từ bỎ mình đỂ theo ĐỨc Giêsu

(Mátthêu 10,37-42 – CN XIII TN - A)

 

1.- Ngữ cảnh

Chúng ta đang ở trong Bài diễn từ về Truyền giáo của Tin Mừng Mt (Mt 9,36–11,1). Toàn bài có bố cục như sau:

1) Dẫn nhập (9,36–10,5a):

a) Các yếu tố xác định (9,36-38),

b) Việc trao ban quyền và các tên gọi (10,1-5a);

2) Phần chính (10,5b-42):

a) Nhiệm vụ của các tông đồ (cc. 5b-15),

b) Những khó khăn và cách thức thắng vượt (10,16-42); 

3) Kết (11,1).

         

Riêng phân đoạn 10,16-42 có bố cục như sau:

1) Sự bách hại các tông đồ phải chịu (10,16-39):      

a) Hoàn cảnh tởng quát của các sứ giả (10,16),

b) Loài người sẽ xử tệ với các ông (10,17-23),

c) Số phận chung của môn đệ và thầy (10,24-25),

d) Lý do khiến các ông  không được nao núng (10,26-31),

e) Tương quan của các ông với Đức Giêsu (10,32-39);

2) Việc tiếp đón các tông đồ (10,40-42).

 

 

2.- Bố cục

          Bản văn 10,37-42 có thể chia thành hai phần:

          1) Ưu tiên chọn lựa Đức Giêsu (10,37-39);

          2) Tiếp đón các tông đồ (10,40-42).

 

3.- Vài điểm chú giải

- Ai yêu (37): Đức Giêsu “ghen” trong chiều hướng của lòng ghen của Thiên Chúa, được Cựu Ước nói tới (Đnl 29,20; 32,16;…). Nhưng “yêu” ở đây không phải là động từ agapân (x. 5,43; 19,19; 22,37tt) để chỉ tình yêu đối với Thiên Chúa và đồng loại; đây là động từ philein, thường được Mt dùng theo nghĩa tiêu cực: “gắn bó với”, “đem lòng thương mến”, “thích điều này điều nọ” (x. 6,5; 23,6; 26,48). Tuy nhiên, không phải Đức Giêsu dạy sự bất hiếu, bất kính (x. Lc 2,49; Mc 3,33-35). Ngài chỉ muốn nói rằng đứng trước ý muốn của Thiên Chúa, công việc của Thiên Chúa, bản thân Người, mọi giá trị khác và mọi người khác đều phải xuống hàng thứ yếu.

- không xứng với Thầy (38): Đây là sự xứng đáng hiện sinh. Ai không đoạn tuyệt với những liên hệ thân thương nhất (nếu cần) để đi theo Đức Giêsu, thì đã tự làm cho mình nên bất xứng với Ngài.

- mang lấy thập giá (38): Bước theo Đức Kitô, là theo Ngài trên một con đường đầy đau khổ tàn bạo và công khai (như người tử tội vác thập giá đi giữa hai hàng người thích thú man rợ và đối xử dã man với mình). Vậy phải tiên liệu và chấp nhận sự chống đối dữ dội và hầu như công khai do mình là môn đệ của Đức Kitô.

- một trong những kẻ bé nhỏ (42): Đây là người không có trách nhiệm gì đặc biệt trong cộng đoàn Kitô hữu. Dù chỉ là “môn đệ” chứ không là gì khác, người ấy cũng được đặt ngang hàng với tất cả mọi người. Những người ấy không làm gì ngoài việc “tin” (x. 18,6), cũng đáng được trân trọng và yêu thương đặc biệt.

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Ưu tiên chọn lựa Đức Giêsu (37-39)      

          Phân đoạn 10,32-39 nhắm vào quan hệ với Đức Giêsu. Lời văn có vẻ nghịch lý, nhưng để nói rằng coi trọng Đức Giêsu hơn, duy trì bằng mọi giá sự hiệp nhất với Ngài, là con đường duy nhất để có sự hiệp nhất với Thiên Chúa và được sống. Ở đây vẫn là ý tưởng cần phải chọn giữa Thiên Chúa và loài người, như đã thấy ở 10,26-31. Những nhân vật liên hệ với nhau trong tương quan được mô tả ở 10,32-33, là: Cha trên trời của Đức Giêsu (ở 10,20.29: Cha anh em), Đức Giêsu, cá nhân, loài người. Cá nhân phải tự quyết định, phải chọn lấy sự hiệp thông công khai và được tuyên xưng thẳng thắn với Đức Giêsu để qua Đức Giêsu, đạt được sự hiệp thông với Thiên Chúa. Ngược lại, ai chối Đức Giêsu thì cũng tách khỏi Thiên Chúa. Một hình thái cho thấy là người ta nhìn nhận Đức Giêsu công khai, đó là loan báo không sợ hãi sứ điệp của Ngài (x. 10,27). Ở 10,34-39, tác giả không còn nói rõ ràng đến Thiên Chúa Cha nữa, cũng chẳng nói đến loài người cách tổng quát nữa. Tương quan được giới hạn lại với Đức Giêsu, với các thành viên của một gia đình và với từng cá nhân. Một lần nữa, lại cần phải chọn lựa rõ ràng. Đức Giêsu, sự hiệp nhất với Ngài, phải được coi trọng hơn mọi người, cho dù điều này tạo ra những mâu thuẫn với những thành phần của gia đình mình. Và cuối cùng, phải chọn đi theo Đức Giêsu trên con đường đưa tới thập giá; sự hiệp nhất với Đức Giêsu phải là sự hiệp nhất vớssssi Ngài trong tất cả thực tại của Ngài và phải được coi trọng hơn cả chính mạng sống mình. Chỉ người nào chịu mất mạng vì Đức Giêsu, thì mới tìm được mạng sống (10,39). Điều được nói ở 10,32-39 là lý do quyết định khiến người ta loan báo không sợ hãi, nhưng còn đi xa hơn, nghĩa là nó xác định rằng trong mọi trường hợp, sự hiệp nhất với Đức Giêsu phải được coi trọng hơn mọi sự và mọi người.                              

