CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN, NĂM A
HÃY XÂY DỰNG GIÁO HỘI BẰNG NHỮNG VIÊN ĐÁ SỐNG ĐỘNG
(Is 22, 19- 23; Rm
11,33- 36; Mt 16,13- 23)
“Giáo Hội là mầu nhiệm”;“Giáo Hội là dân Thiên Chúa”. Những khái niệm trên
cho thấy Giáo Hội vừa mang tính hữu hình vừa mang tính vô hình. Hữu hình: Giáo
Hội là một tổ chức như mọi tổ chức trần gian. Có người lãnh đạo và có những cộng
sự khác. Vô hình: vì có Thiên Chúa Ba Ngôi là chủ. Mọi thành phần trong Giáo Hội
đều có sự liên đới với nhau, ta gọi đó là: “Mầu
nhiệm hiệp thông”.
Như vậy, khi thiết lập
Giáo Hội, Đức Giêsu muốn thông qua tổ chức hữu hình để Ngài ban ân sủng siêu
nhiên nhằm cứu độ con người. Thế nên, trước khi về trời, Đức Giêsu muốn Giáo Hội
tiếp tục công trình cứu độ của Ngài cho đến tận thế. Vì lẽ đó, Đức Giêsu đã đặt
Phêrô là người thay mặt Ngài ở trần gian để điều hành Giáo Hội. Tuy nhiên, việc
trao ban quyền lãnh đạo cho Phêrô, Đức Giêsu muốn Phêrô phải tuyên xưng và xác
tín niềm tin của ông nơi Ngài trước khi nhận lãnh sứ vụ. Đồng thời phải có tâm
tình khiêm tốn, chân thành của kẻ bé mọn trong việc xây dựng Nước Trời trên trần
gian.
1. Phêrô tuyên xưng đức tin
"Người ta bảo Con Người là ai?" (Mt 16, 13).
Tại sao Đức Giêsu lại
hỏi các môn đệ như vậy? Câu hỏi này của Đức Giêsu có ý gì?
Thưa vì những lý do
sau:
Thứ nhất, Đức Giêsu và các môn
đệ đang ở vùng Cêsarêa Philipphê. Đây là vùng đất của dân ngoại. Địa danh này
còn được biết đến là một trung tâm thờ thần Baan. Nơi đây cũng có thể là nơi “chôn rau cắt rốn” của thần Hylạp có tên
là Panias: thần thiên nhiên.
Dân chúng ở đây, trong
tâm thức của họ, Đức Giêsu chỉ là một nhân vật vĩ đại và thuần túy, hay chỉ là
người tiếp nối quá khứ truyền thống của các tiên tri thời Cựu Ước mà thôi. Sẵn
có lối suy nghĩ như vậy, nên họ không hiểu rõ sứ vụ Thiên Sai của Đức Giêsu! Vì
thế, không lạ gì khi được hỏi về dư luận trong dân chúng về mình, các môn đệ đã
thông tri cho Đức Giêsu biết: "Kẻ
thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông
Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ" (Mt 16, 14). Khi nghe thấy như
thế, Đức Giêsu không thỏa mãn với câu trả lời đó. Mặt khác, nhân đây, Ngài muốn
mặc khải cho các ông về con người và vai trò Thiên Sai của mình. Vì thế, Ngài
đã hỏi trực tiếp các môn đệ: "Còn
anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Simon Phêrô thưa: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống" (Mt 16, 15-16).
Khi Phêrô tuyên xưng
điều đó, có lẽ ông cũng không hiểu hết, bởi vì mầu nhiệm này quá sức của ông và
các môn đệ khác.
Quả thật, “Đấng Kitô” mà Đức Giêsu muốn các môn
sinh của mình hiểu ở đây không chỉ đơn thuần theo nghĩa là Đấng được Thiên Chúa
sinh ra, mà còn là người hành động như Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa.
Còn “Con Thiên Chúa hằng sống”, tức
Ngài là Đấng tự hữu và tự tồn tại, vì thế “Ngài
ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.
Thứ hai, đây là dịp để
Đức Giêsu trắc nghiệm niềm tin của các ông vào mình, bởi lẽ không thể trao phó
một trách nhiệm quan trọng mang tính trường tồn cho một kẻ kém tin, kiêu ngạo,
tự phụ và không hiểu biết gì về mình.
