CHÚA NHẬT 19 THƯỜNG NIÊN, NĂM A
HÃY VỮNG TIN VÀO CHÚA
(1 V 19,9.11- 13; Rm
9,1- 5; Mt 14,22- 33)
Bài Tin Mừng Chúa Nhật trước, trình thuật việc Đức Giêsu
giảng dạy dân chúng, chữa lành bệnh tật và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi
họ. Sau đó là việc Đức Giêsu biến hình để củng cố lòng tin nơi các môn đệ và
mặc khải cho các ông biết về hành trình theo Chúa thì phải trải qua đau khổ rồi
mới đến vinh quang. Hôm nay, thánh Mátthêu cho biết Đức Giêsu truyền cho các
ông sang bờ bên kia trước, còn Ngài ở lại giải tán dân chúng và sang sau. Đến
rạng sáng thì Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến cùng các môn đệ.
Tại sao Đức Giêsu ở lại và các môn đệ phải đi trước? Sao
không để các ông cùng giải tán và thu dọn…rồi thầy trò cùng xuống thuyền…? Và
sao Đức Giêsu không đến, hiện diện ở trên thuyền ngay mà lại phải đi trên mặt
nước…?
1.
Ý nghĩa bài Tin Mừng
Thưa, vì quá thương xót dân chúng, nên Đức Giêsu đã tìm mọi
cách để giúp dân được thỏa mãn cơn đói thể xác và chữa lành sự đau đớn thể lý
cho những ai đang mang trên mình bệnh tật, đui hủi, què quặt…, đồng thời ban
cho họ lương thực thần thiêng chính là những lời giáo huấn.
Vì thấy, Đức Giêsu là một người: “văn võ song toàn”, từ trước đến giờ chưa có trong lịch sử, họ
không hiểu được vai trò của Đức Giêsu trong chương trình cứu chuộc mà Thiên
Chúa Cha muốn. Vì thế, dân chúng có ý định tôn Ngài lên làm vua.
Việc họ muốn đây không có gì khác ngoài động lực thực dụng. Họ
thấy Đức Giêsu đem lại cho họ cuộc sống ấm no, làm được những chuyện phi
thường, và hy vọng giúp họ thống lãnh các miền phụ cận. Đây chính là động lực
duy nhất của dân khi muốn tôn Ngài làm đế vương.
Họ nghĩ rằng điều họ muốn sẽ được Đức Giêsu chấp thuận. Tuy
nhiên, dân chúng đâu có biết rằng lối suy nghĩ của họ đã bị sai lầm, vì sứ mạng
Thiên Sai của Đức Giêsu không phải vậy. Sứ mạng của Ngài đến để cứu và chuộc
những gì đã mất bằng chính cái chết chứ không phải quyền lực theo kiểu binh
đao, cho nên, mọi hành vi, lời nói của Ngài phải hiểu trong vai trò là người
Tôi Trung của Giavê.
Cảm và thấy được trước những điều mà dân chúng muốn nơi mình,
nên Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ sang bờ bên kia trước. Phần vì muốn các
ông nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc, phần vì muốn các ông không bị cuốn theo
lối suy nghĩ của dân chúng mà sai đường trật lối trong chương trình cứu độ mà
Đức Giêsu muốn các ông tiếp bước.
Khi được lệnh, các ông vâng lời và trèo thuyền để sang bờ bên
kia. Tuy nhiên, hành trình của các ông lần này không được suôn sẻ lắm.
Khi thuyền đã ra giữa biển thì bị sóng đánh chập
chờn vì ngược gió. Các ông đang phải vật lộn với hiểm nguy. Gần sáng, Đức Giêsu đi trên mặt biển để đến với các môn đệ.
Nhưng khi vừa thấy Ngài, các ông tưởng là ma nên kêu la: "Ma kìa!".
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã trấn an các ông: "Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!".
Thật
ra thì các môn đệ cũng là những người trần mắt thịt như chúng ta thôi. Các ngài
cũng đâu thoát ra được cảnh yếu đuối mặc dù đã từng được Thầy của mình dạy dỗ,
căn dặn và củng cố đức tin. Vì thế, không lạ gì khi khó khăn xảy đến, họ đâu
còn nhớ gì đến quyền năng của Thầy, nên đâu có thể tin được là Thầy đang đi
trước dẫn đường cho mình! Điều này chúng ta thấy rất rõ khi được Đức Giêsu trấn an, Phêrô đã thử Đức Giêsu bằng
cách xin với Ngài: "Lạy Thầy, nếu
quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy".