 

* Tiếp đón các tông đồ (40-42)

          Sang phần này, Đức Giêsu nói về tư cách của các môn đệ. Từ ngữ “anh em” ở c. 40 nhắm tới các môn đệ cũng là tông đồ, lại được diễn giải bằng ba danh từ “ngôn sứ”, “người công chính” và “kẻ bé nhỏ”: các ông giúp hiểu đúng đắn ý Thiên Chúa, các ông cũng chia sẻ đời sống của mọi tín hữu, nhưng các ông chấp nhận đời sống truyền giáo trong nếp sống nghèo khó và khiêm tốn (x. cc. 9-10).    

Tiếp đón các tông đồ được coi như là tiếp đón Đức Giêsu, và tiếp đón Đức Giêsu thì cũng như tiếp đón chính Thiên Chúa (= Đấng đã sai Đức Giêsu). Mười hai tông đồ là những sứ giả của Đức Giêsu (x. apostellein ở 10,5.16), còn Đức Giêsu thì được Thiên Chúa cử đi (x. apostellein ở 10,40; 15,24; 21,37). Nguồn mạch tối hậu của mọi sứ vụ là chính Thiên Chúa, Đấng đồng thời là chủ mùa gặt và Đấng sai phái các thợ gặt (9,36-38). Sự liên kết này giữa các cuộc sai phái là nền tảng cho thấy vì sao có sự tương đương trong việc đón tiếp; và sự tương đương trong đón tiếp lại cho thấy giá trị và tầm quan trọng của hoạt động của các tông đồ của Đức Giêsu. Cả phần thưởng cho việc tiếp đón cũng dựa trên sự liên kết ấy giữa các cuộc sai phái. Ở 10,14t, sự trừng phạt cánh chung dành cho việc không tiếp đón lại chứng tỏ tầm quan trọng của công việc của các tông đồ. Ở 10,41t, ngược lại, phần thưởng cánh chung (x. 5,12: trên trời; 6,1: nơi Cha anh em, Đấng ngự trên trời) dành cho việc tiếp đón cũng có chức năng như thế.

 

+ Kết luận

          Đã gắn bó với Đức Giêsu, thế nào người môn đệ cũng phải đi vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm công khai; và không có một “cuộc dấn thân” nào theo lệnh Đức Kitô, mà lại không  đồng thời là hành vi thâm sâu và riêng tư nhất (mất mạng sống). Người môn đệ sẽ phải chia sẻ thập giá với Đức Giêsu. Nhưng bất cứ người môn đệ nào, dù là người bé nhỏ khiêm tốn nhất, cũng có quyền coi tất cả những gì được nói ở đây là nói cho chính họ: họ được sai đi, và họ được liên kết với số phận của Thầy chí thánh.

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Thật ra bước theo Đức Giêsu không có nghĩa là không yêu thương cha mẹ hoặc con cái mình. Phải nói là trái lại nữa: ai thật sự bước theo Đức Kitô thì đạt được sự tự do mới, một tự do đích thực, khiến người ấy có thể thật sự yêu thương cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, tình yêu này là một tình yêu được “nâng cấp” bởi tình yêu đối với Đức Kitô: ta yêu thương người khác vì Thiên Chúa, trong Thiên Chúa, bằng chính tình yêu của Thiên Chúa. Nhưng để được như thế, người môn đệ phải dứt khoát chọn Đức Kitô. 

2. Chọn lựa làm ki-tô hữu có thể đẩy người ta vào tình trạng ngặt nghèo, có thể gây khó khăn cho những dây liên hệ thân thương nhất. Tuy nhiên, khi đứng trước cái ngưỡng cửa là thử thách lớn lao nhất (tử đạo), người ta không được để cho mình chao đảo bởi lòng thương đối với con cái hoặc cha mẹ mình. Hoàn cảnh có thể là tế nhị và khó khăn, nhưng phải can đảm quyết định; nếu không, người ta có thể phản bội Đức Kitô và phải gánh chịu những hậu quả bi đát (c. 33).

3. Tất cả những ai cộng tác cách nào đó vào hoạt động truyền giáo và ngôn sứ, thậm chí chỉ cho một chén nước lã mà thôi, thì cũng được chia sẻ những mệt nhọc và công trạng của các vị thừa sai. Họi Thánh là một thân thể, nên bất cứ thành viên nào cũng phải chịu trách nhiệm về sự tăng trưởng của toàn thân thể, cho dù chỉ đảm nhận một phận vụ khiêm tốn. Cho dù chỉ giúp đỡ các sứ giả, các ngôn sứ, các tín hữu tầm thường, về mặt vật chất, người ta cũng đang tham dự vào công cuộc loan báo Tin Mừng.

 

Lm. Fx Vũ Phan Long, OFM

 

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm A