợ”, tức là con người
ngày nào cũng phải đối diện với sự sợ hãi. Vì thế, lời trấn an “đừng sợ” của Đức
Giêsu chính là lời làm cho người môn đệ được an ủi trước những sợ hãi, thử
thách, đau khổ trong cuộc đời.
Trang
Tin Mừng hôm nay, thánh sử Mátthêu trình thuật việc Đức Giêsu tiên báo trước
cho các môn đệ về những đau khổ và hệ lụy xảy đến khi các ông loan báo Tin Mừng: “Anh em đừng sợ những
kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có
thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10, 28).
Đi
thêm một bước nữa, như một lời đảm bảo, Đức Giêsu đã tiên báo cho các môn đệ biết
trước những công khó của các ông sẽ không bị rơi vào quên lãng, ngược lại sẽ được
Thiên Chúa ghi dấu và thưởng công xứng đáng, Ngài nói: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải
không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em
cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10, 29).
Tuy
nhiên, như một điều kiện cần và đủ, đó là: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ
tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt
thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”
(Mt 10, 32-33).
Khi
nói như thế, Đức Giêsu đã vạch ra con đường đầy gian khổ nhưng cũng đầy vinh
quang của các Tông đồ và tất cả những ai tiếp bước trên con đường sứ vụ ấy.
Khi tiếp nhận lệnh
truyền của Đức Giêsu về sứ vụ truyền giáo, Giáo Hội đã xác định rất rõ bản chất
của mình, đó là truyền giáo. Vì vậy, là Kitô hữu, chúng ta không có lý do gì để
khước từ sứ mạng cao quý này.
Tuy nhiên, nếu đã cùng
một sứ vụ với Đức Giêsu, thì chúng ta cũng cùng chung số phận với Thầy của
mình. Nếu Đức Giêsu đã trải qua đau khổ rồi mới tới vinh quang, thì người môn đệ
cũng không có con đường nào khác nếu muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài
trong mọi hoàn cảnh.
Nếu đường của Thầy là
đường của trò. Số phận của Thầy cũng là của trò. Và nếu Đức Giêsu trước kia đi
đến đâu cũng có một số người ủng hộ; một số người dửng dưng; và một số người
quyết giết chết Ngài cho bằng được, thì đến lượt chúng ta, con đường êm xuôi, bằng
phẳng, nhưng lụa, hoa hồng chắn chắn là qua xa lạ. Ngược lại, thử thách, đau khổ,
xỉ nhục, bắt bớ và giết chết lại là điều chắc chắn sẽ đến với những ai đi trên
con đường ấy, bởi vì: “Trò không hơn
thầy, tớ không hơn chủ. Trò được như thầy, tớ được như chủ, đã là khá lắm rồi” (Mt 10,24).
Đứng trước những hệ lụy
đó, để được thành công với sứ vụ, người môn đệ cần có những đặc tính sau:
- Trước tiên là dấn thân:
Nếu vì sợ mà không dám dấn thân thì chưa phải
là môn đệ. Đã là môn đệ thì phải dấn thân, mà dấn thân đồng nghĩa với cái chết.
Người đời thường nói: “Nếu sợ mà không dám
vào hang cọp thì làm sao bắt được cọp con”; hay “ví phỏng đường đời bằng
phẳng cả, anh hùng hào kiệt có
hơn ai” (Nguyễn Bá Học).
Người môn đệ chân chính của Đức Giêsu chính là
phải vượt ra khỏi sự an toàn, bảo đảm cho bản thân, để: “Như chiên đi vào giữa
bầy sói” (Mt 10,16). Nên chúng ta chấp nhận ngay cả
khi bị tổn thương, bắt bớ, tù đầy và cái chết, để miễn sao Tin Mừng được loan
báo.
-
Thứ đến là không sợ hãi
Chúng ta cũng đọc thấy
đây đó những câu chuyện nói về sự gương kiên trì hay vượt khó của các vĩ nhân.
Có những người chấp nhận ngay cả cái chết để bảo vệ quan điểm, lý tưởng và lẽ sống
của mình.