2. Phêrô đón nhận sứ vụ
Ngay sau khi Phêrô
tuyên xưng đức tin, Ðức Giêsu nói với ông: "Này
anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc
khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời” (Mt 16,
17). Qua câu nói đó của Đức
Giêsu, và lúc khác kết hợp với lời tạ ơn của chính Ngài: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu
không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho
những người bé mọn” (Mt 11, 25),
cho chúng ta thấy rất rõ rằng: sứ vụ mà Phêrô sắp được lãnh nhận ở đây không phải
là của người khôn ngoan, trí thức, quyền quý, theo kiểu người đời vẫn hiểu, mà
là dành cho những người bé mọn theo ý Chúa. Lời tuyên tín của Thánh Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”
không thuộc phạm trù “sự hiểu biết thuộc
về con người”, nhưng thuộc về “thế giới
siêu nghiệm”,và vì thế, để hiểu được tất cả ý nhĩa của lời tuyên tín trên
thì cần phải được mặc khải từ Thiên Chúa, và người đón nhận phải đơn sơ, chân
thành.
Thật
vậy, sứ vụ mà Phêrô sắp lãnh nhận là trở thành chủ chăn, là người lãnh đạo,
nhưng khi thi hành thì phải mang trong mình tâm tình khiêm nhường và phục vụ chứ
không được dùng quyền để đàn áp, thống lãnh và ăn trên ngồi trước như người đời...
Biết can đảm, trung thành trước mọi thử thách và cuối cùng là biết phó thác nơi
Thiên Chúa như những người bé mọn.
Vì
thế, khi Phêrô tuyên xưng niềm tin, ngay lập tức, Ngài đã đổi tên của ông là
Simon thành Phêrô và giải thích là “Đá Tảng”.
Nhắc đến đá, ta nhớ ngay những đặc tính của nó như: cứng; bền; chắc. Và khi Đức
Giêsu ví Giáo Hội được xây trên nền đá, Ngài cũng muốn nhấn mạnh đến những đặc
tính siêu nhiên.
Cứng: nói lên sức mạnh của Giáo Hội.
Bền: nói lên sự trường tồn của Giáo Hội.
Chắc: nói lên sự vững mạnh của Giáo Hội.
Khi
đổi tên như thế, Ngài đã biến ông từ một kẻ nhát đảm, kém tin, bồng bột trở
thành biểu tượng của sức mạnh, trường tồn và bền vững: “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần
sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18). Không
những thế, Đức Giêsu còn trao cho Phêrô quyền tuyệt đối khi nói: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời:
dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất,
anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy" (Mt 16, 19).
3. Sứ điệp Lời Chúa
Khi Giáo Hội được Đức
Giêsu xây trên nền đá vững chắc ấy. Cộng đoàn những người tuyên xưng cùng một
lòng tin mà Phêrô vừa tuyên xưng thì được ví như một tòa nhà do chính Đức Giêsu
xây dựng trên “tảng đá” Phêrô. Mỗi
chúng ta cũng được ví: “... như những
viên đá sống động mà xây nên ngôi Ðền Thờ thiêng liêng” ấy (x.
1Pr 2,5). Khi nói đến viên đá sống động, hẳn chúng ta không thể hiểu theo
ngôn ngữ chết, mà phải hiểu trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em
chúng ta.
Câu hỏi của Đức Giêsu
với các môn đệ: "Người ta bảo Con
Người là ai?" cũng là câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta. Bổn phận của
chúng ta là phải trả lời cho được câu hỏi đó. Nếu trả lời như Phêrô khi xưa: "Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống". Thì hẳn chúng ta phải biểu lộ niềm tin của mình vào Đấng đã cứu
chuộc mình cách đúng nghĩa.
Thật vậy, muốn thuộc về Đức Giêsu, chúng ta phải đi lại con đường thập giá
của Ngài đã đi và sống nguyên lý của mầu nhiệm tự hủy, khiêm tốn, can đảm,
trung thành và phó thác.
Nếu không, đức tin của chúng ta chỉ là thứ đức tin “ấu trĩ” được mua bằng một “giá rẻ”. Nếu quả là vậy, thì mãi mãi
vẫn chỉ là một đức tin “nghèo nàn” và
thiếu đi “cốt lõi” của niềm tin.
Thánh Giacôbê Tông đồ đã nói:
“Đức tin không có hành động thì quả là
đức tin chết” (Gc 2, 17), và thánh Gioan đã quả quyết:“Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa:
đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người [...]. Ai nói rằng mình ở lại
trong Người, thì phải đi trên con đường Ðức Giêsu đã đi” (1,Ga 2,3-6).
Như vậy, tin Đức Giêsu thì
cũng hành động như Ngài và tuân theo lời dạy yêu thương của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em” (Ga 13, 34), và như thế, niềm tin của chúng ta sẽ được lan
truyền sang cho mọi người như lời Đức Giêsu đã nói: “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh
em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13, 17).
Lạy Chúa Giêsu, xin
ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con ngày càng theo sát Chúa trên con
đường thập giá là con đường “độc đạo” con “đường thật” dẫn đến “sự
sống”. Xin cũng ban cho chúng con luôn yêu mến, vâng phục đấng thay mặt Chúa,
kế vị các tông đồ và sẵn sàng dấn thân xây dựng Giáo Hội của Chúa trên trần
gian. Amen.