Nhưng khi vừa được đến với Đức Giêsu để đi trên
mặt biển, thì đức tin của ông đã bị thử thách, và ông đã không còn tin vào
quyền năng của Thầy mình tuyệt đối nữa, vì vậy ông đã bị nhấn chìm dưới nước.
Lý do tại vì ông và ngay cả các môn đệ khác không có đủ nhạy
bén để nhận ra và tin vào Chúa, bởi vì lòng các ông còn nặng trĩu những “tham, sân, si” không kém gì dân chúng.
Đó là ý nghĩa nội dung bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Nhưng
điều mà chúng ta cùng nhau suy nghĩ, khám phá ra sứ điệp của Lời
Chúa và đem ra thực hành mới là quan trọng.
1.
Hiểu
và sống Sứ Điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta 5 điều:
Thứ nhất, cuộc sống trên trần gian của chúng ta chỉ là tạm
bợ, vì thế, trước tiên hãy tìm kiếm Nước Trời, còn mọi sự khác Chúa sẽ lo cho
sau. Sẵn sàng khước từ hết tất cả những gì đi ngược lại với ơn cứu độ và khẳng
khái từ bỏ những điều bất chính, quyền hành, nếu những điều đó không có ích lợi
cho phần rỗi của chúng ta và niềm hy vọng của tha nhân. Cần can đảm vứt bỏ
những rào cản làm chậm trễ hành trình thi hành sứ vụ của chúng ta trong cuộc
sống đức tin. Noi gương Đức Giêsu, khi dân chúng tìm cách tôn mình lên làm vua,
Ngài đã từ bỏ vì đó không phải là con đường cứu độ mà Chúa Cha muốn.
Thứ hai, khi thấy những nguy hiểm đến phần rỗi của anh chị
em, chúng ta phải khôn khéo để giúp cho anh chị em mình thoát ra khỏi những cạm
bẫy đang rình chờ. Biện pháp này đã được Đức Giêsu sử dụng khi nhìn thấy viễn
cảnh không tốt cho các môn đệ khi các ông phải chứng kiến cảnh dân chúng tôn
mình lên làm vua.
Tiếp theo, phải tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì Chúa
đã nói: "Hãy yên tâm.
Thầy đây, đừng sợ!". Tin Chúa lúc vui cũng như lúc buồn, lúc
thành công cũng như khi thất bại. Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, chỉ có
điều chúng ta không nhận ra hay cố tình lãng quên Ngài mà thôi.
Bên
cạnh đó, hãy noi gương Đức Giêsu trong
việc phục vụ. Càng làm lớn, càng phải phục vụ. Hình ảnh Đức Giêsu ở lại giải tán đám đông cho thấy: Ngài sẵn sàng phục vụ
mọi người, trong khi công việc này lẽ ra phải là của các môn đệ.
Cuối
cùng, Đức Giêsu nêu gương trong việc kết
hợp giữa hoạt động và chiêm niệm. Nếu chỉ có hoạt động thì sẽ có nguy cơ xảy ra
tình trạng “ngôn hành bất tất” và
hiệu quả của công việc không cao, mặt khác rất dễ rơi vào tình trạng kiêu ngạo
tự phụ và khoe khoang. Khi cầu nguyện, ta biết tìm ra thánh ý Chúa và chỉ thực
hành điều Chúa muốn mà thôi. Khi cầu nguyện, ta biết mình yếu đuối và cần đến
ơn Chúa.
Lạy
Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết sống
khiêm tốn, quên mình để phục vụ anh chị em. Amen.
LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI, NĂM A
MẸ LÊN
TRỜI LÀ NIỀM VINH HẠNH CHO MỌI TÍN HỮU
(Kh 11,
19; 12, 1-6.10; 1Cr 15, 20-27; Lc 1, 39-56)
Hôm nay toàn thể Giáo Hội hân hoan, long trọng mừng lễ Đức Mẹ Hồn
Xác Lên Trời. Đây là một trong những lễ quan trọng về Mẹ Maria.
Lễ này được chính thức
bắt đầu mừng kính cách công khai rộng rãi trên toàn thể Giáo Hội qua tín điều Đức
Maria hồn xác lên trời vào ngày 1-11-1950 của Đức Thánh Cha Piô XII. Điểm chính
yếu trong Tín điều nêu rõ: "Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đức Maria Vô nhiễm trọn
đời đồng trinh, sau khi đã đi trọn cuộc đời trần thế, được triệu vời cả hồn lẫn
xác trong vinh quang thiên quốc”.
Giờ đây, một lần nữa,
chúng ta cùng nhau đào sâu về ý nghĩa này cách đặc biệt, để thêm niềm xác tín,
yêu mến và nhất là qua thánh lễ này, mỗi người hãy ái mộ những sự trên trời.
1. Kinh Thánh tiên trưng
về biến cố đặc biệt này
Sự kiện Đức Maria về
trời là một điều vĩ đại. Biến cố này cho thấy Thiên Chúa đã ân thưởng Mẹ cách
trọn vẹn trong vinh quang Thiên Quốc. Nó đánh dấu một bước ngoạt mới trong công
trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
Khi cất nhắc cả hồn
xác Mẹ về trời trong vinh quang, Thiên Chúa muốn đề cao vai trò của mẹ như là
ưu phẩm có một không hai trong thế giới loài người. Cũng từ đó, khơi gợi lên
lòng kính yêu của con cái trần gian về Mẹ mình như một kiệt tác tuyệt vời trong
chương trình và kế hoạch của Thiên Chúa.
Chính vì lẽ đó, Kinh
Thánh đã nhiều lần tiên trưng về biến cố vĩ đại này:
Trong sách Sáng Thế, ngay sau khi Evà phạm tội bất tuân Thiên
Chúa, Thiên Chúa đã hứa ban Đấng Cứu Thế được sinh ra bởi Người Nữ Đầy Ơn Phúc
(x. St 3, 15). Lời xác tín này được lập lại khi sứ thần Gabriel đến truyền tin
và kính chào Mẹ bằng ngôn từ hết sức kính trọng và suy tôn: kính chào Bà đầy ơn phúc (x. Lc 1, 28).
Rõ nét hơn cả, đó là sách Khải Huyền, thánh Gioan viết: “Còn Người
Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc, tại đó Thiên Chúa đã dọn sẵn cho Bà một chỗ ... Bà
được ban cho đôi cánh Đại Bàng, để bay vào sa mạc, lên Ngai của Ngài... Bà đã
tiến vào sa mạc, ở đó đã sẵn một chỗ Thiên Chúa dọn sẵn cho bà” (x. Kh 12,
5-14).
Trên đây là một số hình ảnh minh họa về Mẹ Maria như là một Đấng
Đầy Ơn Phúc đã được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt.
Còn trong truyền thống Giáo Hội, các thánh đã ca ngợi Mẹ và rất
vui mừng, hãnh diện khi Thiên Chúa trọng thưởng Mẹ một cách đặc biệt.
2. Các Giáo Phụ nói về
biến cố trọng đại này
Nơi các thánh Giáo Phụ, việc tin nhận Mẹ Maria vinh quang trên
trời cả hồn lẫn xác được các ngài tuyên tín như là một điều đương nhiên, bởi
vì: “Mẹ đồng trinh vẹn tuyền. Mẹ đã cưu mang Con Thiên Chúa chí thánh bởi phép
Đức Chúa Thánh Thần, nên thân xác Mẹ không thể bị hư nát như hậu quả của cái chết
thân xác mang tội Tổ Tông và tội riêng”.
Thánh Gioan Đamscênô thì quả quyết: “Người đã gìn giữ nguyên vẹn
được sự Đồng Trinh sau khi sinh thì nhất định giữ được sự nguyên vẹn Thân Xác
sau khi chết. Người đã cưu mang trong lòng Đấng Tạo Hóa, Con mình, thì cũng phải
ở bên tòa Con Mẹ. Thiên Chúa Cha đã đính hôn Mẹ là Hiền Thê thì nhất định phải
được ở phòng loan trên Trời. Mẹ ngắm nhìn Con Mẹ sinh ra và trên Thánh Giá, thì
phải được chiêm ngắm Con Mẹ trên Trời”.
Còn thánh Giêmanô Constantinô thì nói: “Nếu thân xác Đức Trinh Nữ
Maria, Mẹ Thiên Chúa, không bị hư hoại và được đưa về Trời, thì điều đó không
những xứng hợp với thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa, mà còn xứng hợp với thân xác đồng
trinh rất thánh của Mẹ nữa... Theo Kinh Thánh, Mẹ kiều diễm; thân xác đồng
trinh của Mẹ hoàn toàn thánh thiện, hoàn toàn thanh khiết và đích thật là nơi
Thiên Chúa ngự trị. Cũng vì thế, thân xác ấy không thể tan thành bụi đất”.
Với thánh Germanô thì cảm nghiệm sâu xa khi tuyên tín: “Thân xác
Mẹ diễm phúc chí thánh trong trắng đến nỗi không thể trở về bụi đất được nữa”.
Ngoài ra, việc Mẹ Maria được rước lên trời cả hồn lẫn xác, chúng
ta cũng nhận thấy đây là điều hiển nhiên, vì Mẹ đã cùng chịu đâu khổ với Đức
Giêsu con của Mẹ, thì không có lý do gì Mẹ lại không được vinh quang với con của
Mẹ trên Thiên Quốc, và thân xác của Mẹ không thể bị hủy hoại khi chính thân xác
này đã cưu mang và sinh hạ cũng như nuôi dưỡng Đấng Hằng Sống.
Vì thế, chúng ta không lạ gì khi thánh Tôma Aquinô lý luận rằng:
“Yêu ai là muốn sự lành cho kẻ ấy”. Thiên Chúa yêu thương Đức Mẹ hơn mọi tạo vật,
không lẽ Ngài từ chối việc Mông Triệu đáng công thưởng cho kẻ Ngài yêu sao?”
(Thomas III, 17, 2).
Với tất cả những lý chứng trên, chúng ta có thể quả quyết rằng:
“Với tư cách là Mẹ Thiên Chúa, là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, là hoa quả tốt nhất
của Ơn Cứu Độ, là thành quả vĩ đại nhất của Ơn Thánh, là kì công tuyệt vời của
Thiên Chúa, hẳn Mẹ phải xứng đáng được hưởng ơn hồn xác lên trời.
3. Mẹ lên trời, niềm
hy vọng của chúng ta
Mỗi khi mừng lễ Mẹ Maria hồn xác lên trời, Giáo Hội tuyên xưng
tình thương của Thiên Chúa trên cuộc đời của Đức Mẹ và giúp cho người tín hữu
thêm xác tín vào niềm hy vọng phục sinh của mỗi người. Đồng thời, mời gọi con
cái của mình hãy hướng về Mẹ Maria như là mẫu gương sáng ngời, ngõ hầu noi
gương các nhân đức của Mẹ, để sau cuộc đời này cũng được phục sinh vinh hiển.
Sứ điệp của ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời hôm nay mời gọi chúng ta hãy
yêu mến Thiên Chúa tha thiết, trung thành tuân giữ những điều Chúa truyền dạy
trong việc suy niệm, yêu mến và thực hành như Mẹ để đáng được trở thành người
có phúc.
Bên cạnh đó, Lời Chúa hôm nay gợi lại cho chúng ta tâm tình cần
phải có, đó là lời tạ ơn. Tạ Ơn thiên Chúa như Mẹ Maria. Mẹ đã coi mình là người
không xứng đáng. Nhưng được Thiên Chúa yêu thương cách đặc biệt, nên Mẹ đã cất
cao lời tạ ơn Chúa vì người đã đoái thương đến phận hèn mọn. Đến lượt chúng ta,
mỗi người cũng hãy tạ ơn Chúa như Mẹ khi xưa, vì biết bao ơn lành Người đã ban
xuống trên cuộc đời chúng ta, mặc dù không xứng đáng.
Bên cạnh đó, chúng ta hãy biết chạy đến với Mẹ Maria với niềm
tin tưởng sẽ được Mẹ ra sức phù trì bênh đỡ và chuyển cầu cho chúng ta như xưa
Mẹ đã cứu giúp gia chủ trong tiệc cưới tại Canan.
Thiết nghĩ, nhờ gương sáng của Mẹ Maria trong việc sống đức tin,
cậy, mến... sẽ là điểm cuốn hút đời sống nội tâm mỗi người, để mai ngày, chúng
ta cũng được chung hưởng phúc vinh quang trên Nước Trời.
Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho
chúng con người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ,
sống trung thành với Lời Chúa dạy, để sau cuộc đời tại thế này, chúng con được
về vui sống bên Mẹ trong vinh quang của Thiên Chúa. Amen.