Cũng vậy, người môn đệ
của Thầy Giêsu khi đã chọn Ngài làm chân lý, sự thật, lẽ sống và cùng đích cho
cuộc đời, thì lẽ đương nhiên, chúng ta phải đánh đổi và chấp nhận mọi sự, để bảo
vệ và đạt được mục đích ấy.
Cảm nghiệm về vấn đề này, Giáo Phụ Tertullianô đã viết như sau:
“Những người tin theo
Chúa được mệnh danh là Kitô hữu. Kitô hữu (Christianus) nghĩa là thuộc về Chúa
Kitô, nên họ phải có một tâm tình như Chúa Kitô. Họ không sợ chết. Họ không sợ
hình khổ. Họ không sợ bách hại, tại vì họ đã đi cùng một đường với Chúa. Câu
:”Kẻ muốn theo Ta phải từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo” đã thấm nhập
vào tâm hồn họ, nên mỗi khi phải đau khổ, cũng như bị bách hại, cấm cách, câu
nói ấy lại đến với họ như chính Đấng Kitô hiện hình. Hèn gì mà trên pháp trường họ coi gươm
giáo như hoa hồng, coi lý hình như bạn hữu. Họ chỉ sợ một Thiên Chúa – Đấng sẽ
phán xét họ, nếu họ đi trệch đường”.
- Cuối cùng là biết cậy
trông vào Chúa
Thật là mầu nhiệm! Nếu
bình thường, bản tính con người ai cũng rất sợ đau khổ và chết chóc, thế nhưng
tại sao những môn đệ của Đức Giêsu lại vững tâm, can trường và liều mạng đến
như vậy? Thưa đơn giản, đó là vì các ngài đã “Tín thác đường đời cho Chúa và tin tưởng vào Ngài” bởi vì: “Ơn ta đủ cho con” (2 Cr 12,9); và “ hằng ở với con” (Gr 1,10) “mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 26,20).
Chính bài Tin Mừng hôm
nay, Đức Giêsu cũng nói đến sự an bài quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời của
người môn đệ nếu biết cậy trông, phó thác nơi Chúa, Ngài nói: “Không con
chim sẻ nào rơi xuống đất mà Cha các con không biết đến. Phần các con, tóc trên
đầu các con đã được đếm cả rồi” (Mt 10, 30) .
3. Sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi chúng ta hãy can đảm, dấn thân lên đường thi hành sứ vụ đến với
muôn dân. Hãy đón nhận mọi thử thách gian khổ trong cuộc đời như một điều kiện
cần để đạt được sự sống đời đời. Luôn biết phó thác và cậy trông nơi Chúa, vì
chẳng lẽ chúng ta xin Chúa con cá mà Ngài lại cho con rắn, hay xin bánh lại cho
đá? Không đời nào! Cũng vậy, những lúc nguy biến và khổ đau, Ngài thường vác
chúng ta trên vai; hay trước những thử thách, bất trắc, thất bại trong cuộc đời,
chúng ta luôn nhớ rằng: Chúa đóng của chính thì Ngài sẽ mở ra cho chúng ta cửa
sổ; Chúa đóng đường chính, Ngài sẽ mở đường phụ, và biết đâu, cửa sổ hay đường
phụ lại tốt đẹp hơn và an toàn hơn cho chúng ta???
Tin tưởng điều đó,
chúng ta hãy can đảm làm chứng cho Chúa, nhất là trung thành với sự thật như lời
Ngài đã phán: "Anh em
đừng sợ người ta […]. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa
ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng”
(Mt 10, 26-27).
Như vậy, không thể vì
bất cứ mối lợi gì mà đánh đổi sự thật. Mất đi sự thật, ấy là chúng ta mất đi
căn tính, bởi sự thật thuộc về Thiên Chúa, còn gian dối thuộc về ma quỷ.
Lạy Chúa Giêsu, xin
ban thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con trung thành với sứ vụ và đón nhận
mọi thử thách đau thương trong cuộc đời. Amen.